Ngôn ngữ
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN). Cuốn sách này là kết quả những bài giảng chuyên đề về ngữ nghĩa và ngữ pháp mà ông đã trình bày ở bậc cao học và nghiên cứu sinh trong khoảng mười năm trở lại đây. Nhân dịp công trình mới được xuất bản (Nxb Giáo dục, tháng 5/2008), chúng tôi xin trích giới thiệu Lời nói đầu của cuốn sách.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN). Cuốn sách này là kết quả những bài giảng chuyên đề về ngữ nghĩa và ngữ pháp mà ông đã trình bày ở bậc cao học và nghiên cứu sinh trong khoảng mười năm trở lại đây. Nhân dịp công trình mới được xuất bản (Nxb Giáo dục, tháng 5/2008), chúng tôi xin trích giới thiệu Lời nói đầu của cuốn sách.
Như tên gọi cho biết, cuốn sách này hướng đến việc tìm hiểu và xác lập những cơ sở ngữ nghĩa cho việc phân tích cú pháp.
Từ chỗ bị coi thường, không đáng tin cậy trong các trào lưu ngữ pháp mang tính hình thức, thì hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận, nghĩa lại là nhân tố đặc biệt được nhấn mạnh. Trong nghiên cứu ngữ pháp cần phải nói đến nghĩa, phải bàn đến ngữ pháp mang tính ngữ nghĩa.
Tuy nhiên, nghĩa lại là đối tượng hết sức trừu tượng, khó nắm bắt. Thật không dễ trả lời cho câu hỏi: “Những loại nghĩa nào có thể được một câu nói chuyển tải?”
Dựa trên giả định rằng bất kì những gì được biểu đạt trong câu cũng đều mang nghĩa, cuốn sách này cố gắng phân tích những lớp nghĩa có thể được chuyển tải trong câu nói. Sự phát triển vượt bậc của ngữ nghĩa học trong thời gian qua đã cho chúng ta những cơ sở đáng tin cậy để bàn đến những lớp nghĩa đó. Với quan niệm rằng cú pháp không mang tính tự trị, mà cú pháp là để tải nghĩa, chúng tôi cho rằng bóc tách được các lớp nghĩa mà câu nói biểu thị sẽ đồng thời là xác lập cơ sở ngữ nghĩa cho việc phân tích cú pháp. Các lớp nghĩa đó, theo chúng tôi, gồm có nghĩa miêu tả, nghĩa tình thái, nghĩa chủ đề, nghĩa mục đích phát ngôn.
Từ việc xác lập những cơ sở ngữ nghĩa như trên, chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận mới cho việc miêu tả cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt.
Đường hướng của chúng tôi là xuất phát từ những kiểu nghĩa có thể được diễn đạt trong câu mà định dạng các phạm trù hình thức tương ứng. Đây là cách tiếp cận triệt để đi từ chức năng đến hình thức (a radical function-to-form), được nhà ngữ học người Bỉ Jan Nuyts diễn đạt một cách ngắn gọn như sau: "lấy phạm trù ngữ nghĩa làm điểm xuất phát mà tìm xem những biểu hiện ngôn ngữ học của nó" (taking the semantic category as its starting point, it looks into the range of its liguistic manifestation) [Nuyts 2001].
Đường hướng này vẫn còn khá mới mẻ đối với những người nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây là đường hướng hứa hẹn nhiều kết quả khả quan, bởi chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về những tranh cãi bất tận suốt mấy chục năm qua trong cố gắng dùng tiêu chí hình thức để xác định các thành phần cú pháp của câu tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. Xuất phát từ những kiểu nghĩa có thể biểu đạt trong câu nói, xem đó là những cơ sở ngữ nghĩa cho việc miêu tả cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt, chúng tôi chủ trương một lối phân tích câu giản dị, dựa trên những kinh nghiệm tri nhận của chúng ta về thế giới và cách tổ chức, trình bày những kinh nghiệm đó. Cách làm này dẫn chúng tôi đi đến nhận định rằng câu nói là một thực thể nhiều chiều kích, các thành tố cấu trúc tuyến tính của câu không đồng chất trong chức năng phản ánh thông tin thuộc những chiều kích khác nhau đó. Và hệ quả là, nếu chúng ta từ bỏ cách nhìn đơn tuyến để có một cách nhìn "lập thể" về câu thì chúng ta phải đi đến một lối phân tích mang tính mô-đun về các thành tố cấu trúc của nó.
Cuốn sách này hướng đến độc giả là những sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học nói riêng và ngữ văn nói chung. Nó cũng cần thiết cho những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học, bởi lẽ nghiên cứu tác phẩm văn học là nghiên cứu thông điệp mà tác phẩm chuyển tải đến người đọc, và cái đơn vị nhỏ nhất có thể chuyển tải thông tin đó chính là câu. Theo một góc độ nào đó, việc nắm vững những nội dung ngữ nghĩa của câu sẽ là cơ sở để khám phá thông điệp của chỉnh thể văn bản rộng lớn hơn. Chúng tôi hi vọng là cuốn sách sẽ cung cấp những tri thức ngữ nghĩa học đáng tin cậy và cập nhật, giúp xử lí những vấn đề đang còn nan giải trong phân tích và miêu tả cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt.
Trong cuốn sách này, khi trích dẫn, trong phần lớn trường hợp, chúng tôi ghi chú ba thông số: tên tác giả, năm xuất bản và số trang. Toàn bộ những thông tin có liên quan đến công trình trích dẫn sẽ được trình bày cụ thể ở mục “Tài liệu tham khảo”, được xếp thứ tự theo họ của tác giả. Các mục sẽ được đánh số theo số của chương, kèm theo những phân biệt về tiểu mục, chẳng hạn, nếu gặp mục 5.3.2 bạn đọc sẽ biết là mục này nằm ở Chương 5, là tiểu mục thứ hai (tức sau 5.3.1) trong mục lớn 5.2.
Xem thêm: Mục lục
Tác giả: no1knows
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn