Ngôn ngữ
Chưa bao giờ thế giới lại phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như vậy, từ cuộc chiến đẫm máu ở Syria đến xung đột nan giải ở Ukraine, từ sự bùng nổ của đại dịch Ebola cho tới tai nạn hàng không, từ căng thẳng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông đến phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hongkong. Trong bối cảnh phức tạp đó, không thể không nhắc đến chiến lược và trách nhiệm của các nước lớn.
Mỹ - Nga: Cuộc chiến ở không gian hậu Xô viết
25 năm sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, lần đầu tiên quan hệ Mỹ - Nga gần như trở lại tình trạng căng thẳng của thời kỳ trật tự hai cực mà nguyên nhân chủ yếu là xung đột ở Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Một lần nữa, xung đột ở châu Âu lại kéo Mỹ vào một tình thế nan giải. Ukraine dường như là "chốt chặn" cuối cùng trong chiến lược mở rộng EU và NATO về phía Đông và là "vùng đệm" duy nhất giữa Nga và EU. Vì thế, cả hai bên đều muốn Ukraine ngả về phía mình.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine khởi phát từ cuối năm 2013, Mỹ dường như được nhiều hơn mất. Thứ nhất, Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo Ukraine ra khỏi "quỹ đạo" của Nga, hai nước không còn là "anh em" của nhau nữa và Ukraine càng xích gần lại Mỹ và phương Tây. Thứ hai, quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu được củng cố, sức mạnh của NATO được tăng cường, khi tất cả các thành viên nhất trí tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP. NATO cũng đồng ý thành lập lực lượng phản ứng nhanh, triển khai tại các nước thành viên Đông Âu. Thông qua khủng hoảng Ukraine, Mỹ cũng thành công trong điều động lực lượng và tài chính của châu Âu, kiềm chế được Nga, tốn ít nguồn lực, có lợi trong đàm phán "Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương" (TTIP) và bước đầu thành công trong con bài "vũ khí năng lượng".
Trong khủng hoảng Ukraine nói chung, quan hệ Nga - Mỹ nói riêng, Nga dường như đang "mất nhiều hơn được". Cái duy nhất mà Nga có được là thu hồi Crimea từ tay Ukraine mà không tốn kém nhiều. Nhưng thách thức mà Nga đang phải đối mặt lại không hề nhỏ. Về mặt chính trị, hành động của Nga gây ra sự bất mãn và lo ngại của phần lớn các nước Đông Âu. Lòng tin giữa Nga và châu Âu sau 25 năm dày công xây dựng đã biến mất, khủng hoảng Ukraine cũng đã làm các nước Đông Âu xa lánh Nga và đoàn kết xung quanh Mỹ và EU.
Về kinh tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đang làm cho Nga đã khó càng thêm khó khăn. Đồng rúp mất giá trầm trọng, tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới 1%.
Về mặt chiến lược, điều mà Nga theo đuổi lâu nay là thiết lập sức mạnh thống nhất của Liên minh Âu - Á, hạn chế sự can thiệp của Mỹ, mở rộng ảnh hưởng ở không gian hậu Xô viết, dường như đã không thành công. Kết cục là Nga phải điều chỉnh chiến lược hướng sang châu Á.
Nga - Trung: Mô hình mới của quan hệ cường quốc
Tuy không nằm ở châu Âu, nhưng những diễn biến ở "lục địa già" lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ Nga - Trung. Chất xúc tác của quan hệ nồng ấm Nga - Trung cũng chính là khủng hoảng Ukraine. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy nhanh tiến trình hướng sang phía Đông của Nga. Có nhiều điểm tương đồng giữa hai nước như cả hai đều đang trong quá trình chuyển đổi, đang tìm kiếm con đường phát triển phù hợp, cùng có triết lý và biện pháp điều hành đất nước tương tự như nhau. Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 22 và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình là cuộc gặp thứ năm giữa hai nhà lãnh đạo trong năm 2014. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này "vun đắp cho tình hữu nghị và hợp tác Trung - Nga" và đang mang lại hiệu quả tích cực, trong khi Tổng thống Putin coi đó là "động lực mới" cho sự phát triển quan hệ song phương.
Nga - EU: Chiến tranh Lạnh dường như trở lại
Năm 2014 là năm sóng gió nhất trong quan hệ EU - Nga. Một lần nữa, ngòi nổ của cuộc chiến tranh bắt đầu từ châu Âu vốn đã là địa bàn của hai Thế chiến và các cuộc chiến tranh tôn giáo trong lịch sử.
Khác với Mỹ và Nga, năm 2014 là năm mà EU chỉ đạt được một nửa những mục tiêu của mình. Là chủ thể tranh chấp Ukraine với Nga, EU cuối cùng cũng lôi kéo được Ukraine về phía mình nhưng với một cái giá quá đắt. Về kinh tế, khác với Mỹ, quan hệ kinh tế EU - Nga rất chặt chẽ và Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Ngoài ra, EU còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng của Nga khi mà nước Nga cung cấp tới 30% nhu cầu khí đốt của EU. Vì những lý do đó, biện pháp cấm vận Nga mà EU thực thi trên thực tế cũng là hành động tự trừng phạt mình. Trong sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại giữa EU và Nga giảm 1,31 tỷ Euro và lượng xuất khẩu của Nga sang EU giảm 12%. Về an ninh, mặc dù chưa có xung đột trực tiếp giữa EU và Nga xảy ra, nhưng tình hình căng thẳng đang lơ lửng trên bầu trời Đông Âu. Trước nguy cơ xung đột bùng phát, các nước Đông Âu là thành viên NATO đã đồng ý thành lập lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Trung - Nhật: Mâu thuẫn mang tên Điếu Ngư/ Senkaku
Nếu như châu Âu bị bận tâm bởi khủng hoảng Ukraine thì Đông Á lại bị bao phủ bởi vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đột nhiên trở nên căng thẳng từ năm 2012, khi người tiền nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe là Thủ tướng Yoshihiko Noda thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm mục đích ngăn chặn nhân vật siêu dân tộc chủ nghĩa Shintaro Ishihara, người sau đó trở thành thị trưởng Tokyo mua quần đảo này. Tuy nhiên, quyết định này đã dẫn đến tình trạng căng thẳng hơn bao giờ hết giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Đáp trả lại, tháng 11/2013 Trung Quốc đã quyết định thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông. Hành động này cho thấy Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Nhật Bản và cộng đồng quốc tế công nhận quần đảo này là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành giải thích lại điều 9 Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản cho phép nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể đưa lực lượng quân đội đến những nước có quan hệ gần gũi để bảo vệ lợi ích một khi bị xâm phạm, thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, tăng chi phí quốc phòng, công bố sách trắng chỉ trích mối đe dọa Trung Quốc.
Sau hai năm không có bất cứ cuộc tiếp xúc nào, tháng 11/2014, lần đầu tiên Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp kéo dài 30 phút bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, cái bắt tay lạnh nhạt của họ cho thấy giữa hai nước vẫn không có tiếng nói chung trong vấn đề này.
Cuộc chiến chống IS: Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Cuộc chiến của Mỹ chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang sa vào vũng lầy không lối thoát. Ngày 10/9/2014, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp với bạn bè, đồng minh để làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.
Cho đến nay "con quái vật IS" là tổ chức khủng bố được tài trợ nhiều nhất và thành công nhất trong lịch sử, nắm quyền kiểm soát hơn 90.000 km2 của lãnh thổ Iraq với trên 8 triệu dân, với nhiều thành phố lớn, mỗi ngày trung bình kiếm được trên 1 triệu USD từ buôn bán dầu lửa. Điểm khác biệt là đội quân khủng bố to lớn dao động từ 10.000 - 80.000 chiến binh thánh chiến này đến từ hơn 80 quốc gia khác nhau bao gồm cả Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Maldives, Chile, Na Uy.... lại có quan hệ chặt chẽ với các lực lượng đầy quyền lực ở Iraq và khu vực như các bộ tộc, cựu sỹ quan đảng Baath, những phần tử Sunni bất mãn.
Các chuyên gia cho rằng IS giờ đây thực sự là mối đe dọa còn nguy hiểm với an ninh quốc gia Mỹ hơn cả al-Qaeda kể từ ngày 11/9. Sự nan giải lớn nhất của Mỹ chính là họ không có một chiến lược rõ ràng và minh bạch. Bằng việc tự cho mình cái quyền tấn công IS trên lãnh thổ Syria "vào một thời điểm và địa điểm" do nước này tự quyết định, chính quyền Obama đã đánh mất uy tín của mình trong mắt cộng đồng quốc tế. Đã có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước về chiến lược chống IS của Mỹ bởi vì họ thực sự không hiểu đâu là mục tiêu thực sự của Mỹ: Syria hay IS. Iran, Nga, Syria đã phản đối quyết liệt và lo ngại về những động cơ thực sự đằng sau chiến lược này. Mỹ có thể làm tiêu hao lực lượng IS bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, thậm chí vô hiệu hóa hoạt động của IS một thời gian. Nhưng để tiêu diệt hoàn toàn IS thì Mỹ phải hợp tác với chính phủ Syria. Đây chính là điểm mấu chốt của Mỹ khi các quan chức Mỹ lại giải thích "chiến đấu chống kẻ thù chung IS không thể làm cho chính phủ Syria trở thành đồng minh của Mỹ".
Năm 2014 khép lại với nhiều gam màu tối. Chưa bao giờ tình hình thế giới lại phức tạp và có nhiều biến động như năm nay. May mắn thay trước thềm năm mới 2015, thế giới được chứng kiến một sự kiện đã được chờ đợi từ hơn nửa thế kỷ qua: đó là việc Mỹ và Cuba chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hy vọng rằng với một tin vui như thế, năm 2015 sẽ là năm sáng sủa hơn cho chính trị và quan hệ quốc tế.
Tác giả: PGS.TS Phạm Quang Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn