Tin tức

Gợi ý về cách học và làm bài thi môn Văn trong kỳ thi đại học

Thứ sáu - 27/06/2014 01:23
Kì thi đại học đang đến rất gần. Mặc dù sức nóng của nó đã giảm đi rất nhiều so với các kì thi trước đây, nhưng trước một kì thi, chứ chưa nói thi vào đại học, “sức nóng” của phụ huynh và các sĩ tử là điều không thể tránh khỏi. Một đôi điều dặn dò các em trước kì thi hẳn sẽ không thừa. Với môn Văn năm nay, nên học cái gì và học như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất?
Gợi ý về cách học và làm bài thi môn Văn trong kỳ thi đại học
Gợi ý về cách học và làm bài thi môn Văn trong kỳ thi đại học

Các em vừa có một kì thi tốt nghiệp được coi là theo hướng đổi mới: cấu trúc bài thi chỉ rút gọn trong 2 câu, thời gian làm bài chỉ còn 120 phút. Nếu nhìn kĩ, thực ra, về cơ bản nội dung và yêu cầu thi cũng không khác các kì thi trước đây là bao. Câu 1 thực chất là sự tích hợp hai câu 1 và 2 trước đây. Người ta coi đó là các câu đọc hiểu và nghị luận xã hội. Trước đây những nội dung này được tách thành hai, bây giờ thì còn một. Cái mới nhất trong kì thi tốt nghiệp năm nay là vấn đề thời gian, là nội dung câu hỏi đề thi hướng sát hơn vào những vấn đề nóng hổi hiện nay của đất nước. Để môn Văn không còn là những vấn đề “tào lao”, tôi nghĩ hướng ra đề như thế là đúng. Kì thi đại học năm nay cũng sẽ đi theo hướng đó. Cụ thể thì như thế nào?

Nhà giáo Trần Hinh

Tất nhiên, về cấu trúc, đề thi đại học năm nay vẫn sẽ gồm 3 câu (khác với tốt nghiệp 2 câu). Thời gian làm bài thi đại học môn Văn vẫn là 180 phút (khác với tốt nghiệp 120 phút). Và như thế một bài thi Văn sẽ gồm có một câu đọc hiểu 2 điểm, câu nghị luận xã hội 3 điểm, và câu nghị luận văn học 5 điểm.

Trước hết với câu hỏi đọc hiểu 2 điểm, đề thi có thể có những yêu cầu bám sát hơn vào chương trình học. Bấy lâu nay, câu hỏi này thường chỉ xoáy sâu vào các kiến thức học thuộc lòng, nhưng vài năm nay đề thi đã có hướng đổi mới. Chẳng hạn, phần đọc hiểu đã tập trung theo hướng hỏi các kiến thức tác phẩm, như hình ảnh được ví von, so sánh trong tác phẩm, ý nghĩa của các chi tiết, hình ảnh ví von, bút pháp nghệ thuật của tác phẩm…Năm nay, phần đọc hiểu này có thể còn mở rộng hơn ra những kiến thức tiếng Việt, cú pháp, tu từ, và mở rộng ra cả những vấn đề bên ngoài xã hội. Chẳng hạn như đề thi tốt nghiệp vừa qua, người ta đã lấy hẳn một đoạn văn in trên báo và hỏi học sinh doạn văn đó thuộc loại hình phong cách nào? (văn học, báo chí, khoa học, hành chính, chính trị). Trong chương trình còn có hai bài văn nghị luận văn học cũng có thể được lấy làm đề đọc hiểu. Đó là Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh, và Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng. Như vậy, để xử lí tốt câu hỏi này, các em không được phép học văn hời hợt như trước đây, chỉ cần đến “lò luyện thi” ghi lại những bài đọc chép và những cuốn sách viết sẵn là đủ. Các em phải đọc kĩ tác phẩm. Đề Văn từ năm nay sẽ không còn những câu hỏi thuộc lòng. Học sinh phải bắt buộc đọc hiểu tác phẩm.

Với câu hỏi nghị luận xã hội 3 điểm, hàng loạt các kì thi vừa qua (tốt nghiệp trung học, vào cấp 3), đề thi đã hướng vào vấn đề nóng hổi ở nước ta hiện nay: vấn đề biển đảo. Kì thi đại học có còn tiếp tục theo hướng đó không? Tôi nghĩ, chắc chắn vấn đề thời sự của đất nước sẽ vẫn luôn được coi là quan trọng. Nhưng  vấn đề đó không hẳn chỉ là biển đảo, là dàn khoan 981 của Trung Quốc, mà có thể nó còn được mở rộng hơn: vấn đề lãnh thổ đất nước, vấn đề truyền thống chống giặc ngoại xâm, vấn đề lòng  yêu nước, lòng tự hào dân tộc, vấn đề trách nhiệm của thanh niên trước hoàn cảnh đất nước hiện nay, kể cả vấn đề về lòng khoan dung, về lẽ sống đẹp, về lí tưởng sống. Ngoài ra, phần nghị luận xã hội còn có thể liên quan đến một số bài học khác học sinh thường rất ít chú ý như: Về luân lí và xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh), Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại (Nguyễn Khắc Viện), Những ngày đầu của nước Việt Nam mới (Võ Nguyên Giáp), Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Trần Đình Hượu), Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống Aids (Cô phi An nan), Tư duy hệ thống – nguồn sức sống đổi mới của tư duy (Phan Đình Diệu). Năm ngoái đề thi nghị luận xã hội khối C đã trích một ý trong bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu để yêu cầu học sinh phải viết về cái hay và cái dở trong thói quen người Việt trước đây. Đây là câu hỏi mở, nên để làm tốt câu hỏi này, tôi cho rằng các em ngoài những kiến thức trong sách vở đã được học, chúng ta cũng nên học cả các kiến thức bên ngoài cuộc sống, trên truyền thông, truyền hình. Và khi viết cần bày tỏ một cách chân thành, không nên “hô khẩu hiệu”.

Với câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm, đề thi vài năm gần đây thường có hướng mở rộng, kết hợp hai vấn đề, hai tác phẩm với nhau. Thậm chí câu hỏi thường ra đi ra lại một dạng văn đặc biệt là “cảm nhận”(nêu cảm nhận về hai đoạn thơ, nêu cảm nhận về hai đoạn kết tác phẩm, nêu cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của hai nhân vật, nêu cảm nhận về hai nhận xét trên cùng một vấn đề nào đó của tác phẩm…). Các em đừng hốt hoảng. Thực ra khi bắt tay làm một bài văn, dù người ta có yêu cầu dạng văn gì, cái cuối cùng vẫn chỉ là viết ra được cái hay và cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm đó. Tuy nhiên các em nên nhớ, một khi người ta đã kết hợp hai vấn đề, hay hai tác phẩm trong một đề thi, thì nên nghĩ ngay đến bài làm cần có cả sự phân tích, so sánh cái giống và khác nhau giữa hai tác phẩm đó. Trường hợp đề ra yêu cầu đồng ý hay không đồng ý hai nhận xét về một vấn đề nêu ra, thì mình cần phải thể hiện rõ quan điểm sai hay đúng; hoặc cả hai đều đúng. Ví dụ năm vừa rồi, câu hỏi 3.a, đề thi khối D hỏi: “Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khác khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực”. Các em phải khẳng định được ý kiến thứ nhất là sai, ý kiến thứ hai là đúng. Trong khi đó ở câu 3.b, người ta lại hỏi: “Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có ý kiến cho rằng, nét nổi bật của người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh, vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người”. Các em phải khẳng định trong bài làm của mình là cả hai ý kiến trên đều đúng. Tất nhiên, khi phân tích bài làm cần chỉ rõ được, nếu đúng hay sai thì nó cụ thể thế nào. Một khi đề thi đã trích dẫn những ý kiến như thế, thì đó cũng là cái hướng cụ thể để phát triển bài làm của mình. Nắm chắc được vấn đề này, đề thi dù có ra theo dạng nào, các em cũng sẽ không gặp khó khăn.

Một vấn đề quan trọng khác, trước kì thi đại học năm nay, chắc ai đi thi cũng đều mong muốn được làm rõ: bài học trong sách giáo khoa nhiều thế (khoảng 40 đơn vị bài), thì làm sao có thể rút gọn nội dung để học cho dễ dàng hơn. Là giáo viên, tôi không bao giờ khuyên các em học lệch, học tủ, mà bao giờ cũng muốn các em nên học qua tất cả các bài học trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cần chỉ ra cụ thể hơn nên ưu tiên cho những bài học nào thìcác em hoàn toàn có thể tập trung nhiều hơn vào những bài học chưa được ra đề thi đại học năm trước, cả những bài chưa được ra trong kì thi tốt nghiệp vừa rồi. Nếu cẩn thận hơn nữa, chúng ta cũng có thể “dự đoán’ những bài học nào thì được lấy ra câu hỏi 2 điểm, bài học nào thì được chọn nguồn cho câu hỏi 5 điểm. Như thế có nghĩa năm nay, những bài học sau đây sẽ được coi là quan trọng hơn: Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Chiều tối (Hồ Chí Minh), Từ ấy (Tố Hữu), Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng), Chí Phèo (Nam Cao), Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi). Do câu hỏi 5 điểm có hai câu được phép lựa chọn, nên những bài học nâng cao như Tương tư, Đời thừa, Lai Tân, Tiếng hát con tàu, Một người Hà Nội, các em có thể bỏ qua cũng được. Tôi xin khẳng định lại, những lưu ý trước kì thi trên đây không nhằm hướng các em tới việc học lệch, học tủ, mà chủ yếu chỉ muốn giúp chúng ta có được một tâm thế tốt hơn trước khi bước vào kì thi. Dù sao chúng ta cũng đã có tới 12 năm được học môn Văn rồi. Đây chỉ là những lưu ý nhỏ.

Cuối cùng, để đạt được điểm cao nhất có thể, các em cũng nên chú ý cả cách trình bày: trước khi làm bài nên dành 15 phút đầu suy nghĩ, phân tích kĩ đề thi, sau đó nên có một dàn bài ngắn gọn để tránh sự lan man khi viết. Bài văn nên được viết bằng thứ mực sắc nét,rõ ràng, không tẩy xóa, các luận điểm nên bắt đầu từ đầu dòng, khắc phục tối đa mọi lỗi chính tả và lỗi câu có thể, diễn đạt cần suôn sẻ, trong sáng, rõ ràng, nên cố gắng làm hết các câu hỏi của đề, đừng bỏ dở dang bất cứ một câu hỏi nào. Chúc các em có một kì thi đạt kết quả tốt nhất.

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây