Tin tức

Ngày xuân đọc "Paris hai mùa thu gặp lại" của GS. Hà Minh Đức

Chủ nhật - 01/03/2015 23:37
“Paris hai mùa thu gặp lại” là tập bút kí thứ 8 của giáo sư - nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức. Tập sách mỏng chỉ chưa đầy 150 trang, nhưng nếu ai biết tác giả của nó năm nay đã bước sang tuổi 80, và chỉ riêng trong năm 2014, đây là tập sách thứ ba của ông, hẳn sẽ không tránh khỏi ngỡ ngàng. Bằng cách nào, và với niềm đam mê nào để một người suốt một đời cầm bút, vốn đã thừa thãi sự nổi tiếng, đến thời điểm lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vẫn miệt mài “đánh vật” với những con chữ….?
Ngày xuân đọc
Ngày xuân đọc "Paris hai mùa thu gặp lại" của GS. Hà Minh Đức

Bản thân tôi một học trò của ông thì chỉ có thể nghĩ đơn giản rằng, có lẽ con người đặc biệt này do đã quá quen với một thứ công việc duy nhất: lao động trên “cánh đồng chữ nghĩa”, quen đến mức không thể dứt ra nổi, “viết lách” đã gần như ngấm vào máu thịt ông, nên bây giờ ông không còn niềm vui nào lớn hơn ngoài “chơi” với những con chữ. Có thể với một ai đó cũng từng làm công việc giống ông, đến lúc tuổi già chỉ coi viết lách như một thứ giải trí nhẹ nhàng, thì Hà Minh Đức vẫn cứ bám riết lấy “cánh đồng chữ nghĩa”. Viết, đối với ông là một lẽ sống. Có lẽ vì vậy mà suốt thời gian qua mặc dù đã được nghỉ ngơi, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức vẫn lặng lẽ, âm thầm cho ra đời những cuốn sách mới của mình. “Paris hai mùa thu gặp lại” là một cuốn sách như thế.

Cuốn sách "Paris hai mùa thu gặp lại" của GS. Hà Minh Đức

“Paris hai mùa thu gặp lại” đúng ra tập hợp những bài viết trong hai chuyến đi Paris của giáo sư Hà Minh Đức cách nhau gần 20 năm: chuyến thăm trường Báo chí Lille năm 1994, và chuyến trở lại Paris gần đây nhất vào tháng 8 năm 2014. Không biết có cái duyên bất ngờ nào mà giữa “Paris hai mùa thu gặp lại” (hay chính xác hơn Paris hai mươi mùa thu mới gặp lại) của giáo sư Hà Minh Đức với “Hai mươi sau” (Vingt ans après) của Alexandre Dumas cha, nhà văn người Pháp thế kỉ XIX, lại gặp gỡ tương đồng ở con số 20? (“Lứa tuổi 20 khi hướng đời đã thấy/ Thì gian nan biết mấy cũng lên đường” – Bùi Minh Quốc). Dumas tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ba người lính ngự lâm” say mê với đề tài phiêu lưu đi tìm lẽ công bằng của bốn chàng trai (Artagnant, Athos, Porthos và Aramis với khẩu hiệu “tất cả vì một người và một người vì tất cả”) hấp dẫn đến nỗi tận hai mươi năm sau khi đã không còn trẻ trung, nhưng họ vẫn trở lại với một tâm trạng háo hức như những ngày đầu (trong một cuốn sách khác). Tôi bắt gặp trong những trang viết “Paris hai mùa thu gặp lại” của giáo sư Hà Minh Đức cùng một tâm trạng háo hức như thế, nhưng đó là sự háo hức kiếm tìm tri thức. Trong cả một cuộc đời dài dằng dặc của ông Thầy Nhà giáo Nhân dân này dường như khi nào cũng thường trực tâm thức về nghề nghiệp. Với ông những cuộc đi thế này không bao giờ chỉ thuần túy rong chơi. Đến với Paris, một vùng đất xa lạ đầy những điều bí ẩn và hấp dẫn, trong khi những người trẻ tranh thủ thời gian hiếm hoi kiếm tìm và khám phá những thú vui mới lạ, thì Hà Minh Đức lại chỉ lo tìm hiểu, ghi chép những gì cần thiết cho nghề. Mà nghề của ông không đơn thuần chỉ là giảng dạy và nghiên cứu văn học. Ông còn là một người làm báo, thậm chí là nhà báo “xịn”, vì ngoài việc trực tiếp viết hàng trăm bài báo, làm sách về nghề báo chí, ông còn là vị chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội (bây giờ cái cơ ngơi ông để lại đã được các thầy cô trẻ xây dựng và phát triển thành một trong những trung tâm đào tạo báo chí truyền thông mạnh nhất trong cả nước). Có lẽ vì thế, lần đầu tiên đặt chân đến nước Pháp, ông cũng mang cái háo hức hệt như một chàng trai trẻ ở lứa tuổi 20 lần đầu đến với đất lạ. Nhà báo Hà Minh Đức chân thành bộc bạch suy nghĩ này: “Tôi được Hội Nhà báo cử đi trong đoàn thăm trường Báo chí Lille của Pháp. Là một nhà giáo giảng dạy về báo chí tôi thấy vui vì chuyến đi gần gũi với nghề nghiệp, lại nữa lần đầu tiên được đến thăm đất nước Pháp” (Thăm trường Báo chí Lille ở thành phố phương Bắc nước Pháp). 

GS.NGND Hà Minh Đức

Tôi không có điều kiện đọc hết những cuốn sách xuất bản gần đây của giáo sư Hà Minh Đức. Bởi lẽ, ông không chỉ viết nhiều mà còn “cày bừa” trên nhiều thể loại: khảo cứu, sưu tập, biên soạn, thơ ca. Bút kí là một thể loại ưa thích của ông từ hàng chục năm nay. Kể từ khi bất ngờ “lạc lối” sang cái lĩnh vực khác hẳn với cái “nghề nghiên cứu” bấy lâu nay vẫn làm, tôi thấy ông điềm tĩnh hơn, nhưng cũng trẻ trung hơn. Ông viết cả thơ và bút kí với tâm trạng háo hức khám phá thế giới quen thuộc xung quanh mình hệt như một người trẻ lần đầu tiên đến với cuộc đời. Tư chất nghiên cứu hơn nửa thế kỉ qua thực sự đã giúp cho ngòi bút kí sự của ông có được chiều sâu cần thiết. Còn thơ chính là chất men tạo sự bay bổng, để bút kí Hà Minh Đức bớt được sự khô khan.

 Bút kí nằm giữa ranh giới của nghiên cứu và viết sáng tạo, và “cánh đồng” này chính là nơi để Hà Minh Đức duy trì và rèn luyện được tiềm năng vốn rất giàu có trong ông: thói quen quan sát, ghi chép và phân tích. Quả thật, tôi nhận ra trong “Paris hai mùa thu gặp lại” những nét sở trường của một ngòi bút vốn dĩ gần suốt cuộc đời cần mẫn “thực sự cầu thị” thu lượm mọi kiến thức mới mẻ của cuộc đời làm kiến thức cho mình. Tôi dám quả quyết rẳng số lượng những trang viết đồ sộ của Hà Minh Đức có được đến ngày nay, cũng chính là được xây dựng trên cái nền lao động cần cù đó. Hà Minh Đức viết bút kí hết sức giản dị và chân thành. Ông không cầu kì và diêm dúa trên trong những trang bút kí mà hẳn ông thừa hiểu cái đích cần đến của nó là khơi nguồn tri thức. Đọc “Paris hai mùa thu gặp lại”chúng ta luôn bắt gặp một lối kể dung dị, mộc mạc, chân thành. Đặc biệt, Hà Minh Đức có cách tiếp cận hiện thực rất nhanh và chính xác. Đến Trường Báo chí Lille, ông viết: “Người ta thường nói là sẽ khóc hai lần khi đến thành phố phương Bắc này, một lần khi gặp gỡ và một lần lúc chia tay” (“Thăm trường Báo chí Lille thành phố phương Bắc của nước Pháp”). Với phẩm chất một người làm báo, tỏ ra chi tiết và rất tỉ mỉ, ông còn cung cấp thêm cho ta những điều thú vị khác: “Lille có khoảng 1. 153. 113 người, sau Paris, Lyon, Marselle. Đây là một thành phố trẻ 42% dưới 25 tuổi với gần 10 vạn sinh viên, mấy ngàn nhà nghiên cứu, nhiều trường đại học và đặc biệt có trường Báo chí Lille”. Đến Đại học Paris 7, ông cũng cung cấp cho ta những con số: “Trường có 26.000 sinh viên, 6000 sinh viên nước ngoài và 200 đối tác”. Thú thực, bản thân tôi từng là thực tập sinh tại Paris 7, ở đó gần một năm trời, không ít lần làm việc với các thầy cô tại khoa Văn, nhưng chưa bao giờ được biết một con số cụ thể như thế. Trong khi, giáo sư Hà Minh Đức gần như đặt chân tới chỗ nào, khao khát cháy bỏng của ông vẫn là muốn có được trong số tay ghi chép của mình (mà lúc nào ông cũng mang kè kè bên mình) những con số chính xác và cụ thể. Là một trí thức gần suốt cuộc đời chỉ quen nghiên cứu và giảng dạy (tại Trường Đại học Tổng hợp và Viện Văn học), khi bước chân sang lĩnh vực báo chí, cái “máu nghề nghiệp” cứ như quện chặt không rời ông thầy nghiên cứu và giảng dạy văn chương này. Và vì thế ghi chép đã trở thành thói quen thường trực trong ông. Những nơi ông đến không đơn thuần chỉ là các địa chỉ du lịch giống nhiều người khác, mà đó thường là những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, hay hoạt động tri thức. Đến nơi nào, việc đầu tiên của ông là nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận thông tin. Đến Hội báo Nhân đạo của Đảng cộng sản Pháp, gặp gỡ những người bạn Pháp thân quen đã từng hết lòng ủng hộ cách mạng Việt Nam ngay cả trong những ngày tháng hết sức khó khăn, ông lập tức cho ta biết những con số: “Số người về dự Hội rất đông, có tin trên báo đưa là 600 ngàn, nhưng con số thật còn cao hơn”. Ở tất cả các địa chỉ khác nơi ông có dịp đặt chân tới cũng thế: Trường Báo chí Lille, Đại học Paris 7, Lâu đài Versaille, Nhà hát Lido, và cả những địa danh khác ngoài Pháp như Đức, Bỉ, Tiệp, người đọc đều được tiếp xúc với những trang ghi chép dung dị, chân thành và chính xác của ông, một người dù ở bất cứ công việc gì cũng đều tâm huyết và nghiêm túc.

Tôi cũng xin được giải thích thêm đôi chút: khi nói phong cách bút kí của Hà Minh Đức dung dị và chân thành, những ghi chép với rất nhiều con số, thì không có nghĩa, đó là những trang viết vô hồn. Thực ra, khi viết bút kí, Hà Minh Đức ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng của một nhà nghiên cứu. Việc ông thích con số và sự chính xác là điều bình thường. Với ông, cái quan trọng nhất với bút kí là “tri thức” chứ không phải thứ “văn chương hoa mĩ”. Ông coi trọng chi tiết và sự chính xác qua những con số. Tất cả những sự việc, con người có dịp gặp gỡ trên đường đi, tại công sở làm việc, ở những trung tâm văn hóa, Hà Minh Đức đều có thói quen giống như một người kể chuyện dân gian. Trong bài viết cuối cùng phần viết về Paris “Đi xem ca múa ở nhà hát Lido và mua hàng hiệu”, chính ông đã tự bộc lộ phong cách viết bút kí của mình như thế này: “Paris hai mùa thu gặp lại là những trang viết chân thực về cái thấy, cái nghe trong những chuyến đi ngắn ngày đến một thành phố lớn. Kí sự cũng là những trang viết vội vàng nhưng người viết bày tỏ cảm nghĩ chân thành về một Paris với những kỉ niệm khó quên qua cái nhìn và một tấm lòng chân thực”.

Một vẻ đẹp khác trong phong cách bút kí của Hà Minh Đức qua “Paris hai mùa thu gặp lại” đó còn là sự hài hước, hóm hỉnh, trí tuệ, rất đồng điệu với tâm hồn và tính cách Pháp. Đúng ra, đây là nét tính cách rất quen thuộc của Hà Minh Đức trong cuộc sống hàng ngày. Tôi vẫn nhớ hồi còn cùng công tác với ông tại Trường Đại học Tổng hợp (trước đây) và Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn bây giờ, thường trong các cuộc họp hành nghiêm túc (đôi khi căng thẳng), những ý kiến phát biểu của Hà Minh Đức bao giờ cũng được chờ đợi nhất. Ông quả là người rất có duyên trong những phát ngôn ở chỗ đông người. Cách nói năng của ông rõ ràng, khúc chiết, nhưng đặc biệt hơn cả đó là sự hóm hỉnh. Khen hay chê bất kì ai, ông cũng đều biết giấu nó trong những nhận xét nhẹ nhàng, tròn trịa, pha đôi chút hài hước. Vậy nên, bình thường ít có ai bị ông “châm chọc” mà lại giận ông. Phong cách này thể hiện khá rõ trong bút kí “Paris hai mùa thu gặp lại”. Chẳng hạn, đến Paris lần đầu, đi dạo trên những đường phố được coi là thanh lịch nhất châu Âu, bất ngờ ông nhắc lại những dòng ghi chép về thủ đô Paris “hoa lệ” của nhà văn hóa Hữu Ngọc: “Paris chu vi 36 km, dài 12, rộng 9 km, một năm mưa tới 164 ngày, có tuyết 13 ngày, có 270 ngàn con chó (trên vỉa hè cứ cách 35 mét lại có một bãi phân chó”. Đọc những dòng này tôi bất giác bật cười. Tất nhiên, đó chỉ là những con số tương đối. Paris bây giờ được mở rộng hơn, cổ kính và cũng hiện đại hơn. “Phân chó” trên đường phố Paris thì đúng quá rồi, vì ở đây người ta nuôi nhiều chó. Đây là một “người bạn thân thiết” của con người, nhưng hẳn khó có thể “lịch sự” được như con người. Việc bắt gặp những thứ không mấy “văn minh” trên đường phố thủ đô nước Pháp có lẽ cũng là dễ hiểu. Hoặc nữa, trong bài “Đi xem ca múa ở nhà hát Lido”… (một nhà hát rất đặc biệt nằm ngay trên đại lộ Champ Élysé với những màn biểu diễn “tươi mát” do các nữ vũ công thực hiện), ngay khi vừa đặt chân vào cửa, ông đã chân thành đặt vấn đề với người kiểm soát vé: “Mắt tôi kém, đề nghị cho tôi ngồi gần, ngồi xa sẽ không nhìn được gì”. Điều bộc bạch chân thành này cho ta biết được một Hà Minh Đức (theo tôi hiểu) cực kì “duy mĩ”. Hà Minh Đức vốn là người yêu cái đẹp.Tôi nghĩ đó cũng là một “động lực giúp ông “thăng hoa” trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày. Nét đặc biệt này còn thể hiện rõ qua các bức ảnh chụp chung với các “bóng hồng xinh đẹp”, khi thì với một cô sinh viên trường Báo chí Lille, khi là một thực tập sinh người Nga, hoặc nữa khi lại là một nữ nghiên cứu sinh người Tiệp, mà ông thường dùng minh họa cho những trang bút kí. Và còn nữa, để tô điểm thêm cho tập bút kí mới này, gần như sau mỗi bài viết, những ghi chép “mắt thấy tai nghe” (choses vues, giống một kiểu ghi chép của Victor Hugo, nhà văn Pháp thế kỉ XIX), Hà Minh Đức còn cho in kèm những bài thơ, giống một kiểu “phụ lục” bổ sung cho cái chân thực “thô mộc” của những dòng ghi chép. Phải chăng đó cũng chính là đặc điểm trong lối viết bút kí Hà Minh Đức nói chung, và “Paris hai mùa thu gặp lại” nói riêng, để tạo nên một dấu ấn độc đáo của riêng Hà Minh Đức…

Đầu xuân “nhẩn nha” đọc bút kí “Paris hai mùa thu gặp lại” tôi biết thêm một nét tài hoa của giáo sư – nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức. Bước sang năm 2015, vị giáo sư đáng kính này đã tròn tuổi 80. Và có vẻ như ông vẫn chưa dừng “cuộc chơi chữ nghĩa” của mình. Tôi chúc cho ông bước sang tuổi “cổ lai hy” (thậm chí còn hơn cả một thập niên) luôn được dồi dào sức khỏe, gắn bó với cuộc đời, say sưa cái đẹp và sáng tạo, đi đến tận mùa xuân thứ 100, để “20 năm sau” sẽ còn có thêm những trang viết mới như “Paris hai mùa thu gặp lại”.                                                                                 

                                                                                                     

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây