Sự thích ứng của SV với ĐT tín chỉ qua các công trình NCKH SV

Thứ bảy - 14/06/2008 05:40

Tại Hội nghị Khoa học sinh viên năm học 2007-2008 vừa qua, có một số báo cáo khoa học gây được sự chú ý của người nghe vì đề cập đến một vấn đề mới nhưng rất cần thiết đối với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Đó là sự thích ứng của sinh viên với phương thức đào tạo tín chỉ mà Trường triển khai từ năm học 2007-2008. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên là tác giả của các công trình nghiên cứu này xung quanh việc thực hiện đề tài và quan điểm của các bạn về vấn đề học của sinh viên hiện nay.

Tại Hội nghị Khoa học sinh viên năm học 2007-2008 vừa qua, có một số báo cáo khoa học gây được sự chú ý của người nghe vì đề cập đến một vấn đề mới nhưng rất cần thiết đối với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Đó là sự thích ứng của sinh viên với phương thức đào tạo tín chỉ mà Trường triển khai từ năm học 2007-2008. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên là tác giả của các công trình nghiên cứu này xung quanh việc thực hiện đề tài và quan điểm của các bạn về vấn đề học của sinh viên hiện nay.

Đầu tiên là cuộc trao đổi với sinh viên Phạm Thị Ngân (K51 Lưu trữ học và Quản trị văn phòng), tác giả của đề tài “Lập kế hoạch học tập trong mô hình đào tạo tín chỉ ở Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN”.

- PV: Tại sao bạn lại chọn đề tài này để nghiên cứu?

[img class="caption" src="images/stories/2008/5/pham%20thi%20ngan.jpg" border="0" alt="SV Phạm Thị Ngân" title="SV Phạm Thị Ngân" hspace="5" vspace="5" align="right" ]

- Phạm Thị Ngân (PTN):Đây là năm học đầu tiên trường triển khai mô hình đào tạo tín chỉ. Mô hình đào tạo này có nhiều điểm mới khác với mô hình đào tạo cũ. Mô hình đào tạo mới đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu, nghĩa là tính tự giác học tập rất cao. Khi áp dụng mô hình này, có rất nhiều thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá, trong phương pháp dạy và học. Vì thế để có hiệu quả học tốt, sinh viên cần có phương pháp học tập hợp lí để thích ứng với thay đổi đó, đặc biệt là phải có kế hoạch học tập khoa học, hợp lí, hiệu quả.

Hiện nay, nhiều sinh viên chưa có phương pháp lập kế hoạch học tốt. Hơn nữa, từ thực tế bản thân em, vì em có tham gia hoạt động Đoàn, Hội nên quỹ thời gian dành cho học bị ít đi. Cũng qua một số bài báo, em biết rằng khi chuyển đổi sang mô hình đào tạo mới, Nhà trường rất quan tâm đến việc lập kế hoạch học tập của sinh viên để nâng cao sự thích ứng của sinh viên với phương pháp học mới.

Từ những nguyên nhân đó, em đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu. Kết quả lớn nhất mà đề tài của em đưa ra là xây dựng 2 bảng kế hoạch học tập mẫu để các bạn sinh viên có thể tham khảo, từ đó tự lập ra cho mình kế hoạch học tập phù hợp và hiệu quả.

- PV: Theo bạn, hiện nay sinh viên Trường ĐHKHXH&NV có thói quen lập kế hoạch học tập không? Điều này có ảnh hướng như thế nào đối với kết quả học tập?

- PTN: Theo em nhận thấy từ thực tế lớp mình thì các bạn hầu như chưa có thói quen lập kế hoạch học tập cho bản thân. Một số bạn đã lập kế hoạch thì chưa đạt được kết quả như mong muốn. Điều này ảnh hướng rất lớn đến kết quả học tập của sinh viên. Vì nếu không có kế hoạch học tập thì sinh viên sẽ khó có thể tiến hành việc học tập một cách thường xuyên theo các mục tiêu đã đề ra. Thực tế, phần lớn sinh v iên thường chỉ bắt đầu học khi sắp có lịch thi. Cách học này khiến sinh viên thường căng thẳng, mệt mỏi, bị áp lực nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.

- PV: Theo bạn, những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch học tập của sinh viên và yếu tố nào là quan trọng nhất?

- PTN:Theo em, có những yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch học tập cho sinh viên. Yếu tố khách quan là: việc đăng kí môn học của sinh viên; việc sắp xếp lịch học, lịch thi và thời khoá biểu học tập của sinh viên. Yếu tố chủ quan là: mức độ hiểu biết của sinh viên về học chế tín chỉ; năng lực lập kế hoạch và tổ chức công việc cá nhân của sinh viên; sự tự giác và chủ động của sinh viên trong học tập; việc sinh viên đi làm thêm; sinh viên tham gia các hoạt động đoàn hội.

Trong đó, theo em yếu tố quan trọng nhất là năng lực lập kế hoạch và tổ chức công việc cá nhân của sinh viên. Năng lực này phụ thuộc vào khối kiến thức cơ bản của sinh viên về kĩ năng, phương pháp lập kế hoạch làm việc của cá nhân một cách khoa học, bao gồm: khả năng dự kiến tổng thể, khả năng nhận thức của sinh viên về những yếu tố ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch học tập trong mô hình đào tạo tín chỉ và phương pháp học tập của sinh viên. Cho dù các yếu tố khác được đáp ứng đầy đủ mà sinh viên không có năng lực lập kế hoạch thì kế hoạch đó vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn.

- PV: Nghĩa là theo bạn, yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định đến hiệu quả của việc lập kế hoạch học tập?

- PTN: Đúng vậy, vì trong mô hình đào tạo tín chỉ, sinh viên là người giữ vai trò chủ động trong việc học tập còn nhà trường chỉ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể phát huy sự chủ động tích cực đó.

- PV: Có ý kiến cho rằng quá trình triển khai đào tạo theo tín chỉ của nhà trường chưa thực sự hiệu quả và đó mới là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc lập kế hoạch học tập của sinh viên. Quan điểm của em về vấn đề này?

- PTN: Em không đồng tình với quan điểm này. Đúng là trong giai đoạn hiện tại, quá trình triển khai của Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Hơn nữa, bất kì việc triển khai một chủ trương mới đều không thể có ngay kết quả tốt như mong muốn. Những khó khăn mà Nhà trường gặp phải trong giai đoạn hiện tại là điều không thể tránh khỏi. Và trong mô hình mới này, sinh viên phải là người chủ động và tự tìm cách khắc phục chứ không nên chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía nhà trường.

- PV: Vậy để có một kế hoạch học tập tốt và thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra, sinh viên cần phải làm gì?

- PTN: Quan trọng nhất là sinh viên phải xác định được mục tiêu học tập của mình. Ngoài ra sinh viên phải nhận thức được các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch học tập.

- PV: Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến không phải lúc nào ta cũng làm theo đúng kế hoạch đặt ra. Có ý kiến cho rằng việc lập kế hoạch là khá cứng nhắc, không linh hoạt. Bạn nghĩ sao?

- PTN: Đúng là có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạn không thể thực hiện đúng kế hoạch đặt ra. Nhưng em cho rằng việc lập kế hoạch không hề cứng nhắc vì để lập một kế hoạch, điều quan trọng nhất, bạn phải đề ra được mục tiêu, còn biện pháp, cách thức thực hiện nó như thế nào lại tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng cá nhân.

- PV: Được biết, một trong những nhiệm vụ nghiên cứu trong đề tài của bạn là xây dựng được hai bảng kế hoạch học tập mẫu. Bạn có thể trình bày cho mọi người được biết?

- PTN: Trước hết, đây là hai bảng kế hoạch học tập mẫu để các bạn tham khảo và từ đó tự lập ra cho mình kế hoạch phù hợp với bản thân chứ không hề mang tính áp đặt.

Bảng 1 là kế hoạch học tập trong 1 tuần. Trong đó, các bạn nên xác định được mục tiêu học tập trong 1 tuần, những công việc chính cần làm trong từng ngày, như: học trên giảng đường, đọc tài liệu tham khảo, làm bài tập nhóm, bài tập cá nhân, đi làm thêm, giải trí. Tổng thời gian dành cho việc học tập trong 1 tuần và thời gian dành cho các hoạt động khác như: ngủ, chơi thể thao, giải trí...

Bảng 2 là kế hoạch học tập trong 1 học kì. Trong đó, xác định mục tiêu học tập trong cả học kì, những công việc chính cần làm trong từng tuần, tổng thời gian dành cho việc học tập và các hoạt động khác.

- PV: Bản thân bạn có lập kế hoạch học tập không? Một vài kinh nghiệm cá nhân của bạn trong việc lập kế hoạch học tập cho bản thân mình?

- PTN: Ngay khi có thời khoá biểu học tập của Nhà trường, em đã bắt đầu lập kế hoạch học tập cho riêng mình.

Kinh nghiệm cá nhân của em cho thấy, thời gian lập chỉ nên trong 1 đến 2 tuần đầu tiên của học kì. Trước hết để lập kế hoạch, bạn cần xác định mục tiêu học tập của mình. Các mục tiêu này cần phải rõ ràng, có thời hạn để hoàn thành, phải có tính khả thi. Các mục tiêu cần phải được phân loại theo mức độ ưu tiên khác nhau và cụ thể hoá thành những nhiệm vụ để thực hiện.

Sau khi lập kế hoạch, sinh viên cần nỗ lực, nghiêm túc để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, nếu không thì đó cũng chỉ là kế hoạch trên giấy. Khi đã không thực hiện được kế hoạch thì sinh viên sẽ cảm thấy chán nản, cảm thấy việc lập kế hoạch không thật sự có ý nghĩa với bản thân trong khi đó lại là yếu tố quyết định đến chất lượng công việc của cá nhân.

- PV: Xin cảm ơn bạn.

(còn tiếp...)

• Thanh Hà (thực hiện)

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây