Tin tức

Hà Huy Tập – 18 tháng trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng

Thứ sáu - 15/04/2016 05:07
Trong khoảng 18 tháng giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938, Hà Huy Tập có những đóng góp cực kỳ quan trọng về hoạch định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự dũng cảm vượt lên chính mình, đổi mới tư duy chính trị một cách chủ động và kiên quyết trong việc vận dụng lý luận cách mạng vô sản vào thực tiễn cách mạng thuộc địa; đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm và khuynh hướng sai lầm; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật; góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên.
Hà Huy Tập – 18 tháng trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng
Hà Huy Tập – 18 tháng trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng

1. Kiên quyết đổi mới tư duy chính trị trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng thuộc địa để xác định đường lối chiến lược đúng đắn

Trước khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng (7-1936), Hà Huy Tập có một thời gian dài hoạt động ở nước ngoài và có những đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng sau phong trào cách mạng 1930-1931. Cũng như một số chiến sĩ cách mạng tiền bối khác, Hà Huy Tập chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ tình hình thực tiễn của đất nước, lại chịu sự chi phối bởi những quan điểm tả khuynh đang tồn tại trong Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản anh em[1], nên trong quá trình vận dụng lý luận Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng thuộc địa không thể tránh khỏi vấp váp. Ông từng phê phán gay gắt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và tác phẩm Đường kách mệnh[2], phê phán lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đường lối của Hội nghị thành lập Đảng[3], bảo vệ quan điểm nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án cương lĩnh) tháng 10-1930.

“Nhiệt tình cách mạng và ý thức tổ chức kỷ luật đã làm giảm tư duy sáng tạo và độc lập của cá nhân Hà Huy tập”[4], nhưng với bản lĩnh và ý chí của một người cộng sản, ông đã thay đổi nhận thức và kiên quyết vượt qua những hạn chế bởi sự chi phối của điều kiện lịch sử. 

Ngày 25-7-1936, Hà Huy Tập cùng với Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Trung ương để điều chỉnh bổ sung các nghị quyết của Đảng theo tinh thần Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản; quyết định chuyển trụ sở Ban Chấp hành Trung ương về Sài Gòn. Đầu tháng 8-1937, Hà Huy Tập về nước, có điều kiện trực tiếp quan sát tình hình, tiếp xúc với quần chúng, nghe báo cáo của các địa phương. Trong điều kiện Ban Chấp hành Trung ương chưa được lập lại, không có bộ máy giúp việc, hầu hết mọi việc đều do Hà Huy Tập đảm nhiệm. Từ thực tiễn sinh động của phong trào quần chúng, trên cương vị Tổng Bí thư, Hà Huy Tập đã giải quyết một loạt vấn đề về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. 

Về đường lối chiến lược, Trung ương Đảng do Hà Huy Tập đứng đầu mạnh dạn đặt vấn đề nhận thức lại tính chất của cách mạng ở thuộc địa, cũng như mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và điền địa được nêu trong Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án cương lĩnh) được công bố tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930[5].

Văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới (10-1936) khẳng định: “Đứng về phương diện dân tộc bị áp bức, phương diện giai cấp bị bóc lột, ai cũng công nhận đế quốc Pháp là kẻ thù địch nhân chính của nhân dân Đông Dương. Trái lại với chủ trương của phái Tờrốtxky tuyên bố ở báo Miliant số 2 cho rằng: Tư bản bản xứ là địch nhân dữ nhất của nhân dân; cuộc tranh đấu của vô sản trước hết phải là tranh đấu chống tư sản bản xứ (địch nhân chính là ở trong xứ ta)”. Nếu xứ ta là xứ độc lập, tư bản phát triển như ở Anh, Pháp thì câu nói tư bản bản xứ là địch nhân dữ nhất của nhân dân có phần đúng. Song xứ Pháp với xứ Đông Dương hoàn toàn khác nhau…”[6].

Trên cơ sở phân tích thực tiễn xã hội Đông Dương, Trung ương Đảng phân tích mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và điền địa, nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống đế quốc là nhiệm vụ chung của nhân Đông Dương và nêu một quan điểm mới: "Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa (TG nhấn mạnh). Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng... Nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh đấu phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng"[7]. Đó là sự phê phán hết sức nghiêm khắc của Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Ban Chấp hành Trung ương đối với Luận cương chính trị tháng 10-1930, đồng thời bước đầu khẳng định lại đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.

Văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới đánh dấu bước biến chuyển mang tính cách mạng sâu sắc trong tư duy chính trị của Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Trung ương Đảng, một nhận thức khoa học trên cơ sở việc vận dụng sáng tạo phương pháp biện chứng duy vật và quan điểm lịch sử cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng thuộc địa, chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu cần tập trung giải quyết ở thuộc địa là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược và tay sai, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ “độc lập dân tộc” và “cách mạng ruộng đất”, để sau đó, khi bước vào giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước 1939-1945, Đảng đề ra chủ trương “thay đổi chiến lược”[8], kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất” và đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công.

Với tinh thần thực sự cầu thị, kiên quyết khắc phục tư duy cứng nhắc, giáo điều, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương xác định đường lối chiến lược đúng đắn, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo đuy nhất của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi. Đó là bài học sâu sắc nhất cho công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị.

2. Gải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược và mục tiêu trước mắt, xác định sách lược phù hợp với yêu cầu của cuộc vận động dân chủ 1936-1939  

Cách mạng là một quá trình, bao gồm nhiều bước phát triển khác nhau, mỗi bước trước tạo tiến đề, điều kiện cho bước sau, đi từ giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. 

V. I. Lênin từng nói, một người cách mạng triệt để không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng, vì hy sinh tương lai cho hiện tại là biểu hiện thậm tệ nhất của chủ nghĩa cơ hội. Nhưng trên cơ sở nắm vững mục tiêu chiến lược, lại phải biết giành thắng lợi từng bước cho đúng. Đó là quy luật của đấu tranh cách mạng.

Trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới (10-1936), Trung ương đảng do Hà Huy Tập đứng đầu phân biệt rõ chiến lược và sách lược cách mạng. Chiến lược cách mạng không thay đổi trong suốt một thời kỳ, nhưng sách lược cần phải thay đổi tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể của từng giai đoạn.

Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam, khi yêu cầu bảo vệ hoà bình thế giới và cải cách dân chủ, cải thiện dân sinh trở thành nguyện vọng bức thiết của quần chúng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng Ban Chấp hành Trung ương quyết định tạm gác các khẩu hiệu “độc lập dân tộc” và “cách mạng ruộng đất”, thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương (sau đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp rộng rãi mọi lực lượng dân chủ chống phát xít, từ quần chúng cơ bản đến các tầng lớp trên, từ lực lượng dân tộc đến một bộ phận ngoài dân tộc (những người Pháp có xu hướng chống phát xít ở Đông Dương); chưa nhằm đánh đổ toàn bộ kẻ thù của dân tộc (đế quốc Pháp xâm lược và tay sai), mà chỉ nhằm vào bộ phận nguy hiểm nhất trong kẻ thù của dân tộc (thế lực phản động thuộc địa không chịu thực hiện những chính sách mà Chính phủ Nhân dân Pháp đã ban hành); đòi các quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình; triệt để sử dụng các hình thức tổ chức và đấu tranh công khai, hợp pháp, bán công khai, bán hợp pháp, kết hợp với bí mật, bất hợp pháp.

Những quan điểm của Hà Huy Tập về xác định kẻ thù, mục tiêu đấu tranh, tập hợp lực lượng và phương pháp cách mạng trong cuộc vận động dân chủ thể hiện rõ nét từ cuối tháng 8-1938 trong Thư ngỏ về Đông Dương Đại hội gửi Việt Nam Quốc dân Đảng, các đảng cách mạng, Đảng Lập hiến, các nhóm cải lương dân chủ, các hội ái hữu, các tổ chức công nông binh, phụ nữ, sinh viên, người buôn bán, các báo chí, các tổ chức quần chúng và toàn thể nhân dân Đông Dương, và tiếp tục phát triển trong nhiều văn kiện về sau. Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “ai là kẻ địch nhân nguy hiểm nhất trong lúc hiện thời nhất định sẽ tập trung ngọn lửa vào đó mà đánh”. “Nhiệm vụ lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi chính để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền dân chủ đơn sơ[9].

Trong giai đoạn 1936-1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Hà Huy Tập đứng đầu đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược cách mạng; ban hành nhiều nghị quyết giải thích rõ những chủ trương của Đảng, chống chủ nghĩa Tơrốtxky, nhằm thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng để đưa phong trào quần chúng tiến lên.

Trong khi nhấn mạnh mục tiêu đấu tranh trước mắt, Tổng Bí thư Hà Huy Tập luôn khẳng định, Đảng không bao giờ lãng quên mục tiêu cuối cùng của cách mạng, không coi các quyền dân chủ đơn sơ là tất cả, nhưng phải đấu tranh cho những mục tiêu đó “để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển”[10].

Trong khi những người theo chủ nghĩa Tơrốtxky nêu khẩu hiệu “tả” khuynh, hô hào đấu tranh giai cấp, chống giai cấp tư sản bản xứ để bác bỏ chủ trương thành lập mặt trận của Đảng, vu cáo Đảng là thoả hiệp giai cấp, Tổng Bí thư Hà Huy Tập cùng Ban Chấp hành Trung ương kiên quyết đặt vấn đề giai cấp trong vấn đề dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc trên quan điểm giai cấp. Tổng Bí thư giải thích rõ chủ trương thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi, bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau, nhưng đó không phải là xoá bỏ đấu tranh giai cấp, mà là nhằm tập hợp mọi lực lượng dân chủ, phân hoá và cô lập cao độ thế lực phản động thuộc địa để chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Đảng không thủ tiêu quyền đấu tranh của công nhân đối với tư sản đòi cải thiện điều kiện sống và lao động, cũng như quyền đấu tranh của nông dân đối với địa chủ chống tô cao lãi nặng.

Khi Đảng nêu các khẩu hiệu “Ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp” và “Ủng hộ Chính phủ Léon Blum”, những người theo chủ nghĩa Tơrốtxky cho đó là những khẩu hiệu cải lương “Pháp Việt đề huề”. Chống lại luận điệu đó, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chỉ rõ tính chất cách mạng của những khẩu hiệu này. “Ủng Mặt trận nhân dân Pháp” là ủng hộ một mặt trận đang được sự tham gia của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân Pháp. Khẩu hiệu này thể hiện sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam với những lực lượng cách mạng ở Pháp trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hoà bình thế giới. Trong khi nêu khẩu hiệu hẩu hiệu “Ủng hộ Chính phủ Léon Blum” thực hiện chương trình của Mặt trận nhân dân Pháp, Đảng vẫn chủ trương kịch liệt phản đối họ khi đi trái với quyền lợi nhân dân Pháp và các thuộc địa, đồng thời kiên quyết chống chính sách thuộc địa dã man của phản động ở thuộc địa[11].

Về phương pháp cách mạng, Đảng chủ trương tận dụng điều kiện hoạt động công khai để tập hợp rộng rãi quần chúng, kết hợp công khai và nửa công khai, nhưng không phải là theo chủ nghĩa công khai (l’égalisme), mà vẫn kiên trì một bộ phận tổ chức bí mật của Đảng, đề phòng khi tình hình thay đổi thì kịp thời rút vào hoạt động bí mật.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9-1937 nhấn mạnh: “Trong cuộc vận động dân chúng, chủ nghĩa Tơrốtxky là nguy hiểm nhất, không triệt để chống chủ nghĩa Tơrốtxky thì khó thi hành được chiến thuật lập Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương và ủng hộ Mặt trận bình dân thế giới chống phát xít và đế quốc chiến tranh”[12].

3. Ra sức xây dựng tổ chức Đảng, gương mẫu đấu tranh phê bình và tự phê bình, đề cao tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành kỷ luật Đảng

Khi chưa về nước, Hà Huy Tập đã có những đóng góp quan trọng, nhất là hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài, nhằm khôi phục lại tổ chức của Đảng bị thực dân Pháp phá vỡ sau phong trào cách mạng 1930-1931. Sau Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, ông về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cơ quan Trung ương Đảng bí mật từ Trung Quốc chuyển về Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Gia Định.

Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Ngay hôm sau Ban Chấp hành Trung ương cử cán bộ đi Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên để khôi phục lại các mối liên lạc. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các đảng viên hoạt động bí mật, công khai, bán công khai, ở nhà tù đế quốc thoát ra hay ở nước ngoài về đều ra sức xây dựng lại cơ sở và hệ thống tổ chức của Đảng. Các xứ uỷ được củng cố. Ban Chấp hành Trung ương được bổ sung thêm hai uỷ viên vừa từ nhà tù Côn Đảo trở về (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu).

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3-1937 do Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì chủ trương sửa đổi lại các kế hoạch tổ chức, yêu cầu kết nạp đảng viên mới không hạn chế về tuổi tác, chú trọng kết nạp công nhân ưu tú vào Đảng. Thông cáo ngày 20-3-1937 nhấn mạnh vấn đề thanh Đảng: Những kẻ phản động khiêu khích lọt vào Đảng phải bí mật khai trừ ngay. Nhưng người mới bị bắt khai các bí mật của Đảng làm cho các đồng chí khác bị bắt, cơ quan bị phá, v.v. không được để ở các cấp đảng bộ. Những đảng viên lười học tập và công tác, phê bình, giúp đỡ không chuyển thì cho ra khỏi Đảng. Những người khả nghi phải đình chỉ công tác, qua một thời gian thử thách, nếu được sẽ kết nạp lại hoặc đi làm việc ở nơi khác; chú ý chất lượng, ít đảng viên mà tốt hơn nhiều mà phức tạp. Trong công tác phát triển đảng viên mới, phải kết nạp những phần tử cách mạng chân thật, nhiệt thành trong nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp dân chúng khác. Đảng phải hết sức chú trọng kết nạp công nhân; chú ý kết nạp phụ nữ lao động, người ngoại quốc và dân tộc thiểu số. Phải cảnh giác, đề phòng bọn khiêu khích, phản động lợi dụng cơ hội vào Đảng. Phải cho ra khỏi Đảng những kẻ lười biếng, do dự, cơ hội…

Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8-1937) nhấn mạnh việc củng cố các đảng bộ đã được xây dựng, đẩy mạnh phát triển đảng ở các vùng kinh tế quan trọng, “tổ chức các mối liên lạc giữa các cấp đảng bộ cho mật thiết”. Các tổ chức Đảng phải chỉ đạo hoạt động của các hội quần chúng, nhưng “phải tránh sự bao biện, tránh sự làm mất tư cách độc lập của đoàn thể quần chúng về mặt tổ chức”, phải “giải thích cho dân chúng và thuyết phục họ theo mình, chớ không phải lấy lối mệnh lệnh mà chỉ đạo các đoàn thể quần chúng”[13]. Hội nghị này đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên và cử Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 ủy viên[14], do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.

Trong các hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Hà Huy Tập không ngừng đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm khắc phục những sai lệch trong nhận thức và hành động. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương họp tháng 9-1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập nhận thấy “sai lầm rất lớn” của Trung ương Đảng, trong đó có cá nhân Hà Huy Tập là “thừa nhận về nguyên tắc tổ chức quần chúng có thể dùng lối bí mật trong những hoàn cảnh đặc biệt”, làm cho “các tổ chức quần chúng đáng lẽ có thể phát triển được nhiều lắm, mà trái lại ở nhiều nơi không phát triển được”[15]. Tại Hội nghị Trung ương họp tháng 3-1938, với sự tham gia chuẩn bị nội dung, dự thảo nghị quyết của Hà Huy Tập, sai lầm đó tiếp tục được kiểm điểm với sự tự phê bình nghiêm khắc của ông. Trong báo cáo viết tay gửi Quốc tế Cộng sản ngày 5-4-1938 có viết: “do có lỗi lầm chính trị, vì Đảng thì chủ trương rằng các hội quần chúng phải tổ chức theo lối công khai và bán công khai, còn đồng chí thì nói “tổ chức công khai và bán công khai là đúng, nhưng chỗ nào không có những điều ấy thì bất đắc dĩ có thể tạm thời tổ chức bí mật”; Đảng cho đó là xu hướng thoả hiệp với xu hướng của những phần tử cô độc, tả khuynh nên không cử đồng chí làm Tổng Thư ký nữa, nhưng đồng chí vẫn có chân trong Secrétariat (Ban Thư ký) và Bureau Politique (Ban Thường vụ)”[16]. Với trách nhiệm của một người cộng sản, Hà Huy Tập đã nêu tấm gương sáng về tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng. 

Sau hai lần bị bắt, ngày 25-3-1941, chính quyền thực dân tuyên án tử hình Hà Huy Tập vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”, mặc dù cuộc khởi nghĩa này nổ ra sau khi ông đã bị bắt. Trước tòa án đế quốc, ông khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”.

Chỉ trong 18 tháng với trọng trách Tổng Bí thư, Hà Huy Tập đã hoạt động không ngừng nghỉ và có những cống hiến to lớn, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương xác định đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn; trở thành một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Với tư duy sắc sảo và tính chiến đấu cao, Hà Huy Tập thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường trước mọi sự tiến công xuyên tạc của kẻ thù. Trong 16 năm kể từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến lúc hy sinh (26-8-1941) khi mới 35 tuổi, Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang, hết lòng vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

“Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”, đó là di huấn cuối cùng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, không chỉ với những đồng chí cùng thời của ông đang hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, mà là với tất cả cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

                                                                                                                                                                                                        

                                                                        

[1] Cở sở lý luận và quan điểm chỉ đạo mà Hà Huy Tập chịu ảnh hưởng nhiều là Nghị quyết Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản (1928) với đường lối “tả khuynh”, xa rời đường lối của Lênin trong Sơ thảo những Luân cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (1920). Những nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương  họp tháng 10-1930 và tháng 3-1931 có nhiều luận điểm chưa đúng, mà phải đến Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (1935) mới có sự thay đổi.

[2] Theo Giôdép Marát (bút danh của Hà Huy Tập), Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng là “hai đảng cách mạng tiểu tư sản”, “có những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin”, “mắc chủ nghĩa cơ hội trong lý luận và trong thực tiễn, tư tưởng biệt phái, đóng kín”, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 4 , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 385.

[3] Phê phán Nguyễn Ái Quốc “phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong thời gian Hội nghị hợp nhất”, “đường lối chính trị của Hội nghị hợp nhất và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đều sai lầm trên nhiều phương diện”, xem Hà Huy Tập: Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 151 và 266.

[4] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Hà Huy Tập - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 106.

[5] Luận cương chính trị tháng 10-1930 đặt hai nhiệm vụ phản đế và điền địa ngang hang nhau và nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp, coi “vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền”. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t . 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 97.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.143.

[7] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 152.

[8] Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: "Cần phải thay đổi chiến lược” và giải thích: "Cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là một cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng", Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 118 và 119.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 141 và 144.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 151.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 219.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 293.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 288 và 298.

[14] Trong 11 uỷ viên Trung ương có 9 ngời ở trong nước (Hà Huy Tập, Võ Văn Ngân, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Trọng, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Tần), 2 người ở nước ngoài (Lê Hồng Phong, Nguyễn Ái Quốc); 5 uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương là: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 271.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 6, Sđd, tr. 385.

Tác giả: PGS.TS Vũ Quang Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây