Ngôn ngữ
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Việt Nam và một số quốc gia khu vực, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, tiến tới độc chiếm Biển Đông...
PV: Thưa PGS. TS Vũ Quang Hiển, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và họ còn không ngần ngại đe dọa bạo lực và sử dụng bạo lực, đã gây ra hậu quả như đâm chìm tàu cá của ngư dân, đâm thủng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Là một nhà sử học, ông có suy nghĩ như thế nào?
PGS. TS Vũ Quang Hiển: Với cá nhân tôi không quá bất ngờ trước những hành động vừa qua của Trung Quốc, bởi lẽ, tôi hiểu được chiến lược của Trung Quốc là tham vọng của họ đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Về mặt bản chất, ý đồ nhằm chiếm đoạt hầu hết vùng Biển Đông.
Vì thế, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng chỉ là hành động kế tiếp sau một chuỗi dài những hành động về quân sự, kinh tế... trước đây của Trung Quốc theo chủ nghĩa bành chướng mà chúng ta đã thấy.
Trước hết là trên lĩnh vực truyền thông, Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền những thông tin sai sự thật về chủ quyền của họ ở Biển Đông. Ngay trên một số chuyến bay của Trung Quốc mà bay đi nơi này, nơi khác thì luôn luôn có tấm bản đồ vẽ sai sự thật khi đưa Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nằm trong cái được gọi là "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Không những thế, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc còn đưa ra quan điểm khẳng định, đây là lợi ích cốt lõi của đất nước, tức là lấy chủ quyền của nước khác làm lợi ích cốt lõi của mình. Ở đây, rõ ràng, tư tưởng nước lớn, tư tưởng bá quyền của Trung Quốc đang phơi bày rõ ràng về bản chất.
Về mặt quân sự với một loạt hành động năm 1974, Trung Quốc nổ súng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi chiếm bãi đá Gạc Ma năm 1988... cũng đã cho thấy rõ bản chất, mưu đồ bá quyền của họ. Chưa kể, việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, xây dựng đường băng...
Không những thế, tàu Trung Quốc còn rất nhiều lần tiến hành đâm, va, thậm chí đâm chìm tàu ngư dân, cắt cáp của tàu Việt Nam khi đang hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền...
Bằng những cách, cấp độ khác nhau, trong suốt thời gian qua, và nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động ngang ngược, trái phép của Trung Quốc.
Một điều cũng thấy rõ là hơn một tháng vừa qua, dù Trung Quốc đã có nhiều hành động đe dọa sử dụng bạo lực và thực tế cũng đã sử dụng nhưng chúng ta vẫn kiên trì con đường đấu tranh ngoại giao, hòa bình. Đó chính là sự chính nghĩa, đúng đắn rất cần thiết và cũng thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta.
PGS.TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
PV: Thưa PGS, ông có thể cắt nghĩa tại sao, Trung Quốc là một nước lớn, là thành viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhưng họ lại có những hành động ngang ngược, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế như vậy?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi nghĩ rằng, nhân dân Trung Quốc thì không vậy nhưng giới lãnh đạo Bắc Kinh thì thường xuyên nói một đằng nhưng làm một nẻo.
Ở đây, dường như đang có sự trỗi dậy của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, là căn bệnh thâm căn cố đế của các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa thường coi mình là người đứng đầu thiên hạ cộng với chủ nghĩa sô vanh, nước lớn, đại dân tộc, tự coi mình là đại chân lý và lấy mình làm hệ quy chiếu cho tất cả các dân tộc, các giá trị trên thế giới này.
Không những thế, dường như họ còn đang tự coi mình là tiêu biểu cho giá trị đạo lý, pháp lý của thế giới, chính vì vậy, họ bất chấp tất cả.
Về mặt đạo lý, trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc đã nói những lời nói rất đẹp, rất tốt nhưng hành động của họ hoàn toàn trái ngược. Cũng cần nói thêm, trong khi các nhà lãnh đạo nói với Việt Nam có vẻ rất thân tình nhưng hệ thống tuyên truyền, báo chí của Trung Quốc lại thường xuyên có những hành động nói xấu, vu khống Việt Nam rất nhiều.
Mọi dân tộc, đất nước đều có sự bình đẳng nhưng trong quan hệ với các nước nhỏ thì Trung Quốc lại không bao giờ có sự bình đẳng mà luôn mang tư tưởng nước lớn.
Cộng với đó, họ có những điều kiện lớn mạnh về kinh tế, quân sự, là một nước đang lên, có nhu cầu phát triển và họ luôn nhấn mạnh là sự trỗi dậy, nhu cầu đó trong hòa bình.Tuy nhiên, hòa bình không thể dựa trên cơ sở bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế và không thể lấy chủ quyền nước khác tính làm chủ quyền nước mình được.
PV: Thưa PGS, phải chăng, chính bản chất đó đã dẫn đến việc, Trung Quốc luôn yêu cầu các nước tôn trọng lịch sử nhưng họ lại vô cùng ngang ngược, bất chấp lịch sử?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Đúng là như vậy. Nếu xét về mặt luật pháp quốc tế thì Trung Quốc biết thừa mình là sai, không thực hiện theo bất cứ luật nào. Cũng chính vì vậy mà Trung Quốc khước từ phiên tòa với Philippine.
Vì vậy, họ muốn dùng đến các cơ sở về mặt lịch sử nhưng lịch sử ở đây là lịch sử nào? Trung Quốc luôn muốn hướng đến lịch sử tuy nhiên, đó là do họ tự dựng ra.
Cơ sở lịch sử của Trung Quốc không vững chắc hay nói cách khác là không có, vì vậy, họ không bao giờ dám đối chất, đối thoại mà chỉ muốn mọi người công nhận lịch sử bịa đặt do họ tự lập ra.
Cũng cần nói thêm, hành động Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và bãi đá Gạc Ma của Việt Nam là hành động quân sự chứ không phải chiếm hữu bằng biện pháp hòa bình. Và lịch sử cũng ghi nhận, chưa bao giờ Trung Quốc thực hiện quyền quản lý đối với quần đảo Hoàng Sa và các đảo đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
PV: Ngoài những điểm mạnh của Trung Quốc thì theo ông, nước này có những điểm yếu nào không?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi cho rằng, một khi phải to tiếng, dọa dẫm, răn đe, đe dọa sử dụng vũ lực... với các nước khác cản trở hành động của Trung Quốc thì đó là sản phẩm của thế yếu.
Những hành động, sản phẩm của chủ nghĩa quân phiệt này chỉ làm xấu đi hình ảnh của đất nước, lãnh đạo Trung Quốc trong con mắt của nhân loại chứ không bao giờ làm cho Trung Quốc mạnh lên. Cái yếu nhất của Trung Quốc chính là sự phi nghĩa.
Điểm yếu thứ hai như tôi đã nói đó là, Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử nào để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa, các đảo, bãi đá... đã chiếm trái phép của Việt Nam. Trung Quốc yếu về công lý, pháp lý và ngay cả thái độ, hành động côn đồ trên Biển Đông như thời gian vừa qua.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về nhận định, Việt Nam luôn tôn trọng Trung Quốc nhưng Việt Nam không bao giờ sợ Trung Quốc?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Đây là nhận định hoàn toàn đúng. Việt Nam luôn luôn tôn trọng, thân hữu với các nước láng giềng lân bang, dù là lớn hay nhỏ. Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần", bởi người láng giềng gần những lúc tối lửa, tắt đèn sẽ có nhau nhanh hơn so với anh em ở xa.Rõ ràng, nếu có người láng giềng tốt thì quá hay.
Chúng ta không bao giờ nói xấu nhân dân, đất nước Trung Quốc mà nói cái gì đều rất cụ thể. Đó là những hành động phi lý, là trách nhiệm của nhà cầm quyền Trung Quốc chứ không phải nhân dân, đất nước Trung Quốc.
Nhưng dù có tôn trọng thì không bao giờ Việt Nam sợ Trung Quốc cả. Bởi lẽ, trong suốt lịch sử dân tộc ta, các triều đại phương Bắc mà chủ yếu là Trung Quốc đã từng thống trị Việt Nam tới cả ngàn năm, rồi thường xuyên đưa quân sang xâm chiếm trong thời kỳ phong kiến tự chủ nhưng chưa bao giờ họ lấy đi được nét văn hóa của dân tộc ta.
Và dù các triều đại phương Bắc có mạnh đến đâu thì cuối cùng cũng phải chịu thua, chúng ta luôn dành lại được độc lập, tự chủ, chủ quyền.
Trong bối cảnh lịch sử có thể chúng ta nhún nhường với Trung Quốc nhưng đó không phải là sự nhu nhược, sợ hãi mà đó chỉ là mong muốn Trung Quốc hãy tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Còn nếu một khi chủ quyền, lãnh thổ đất nước bị xâm phạm thì dân tộc Việt Nam vẫn kiên quyết đứng lên, đấu tranh, bảo vệ đến cùng bằng tất cả các biện pháp có thể.
PV: Vậy, ông nghĩ sao về việc đưa người hàng xóm này ra tòa?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng là một biện pháp mà chúng ta cũng đã đặt ra và đây là cách giải quyết vấn đề văn minh trong lúc này. Với sự chính nghĩa, lịch sử của chúng ta thì chắc chắn việc thắng kiện ở tòa là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, việc này cũng cần phải xem xét kỹ càng, chuẩn bị chu đáo và hơn thế, đây là biện pháp chỉ tiến hành khi Trung Quốc buộc chúng ta phải làm như vậy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tác giả: Hoàng Đan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn