Tin tức

Chủ động trong thi cử đem lại tâm lí tự tin

Thứ sáu - 29/06/2012 04:12
Kì thi đại học hàng năm thường rất căng thẳng đối với các thí sinh và gia đình. Đôi khi áp lực quá lớn khiến các em không đạt được kết quả tương xứng với năng lực. Liên quan đến tâm lí thi cử, TS. Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lí học) đưa ra lời khuyên hữu ích.
Kì thi đại học hàng năm thường rất căng thẳng đối với các thí sinh và gia đình. Đôi khi áp lực quá lớn khiến các em không đạt được kết quả tương xứng với năng lực. Liên quan đến tâm lí thi cử, TS. Phạm Mạnh Hà (Khoa Tâm lí học) đưa ra lời khuyên hữu ích. Mùa thi đại học hàng năm luôn chứng kiến những chuyện đáng tiếc xảy ra đối với thí sinh mà nguyên nhân đôi khi chỉ do thí sinh và gia đình bất cẩn: lạc đường hay ngủ trưa quá giấc nên đến trễ giờ thi, bị stress hay kiệt sức ốm ngay khi bắt đầu những ngày thi đầu tiên… Rồi khi kết quả thi không như kì vọng, nhiều em nảy sinh tư tưởng buồn chán, rối loạn tâm lí, thậm chí muốn tự tử… Những chuyện như vậy hầu như năm nào cũng lặp lại và gây ảnh hưởng nặng nề trong dư luận xã hội. Theo tôi, điều này liên quan tới một nhược điểm phổ biến của người Việt Nam, đó là làm việc không có kế hoạch, đợi cho “nước đến chân mới nhảy”. Khi đó, chúng ta không thể lường trước được hết những khó khăn và rủi ro gặp phải, nên bị mất bình tĩnh, dễ bị căng thẳng và có hành động sai lầm. Vì thế, một trong những lời khuyên đầu tiên dành cho các bạn trẻ là: hãy lên một kế hoạch thật chi tiết và đầy đủ về những việc bạn cần làm trong kì thi đại học, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến những thông tin về giờ giấc, đường đi lối lại, các quy định tại điểm thi và những phương án thực hiện cho từng tình huống thực tế có thể xảy ra. Khi đã có bản kế hoạch này rồi thì chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm và áp lực cũng vì thế mà giảm đi nhiều. Ở Việt Nam, thi đại học thường căng thẳng vì mọi người quan niệm đó là một bước ngoặt trong cuộc đời của một người, có tính chất quyết định đến tương lai và sự nghiệp của các bạn trẻ. Thi đại học tạo ra sự xáo trộn lớn về mặt xã hội đối với gia đình. Bố mẹ lo lắng, quan tâm, người thân hỏi han, rồi dự đoán, nhận xét và so sánh giữa con mình và con người ta… Những sự quan tâm thái quá ấy đều gây áp lực lên thí sinh. Ở nhiều gia đình thành phố, việc thi đỗ đại học không chỉ là việc của con cái mà còn là danh dự của gia đình nên ra tạo tâm lí vô cùng nặng nề. Nếu không giải toả được điều này thì gia đình vô tình đã làm con em mình chưa thi đã bị “trượt” trong tư tưởng. Đối với thí sinh, tâm lí chỉ ổn định khi chúng ta tin tưởng vào bản thân, biết chủ động sắp xếp kế hoạch thi cử và lường trước được những khó khăn có thể xảy ra. Vì khi không tin vào năng lực bản thân thì các bạn sẽ mất đi sự bình tĩnh và tỉnh táo. Sự tự tin và chủ động còn thể hiện ở việc bạn nên có tâm lí dự phòng cho việc “hậu” thi cử và trao đổi thẳng thắn với gia đình về khả năng thi đỗ hoặc trượt thì sẽ có kế hoạch học tiếp hay làm việc gì… Khi đó bố mẹ cũng yên tâm hơn mà bản thân các bạn trẻ cũng cảm giác có lối thoát, không bị sốc nếu không may việc thi cử không như ý. Ngoài ra, gia đình và thí sinh cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lí, cân bằng việc học và nghỉ ngơi, tránh học quá sức, quá ngưỡng chịu đựng sinh học của cơ thể, gây mệt mỏi về thể lực và tinh thần kém minh mẫn. Càng gần ngày thi, các bạn nên giảm dần cường độ học, chỉ tập trung củng cố những kiến thức cơ bản nền tảng nhất hoặc học tổng quát về sơ đồ nội dung các khối kiến thức cần nắm mà thôi.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây