"Áo ấm cho em" đến với vùng cao Chế Cu Nha

Thứ hai - 26/01/2015 02:47
Trong không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho năm mới Ất Mùi 2015 sắp đến, tiếp nối các chương trình tình nguyện trước, từ ngày 23 - 25/01/2015, cán bộ và sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức hoạt động tình nguyện “Áo ấm cho em” tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái.
"Áo ấm cho em" đến với vùng cao Chế Cu Nha

Biết được sự khó khăn của người dân ở xã Chế Cu Nha, nơi có 99% đồng bào người Mông sinh sống, đặc biệt là các em học sinh không có đủ áo ấm để mặc trong mùa đông giá rét ở vùng cao, Liên chi đoàn Khoa Tâm lý học đã  tổ chức vận động các thầy cô giáo, sinh viên cùng các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, quần áo ấm, chăn màn… tặng cho các em nhỏ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. “Áo ấm cho em” là món quà thiết thực cho bà con xã vùng cao Chế Cu Nha đón cái Tết âm lịch sắp tới trong ấm no, vui tươi. Công tác chuẩn bị và vận động quyên góp đã diễn ra hết sức khẩn trương vào cuối học kỳ I đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Đoàn tình nguyện nhận được 30 thùng quần áo mùa đông, hơn 6 tạ gạo cùng với những nhu yếu phẩm, bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt và học tập… Bên cạnh công tác quyên góp, trước chuyến đi, các đoàn viên sinh viên Khoa Tâm lý học đã được tập huấn các kỹ năng và được phổ biến về địa điểm, công việc và các hoạt động mà cả đội sẽ làm trong ba ngày tình nguyện.

Tập huấn kỹ năng mềm cho học sinh cấp II xã Chế Cu Nha

Hành trình bắt đầu từ chiều ngày 23/01, vượt qua chặng đường khá dài với những cung đường quanh co của núi đồi Tây Bắc, cả đoàn đã có   mặt tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha lúc 22h. Trời rất lạnh, nhiệt độ khoảng 6-7oC. Được sự giúp đỡ của nhà trường và cán bộ Đoàn thanh niên xã, đoàn đã nhanh chóng ổn định nơi ở. Cũng như mọi chuyến tình nguyện trước, sau bữa cơm tối, cả đoàn đã có cuộc họp thống nhất công việc sẽ diễn ra vào ngày hôm sau.

Sáng ngày 24/01, đoàn tình nguyện phối hợp với các giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Chế Cu Nha tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm cho các em học sinh lớp 6, 7, 8 và tuyên truyền kiến thức sức khỏe sinh sản, giới tính cho các em lớp 9. Buổi tập huấn kết hợp với những trò chơi, những phần quà và sự nhiệt huyết của các đoàn viên sinh viên Khoa Tâm lý học nên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của các em.

Cùng ngày, sau buổi tập huấn kỹ năng, cả đoàn đã có buổi đi tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Băng qua những nẻo đường núi cheo leo, những con đường dốc thẳng đứng, đoàn đã đến được từng hộ gia đình đồng bào người Mông, trao tận tay họ những món quà. Những giọt nước mắt hạnh phúc của đồng bào làm cho chúng tôi, những người trong đoàn tình nguyện cảm thấy chuyến đi của mình thật có ý nghĩa. Cụ bà Hờ Thị Sài, hơn 80 tuổi, ở một mình trên vùng núi cao đã chia sẻ với chúng tôi trong nước mắt: “Già đã hơn 80 tuổi rồi, đêm đêm thường hay bị đau ở vùng bụng, vùng ngực nhưng không biết bệnh gì, không có điều kiện được xuống khám. Nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, của nhà trường, già cảm thấy hạnh phúc lắm; cái đau, cái khổ, cái đói của già cũng được xua đi. Cám ơn Chính phủ, cám ơn nhà trường!”.

Tuyên truyền kiến thức sức khoẻ sinh sản cho học sinh lớp 9

Buổi tối ngày 24/01, chương trình giao lưu văn nghệ giữa LCĐ Khoa Tâm lý học và Phòng Giáo dục và đào tạo Mù Căng Chải, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Chế Cu Nha đã diễn ra hết sức sôi nổi. Trong chương trình, đoàn tình nguyện đã trao tặng những suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em có thành tích tốt trong học tập; trao tặng kỷ niệm chương và trang thiết bị học tập cho nhà trường. Các tiết mục văn nghệ của cán bộ và sinh viên Khoa Tâm lý học, của cán bộ và các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Chế Cu Nha đã mang chủ đề mừng Đảng, mừng xuân đã được biểu diễn trong sự cổ vũ rất nhiệt tình của bà con đồng bào nơi đây. Gia đình anh Lồ Sìn Vềnh biết tin có văn nghệ đã từ trên núi cao xuống tham gia đã nói: “Khá lâu rồi ở chỗ chúng tôi mới có chương trình văn nghệ mà hay, mà vui như thế này. Nhiều gia đình như gia đình tôi ở trên vùng cao được tin sinh viên tình nguyện ở Thủ đô về là bỏ hết công việc vào buổi tối xuống đây xem biểu diễn văn nghệ. Chúng tôi vui lắm!”. Tình cảm giữa cán bộ, sinh viên Khoa Tâm lý học và đồng bào xã Chế Cu Nha càng được thắt chặt hơn.

Trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Chế Cu Nha

Sáng ngày 25/01, đoàn chia làm hai hướng, một hướng tiếp tục đi phát quà cho các gia đình chính sách, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã; một hướng đi phát quà cho các cháu nhỏ tại một trường mầm non trên núi. Trường mầm non này nằm trên một vùng đất bằng phẳng, tuy đường đi rất khó khăn nhưng theo giáo viên ở đây thì hầu hết các gia đình trên núi đều đưa con đến đây, rất ít trường hợp bỏ học. Những thùng bánh kẹo, áo ấm, giấy bút và đồ chơi được vật chuyển lên đây. Kết thúc mọi công việc, cả đoàn về tập trung tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Chế Cu Nha, họp và tổng kết mọi công việc đã làm được và dùng bữa cơm cuối cùng cùng với cán bộ nhà trường và các em học sinh nơi đây. Tuy chỉ có ba ngày nhưng các em học sinh đã coi chúng tôi như anh chị em trong nhà; các em không muốn chúng tôi đi, muốn chúng tôi ở lại nhiều ngày nữa.

Trò chuyện, chia sẻ với người dân Chế Cu Nha

Một chuyến đi “Áo ấm cho em” nữa đã khép lại. Rời mảnh đất Chế Cu Nha, mảnh đất Lào Cai xinh đẹp với những khoảng ruộng bậc thang uốn lượn giữa mây núi điệp trùng và những con đường đèo dốc quanh co của vùng Tây Bắc, đoàn tình nguyện tạm biệt các em nhỏ, các thầy cô giáo cùng đồng bào dân tộc tại các điểm trường để trở về Hà Nội trong ngập tràn niềm vui và xúc động. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa này đã mang tới cơ hội để chúng tôi được chia sẻ và thêm hiểu hơn, thêm yêu hơn mảnh đất với những con người bình dị mà chân thành nơi đây. Dù rời xa nhưng trong chúng tôi, hình ảnh về mảnh đất Chế Cu Nha xinh đẹp với những ánh mắt ngây thơ trong sáng của các em nhỏ và những tình cảm trìu mến của đồng bào nơi đây vẫn sẽ vẹn nguyên mãi.

Tác giả: Lê Huy Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây