Tin tức

Văn học cổ Việt Nam: tìm tòi và suy nghĩ

Thứ ba - 26/06/2012 02:04
USSH trân trọng giới thiệu cuốn sách mới nhất của PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng (Khoa Du lịch học). Sách do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, quý IV/2011, 620 trang.
Văn học cổ Việt Nam: tìm tòi và suy nghĩ
Văn học cổ Việt Nam: tìm tòi và suy nghĩ
USSH trân trọng giới thiệu cuốn sách mới nhất của PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng (Khoa Du lịch học). Sách do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, quý IV/2011, 620 trang. Trong không khí tưởng chừng yên tĩnh của đời sống nghiên cứu văn học thời cổ xưa lại hoá ra chẳng bao giờ yên tĩnh. Nhiều vấn đề của văn học quá khứ tưởng chừng như đã “giải quyết xong rồi” lại hoá ra chưa thể xong được. Vẫn còn rất nhiều vấn đề của văn học cổ trung đại tiếp tục được đặt ra để khảo cứu, trao đổi, thảo luận nhằm tìm kiếm một sự thuyết phục cao hơn về quan điểm và phương pháp đánh giá trong giới học thuật, như vấn đề về tính toàn vẹn và thống nhất của lịch sử văn học Việt Nam; vấn đề quan niệm về những biên giới không gian và thời gian của nước Việt Nam, của văn hoá và văn học Việt Nam; vấn đề văn học thời Bắc thuộc; vấn đề văn học Champa và Phù Nam - Thuỷ Chân Lạp; hay thậm chí vai trò của các nền văn học dân tộc khác nhau trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam… cho đến nay vẫn còn là điều chưa dễ có sự đồng thuận trong văn giới.

Cũng chưa hẳn đã hết những “cấn cái” bởi sự chi phối của chủ nghĩa công lợi hay của những quan điểm phiến diện và cực đoan trong nghiên cứu văn học. Đơn cử như đối với mảng văn học tôn giáo, dường như chúng ta mới mở cánh cửa vào thế giới văn học Phật giáo, còn thế giới văn học của tôn giáo khác, đặc biệt là văn học Công giáo xem ra vẫn rất nhiều bí ẩn và dường như còn đóng kín đối với chúng ta. Điều này cũng xảy ra đối với nhiều vấn đề “văn học hải ngoại”, “văn học miền Nam”, hay “ văn học vùng tạm chiến”… với rất nhiều điều chúng ta chưa giải quyết thoả đáng. Những điều đó làm cho mong ước xây dựng một bộ lịch sử văn học thống nhất, toàn vẹn của một nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn xem ra vẫn còn rất xa xôi. “Văn học cổ Việt Nam, tìm tòi và suy nghĩ” là tập hợp những nghiên cứu đã được công bố trên một số sách, báo, tạp chí khoa học trong và ngoài nước từ năm 2001 đến 2011. Những tìm tòi và suy nghĩ được trình bày trên ba phần, phần thứ nhất về lí thuyết và lịch sử văn học, phần thứ hai về các tác giả, tác phẩm văn học cụ thể, và phần thứ ba về một số tác phẩm văn học cổ mới được đưa vào giảng dạy trong nhà trường gần đây. Những tìm tòi và suy nghĩ về một số vấn đề của văn học cổ Việt Nam cũng như của lí thuyết và lịch sử văn học được trình bày trong cuốn sách này ít nhiều đều thể hiện “dưới mắt nhìn mới, khác biệt với thành kiến bấy lâu”. (Trích "Lời đầu sách" của tác giả)

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây