Tình yêu với ngành Đông Phương học của Lê Nguyễn Hải Vân bắt đầu từ năm học lớp 9 và tình yêu ấy cũng giản dị như chính con người Hải Vân vậy. Bạn tâm sự, sau khi đọc được cuốn sách “Tôi chọn nghề”, ấn tượng trong Hải Vân chỉ có 3 chữ Đông phương học.
Rời thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, xa gia đình, bạn bè, Hải Vân ra Hà Nội để theo đuổi ước mơ của mình. Ấn Độ học là ngành học khó, có rất ít tài liệu bằng tiếng Việt nhưng Hải Vân đã đạt số điểm tuyệt đối 10/10 cho khoá luận tốt nghiệp của mình, trở thành một trong ba thủ khoa tốt nghiệp của Khoa Đông phương học năm nay với tổng điểm 3,67. Bạn cũng xuất sắc giành học bổng trao đổi sinh viên tại Đại học Quốc gia Singapore.
Có được kết quả học tập tốt như thế là nhờ Hải Vân đã tự mình đặt ra mục tiêu và có phương pháp học tập hợp lí. “Tớ phản đối việc học mà không đi chơi, theo tớ, muốn học tốt thì trước tiên phải tạo cho mình tâm lí thật thoải mái, tiếp đó khi đã ngồi vào bàn học thì phải thật tập trung”, Vân tâm sự. Kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học (NCKH), niên luận, tiểu luận của Lê Nguyễn Hải Vân dành cho các bạn sinh viên đó là: Khi làm bài phải tìm tài liệu, dịch tài liệu rồi sau đó mới sắp xếp bài viết sao cho hợp lí, như thế sẽ chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức và cũng nhớ bài lâu hơn. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Hải Vân tự thấy mình là người khá ham chơi tuy nhiên bạn lại dồn tất cả nỗ lực vào phút cuối.
Khi được hỏi: “Nếu dùng một từ để miêu tả về bản thân bạn sẽ nói gì?”, Hải Vân cười và nói: “May mắn. Tớ thấy mình thực sự may mắn về mọi mặt. Tớ có một gia đình êm ấm, rộn rã tiếng cười, bố mẹ cũng ủng hộ mọi quyết định của tớ. Tớ không có nhiều bạn nhưng tất cả đều là bạn thân của tớ, dù không gặp nhau 1 năm, 2 năm nhưng khi gặp lại dường như chưa hề có sự xa cách nào về địa lí vậy”.
Bốn tháng học tập trao đổi tại Đại học Quốc gia Singapore là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong suốt 4 năm đại học của cô bạn này. Tại đất nước Nhân Sư, các du học sinh buộc phải tham gia các hoạt động tình nguyện để viết một bản báo cáo kèm hình ảnh, và Hải Vân không phải là ngoại lệ. Hải Vân tâm sự bạn cũng từng tham gia nhiều chương trình phối hợp giữa Khoa Đông Phương học và Đại sứ quán các nước, cũng như tham gia dịch phim, chiếu phim cho sinh viên trong trường khi còn học năm thứ nhất, thứ hai. Hải Vân thấy rất vui vì được quay lại với những hoạt động phong trào đầy ý nghĩa đó vào kì học cuối cùng của quãng đời sinh viên. Cái “được” lớn nhất đối với Hải Vân là bạn đã làm quen được với nhiều người bạn nước ngoài và học hỏi thêm được nhiều kĩ năng cho bản thân mình.
Khi kể về quá trình tham gia NCKH và làm khoá luận tốt nghiệp (KLTN), Hải Vân cho biết: “Khó khăn lớn nhất là không có nhiều tài liệu cho ngành học này, tớ đã nhân cơ hội học kì trao đổi tại Singapore đã tranh thủ tìm thêm tài liệu bằng tiếng Anh cho KLTN của mình”. Kết quả là với 80 đầu tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh, cùng vốn kiến thức của mình, Hải Vân đã khiến cả hội đồng chấm KLTN hôm đó ngỡ ngàng.
Thần tượng của Hải Vân không ai khác chính là bố mẹ – những người có ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách và những quyết định của Hải Vân. Cô bạn hiện đang làm hồ sơ xin học bổng học Thạc sĩ tại Ấn Độ và ước mơ sau khi học xong sẽ trở thành giảng viên giống như bố mẹ mình. Trong cuộc sống, hình mẫu Hải Vân hướng tới là một người phụ nữ vừa năng động, sáng tạo trong công việc vừa đảm đang và chu toàn việc gia đình.