Ngôn ngữ
Bởi vì sau ngày giáo sư Hoàng Xuân Nhị ra đi, nhiều thập niên qua đi nhưng ảnh hưởng học thuật, nhiệt tình khoa học gắn liền với phong thái ung dung tự tại của người thầy, người trí thức cách mạng vẫn tiếp tục lan tỏa, nối dài như tiếng chuông ngân của một thời đại, tràn sang thế kỷ 21 này.
Tìm tên cho bài viết hoài niệm về thầy Nhị, tôi bâng khuâng giây lát rồi vụt lóe lên trong đầu bốn tiếng: “giáo sư đại thụ”. Không thể khác được. Đối với tôi, thầy Nhị chắc chắn là một trong những cây đại thụ của làng đại học, của nền giáo dục Việt Nam mới. Sinh thời, nhiều lần thầy vẫn tự trào: “Mình là chủ nhiệm khoa lâu nhất thế giới”. Chúng tôi nghe thầy nhắc câu đó nhiều lần, đặc biệt là khi thầy so sánh với giáo sư Ngụy Như Kontum – “hiệu trưởng lâu nhất thế giới”. Nói câu đó, cùng với tiếng cười khà khà, khoái chá của Thầy, chúng tôi nghe qua đã nhận ra ngay cái phức điệu tự giễu lẫn tự hào. Bởi vì những năm chiến tranh và cách mạng, chức vụ Hiệu trưởng lẫn Chủ nhiệm khoa đại học làm gì phải thay đổi theo nhiệm kỳ. Những chức vụ đó đồng nghĩa với trọng trách và danh thơm. Thầy Hoàng Xuân Nhị như chiếc đầu tầu hỏa xa, kéo Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp đi suốt một nhiệm kỳ - nhiệm kỳ chống Mỹ.
Trong ký ức sinh viên còn tươi rói của tôi, bóng dáng cao lớn của Thầy vẫn lừng lững, gợi nhớ tới bóng cây cổ thụ ở Hà Nội những năm 60, 70. Ấn tượng đại thụ về Thầy còn sâu đậm thêm trong tôi cùng những kỷ niệm chiến tranh.
GS. Hoàng Xuân Nhị và học trò
Năm 1970, tròn 16 tuổi tôi đã có giấy gọi vào Tổng hợp Văn – cách gọi tắt của Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giấc mơ “tổng hợp Văn” tôi nuôi 3 năm liền, thế là đã thành hiện thực. Trường Đại học Tổng hợp của tôi có tên thầy Hiệu trưởng dài nhất: “Ngụy Như Kontum”, khác hẳn tên Hiệu trưởng mọi trường, đọc lên ngân nga như một lời thơ, còn khoa Văn của tôi thì tên của giáo sư - chủ nhiệm “Hoàng Xuân Nhị” mới dịu dàng, ấm áp làm sao !
Biết tin tôi được vào khoa có giáo sư dạy dỗ, ông bố tôi bắt tôi mang đôi chiếu biếu Thầy. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Tôi thông cảm với bố tôi, nhưng ông lại không thông cảm cho tôi. Nhìn đôi chiếu đậu trắng mịn, nhưng cồng kềnh từ quê Nga Sơn gửi ra, tôi chán nản vô cùng. Làm sao tôi tiếp cận được với Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, người mà suốt một học kỳ tôi chỉ thấy đôi ba lần bóng thầy vụt qua với chiếc áo ba-dơ-suy trên xe mobilet. Cả lớp T1/E104 chúng tôi, tức 2 ngành Văn – Ngữ khóa XV chỉ có mấy người trốn học đi nghe thầy Nhị giảng cho các anh chị lớp trên. Mỗi lần thầy xuất hiện trên sân trường, lớp chúng tôi thường báo động cho mọi người chạy ra cửa sổ, nhìn xuống ngắm thầy. Bạn tôi, một chàng trai Con Cuông, xứ Nghệ, thậm chí còn khoe rằng đã được ngửi khói xe mobilet của Thầy. “Khói thơm, chắc Thầy dùng xăng đắt tiền hơn xăng ô tô”. Anh chàng nói rồi cười, tôi cũng chẳng biết là đùa hay thật.
Năm 1971 đến với tôi trong niềm vui sinh viên náo nức. Đó là năm kKoa Ngữ Văn kỷ niệm 15 năm thành lập. Lớp tôi làm báo tường, “tập văn nghệ”, tập thể dục đều đặn, chào mừng. Ban đầu lớp định múa sạp, nhưng thấy tre pheo khó kiếm lại bỏ, xoay sang hát đồng ca. Chúng tôi vừa ghen tị vừa vị nể các anh chị lớp trên – K14. Họ có hẳn một cặp song ca “Trước ngày hội bắn”, lại thêm một chị rất xinh gái nhưng đóng giả trai, múa “Hoa Chăm pa” rất nghệ. Lễ kỷ niệm 15 năm được Khoa tổ chức thật hoành tráng. Cái bể nước tập thể của hai khoa Văn, Sử cao to là vậy, mà sân khấu kỷ niệm dựng còn cao hơn mặt bể. Các tiết mục văn nghệ đều hay, nhưng tôi háo hức nhất là tiết mục đọc thơ của thầy Hoàng Xuân Nhị. Đã bao lâu nay tôi ao ước nghe rõ tiếng thầy. Nghe nói có một anh thổi sáo rất hay, định thổi làm nền cho Thầy đọc thơ nhưng thử đôi ba lần Thầy đã gạt đi, vì thơ Thầy rất kén nhạc. Đến tiết mục của Thầy rồi. Tất cả khán giả hai khoa Văn Sử đứng hết cả dậy, chen lại gần sân khấu. Loa Khoa thuê hơi rè, Thầy đề nghị đọc thẳng cho thơ tươi. Tôi chen được đến sát chân Thầy. Đây là lần đầu tiên tôi đứng gần một giáo sư. Đúng như hình dung của tôi lâu nay. Đã là giáo sư, phải già, bạc tóc, cao to, ăn mặc chỉ cốt ấm, như Thầy Nhị. Chiếc áo khoác của thầy chắc chắn là đồ Tây, không mới, thậm chí hơi nhầu, nhưng chắc chắn là sang trọng và rất ấm. Mùa đông, có chiếc áo khoác của thầy, sinh viên nội trú gầy gầy như đám chúng tôi có được làm chăn thì hai đứa chui vào vẫn vừa, ngủ ngon đến sáng. Thầy thọc tay vào túi áo. Túi rất sâu. Thầy thong thả rút ra điếu thuốc lá, ngắt đôi, cho vào pip một nửa, chưa đọc thơ ngay, mà châm lửa hít một hơi nhỏ, rồi cười. Sinh viên vỗ tay reo hò, cổ vũ. Hình như trình diễn thơ đã có từ thời ấy.
Thầy bắt đầu đọc rồi. Giọng thầy là giọng Hà Tĩnh, không vang xa, hơi trầm, hơi đục nhưng có sức xuyên sâu, thấm vào lòng chúng tôi từng tiếng như giọt nước rơi trong hang động:
Nhưng hồn đà công xã thanh xuân
Ngàn năm mới có được duyên này
Cách sân khấu không xa lúc ấy là con đường nhỏ, có mấy cây xà cừ trồng đã lâu năm. Vì muốn ngồi cao xem hát, nghe thơ, không ít sinh viên đã trà trộn với đám trẻ con leo lên cây ngồi. Khán đài xanh này đã không chịu được trọng tải lớn. Đúng lúc những câu thơ của giáo sư gây ấn tượng nhất thì khán giả trên cây đồng loạt rướn người ra phía trước, dỏng tai nghe. Cây xà cừ bị lệch trọng tâm, nghiêng nghiêng, bật rễ rồi đổ rầm xuống cùng tiếng tiếng reo, nửa hoảng hốt, nửa thích thú. Trên sân khấu, thầy Nhị vẫn đọc say sưa như không biết chuyện gì. Mấy anh chị lớp trên tôi bình luận: thơ thầy Nhị là thơ của nhà khoa học, không vị hình thức mà vị nội dung, tuy mộc mạc nhưng vẫn có sức lay động tận cội rễ cây cỏ, người đời.
Tháng 9 năm 1971, chưa được học thầy Nhị giờ nào, hai chục thằng sinh viên K15 chúng tôi đã phải lên đường nhập ngũ. Con trai trong lớp, anh nào cũng phải viết đơn tình nguyện, nhưng trong bụng chả anh nào muốn đi. Mới vào học một năm đại học đã đi, tiếc lắm. Bao nhiêu thầy cô với những bút danh nổi tiếng: Đinh Gia Khánh, Bạc Năng Thi, Tôn Gia Ngân, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Khỏa, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…chúng tôi đọc lên với tấm lòng ngưỡng vọng, thèm thuồng. Chúng tôi nhập ngũ năm đó giữa mùa mưa lũ. Nước sông Hồng khi ấy dâng cao, đe dọa vỡ đê. Trước ngày tập trung xuất quân, tôi còn được hân hạnh chuyển sách thư viện khoa Ngữ văn từ tầng 1 lên tầng 4, đề phòng nước lụt ngập thành phố. Tôi ôm những chồng sách cao ngang ngực, nặng nề leo lên từng bước cầu thang, lòng phân vân nghĩ đến ngày về. Sau chiến tranh, không biết mình có còn sống, trở về khoa mà đọc những cuốn sách này ? Vì sao thầy Nhị học ở Tây Âu, về nước lại viết giáo trình văn học Nga và nghiên cứu thơ Hồ Chủ tịch ? Những thắc mắc kiểu ấy tất nhiên không làm bận bước chân hành quân. Có điều, suốt những năm tháng lăn lộn ở mặt trận Quảng Trị, tôi luôn tự động viên mình rằng, mình chiến đấu cho sự bình yên của mái trường Đại học Tổng hợp, nơi có giáo sư Kontum, giáo sư Hoàng Xuân Nhị, rằng sau chiến tranh, thể nào tôi cũng sống, trở về phương Bắc, nơi ấy.
Chiến tranh chưa kết thúc, tôi đã bị thương, may mắn được về học tiếp, sớm hơn nhiều bạn cùng lớp. Tôi đã được học những bài giảng đầy ấn tượng của thầy Nhị. Tôi cũng chứng kiến những giây phút thầy nghẹn ngào vì thơ Bác. Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Không biết khóa sinh viên nào tung ra cái giai thoại là năm nào thầy cũng khóc đúng những chỗ đó, vì giáo trình thầy soạn đều có những mở ngoặc tự nhắc mình: chỗ này khóc. Thoạt đầu tôi nghĩ rất nghiêm túc: nếu đúng vậy thì không đáng cười, vì thế là bậc kỳ tài, chứng tỏ một kỹ năng sư phạm, một nghệ thuật học đường. Bởi vì có lần thấy thầy khóc, tôi cũng khóc theo.
Sau này tôi mới biết, lời đồn thổi đó, giai thoại đó cũng như một hình thức giải thiêng thần tượng của đám sinh viên văn khoa nghịch ngợm. Tiếng khóc của thầy là tiếng khóc thật. Đó là những giọt nước mắt chân thành ứa ra từ con tim ngây thơ trong lồng ngực người già. Thầy Nhị đã sống bằng trái tim non tơ ấy cho đến tận cuối đời. Đó có lẽ cũng là những giọt nuớc mắt cuối cùng của một thời đại, rất tiếc… đang đi qua.
Tôi nghĩ, thầy Nhị thuộc đội ngũ những trí thức sinh bất phùng thời. Đó là những nhà khoa học Việt Nam phải sống và làm việc trong một hoàn cảnh không cần nhiều khoa học. Người ta kể rằng, khi thấy Trần Đức Thảo lặn lội từ Pháp về chiến khu, hang hái nhận nhiệm vụ kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã nói vui: chú Thảo không có đất cắm dùi… Trần Đức Thảo đi làm thư ký. Trần Đại Nghĩa được giao chế súng là đúng sở trường, Ngụy Như Kontum giỏi vật lý hạt nhân thì tạm thời đi làm quản lý giáo dục cũng là đỡ phí. Kháng chiến chưa cần triết học lẫn vũ khí hạt nhân. Mỗi trí thức đều phải vì lợi ích kháng chiến mà hy sinh cái sở trường của mình, lao động trong sở đoản. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị những năm đầu khai khoa cũng vậy. Đọc những trang viết “Kỷ niệm về một người thầy”của Giáo sư Hà Minh Đức, tôi thấm thía điều này. Thầy Đức cho rằng, “nếu thầy Nhị nghiên cứu ở khu vực văn học nước ngoài sẽ thành công hơn”. Nhiều giáo sư khác cũng cho rằng, thầy Nhị nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga và thơ Bác chủ yếu là xuất phát từ trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào, hy sinh cái sở trường Tây học của mình để đi vào những miền đất hoang, đang cần người khai phá. Cũng may là nhờ giỏi tiếng Pháp, thông thạo tiếng Đức, Hán văn, Thầy đã khai phá nhanh nhất và hiệu quả nhất, như một người đặt nền móng, người xung kích, mở đường cho học trò và đồng nghiệp lớp sau thừa kế.
Ít người biết rằng, Năm 1936, thầy Nhị đi du học ở Pháp nhờ học bổng của Hội khuyến khích du học, chuyên nghiên cứu về văn chương và triết học. Chỉ một năm sau Thầy đã tốt nghiệp cử nhân triết học (năm 1937). Trong thời gian ở Pháp, Thầy dịch nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như "Lưu Bình dương lễ", "Chinh phụ ngâm", "Truyện Kiều"... ra tiếng Pháp, dịch các tác phẩm về lịch sử văn học Nga, các tác phẩm của M. Gorky và Maiacopxky đăng trên tạp chí Mercure de France. Năm 1946, Thầy về nước tham gia kháng chiến phụ trách lĩnh vực văn hóa ở miền Nam. Năm 1947, Thầy được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ giao phụ trách tờ La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến), là tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Cùng với tờ La Voix Du Maquis, công tác địch vận của chính phủ kháng chiến khiến binh lính Âu, Phi trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ quân đội Pháp vào chiến khu theo kháng chiến. Do giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, Thầy được ủy ban giao làm nhiệm vụ chính trị viên của binh đoàn quốc tế gồm các binh sĩ rời bỏ hàng ngũ của Pháp. Năm 1947, chính phủ kháng chiến bổ nhiệm Thầy làm giám đốc Viện văn hóa kháng chiến. Khi ngành văn hóa thống nhất với ngành giáo dục, Thầy được bổ nhiệm làm giám đốc Nha giáo dục Nam bộ. Năm 1949, Hoàng Xuân Nhị tham gia mở lớp sư phạm đặc biệt mang tên Phan Chu Trinh đào tạo văn hóa cho lực lượng kháng chiến.
Sau Hiệp định Geneve, Thầy tập kết ra Bắc, được phong giáo sư, giảng dạy các trường: Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1956 đến 1982. Thầy giữ chức chủ nhiệm khoa Ngữ văn Tổng hợp đồng thời là Hội viên sáng lập của Hội Nhà Văn và Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 1978, sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn được biên chế trong Tổ Bộ môn Lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại cùng Thầy. Nói là “cùng Thầy” nhưng gần chục năm sinh hoạt, Thầy vẫn không nhớ tên tôi. Điều đó tôi không lấy làm buồn, vì đã có một tấm gương an ủi. Anh Nguyễn Bá Thành khi đó giỏi giang là vậy, không những giỏi, làm công đoàn, tháng nào anh cũng đưa lương cho Thầy tận nhà, tận tay mà cũng chỉ được Thầy nhớ 1/2 họ tên anh. Thầy thường gật gù tỏ ra rất biết tên anh: “ mình nhớ tên đồng chí rồi, Nguyễn Bàn hả, thương lắm”. Tôi, Phạm Thành Hưng, nếu làm công đoàn, đưa lương, chắc cũng được Thầy nhớ theo kiểu: Phạm Hàn… thương lắm mà thôi.
Vào những năm 80 hậu chiến, tôi thấy chưa khi nào đời buồn đến vậy. Lương giáo viên trẻ đại học sống không đủ vài ngày. Tôi ăn lương mẹ ở quê là chính. Bố mẹ tôi thích cái danh con trai dạy đại học nên bị tôi lợi dụng đào mỏ. Vài tháng tôi lại viết thư dọa bỏ nghề, chuyển cơ quan. Bố mẹ tôi sợ lại tiếp tế, động viên. Mắc mưu mấy năm liền, một hôm nghe tôi dọa, bố mẹ tôi đồng thanh tuyên bố: Thì cứ bỏ nghề đi, ai nuôi anh được đến già.
Hết chỗ dựa, tôi lao vào học tiếng Nga cho quên đói. Đấy cũng chính là thời kỳ tôi được thầy Nhị nhắc nhở, động viên. Không nhớ tên, nhưng thầy biết tôi đang đảm nhận giáo trình lý luận văn học. Có lần Thầy hỏi: năm vừa qua, lý luận Nga và phương Tây có gì mới không đồng chí ? Tôi há mồm, không trả lời nổi. Nghe tôi kể lể sự tình, Thầy bảo tôi: phải cố gắng thôi, tiếng Nga xưa mình mần vài tháng là đọc trơn tạp chí. Noi gương Thầy, tôi lại về gạt mọi nỗi niềm, cặm cụi tra từ điển, tập dịch.
Một lần có việc đến nhà Thầy, tôi phàn nàn về cuộc sống khó khăn. Thầy nhìn tôi hồi lâu rồi cho tôi một câu làm tôi nhớ mãi: “Mình là giáo sư đây, vẫn phải dậy sớm hứng nước, xếp hàng mua rau rẻ”. Thầy nói rồi thong thả rít một hơi thuốc tẩu, nhìn bức tường trước mặt hồi lâu. Tất nhiên, tường không có gì đáng nhìn. Thầy buồn buồn, nhìn đâu đó trong xa xăm, tưởng tượng. Lát sau, Thầy buông rơi mấy tiếng, như nói cho chính mình nghe: “Quan trọng là đất nước thống nhất rồi !”.
Tôi bước ra khỏi phòng Thầy, ra khỏi khu D tập thể Kim Liên, mang lời Thầy đi như vừa được bi đông nước giải khát thời trận mạc. Tôi, đến lượt mình, lại nhìn lên bầu trời xanh: “Đất nước thống nhất rồi !”. Đó là một sự thật, sự thật hàng ngày, một hạnh phúc đích thực, hạnh phúc từng ngày, sao tôi không nhớ ra. Đã mấy lần nằm bên xác đồng đội, tôi khát khao, mơ ước ngày hòa bình, vẫn coi đó là giấc mơ hão huyền. Mấy năm nay, hòa bình thật rồi, đất nước thống nhất rồi, sao tôi lại quên. Thầy Nhị đã nhắc lại cho tôi cái giá trị lớn nhất, cơ bản nhất của đời sống dân tộc. Thầy gợi cho tôi một niềm tin. Khó khăn rồi sẽ qua đi, thống nhất rồi, ta sẽ có tất cả. Tôi biết Thầy đang tin như vậy. Thầy tin thì tôi cũng tin theo.
Đất nuớc những năm hậu chiến thật khốn khó. Sau niềm vui náo nức vì kết thúc những năm đau thương chết chóc, hít hơi thở hòa bình, và ngộ nhận về tiền đồ dân tộc, chúng tôi bắt đầu hoang mang, thất vọng trước viễn cảnh kinh tế đất nước. Lúc này, cả nước đói ăn. Giáo viên trẻ chúng tôi lúc đó không dám chơi thể thao, vì thể thao vài phút thôi là đói. Cứ 11 rưỡi Nhà bếp tập thể mới đánh kẻng báo ăn. Mà thường thường thì mới 10 giờ bụng tôi đã cồn cào, ngồi đứng không yên, không đọc được sách rồi. Có anh giáo viên trẻ đói quá, quyết định yêu luôn cô nhân viên nhà ăn, để mỗi bữa cô chia thêm cho anh miếng cháy. Cũng may mà mối tình vụ lợi ấy sau vẫn chuyển hóa được thành đám cưới. Tôi có truyện ngắn được giải thưởng Văn Nghệ Quân đội. Đói quá, tôi rủ anh Bá Thành đi cùng lên Tòa soạn nhận Giải, âm mưu bán cái hiện vật ấy đi ăn phở. Cần gì phải giữ làm kỷ niệm. Chúng tôi đâu háo danh, nhưng chung quy là háu đói. Tặng bút máy Kim Tinh, tặng phích Rạng Đông, hay cốc chén kiểu gì tôi cũng bán. Bán giá chợ đen… Gần trưa, đói lắm rồi, tôi và anh Thành mới nhận được giải. Hai người sung sướng, ôm ra chỗ vắng hỏi nơi tiêu thụ. Mở ra, mới biết giải thưởng lại là tượng Hồ Chủ Tịch ở Pắc Bó dịch sử Đảng. Chúng tôi ôm Bác về, dọc đường hành quân cứ nửa cười, nửa mếu.
Chính những năm đói kém đó lại là những năm thầy Nhị xuất hiện như một tấm gương vượt khó. Thầy buông màn đọc sách, viết sách thâu đêm. Thầy có cả những tham luận chống quân bành trướng Bắc Kinh. Phong cách tư duy của một trí thức Tây học và tình cảm yêu nước đã biến thầy thành kẻ không đội trời chung với tư tưởng bá quyền, bành trướng. Có lần Thầy phải văng tục chửi những kẻ cầm quyền xâm lược, ngay trong hội thảo khoa học.
Một năm nọ, thầy Hà Minh Đức đưa sinh viên khoa Văn đi thực tập, viết gương người tốt – việc tốt tại Quân y viện 103. Có lẽ nhờ tài ngoại giao của thầy Đức, kết thúc đợt thực tập, Viện tổ chức chia tay và cám ơn rất trọng thị. “Trọng thị” – hai tiếng đó mà nói nhỏ với nhau lúc đó có nghĩa là có …chén. Tôi mừng lắm. Cái bụng cũng mừng nôn nao. Gần đến giờ liên hoan, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đột ngột cưỡi mobilet vào sân. Xe máy chưa tan khói, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp – Viện trưởng đã lao ra đón bạn. Hai cụ ôm nhau, nói gì gì bằng tiếng Pháp, chúng tôi chả hiểu. Tôi và cả đoàn sinh viên thực tập đi theo hai cụ tháp tùng. Có mấy cậu sinh viên học tiếng Pháp bám theo, nghe lỏm, hiểu được lõm bõm, thỉnh thoảng lại quay lại phiên dịch cho nghe, rất thích thú. Có điều nghe nhiều cũng chán. Sân Viện thông sang sân trường Đại học Quân Y nên rất dài, rất rộng. Chả biết tiệc bày chỗ nào, nên tốt nhất là chúng tôi cứ bám chắc hai cụ. Ngày xưa ở Hy Lạp, Arixtot và các triết gia dẫn học trò vào rừng đối thoại hàn lâm viện chắc tương tự thế này. Hai cụ, một người nghiên cứu thơ Bác, một người nghiên cứu giải phẫu cơ thể, hai lĩnh vực xa nhau là thế mà chuyện trò với nhau say sưa rôm rả. Hai giáo sư đi, chúng tôi cũng đi, hai cụ dừng, đám đệ tử chúng tôi cũng dừng, cố giữ một khoảng cách vừa gần gũi tình cảm thầy trò, vừa cung kính có trên có dưới. Theo thầy thì không thể lạc đường. Tin như vậy, chúng tôi theo hai cụ suốt nửa tiếng đồng hồ. Mấy người sốt ruột đã định bỏ ra, tách đoàn, nhưng khi thấy giáo sư chủ nhân dẫn GS Nhị vào một ngôi nhà, chúng tôi phấn khởi vào theo. Nhưng vào một lát chúng tôi phát hiện ra mình bị lạc. Chả biết hai cụ rẽ lối nào. Một lát sau thầy Nhị chạy ra trách: "Mình không nói chuyện văn thơ, đi theo làm gì. Mình xin ý kiến giáo sư Hợp về đường tiết niệu ấy mà”. Giáo sư Hợp - chủ nhà bổ sung thêm: “Bọn mình tìm chỗ đi giải. Không ăn. Tiệc bày ở khu ký túc. Các em cần đi giải thì vào rồi quay sang đó đi”.
Chúng tôi cười ồ lên, chạy bộ trở lại, dễ đến gần cây số.
Tôi nhớ và kể lại chuyện trên không có ý khôi hài. Tôi chỉ muốn qua đó khẳng định một điều là: đã qua một thời khốn khó. Nhưng đó là thời chúng tôi sống bằng niềm tin. Chúng tôi yêu thầy, tin theo thầy. Việc gì thầy làm cũng đúng, nên đi theo thầy, dù xa vẫn yên tâm không bị lạc đường.
Năm 1990 tôi về nước sau năm năm làm nghiên cứu sinh tại Praha. Tôi về gần như tay trắng, không tiền, không bằng, mà quan trọng nhất là có bằng phó tiến sỹ đem về. Cuộc “cách mạng nhung” 1989-1990 đã quét sạch nhiều thứ trong cái thành phố “thủ đô trăm ngọn tháp vàng”, trong đó có cái hạt bụi là luận án về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Séc của tôi. Giáo dục và học thuật Séc từ bỏ hệ tư tưởng cộng sản và phương pháp luận mác xít, do vậy tôi phải viết lại luận án. Giáo sư hướng dẫn bị cách chức, thải việc. Tôi không đủ can đảm đi tìm và cầu cứu các giáo sư lưu vong hải ngoại trở về. Tôi bỏ bản thảo luận án giang dở, về nước. Tôi về trong u uất và bầu tâm sự nặng nề về những nếm trải đau xót qua một cuộc cách mạng dữ dội, chóng vánh quá sức tưởng tượng. Tôi muốn gặp nhiều bạn bè, đồng nghiệp, gặp thầy Nhị để nói rằng: thế giới đang thay đổi. Cố nhiên đó chỉ là ý định. Chẳng ai có thời gian nghe tôi và tin tôi.
Sau bao năm miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, cống hiến, căn hộ của giáo sư Hoàng Xuân Nhị vẫn nguyên xi lớp vôi cũ. Chỉ có bước chân Thầy thay đổi: bước chân ngắn dần, chậm lại. Cư dân khu tập thể Kim Liên không ai không nhớ dáng Thầy bước qua phố những năm cuối đời. Có người ví bước chân ấy với bước chân nhân vật ông già Giăng Văn giăng cô đơn khi đã mất đi Cô dét – niềm an ủi cuối cùng. Giáo sư Hà Minh Đức kể rằng, năm cuối, Thầy Nhị kiệt sức rất nhanh. Nhưng khi mọi người vào thăm, trên giường bệnh, Thầy vẫn hứa hẹn, động viên : “Các đồng chí hãy cố giữ lấy niềm tin, kỳ này khỏi bệnh về, mình sẽ viết một báo cáo trình lên Trung ương về vấn đề trí thức, chỗ được và chưa được trong công tác trí thức”
Thế đấy. Cho đến giây phút cuối, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị vẫn sống bằng niềm tin. Thầy tin vào Trung ương Đảng, tin chính bản thân mình. Thầy tin vào khả năng tác động của mình và sự tác động ấy sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác. Câu nói như lời trăng trối dặn dò của Thầy (hãy cố giữ lấy niềm tin) khiến tôi nhớ tới ý kiến của giáo sư Trần Văn Giầu, khi nghe tin Giáo sư Trần Đức Thảo bị đọa đầy sau vụ việc Nhân văn- Giai phẩm: “dù sao thì xử sự với trí thức như vậy cũng là không phải, nhất là với một người như anh Thảo”.
Giáo sư Trần Văn Giầu quan tâm tới một nạn hữu, một trường hợp điển hình. Thầy Nhị của chúng tôi lại quan tâm tới số đông – tất cả chúng tôi. Và vượt lên xa hơn, thầy nghĩ về quan hệ Đảng với công tác trí thức .
Năm 1991, sau khi thầy Nhị qua đời, theo lời dặn của Thầy và nguyện vọng chung của gia đình, khoa Ngữ Văn được tiếp nhận, thừa kế toàn bộ thư viện của Thầy. Tôi và anh Nguyễn Bá Thành (lại anh Thành) được giao nhiệm vụ ra tiếp quản, lo thuê xe xich lô chở về Khoa.
Bước vào căn phòng, tôi thấy xương sống mình ớn lạnh. Xưa đọc Tố Hữu mô tả ngôi nhà sàn sau ngày Bác Hồ mất: “ Ba căn phòng trống không hương khói”, tôi cũng có cảm giác ớn lạnh. Còn lúc này, trong thư viện thầy Nhị, trước mắt tôi, phòng không trống, ngược lại, chật chội, tôi vẫn thấy lạnh người. Phòng làm việc của Thầy chật vì sách. Những dãy sách tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga, những tập atlat, những bộ từ điển to nặng, như những viên đá lát quảng trường cổ châu Âu. Ai đó đã triết lý: thư viện cũng là một kiểu nghĩa địa, vì sách như là hài cốt của trí tuệ con người…
Không có tiền để thắp hương xin phép gỡ cuốn sách đầu tiên khỏi giá, tôi chắp tay giây lát tưởng nhớ đến Thầy: Những cuốn sách của thầy viết, thầy đọc không làm ra được tiền tài, biệt thự, xe hơi. Nó chỉ làm ra danh vọng, niềm tin. Mà Thầy ạ, nếu Thầy bớt tin, cái niềm tin trong veo của người cộng sản cổ điển, sớm sống với những hoài nghi, chắc tuổi già của Thầy không khổ.
Liễu Giai, 14/5/14
Tác giả: PGS.TS Phạm Thành Hưng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn