Tin tức

Giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Mỹ chưa biết nhiều về nhau

Thứ sáu - 27/06/2014 04:44
Đó là chia sẻ của GS.TS Peter Zinoman (University of California, Berkeley) trong bài thuyết trình về chủ đề “Nghiên cứu về lịch sử Việt Nam tại Mỹ” trước đông đảo cán bộ trẻ, học viên và sinh viên Trường ĐHKHXH&NV ngày 24/6/2014.
Giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Mỹ chưa biết nhiều về nhau
Giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Mỹ chưa biết nhiều về nhau

(Ảnh: Thành Long/USSH)

GS.TS Peter Zinoman là Phó Giáo sư Lịch sử tại Bộ môn Lịch sử và Bộ môn Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley; đồng sáng lập và nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (The Journal of Vietnamese Studies). Ông là tác giả cuốn sách “Nhà tù Thực dân” (The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940, Berkeley: University of California Press, 2001), người dịch tiểu thuyết “Số đỏ” (Dumb Luck) của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh. Lĩnh vực nghiên cứu của GS bao gồm lịch sử văn hóa, xã hội, chính trị của Việt Nam cận đại, cùng lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Bài nói chuyện của GS.TS Peter Zinoman tập trung vào ba nội dung chính:

- Lịch sử hình thành những hướng nghiên cứu chính về lịch sử Việt Nam tại Mỹ, những yếu tố gì ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành học này ?

- Cơ cấu, thực trạng của những nghiên cứu về lịch sử Việt Nam tại Mỹ: điểm tên các trường ĐH, các học giả tiêu biểu cùng các công trình nghiên cứu chính, những ảnh hưởng của các nghiên cứu đó đối với giới khoa học và với đời sống chính trị, xã hội Mỹ.

- Mối quan hệ giữa các nhà sử học nghiên cứu Việt Nam tại Mỹ và giới sử học Việt Nam, nhu cầu trao đổi và giao lưu khoa học giữa giới sử học hai nước trong bối cảnh hiện nay.

Bài thuyết trình có những số liệu và nghiên cứu khá công phu, chi tiết đã vẽ nên bức tranh khá toàn diện về quá trình phát triển, các yếu tố tác động và các khuynh hướng nghiên cứu Việt Nam tại Mỹ cho đến nay.

Kết thúc bài nói, GS.TS Peter Zinoman nhấn mạnh: nghiên cứu Việt Nam tại Mỹ đang có những bước phát triển mạnh nhất từ trước đến nay. Trong giới nghiên cứu xuất hiện những sử gia trẻ, có khả năng đi đường đài trên con đường của mình, dám khai phá những mảng đề tài nghiên cứu hay và khó với các góc tiếp cận đa dạng. Khả năng tiếng Việt của họ cũng được cải thiện nhiều, hầu hết sử dụng được tiếng Việt và có những người có thể nghiên cứu sâu với chữ Hán và chữ Nôm. Tuy nhiên, vẫn còn sự mất cân bằng lớn về số lượng các nhà nghiên cứu thời tiền hiện đại và hiện đại.

Nói về mối liên hệ giữa các nhà nghiên cứu sử hai nước, GS.TS Peter Zinoman chia sẻ suy nghĩ một cách hóm hỉnh: "Thành viên của hai cộng đồng sử gia Mỹ và sử gia Việt Nam không dành đủ thời gian để đọc các nghiên cứu của nhau”. Các học giả Mỹ không biết nhiều về nghiên cứu của các sử gia Việt Nam, cũng chưa cố gắng tìm cách xuất bản các nghiên cứu của mình trên các tạp chí khoa học tại Việt Nam. Rất ít các học giả người Việt và người Mỹ tiến hành dịch các nghiên cứu của mình sang ngôn ngữ kia để qua bản dịch, công trình của mình có thể đến với cộng đồng người đọc lớn hơn.

Diễn giả cũng cho rằng: “Tôi nghĩ đây là việc làm mất công sức nhưng rất đáng làm vì giới nghiên cứu của cả hai nước đều có nhiều điều đáng học hỏi từ phía bên kia”.

Các đại biểu đã đặt câu hỏi và trao đổi với GS.TS Peter Zinoman nhiều vấn đề liên quan đến nội dung thuyết trình: Làm rõ ảnh hưởng của yếu tố chính trị đến các nghiên cứu về Việt Nam của các nhà nghiên cứu Mỹ ? Tại sao các công trình của giới nghiên cứu Việt Nam chưa được giới nghiên cứu Mỹ quan tâm ? Làm thế nào để đi sâu nghiên cứu các mảng đề tài khó trong lịch sử Việt Nam như vấn đề cải cách ruộng đất, chiến tranh biên giới 1979, nhân văn giai phẩm… ? Cách tiếp cận và khai thác tư liệu sử về Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau của học giả Mỹ… ?

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây