“Quan trọng nhất là người học phải tự hình thành tính tự giác trong học tập”

Thứ bảy - 14/06/2008 05:40

Tiếp tục loạt bài "Vấn đề thích ứng của sinh viên với đào tạo tín chỉ qua các công trình nghiên cứu khoa học sinh viên", trong bài này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhóm sinh viên: Đặng Thị Bích Hằng, Phạm Thị Hoà, Hoàng Mai Anh, K50 và K51 Tâm lý học - tác giả củai đề tài “Nghiên cứu sự thích ứng của sinh viên K52 Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN với đào tạo tín chỉ”.

“Quan trọng nhất là người học phải tự hình thành  tính tự giác trong học tập”
“Quan trọng nhất là người học phải tự hình thành tính tự giác trong học tập”

Tiếp tục loạt bài "Vấn đề thích ứng của sinh viên với đào tạo tín chỉ qua các công trình nghiên cứu khoa học sinh viên", trong bài này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhóm sinh viên: Đặng Thị Bích Hằng, Phạm Thị Hoà, Hoàng Mai Anh, K50 và K51 Tâm lý học - tác giả củai đề tài “Nghiên cứu sự thích ứng của sinh viên K52 Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN với đào tạo tín chỉ”.

- Phóng viên (PV): Tại sao các bạn lại chọn đối tượng nghiên cứu là K52?

- Nhóm sinh viên (NSV): Vì đây là khoá đầu tiên Nhà trường áp dụng hoàn toàn mô hình đào tạo theo tín chỉ. Các bạn chính là những người trải nghiệm đầu tiên và hoàn toàn những thay đổi từ cách học cũ sang cách học mới. Họ sẽ được hưởng cả những ưu điểm nhưng cũng đồng thời cũng phải tìm cách thích ứng với những thay đổi mà mô hình đào tạo mới đem lại.

- PV: Đề tài của các bạn nghiên cứu về sự thích ứng của sinh viên với đào tạo tín chỉ, các bạn có thể nói rõ hơn quan niệm của mình về sự thích ứng?

- NSV: Theo chúng tôi, nói đến “sự thích ứng” là nói đến một môi trường, hoàn cảnh mới với những yêu cầu, đòi hỏi mới chưa hề có trong kinh nghiệm của bản thân. Chúng ta cần đến “sự thích ứng” khi phải làm quen, xâm nhập vào môi trường đó - như một điều kiện, một phẩm chất quan trọng giúp con người tồn tại, phát triển. Nói như vậy, chừng mực nào đó, có vẻ giống với “bản năng sinh tồn của giống loài”. Nếu như ở động vật cần sự “thích nghi sinh học” (khái niệm do Đac-Uyn đưa ra) để đảm bảo sự tồn tại của cơ thể trước thay đổi của môi trường - điều kiện tự nhiên, thì với con người đó là sự “thích ứng tâm lý - xã hội”. Con người không chỉ phải đáp ứng với những yêu cầu của môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội; không chỉ duy trì sự tồn tại mà còn tác động trở lại môi trường đó theo ý muốn của mình. Rõ ràng, khả năng thích ứng thể hiện tính năng động, tích cực, linh hoạt của mỗi người. Nó đặc biệt cần thiết trong hoàn cảnh sống nhiều biến động như hiện nay. Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi rất có hứng thú khi nghiên cứu về “sự thích ứng”. Chúng tôi xin nhấn mạnh, khái niệm “thích ứng” chúng tôi sử dụng ở đây là thuộc phạm trù “thích ứng tâm lý- xã hội” (điều này đã được thể hiện trong đề tài).

Nói ngắn gọn, “thích ứng” là sự thay đổi, điều chỉnh bản thân (về ý thức, thói quen, hành vi…) cho phù hợp với những yêu cầu của hoàn cảnh mới nhằm duy trì sự tồn tại, phát triển.

- PV: Vậy các bạn nghiên cứu sự thích ứng của sinh viên với đào tạo tín chỉ qua những tiêu chí nào?

- NSV: Dưới góc độ tâm lý học, một nhân cách toàn diện luôn được xem xét ở 3 cấp độ: nhận thức, thái độ và hành vi. Trước một sự việc, cá nhân ph ải có nhận thức đúng đắn, toàn diện với thái độ phù hợp, mới có thể biến thành hành vi và đạt kết quả tốt.

Với cách hiểu đó, cùng với sự kế thừa về mặt lý luận của các nghiên cứu về “sự thích ứng” trong Tâm lý học, chúng tôi đưa ra các tiêu chí để đánh giá sự thích ứng của các bạn sinh viên trong quá trình được đào tạo theo tín chỉ. Chúng tôi xem x ét trên cả 3 mặt: nhận thức, thái độ và hành vi. Một là chủ thể nhận thức đúng, đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh của mình; hai là có thái độ tích cực, biểu hiện các tình cảm, cảm xúc hài lòng, hứng thú…với điều kiện, hoàn cảnh đó; không chỉ nhận thức tốt, thái độ đúng đắn, mà biểu hiện cao nhất của sự thích ứng đó là chủ thể tích cực hoạt động, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của hoàn cảnh và đạt được kết quả tốt.

Khi đáp ứng được cả 3 tiêu chí trên và biểu hiện rõ nét ra ngoài bằng hành vi, kết quả thì có thể đánh giá về mức độ thích ứng của mỗi người.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng các tiêu chí đưa ra chỉ là tương đối, như 1 căn cứ để chúng ta tham khảo khi nhìn nhận đánh giá vấn đề. Bởi lẽ đánh giá sự thích ứng của con người (thích ứng tâm lý- xã hội) không hề dễ dàng, nhất là khi đánh giá của chúng tôi đưa ra ở thơì điểm sinh viên K52 mới qua 1 học kỳ ĐTTC.

- PV: Một trong những kết luận mà các bạn rút ra từ những kết quả nghiên cứu của mình là “hầu hết sinh viên K52 thể hiện thái độ chưa đồng tình với quy định về thời gian học của trường”, cụ thể là “76,1% sinh viên được hỏi cho rằng thời khoá biểu do nhà trường sắp xếp là chưa hợp lý”, bạn có thể nói rõ hơn là chưa đồng tình ở góc độ nào và những điểm chưa hợp lý trong việc sắp xếp thời gian biểu của Nhà trường là gì?

- NSV: Xung quanh vấn đề về thời khoá biểu, nhiều sinh viên nói rằng các môn học được bố trí trải ra trong 1 ngày, nên sinh viên học một vài tiết buổi sáng rồi nghỉ và đến chiều lại học một vài tiết nữa. Đối với những sinh viên ở xa thì mất nhiều thời gian đi lại. Có những buổi học kết thúc vào hết tiết cuối cùng của buổi sáng nhưng môn học sau lại bắt đầu vào tiết đầu tiên của buổi chiều, do đó sinh viên chỉ có khoảng 50 phút để ăn trưa và nghỉ trưa, chuyển giảng đường để học. Thời gian học không tập trung, lúc rải rác, lúc lại dồn dập. Người học chưa có thói quen, chưa thích nghi được với thời gian học như vậy. Không có thời gian rỗi cố định nên người học khó sắp xếp lịch hoạt động cho mình.

- PV: Một kết luận khác được rút ra từ nghiên cứu của các bạn: “Với năng lực và kỹ năng hiện có, sinh viên K52 chưa thích ứng được với nội dung của chương trình học”. Bạn có thể nói rõ hơn về điều này?

- NSV: Đặc thù nội dung chương trình năm thứ nhất là nhiều môn đại cương với khối lượng kiến thức lý luận lớn. Việc tiếp thu khối lượng kiến thức lý luận đã là khó, nhất là đối với sinh viên năm thứ nhất khi các bạn phải làm quen với việc tự học và giáo viên chỉ hướng dẫn. Vì để tự học, người học phải chủ động của mình trong việc tiếp cận tri thức, phải có phương pháp học, đọc sách, tìm tài liệu, làm việc nhóm, lập kế hoạch thời gian, kỹ năng quản lý stress... Mà sinh viên năm thứ nhất với lối học thụ động từ phổ thông lên thì chưa được trang bị những kỹ năng đó.

Để trang bị được những kỹ năng đó, người học phải có hỗ trợ từ nhiều phía. Cố vấn học tập phải có các buổi sinh hoạt lớp để nắm bắt khó khăn của các bạn, đưa ra lời khuyên. Về phía đoàn nên có những buổi tập huấn về kỹ năng sống, phương pháp học tập. Phía Nhà trường hỗ trợ cơ sở vật chất như sách vở, tài liệu, máy chiếu. Người học phải biết khai thác triệt để điều kiện sẵn có. Quan trọng là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa người học, trường, lớp.

- PV: Theo bạn, hiện nay, từ khi áp dụng việc đào tạo theo mô hình tín chỉ, việc dạy và học ở trường ta đã có gì thay đổi theo hướng tăng cường sự tích cực và chủ động của người dạy và người học?

- NSV: Đã có sự biến chuyển theo hướng tích cực.

Sinh viên chủ động tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn, tìm tài liệu trên nhiều nguồn như báo chí, internet. Việc thành lập các nhóm học tập, sinh hoạt nhóm đã nhiều hơn và bước đầu có hiệu quả. Sinh viên có ý thức chuẩn bị bài trước khi đến lớp nhiều hơn. Các bạn đã học hàng ngày, chuẩn bị bài đến lớp và thảo luận chứ không chỉ không học mùa vụ như trước. Trong thảo luân, các bạn đã biết thuyết trình, trình bày ý kiến trước mội người, biết sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Người dạy tăng cường sử dụng các phương tiện hỗ trợ bài giảng, để sinh viên chủ động hơn trong các cuộc thảo luận, tạo điều kiện cho sinh viên trình bày. Thầy cô có đề cương bài giảng ngay từ đầu năm để sinh viên chủ động lập kế hoạch học tập.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dạy học kiểu đọc - chép, tổ chức các buổi thảo luận không thành công, dù có đề cương môn học nhưng đôi khi giáo viên không dạy theo đúng trình tự... Có những lớp sĩ số rất đông, có những lớp lại rất ít. Sinh viên chỉ được chọn thời gian học mà chưa được chọn thầy. Lớp học không gắn kết.

- PV: Theo các bạn, hiện sinh viên gặp những khó khăn gì trong việc tự học?

- NSV: Khó khăn chủ yếu liên quan đến việc sinh viên chưa có phương pháp học, thái độ học tập đúng. Ví dụ sinh viên chưa có động cơ tự học, chưa tìm được hứng thú học, tự học chưa trở thành nhu cầu của họ. Đặc biệt, nhiều sinh viên chưa có các kỹ năng rất quan trọng sau của việc tự học:

Thứ nhất là sinh viên chưa lập được kế hoạch để tự học. Ví dụ, chưa tận dụng được những thời gian rảnh để học...

Thứ hai là sinh viên chưa có kỹ năng tìm tài liệu. Ví dụ: chưa biết nguồn tìm, một số bạn chưa biết sử dụng máy tính thư viện để tìm tài liệu mình cần...

Thứ ba là chưa có kỹ năng đọc sách, khả năng tổng hợp tài liệu chưa tốt....

Các yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến việc tự học của sinh viên như: cơ sở vật chất chẳng hạn. Ở nước ngoài, có những giảng đường dành cho việc tự học, máy tính để tìm tài liệu.. Ở trường ta điều kiện chưa được như thế.

- PV: Các bạn đã đưa ra nhận định là: “Sinh viên có nhận thức đúng đắn, tương đối đầy đủ về đào tạo tín chỉ.... Hầu hết sinh viên có thái độ tích cực, phù hợp với quy định, chương trình của ĐTTC” nhưng “Sinh viên chưa có những hành vi tích cực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ĐTTC” dẫn đến “kết quả học tập chưa cao”, nghĩa là sinh viên không hài lòng về kết quả học của mình. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc nhận thức đúng những lại chưa đưa đến hành vi đúng và kết quả tốt như mong đợi?

- NSV: Khách quan là do yêu cầu về nhiệm vụ học tập đặt ra là cao, cần có thời qian, quá trình để biến nhận thức thành hành vi. Họ nhận thức tốt rồi, thái độ tốt, nhưng kỹ năng chưa có, thói quen chưa có thì chưa có hành vi tốt. Điều này cần thời gian, vì thích ứng là một quá trình.

- PV: Vậy theo các bạn, về phía sinh viên, nên làm gì để có được sự thích ứng cao nhất đối với việc học tập theo mô hình đào tạo tín chỉ và để đạt được kết quả học tập tốt?

- NSV: Quan trọng nhất là người học phải tự hình thành tính tự giác học tập, khi đã có nhu cầu thì sinh viên sẽ tự tìm được cho mình phương pháp học tập phù hợp. Ở nước ngoài, họ đã có thói quen tự học, học chủ động từ những cấp học trước. Còn ở việt Nam, chưa có được như vậy nên thích ứng rất khó khăn. Nhưng sinh viên vẫn phải biết khắc phục vì học là cho mình. Mô hình đào tạo mới này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho lứa sinh viên mới rèn luyện và thích nghi, để tự tin hơn trong xu thế hội nhập.

- PV: Xin cảm ơn các bạn về cuộc trao đổi.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây