Ngôn ngữ
Kì thi đại học sắp đến gần, thầy Trần Hinh (giảng viên Khoa Văn học) chia sẻ những suy nghĩ về cách dạy và học Văn hiện nay. Thầy cũng đưa ra một số gợi ý giúp các thí sinh có thể làm tốt bài thi đại học môn Văn. - Qua nhiều năm dạy và chấm thi đại học môn Văn, thầy nhận thấy những lỗi “nặng” nhất của học sinh trong cách học Văn hiện nay là gì? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này, tôi nghĩ là khó, vì bản thân tôi chỉ là một cá nhân “nhỏ nhoi”, trong khi còn có rất nhiều thầy cô giáo khác, họ có thể có những nhận xét khác. Tuy nhiên, nếu cho phép tôi được trả lời có tính chất cá nhân một cách thẳng thắn, thì tôi khẳng định rằng, lỗi “nặng” nhất trong cách học Văn bấy lâu nay, là học trò bị biến thành những “khuôn mẫu”, học theo những bài “văn mẫu”. Văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung, nói như nhà văn Nam Cao là “không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài mẫu hàng đã đưa sẵn. Mà văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Cho dù quan niệm trên của Nam Cao là chú trọng hơn với loại văn hư cấu, văn của những người sáng tác, chứ không phải văn kiểu học trò, tôi vẫn cứ cho rằng, sở dĩ việc học Văn của học sinh hiện nay có nhiều “thảm hoạ” như thế là vì, sách vở, thầy cô giáo, phương pháp dạy học Văn thường có khuynh hướng biến người học thành những “cái máy”. Khi người làm Văn là những cái máy, thì tất nhiên cảm xúc biến mất, cá tính không còn, văn chương trở thành “thảm hoạ”. Chúng ta không thể trách học sinh được. - Vậy khi chấm thi đại học, những lỗi gì trong các bài thi môn Văn làm các thầy giáo phải trăn trở thưa thầy? Lỗi phổ biến thường gặp trong cách làm bài của học sinh là bao giờ cũng cố hướng bài viết của mình theo các bài văn mẫu. Chấm hàng ngàn bài thi trong một kì thi, thấy bài nào cũng na ná giống nhau. Trong khi đó học theo văn mẫu thì không bao giờ có thể thuộc và nhớ hết được. Khi không thuộc và không nhớ các bài văn mẫu, học sinh trở nên mất phương hướng, mất lòng tin ở chính mình. Chính từ đó dẫn đến hàng loạt các bài văn thường gặp các lỗi như sau: bài văn thiếu bố cục, luận điểm thường không rõ ràng, câu văn khô khan “rối rắm”, ngây ngô, không thuyết phục, hô khẩu hiệu... Nói thật, trong lịch sử chấm thi đại học gần 40 năm qua của mình, kể từ khi xuất hiện bộ đề thi và những bài văn mẫu, những bài văn như thế tôi gặp nhiều lắm. Tất nhiên, trong một Hội đồng thi, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp một vài bài văn hay. Hay đích thực chứ không phải hay theo văn mẫu. Đó là khi học sinh là chính mình. Họ tự suy nghĩ cảm xúc và viết ra những câu văn chân chính, đích thực. Tôi ước ao sẽ có ngày chúng ta đưa việc dạy và học Văn trở lại cách thức như thế. - Đề thi đại học môn Văn hàng năm thường có câu hỏi cảm nhận về một đoạn thơ hoặc nhân vật, vấn đề... trong một tác phẩm văn xuôi. Với câu hỏi dạng này, theo thầy, thí sinh nên có những chú ý gì khi làm bài để có được điểm cao? Đúng là gần đây trong đề thi đại học ta thường bắt gặp kiểu ra đề nêu cảm nhận về một đoạn thơ, đoạn văn hay một vấn đề nào đó trong một hoặc một vài tác phẩm văn xuôi. Cụ thể, đề thi đại học môn Văn từ năm 2008 đến nay có hàng loạt những đề thi dạng này: nêu cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ và Tràng giang; nêu cảm nhận về hai đoạn thơ trong Tương tư và Việt Bắc; nêu cảm nhận về hai đoạn văn xuôi trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông?... Nói chung với dạng đề thi “là lạ” này, học sinh cần chú ý, đó cũng chỉ là dạng đề văn thông thường thôi, đừng coi nó là “lạ”. Tất nhiên khi người ta ra đề liên kết hai tác phẩm hay hai vấn đề lại với nhau, nên nghĩ đó là dạng đề thi yêu cầu so sánh. Học sinh phải biết tìm ra được những điểm giống và khác nhau của hai đoạn thơ/đoạn văn trên. Còn đề thi hỏi sự “cảm nhận”, nghĩa là người ta muốn nhấn mạnh vào sự cảm thụ của học trò. Vì thế với những đề thi kiểu này, học sinh cứ sử dụng các thao tác phân tích, bình luận, chứng minh hay bình giảng, tuỳ thuộc vào yêu cầu nội dung cụ thể, miễn là nói ra được cái hay, cái đẹp, sự giống và khác về nội dung và nghệ thuật của những đoạn thơ văn cần so sánh là được. Học sinh đừng nên quá lo lắng về chữ “cảm nhận” trong đề thi thuộc loại này. Tuy nhiên, tôi cho rằng ra đề thi cho học sinh phổ thông như thế này thật ra cũng không “chuẩn” lắm. Vì trong chương trình học phổ thông, không có thể văn nào là “cảm nhận” cả. Nó chỉ có phân tích, giải thích, chứng minh, bình giảng hay bình luận thôi. Ra như thế sẽ khó cho học sinh.
- Đề thi đại học môn Văn nhiều năm nay đưa vào câu hỏi trình bày suy nghĩ của thí sinh về một vấn đề xã hội, thầy đánh giá thế nào về cách ra đề này? Qua nhiều năm chấm bài thi đại học, thầy nhận xét thế nào về cách làm bài của học sinh và có thể đưa ra lời khuyên nào để thí sinh làm tốt nhất loại đề thi này? Dạng đề thi này thực ra đã được thực thi một số năm nay rồi. Nếu không nhầm, tôi nhớ bắt đầu từ kì thi năm 2009. Một cách chính xác đây là dạng đề nghị luận xã hội. Thời tôi thi đại học [những năm 1970-1971] loại đề thi này rất phổ biến. Nay người ta dùng lại, có nhiều người nghĩ nó là một “cách tân” gì đó ghê gớm lắm. Riêng bản thân tôi, tôi chấp nhận hướng ra đề này, nhưng không tuyệt đối hoá nó. Đúng là ra đề theo hướng mở thế này, người ta có thể kiểm tra được trình độ nhận thức xã hội của học sinh, biết được những suy nghĩ hàng ngày của họ. Tuy nhiên, trên thực tế chấm bài thi thuộc dạng này, tôi không nhận ra được hướng tích cực đó. Phần lớn bài làm của học sinh lại vẫn rơi vào tình trạng “văn mẫu”, lại hô khẩu hiệu, nói lại những điều thầy cô, sách vở, truyền thông “mớm” cho mình , mà không nói được suy nghĩ của mình một cách chân thực. Thậm chí ở cả những đề thi về “sự trung thực, thói đạo đức giả, sự dối trá”, trên bài làm của học sinh, tôi vẫn thấy “sự thiếu trung thực, giả dối và đạo dức giả”. Vì vậy, theo tôi, để làm tốt bài văn thuộc dạng này, học sinh chỉ cần trình bày thật chân thành suy nghĩ hiểu biết của mình và cố gắng cấu trúc bài viết bám sát 4 thao tác sau đây: 1. Mở bài, nhấn mạnh từ chìa khoá (chẳng hạn trung thực, giả dối, đạo đức giả, niềm tin, sự vô cảm...); 2. Giải thích khái niệm về từ chìa khoá (thế nào là trung thực, niềm tin, sự giả dối...); 3. Bàn luận mở rộng về từ chìa khoá; liên hệ bản thân về từ chìa khoá... - Thầy đã từng chấm những bài thi môn Văn được điểm cao, vậy ấn tượng của thầy về một bài làm văn tốt là gì? Một cách ngắn gọn, đó là bài làm không theo văn mẫu, diễn đạt tốt, đủ ý, có chất văn, không giống với bài văn khác nào cùng dạng. Nếu không sợ dài dòng, tôi sẵn sàng cung cấp một bài văn của học sinh thi vào khối D, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006, bạn sẽ hiểu được đầy đủ quan điểm của tôi về một bài văn tốt nghĩa là như thế nào. - Theo thầy, điều quan trọng nhất trong việc dạy và học Văn là gì? Là dạy cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Nhưng điều còn quan trọng hơn là phải dạy cho học sinh biết độc lập tư duy, biết đọc hiểu một văn bản cụ thể, biết diễn đạt tiếng Việt sao cho suôn sẻ, chuẩn mực, say mê và sáng tạo. Tôi nhớ không biết có thật chính xác không, nhà văn Nguyễn Khải sinh thời có một lời khuyên rất hay với các nhà văn trẻ: “Khi đọc thì cố mà nhớ lấy. Khi viết thì cố mà quên đi”. Tôi phản đối lối học thuộc lòng đối với môn Văn. - Đề thi môn Văn đại học hàng năm nên có những điều chỉnh gì cho phù hợp với những mục tiêu trên, thưa thầy? Nên trở lại cách ra đề thi trước đây. Chỉ cần ra một câu hỏi trong đề thi thôi. Và không nên hạn chế nội dung đề thi chỉ trong chương trình học. Nên khuyến khích hướng ra đề sao cho thật ngắn gọn mà vẫn kiểm tra được kiến thức học văn của học sinh. Trong đó có 3 tiêu chí nên được chú ý: hiểu dược vấn đề, văn bản trong câu hỏi đề thi; diễn đạt tiếng Việt suôn sẻ, trong sáng; bài làm có tính sáng tạo, không lặp lại sách vở. - Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ trên.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn