Tin tức

Xây dựng ĐHNC: trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ

Thứ hai - 30/06/2014 06:19
Thực hiện định hướng xây dựng đại học nghiên cứu theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ IV (2010-2015) và Nghị quyết của Đảng bộ Trường lần thứ XXIV, trong năm học 2013-2014, Trường ĐHKHXH&NV đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy việc xây dựng ĐH nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện định hướng này. PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) trao đổi xung quanh vấn đề này.
Xây dựng ĐHNC: trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ
Xây dựng ĐHNC: trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ

- Quan điểm chung của Nhà trường trong việc xây dựng ĐH nghiên cứu là gì, thưa thầy ?

Đại học nghiên cứu là xu hướng phát triển chung của các trường ĐH trên thế giới. Hiện nay, những trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt nhất, có vị trí được xã hội thừa nhận đều là các ĐH nghiên cứu. Bởi vậy đây cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn của ĐHQGHN và của Trường ĐHKHXH&NV.

Thực tế ở các trường ĐH Việt Nam, hoạt động đào tạo thường chiếm ưu thế so với nghiên cứu. Nhưng đây là hai hoạt động chủ chốt của trường ĐH mà nếu tách rời nhau thì không thể có được hiệu quả bổ trợ. Không nghiên cứu tốt thì cũng không thể giảng dạy tốt.

Vậy thế nào là một ĐH nghiên cứu ? Có thể hiểu đơn giản nhất rằng ĐH nghiên cứu là ĐH đặt trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu, coi nghiên cứu có vai trò quan trọng, thậm chí là chủ chốt, là nền tảng cho các hoạt động khác. Chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng của các hoạt động khác như đào tạo, quản lý, quản trị ĐH, xây dựng đội ngũ… Chất lượng của hoạt động nghiên cứu là thước đo uy tín và vị thế của một trường ĐH. Hàm lượng khoa học cao giúp trường ĐH nghiên cứu đào tạo ra được những con người có trình độ và tư duy khoa học, có kiến thức, có phương thức quản lý khoa học, tầm nhìn và tư duy chiến lược, có tư chất nhân văn… Nền tảng khoa học của một trường ĐH nghiên cứu đem lại rất nhiều giá trị như vậy.

PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). (Ảnh: Thành Long/USSH)

- Trường ĐHKHXH&NV dựa theo những tiêu chí nào để hiện thực hoá việc trở thành một ĐH nghiên cứu ?

Trên lộ trình xây dựng ĐH nghiên cứu, Nhà trường xác định 4 tiêu chí quan trọng:

Tiêu chí thứ nhất là chất lượng của các công trình NCKH và khả năng chuyển giao tri thức. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Tiêu chí này được định lượng ra thành những con số như: hàng năm các giảng viên công bố bao nhiêu công trình nghiên cứu, xuất bản được bao nhiêu sách, giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học…? Những công trình ấy góp phần giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, lâu dài và trước mắt, khoa học và ứng dụng, cơ bản và thời sự…của đất nước như thế nào? Tiêu chí này chiếm tỷ trọng 50%.

Tiêu chí thứ hai là ở chất lượng của hoạt động đào tạo, nghĩa là hoạt động đào tạo phải chú trọng vào chất lượng mà thước đo chủ yếu là chất lượng và trình độ đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên trên một giảng viên, tỷ lệ học viên sau đại học trên tổng số sinh viên, nội dung và phương pháp đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội của sinh viên tốt nghiệp, đánh giá của các cơ quan tuyển dụng… Tiêu chí này chiếm tỷ trọng 40%.

Tiêu chí thứ ba là mức độ quốc tế hoá: một năm có bao nhiêu giảng viên và sinh viên của trường được đi trao đổi ở nước ngoài, trường đón tiếp bao nhiêu nhà khoa học, giảng viên quốc tế đến nghiên cứu và giảng dạy? có bao nhiêu chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học? Mức độ tương thích về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo của trường so với các trường đại học quốc tế… Tiêu chí này chiếm tỷ trọng 5%.

Tiêu chí thứ tư là cơ sở vật chất phục vụ được cho việc học tập và nghiên cứu. Tiêu chí này được đo bằng cơ sở thư viện, học liệu, số phòng học, thí nghiệm, số máy tính kết nối mạng… phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng bởi vì cơ sở vật chất không hiện đại và đồng bộ thì rất khó để hoạt động nghiên cứu và đào tạo ở một trường ĐH nghiên cứu.

Bốn tiêu chí trên là cơ sở để đánh giá một trường đại học có phải là đại học nghiên cứu không, nhưng điều cốt lõi và quan trọng nhất đối với một đại học nghiên cứu là xây dựng một môi trường học thuật thực sự, trong đó coi trọng tinh thần sáng tạo, tiên phong, dân chủ, tôn trọng những ý tưởng khoa học mới, có ý thức phục vụ cộng đồng và vì sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của đất nước.

- Trong định hướng xây dựng ĐH nghiên cứu, Nhà trường có tính đến những đặt thù riêng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không ?

Rõ ràng là có những thách thức riêng đối với ngành KHXH&NV. Lĩnh vực KHXH&NV không giống như các lĩnh vực khác như tự nhiên, công nghệ hay y dược… vì liên quan đến các vấn đề về lịch sử, văn hoá, truyền thống, thể chế chính trị và vì quan niệm về các giá trị, chuẩn mực ở các quốc gia cũng không giống nhau. Do đó, việc công bố các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực KHXH&NV không chỉ của các học giả Việt Nam mà của các quốc gia khác (nhất là châu Á) cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, do một thời gian dài không có sự giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài, nên giữa các nhà khoa học xã hội Việt Nam và quốc tế vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn về phương pháp luận, phương pháp và quan điểm nghiên cứu, cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin, tài liệu đối với các nhà khoa học Việt Nam rất hạn chế và cuối cùng là rào cản ngôn ngữ. Cũng phải nhấn mạnh thêm một điều là phần lớn các tạp chí khoa học xã hội và nhân văn có uy tín đều là các tạp chí ở Mỹ và các nước phương Tây.

- Để thực hiện chủ trương trên, Nhà trường đã triển khai những hoạt động gì trong năm vừa qua ?

Trước hết, chúng tôi quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, sinh viên, học viên về chủ trương này. Các hoạt động phổ biến và tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và bằng nhiều cách để giúp mọi người hiểu rõ: xây dựng thành ĐH nghiên cứu có ý nghĩa thế nào đối với sứ mạng và sự phát triển của trường. Thật ra ngay cả ở Singapore, Malaysia, các ĐH của họ cũng mới quan tâm đến việc xây dựng ĐH nghiên cứu từ 20 năm nay. Nhưng ở Việt Nam, chủ trương này mới được ĐHQG chính thức triển khai từ một năm nay. Trong tất cả các khó khăn thì thay đổi nhận thức có lẽ là lớn nhất. Vì thế, Nhà trường đã tận dụng mọi cơ hội, thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo để phổ biến tới cán bộ và sinh viên chủ trương xây dựng Nhà trường thành ĐH nghiên cứu.

Trong năm học vừa qua, Nhà trường đã tổ chức hai đoàn cán bộ chủ chốt đi khảo sát và học hỏi kinh nghiệm việc xây dựng ĐH nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu của Malaysia, Singapore và Đài Loan.

Song song với các hoạt động trên, Nhà trường cũng đa ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích hoạt động NCKH trong cán bộ, sinh viên, học viên. Từ năm 2010, Nhà trường có chính sách thưởng cho các cán bộ có công trình khoa học công bố quốc tế là 5.000.000/báo cáo. Từ năm 2013, mức thưởng này đã được điều chỉnh theo hướng khuyến khích cán bộ công bố kết quả nghiên cứu ở các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng khoa học cao thuộc danh mục ISI và Scopus với mức thưởng tương ứng là 12.000.000đ và 8.000.000/một báo cáo. Các mức thưởng cho các công bố quốc tế khác là 5 triệu, 3 triệu và 2 triệu. Đã từ lâu, theo quy định của Nhà trường mỗi cán bộ giảng dạy một năm phải công bố ít nhất một bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước   

Để tăng cường năng lực nghiên cứu cho cán bộ, Nhà trường cũng có quy định hỗ trợ cho một cán bộ tối đa 500USD/năm cho hoạt động tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế nếu có tham luận được trình bày tại hội thảo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đây là số kinh phí rất khiêm tốn và trên thực tế số cán bộ sử dụng hỗ trợ này chưa nhiều. Ngoài ra, hàng năm Nhà trường cũng tổ chức trung bình từ 20 đến 30 hội thảo quốc tế tại trường để tạo điều kiện cho cán bộ và sinh viên, học viên được tiếp xúc, trao đổi, giao lưu với các học giả nước ngoài.

Một hoạt động lần đầu tiên thực hiện trong năm học vừa qua là là tuyển chọn các công trình nghiên cứu, sách, bài báo khoa học có chất lượng cao để dịch ra tiếng Anh, tiến tới xuất bản ở một tạp chí khoa học hay nhà xuất bản có uy tín ở nước ngoài. Đây là hoạt động cần thiết để “tiếp thị” các nghiên cứu của các các cán bộ Nhà trường với cộng đồng khoa học quốc tế.

Tháng 4/2014, lần đầu tiên Nhà trường đã tổ chức hội nghị khoa học của cán bộ trẻ, nghiên cứu sinh và học viên cao học. Hội thảo đã thành công rực rỡ, cho thấy tiềm năng to lớn của đội ngũ này, khát vọng được thể hiện của các cán bộ trẻ và hứa hẹn nhiều triển vọng trong. Đay sẽ là hoạt động thường niên của Nhà trường, là diễn đàn để cán bộ trẻ công bố các kết quả nghiên cứu mới cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu học thuật trong cán bộ trẻ.

Bên cạnh đó phải nhắc đến hoạt động sinh viên NCKH hàng năm được tổ chức hiệu quả, qua đó nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho sinh viên về tầm quan trọng NCKH, tạo đà cho các bậc học cao hơn. Một điều tra bước đầu trong sinh viên cho thấy: hơn 80% sinh viên được hỏi cho rằng NCKH là cần thiết và rất cần thiết đối với việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.

- Vậy đâu là những kết quả đáng ghi nhận nhất sau khi Nhà trường triển khai một loạt các giải pháp trên ?

Kết quả nổi bật là trong năm học vừa qua là các cán bộ của Nhà trường đã đấu thầu thành công và được giao  triển khai 12 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước cùng hàng chục đề tài cấp Bộ, cấp ĐHGQHN và đề tài do Quỹ Nafosed tài trợ. Đây là một con số ấn tượng, chưa từng có trong hoạt động NCKH của Trường trước đây. Kết quả cụ thể là trong năm học qua, cán bộ của Nhà trường đã công bố hơn 600 bài báo trong nước, gần 30 bài báo quốc tế, hàng chục giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo có chất lượng và giành được nhiều 03 giải thưởng khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN, giải thưởng sách Hay, 02 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Nếu như trong năm học 2010-2011, khi mới bắt đầu thực hiện chính sách khen thưởng đối với các công trình công bố quốc tế thì mới chỉ có 7 bài báo khoa học được công bố quốc tế, nhưng đến năm học 2011-2012, con số này đã tăng lên có 11 bài, trong năm học 2012-2013 là 21 bài và đến năm nay, theo số liệu chưa chính thức thì đã có gần 30 bài báo khoa học công bố quốc tế. Những con số này phần nào nói lên sự chuyển biến tích cực trong hoạt động NCKH của đội ngũ cán bộ Nhà trường.

Nhưng kết quả quan trọng nhất là nhận thức trong cán bộ về sự cần thiết phải có công bố quốc tế đối với người làm nghiên cứu và giảng dạy đã có bước chuyển biến tích cực. Đến nay, tại hội thảo hay cuộc họp nào cũng dễ dàng nghe thấy những thảo luận, trao đổi về chủ trương này. Các cán bộ của Trường có sự phấn khởi và nỗ lực để những nghiên cứu của mình đạt được các tiêu chí của các tạp chí khoa học trên thế giới. Trong thời gian tới, Nhà trường cũng sẽ nghiên cứu để có thêm những chính sách động viên, khuyến khích và vinh danh các cán bộ có những công bố khoa học có chất lượng.

- Đâu là thách thức lớn nhất của Trường trên lộ trình trở thành một ĐH nghiên cứu ?

Thách thức lớn nhất là phải có nhiều công trình khoa học có chất lượng cao. Nhiều công trình của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội bởi chất lượng chưa cao, chưa có tính ứng dụng cao, xa rời thực tế, chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản của xã hội Việt Nam. Đấy là còn chưa nói đến việc chưa nhiều công trình đạt được các chuẩn mực quốc tế. Do đó, vấn đề năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học là vấn đề mấu chốt.

- Giải pháp trọng tâm của Nhà trường cho vấn đề này là gì thưa thầy ?

Phải tập trung mọi nguồn lực đề nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ trẻ. Phải cho họ đi đào tạo học tập ở nước ngoài, ở những ĐH tiên tiến hàng đầu. Phải ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cán bộ trẻ trong hoạt động nghiên cứu, học tập, đặc biệt tạo điều kiện cho họ được hội nhập và giao lưu quốc tế để học hỏi, cọ sát, trau dồi kinh nghiệm. Phải bắt đầu thực hiện những biện pháp đó ngay từ bây giờ thì trong tương lai, chúng ta mới có một đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, được đào tạo bài bản, cập nhật những kiến thức và xu hướng nghiên cứu mới nhất của thế giới, có khả năng hoà nhập với cộng đồng khoa học thế giới.

- Xin cảm ơn thầy về những trao đổi trên.

So với tiêu chuẩn theo hướng dẫn của công văn số 1206/HD-ĐBCLGD của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV đạt mức 622/1000 điểm, đạt mức I.

            So với tiêu chí này, Trường đã đạt được những tiêu chí sau:

            - Tiêu chuẩn 1: Về NCKH

            + Tỷ lệ bài báo, báo cáo trong nước và quốc tế trung bình/cán bộ/năm

            + Xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình

            + Số lượng công trình KH&CN tiêu biểu quốc gia, quốc tế/năm

            + Số lượng giải thưởng khoa học quốc gia, quốc tế của cán bộ và người học.

            + Số lượng các nhà khoa học được mời đọc báo cáo mời tại các hội nghị khoa học quốc gia mỗi năm.

            + Số lượng các nhà khoa học được mời đọc báo cáo mời tại các hội nghị khoa học quốc tế mỗi năm.

            + Hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp địa phương, chuyển giao tri thức.

            - Tiêu chuẩn 2: Về đào tạo

            + Tỷ lệ cán bộ có chức danh giáo sư, phó giáo sư.

            + Tỷ lệ NCS, học viên cao học trên tổng số người học quy đổi.

            - Tiêu chuẩn 3: Về quốc tế hoá

            + Số lượng người học nước ngoài.

            - Tiêu chuẩn 4: Về cơ sở vật chất phục vụ NCKH và ĐT

            + Đầu tư cho phòng thí nghiệm, phòng thực hành mỗi năm.

            + Công nghệ thông tin.

            So với năm 2013, đã có nhiều chỉ báo được thực hiện ở mức đạt cao hơn (số đề tài, công trình nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên là TS, PGS, GS…), một số chỉ báo mặc dù chưa đạt chuẩn nhưng đã có sự chuyển đổi, nâng dần số lượng hướng đến đạt các chuẩn đề ra (tỷ lệ giảng viên nước ngoài đến dạy, tỷ lệ các bài viết công bố trên tạp chí quốc tế có chỉ số tác động cao, các ấn phẩm xuất bản tại các nhà xuất bản nước ngoài, cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu, khai thác nguồn kinh phí cho NCKH ngoài ngân sách nhà nước…).

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây