Tin tức

Phép thử của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết

Thứ hai - 30/06/2014 04:24
Cho đến nay, đã gần 2 tháng kể từ khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa Việt Nam, những diễn biến cả trên biển và trên các diễn đàn ngoại giao ngày càng phức tạp. Nhưng hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam ngày càng ý thức rõ nét hơn về sự cần thiết phải tự cường, xây dựng nội lực đất nước mạnh để chống ngoại xâm trong bối cảnh mới. Chuyên gia lịch sử - PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ xung quanh những vấn đề trên.
Phép thử của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết
Phép thử của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết

- Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Việt Nam và thái độ của dư luận thế giới trước hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc?

Phản ứng của Việt Nam đã thể hiện được thái độ kiên định với nguyên tắc bất di bất dịch từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ hành động của mỗi người dân bình thường đến những tuyên bố của những người đứng đầu đất nước đều nhất quán với thái độ đó. Những phản ứng trên thực tế của chúng ta cũng đồng thời thể hiện thiện chí hòa bình trước hành động gây hấn của Trung Quốc.  

Thái độ của dư luận thế giới, cả trên phương diện quốc gia, tổ chức phi chính phủ và cá nhân đều thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước hành động của Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam. Những tuyên bố về đường chín đoạn, hay nói rõ ra là mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc tất cả các nước đều nhận thấy sự vô lý của nó. Tuy nhiên, nếu mưu đồ đó được hiện thực hóa, dù với bất kỳ mức độ nào, cũng đều phương hại đến an ninh của cả khu vực và thế giới. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoa Hải Dương 981 là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng nó cũng đặt các nước trong khu vực, các nước liên quan trước thực tế, rằng nguy cơ trên là đang hiện hữu.

Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Mặt khác, việc thừa nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh bằng các tài liệu lịch sử và trên thực tế trước khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm vào năm 1974 cũng ngày càng rộng rãi. Nhân đây cũng lưu ý rằng, chúng ta cần phải làm tích cực và hiệu quả hơn nữa việc đưa ra trước toàn thế giới những bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tóm lại, trong bất kỳ trường hợp nào, thì lẽ phải và đạo lý cũng luôn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ. 

PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). (Ảnh: Thành Long/USSH)

- Qua sự kiện này, ông nghĩ gì về vai trò và những đóng góp của các nhà nghiên cứu nói chung và các nhà nghiên cứu của ĐHQGHN đối với việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ?

Trước những vấn đề lớn, nhất là nó liên quan đến sự tồn vong, phát triển hay tụt hậu của đất nước, mỗi người Việt Nam, tùy vị trí của mình, đều phải có trách nhiệm. Trong số này, giới trí thức luôn có một vai trò to lớn. Nói riêng về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và biển đảo nói chung, việc làm rõ lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của cha ông ta trên các quần đảo này là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp này, giới nghiên cứu nói chung, đặt biệt là các nhà sử học, đã có những đóng góp rất tích cực.

Chúng ta biết, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974, thì một năm sau, Tập san Sử Địa phát hành ở Sài Gòn đã ra số đặc khảo về Hoàng Sa, tập hợp các trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, phân tích nhằm khẳng định cơ sở lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng cần phải nói thêm rằng, những kết quả nghiên cứu bước đầu này là những gợi ý hết sức quan trọng cho việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về mặt lịch sử và pháp lý.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một chương trình lớn mang tính tổng hợp của Nhà nước về Biển Đông và hải đảo đã được triển khai, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Đại học Quốc gia Hà Nội (bấy giờ là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã tham gia tích cực vào chương trình này. Tôi nhớ, mã số đề tài của Trường Đại học Tổng hợp là BĐ-HĐ.01 do GS.TS Đặng Ứng Vận làm chủ nhiệm nghiên cứu các vấn đề về địa lý, lịch sử và pháp lý (trong đó, nhánh nghiên cứu về lịch sử có tên là “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, có mã số BĐ-HĐ 01-01, do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ trì). Chính những cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội là những người đã cặm cụi từ cửa biển Sa Kỳ đến đảo Lý Sơn để tìm kiếm các bằng chứng về hoạt động của đội Hoàng Sa, lật từng trang châu bản triều Nguyễn để tìm kiếm các văn bản phản ánh về hoạt động thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn ở Hoàng Sa… Những tập hợp tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã được xây dựng bước đầu (tư liệu thư tịch cổ, bản đồ cổ và tư liệu thực địa của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tư liệu phương Tây, nhất là bản đồ, trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và đặc biệt là những tư liệu của chính Trung Quốc phủ nhận hoặc không phản ánh chủ quyền của họ trên các quần đảo này…). Đến nay những thu thập tư liệu của chúng ta đã khá nhiều và sẽ còn tiếp tục dày dặn hơn nữa. Những kết quả trên là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp tiếng nói của mình khi vấn đề Biển Đông nóng lên. 

Hiện nay, trước những yêu cầu của tình hình mới, với tư cách một đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải thể hiện tiềm năng và trách nhiệm của mình đối với vấn đề biển Đông. Thực tế những ngày qua, từ khi Trung Quốc bắt đầu những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, trên mọi diễn đàn, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoạt đông rất tích cực, đặc biệt là trong việc chứng minh lịch sử và pháp lý chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế, vạch rõ những sai trái, bất chấp luật pháp và đạo lý của phía Trung Quốc.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có những chỉ đạo kịp thời, cụ thể về vấn đề này. Chắc chắn Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia tích cực trong việc xây dựng bộ hồ sơ về biển đảo, trong đó đặc biệt là các tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam, cơ sở pháp lý của chủ quyền đó dựa trên luật pháp quốc tế và nhất là đưa được các tư liệu đó ra với thế giới, đến các chính phủ, các tổ chức, các cá nhân và nhất là giới học giả, để làm cho thế giới biết rõ sự thật.  

- Sự kiện này cũng cảnh tỉnh chúng ta về việc cần xây dựng nội lực đất nước mạnh mẽ hơn khi nguy cơ ngoại xâm cận kề. Ông nghĩ gì về bình luận này ?

Nội lực của một quốc gia - dân tộc phải được hiểu bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Thực tế lịch sử chống ngoại xâm chỉ ra rằng, chúng ta chỉ giành thắng lợi khi có được sự tổng hợp của cả hai nguồn sức mạnh đó.

Sức mạnh tinh thần đó là chủ nghĩa yêu nước được kết tinh từ tình yêu quê hương đất nước; là tình yêu đồng bào với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”; là lòng tự hào về lịch sử vẻ vang và nền văn hoá dân tộc mà ngay từ đầu thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”; là tinh thần độc lập dân tộc - mục tiêu tối thượng và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi thế hệ người Việt Nam; là ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia và kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền đó với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; là niềm tự tôn, tự hào dân tộc… Truyền thống đó, chủ nghĩa đó được hình thành qua mấy nghìn năm lịch sử, qua hàng nghìn năm dưới ách đô hộ ngoại bang, qua mười mấy cuộc chiến tranh giữ nước lớn nhở, được chung đúc thành sản phẩm tinh thần quý giá, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Nhưng chỉ nội lực tinh thần thôi chưa đủ, chúng ta phải phát huy nội lực đó trong xây dựng, phát triển sức mạnh vật chất. Chủ nghĩa yêu nước phải được “kích hoạt” để biến thành nội lực phát triển, xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, có đủ sức mạnh vật chất - tinh thần để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. 

- Với tư cách là người nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam, ông có thể tổng kết gì về những bài học giữ nước của cha ông ta ?

Tôi đã từng phát biểu, Việt Nam có một vị trí chiến lược trên nhiều phương diện, lại liền kề một hàng xóm hùng mạnh, luôn có tham vọng bành trướng, vì thế, mà ngay từ buổi bình minh của đất nước, chúng ta đã đứng trước áp lực ngoại xâm. Thực tế lịch sử cho thấy, không có quốc gia - dân tộc nào trên thế giới này, mà trong lịch sử của mình phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm như Việt Nam, thậm chí, luôn phải đương đầu với những thế lực hùng mạnh nhất. Chúng ta đều đã giành thắng lợi cuối cùng, nhưng không phải không có những thất bại: thất bại trong cuộc kháng chiến chống Nam Việt của Triệu Đà năm 179 TCN, thất bại của Hồ Quý Ly và nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống Minh đầu thế kỷ XV, thất bại của nhà Nguyễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Thất bại đều có nhiều nguyên nhân và đều để lại những bài học lịch sử sâu sắc: An Dương Vương vì mất cảnh giác, Hồ Quý Ly vì mất lòng dân, nhà Nguyễn thì đất nước kiệt quệ, vua tôi yếu đuối hèn nhát… Nên bài học ở đây rất giản dị: phải luôn luôn cảnh giác, phải trên dưới một lòng, đất nước phải mạnh và khi Tổ quốc bị xâm lăng thì từ vua quan đến chúng dân phải có quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Những bài học trên, chính lúc này, nó đang được hiện thực hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

- Cá nhân ông nghĩ đất nước và nhân dân Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn này như thế nào?

Trước hết, chúng ta phải tin tưởng hoàn toàn rằng, yêu nước và đoàn kết là những giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam đã được kết tinh qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và bao giờ cũng thế, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, thì tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết sẽ trỗi dậy, sẽ phát huy. Nhưng nó chỉ trỗi dậy mạnh mẽ nhất, phát huy cao độ nhất, nếu có được sự trên dưới một lòng.

Đúng là chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhưng trong lịch sử Việt Nam và trong lịch sử gần 70 năm của nước Việt Nam mới, đất nước đã từng đứng trước nhiều khó khăn thách thức nghiêm trọng hơn, và chúng ta đều đã vượt qua. Lịch sử chỉ ra rằng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, cần có sự kiên định và sáng suốt của những người chịu trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, điều này chỉ có thể có được trên nền tảng khối đoàn kết quyết tâm của toàn dân tộc, sự thống nhất ý chí của toàn dân tộc. Sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam những ngày qua cũng là “phép thử” lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Tất cả những gì mà người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, biểu thị bằng thái độ và hành động trong những ngày qua đã cho cả thế giới thấy rằng, với người Việt Nam chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng tuyệt đối, mỗi người Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó. 

 - Xin trân trọng cảm  ơn ông.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây