Tin tức

Công bố quốc tế trong KHXH&NV: cần những chính sách thiết thực

Thứ tư - 20/04/2016 06:50
Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không phải là quá khó, song cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả và đi vào thực chất hơn nữa mới có thể thúc đẩy hoạt động này tại các trường đại học ở Việt Nam. Đó là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu trong buổi toạ đàm về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV tại Trường ĐHKHXH&NV trong tháng 4 vừa qua.
Công bố quốc tế trong KHXH&NV: cần những chính sách thiết thực
Công bố quốc tế trong KHXH&NV: cần những chính sách thiết thực

KHXH&NV chiếm 28% các công bố của Scopus

Theo TS. Nghiêm Xuân Huy (Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong tổng số các công bố khoa học thuộc hệ thống Scopus giai đoạn 2010-2015, thì riêng các công bố thuộc lĩnh vực KHXH&NV chiếm 28%. Cũng thuộc hệ thống Scopus, hiện có khoảng 3.198 nguồn công bố công trình thuộc lĩnh vực Khoa học Nhân văn, có 5.766 nguồn công bố các công trình thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội, có 1.256 nguồn công bố các công trình thuộc lĩnh vực Tâm lý học. Như vậy, về cả nguồn công bố lẫn mức độ phổ biến của số lượng bài viết, thì KHXH&NV trên hệ thống Scopus không thua kém bất kì một khoa học nào (Nguồn: SCIMAGO).

Trong hệ thống ISI - hệ thống được cho rằng còn khắt khe hơn cả Scopus - thì trong giai đoạn 2010 - 2015, có 246.718 bài được công bố trong lĩnh vực KHXH&NV, trong đó lĩnh vực Khoa học Xã hội là 134.150 bài (54%) và lĩnh vực Khoa học Nhân văn là 112.568 bài (46%).

Toàn cảnh buổi toạ đàm/Ảnh: Trần Minh

Điều này chứng tỏ rằng lĩnh vực KHXH&NV nhận được rất nhiều sự quan tâm của thế giới. Khoa học xã hội và nhân văn không hề “lép vế”, thậm chí có khá nhiều nguồn công bố để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, lựa chọn đăng các công trình của mình.

Cũng trên Scopus giai đoạn 2010-2015, công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam có 1.756 bài, trung bình là 320 bài/năm, chiếm khoảng 0,07% tổng số bài KHXH&NV của thế giới. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn. Trong khi đó, số liệu công bố của khu vực Đông Nam Á tương ứng là 52.167 bài, chiếm khoảng 2% số bài KHXH&NV của thế giới, trung bình là 9.485 bài/năm.

Trên hệ thống ISI, Việt Nam công bố 89 bài, chiếm 0,04% tổng số công bố trên ISI (giai đoạn 2010-2015).

Công bố quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV mới chỉ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về Ngôn ngữ học, Nhân học, Kinh tế - tài chính và Khoa học quản lý. Lĩnh vực Tâm lý học mới chỉ chú ý đến mảng Tâm lý học ứng dụng và Tâm lý học xã hội.

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại toạ đàm

Trong số 24 nhóm lĩnh vực được chú ý trên cả ISI và Scopus, Việt Nam mới chỉ hội nhập được một số rất hạn chế các lĩnh vực. Như vậy, năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam còn khiêm tốn, xét theo cả số lượng lĩnh vực có công bố và lượng bài đăng trên hai hệ thống trên và chênh lệch khá xa so với các nước trong khu vực.

TS. Nghiêm Xuân Huy đưa ra nhận xét: một số lĩnh vực mà Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có thế mạnh như Tâm lý học, Nhân học, Ngôn ngữ, Truyền thông, Văn hóa, Lịch sử … thì xu thế của thế giới, họ cũng đang tập trung vào những lĩnh vực này. Đây cũng là cơ hội để Trường có thể phát huy thế mạnh của mình và hội nhập với thế giới.

Cần những chính sách thiết thực

Các ý kiến chỉ ra rằng các trung tâm nghiên cứu lớn về KHXH&NV ở Việt Nam chưa có chiến lược và kế hoạch thiết thực để triển khai và thúc đẩy hoạt động công bố quốc tế. Do đó, cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa về xu thế phát triển trong lĩnh vực KHXH&NV để có chiến lược định hướng nghiên cứu phù hợp với khả năng hội nhập cao.

TS. Nghiêm Xuân Huy (Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày báo cáo về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV: xu thế quốc tế và thực tiễn Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học), 2/3 số công bố quốc tế của Malaysia và Singapore là của học giả nước ngoài đến từ Mỹ, Châu Âu và các nước Đông Nam Á khác. Các nước trong khu vực có sự đầu tư lớn để mời các học giả nước ngoài cộng tác và đều có điều khoản phải công bố quốc tế dưới danh nghĩa của Malaysia hay Singapore. Như vậy công bố quốc tế của họ rất nhiều nhưng là do hợp tác quốc tế rất lớn đem lại.

Đo đó, nếu Việt Nam không tham gia mạnh mẽ hơn vào các chương trình nghiên cứu có yếu tố hợp tác quốc tế và các hội thảo quốc tế thì rất khó có thể thúc đẩy công bố hay xuất bản quốc tế, cho dù các nghiên cứu của chúng có rất hay, rất mới, rất đặc biệt - PGS.TS Nguyễn Văn Chính cho biết.

PGS.TS Nguyễn Văn Chính cho rằng một hạn chế khác của Việt Nam là tuy có nhiều đề tài song hiệu quả công bố lại thấp vì không có ràng buộc hay quy định có tính bắt buộc phải có công bố quốc tế, đặc biệt là ở các đề tài lớn. Hiện nay ở trong nước, đa số các nhà nghiên cứu quan tâm đến xuất bản chuyên khảo hoặc xuất bản các bài báo trên tạp chí khoa học trong nước vì được tính điểm. Các đề tài dự án hợp tác quốc tế bị loại hoàn toàn khỏi hệ thống tính điểm để phong học hàm, học vị. Điều này khác với các trường đại học ở nước ngoài khi họ đều có hệ thống tính điểm dựa vào các công bố quốc tế để xét phong học hàm học vị và tăng lương. Ví dụ như ở trường đại học Singapore, nếu có 3 bài đăng trong hệ thống ISI sẽ được nâng một bậc lương.

PGS.TS Nguyễn Văn Chính phát biểu tại toạ đàm

Theo TS. Phạm Hồng Long (Khoa Du lịch học), cần có những chính sách thiết thực và bền vững để hỗ trợ và khuyến khích các nhà khoa học có thành tích trong công bố quốc tế, chứ không chỉ có những hình thức thưởng mang tính khích lệ như hiện nay. Hàng năm, các đại học ở Việt Nam phải tổ chức được các chuyến nghiên cứu thực địa và kết nối được với các học giả các nước để làm điều tra và ra được các kết quả nghiên cứu chung.

TS. Nguyễn Trường Giang (Khoa Nhân học) đề xuất: Các nhà nghiên cứu trẻ cần được tạo điều kiện tiếp cận thường xuyên với các tạp chí chuyên ngành có thứ hạng cao để nắm bắt các xu hướng và mối quan tâm của giới khoa học trên thế giới. Các giảng viên phải được tạo điều kiện về thời gian để nghiên cứu. Nhà trường nên tổ chức nhiều nói chuyện của các các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về công bốc quốc tế.

PGS.TS Trịnh Anh Tùng cho rằng bên cạnh các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh, chúng ta có thể nghĩ đến phương án công bố quốc tế ở tác tạp chí sử dụng một ngôn ngữ khác nữa để gia tăng cơ hội.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Hảo (Khoa Triết học) góp ý: Ở góc độ quản lý, Nhà trường phải quán triệt đến toàn thể cán bộ giảng viên coi công bố quốc tế là thước đo quan trọng của các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Nhà trường nên có quy định tăng lương trước thời hạn đối với các giảng viên có công bố quốc tế và thành lập trung tâm dịch vụ xuất bản hỗ trợ dịch thuật, tìm kiếm, thẩm định các bài báo khoa học phục vụ công bố quốc tế.

TS. Võ Minh Vũ (Khoa Đông phương học) đề nghị: để thế giới biết nhiều hơn đến giới khoa học trong nước, các nhà khoa học Việt Nam cần chủ động tham gia các hoạt động khoa học quốc tế như đứng ra đại diện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu, đứng ra đăng kí tổ chức các hội thảo quốc tế… Không cần quá chú trọng đến hệ thống ISI hay Scopus, chúng ta có thể quan tâm đến các môi trường hẹp hơn như Nhật Bản, Trung Quốc…; tạo các mối liên kết hợp tác giữa các khoa với các đối tác trong khu vực; cấp kinh phí cá nhân để nghiên cứu tùy theo đề tài, dự án; tăng cường hoạt động dịch thuật trong khoa học.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thầy cô tại toạ đàm, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trường Nhà trường) khẳng định: Công bố quốc tế của đội ngũ cán bộ khoa học của Trường vài năm qua đã có những bước tiến đáng kể song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhà trường đã lồng ghép nội dung và yêu cầu về công bố quốc tế trong kế hoạch năm học, các định hướng phát triển Trường, định hướng phát triển và xây dựng đại học nghiên cứu của Trường. Nhà trường cũng đã thực hiện các quy định và định mức khen thưởng cho các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, cũng như có hình thức trợ giúp giảng viên, nhà khoa học tham dự hội thảo quốc tế. Song song với việc tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ đã có, Trường sẽ tiếp tục có những ưu tiên cho đội ngũ cán bộ tiên phong  dám dấn thân, đầu tư thời gian và sức lực lớn cho công bố quốc tế ở trên các tạp chí có ảnh hưởng hoặc là tham gia vào quá trình giảng dạy quốc tế hóa. Các đề nghị khác về việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm hợp tác nghiên cứu quốc tế, hỗ trợ dịch thuật theo chuẩn học thuật quốc tế … sẽ được Nhà trường xem xét để thực hiện trong thời gian tới.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây