Okabe Chikara hiện theo học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Bích.
Chiều 25 tháng chạp, sau khi nghỉ Tết, Okabe Chikara (28 tuổi) mới có thời gian lên phố Hàng Mã để ngắm nghía phố phường Hà Nội trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024.
“Có lẽ, tôi là ‘master’ Tết Việt rồi bởi đây là năm thứ 7 tôi đón Tết Nguyên đán Việt Nam”, Okabe chia sẻ với Tri thức - Znews.
Anh là du học sinh người Nhật Bản, hiện theo học tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tết Việt cũng nhiều điểm tương đồng với Tết Nhật
Năm 2015, khi đang học đại học tại Nhật Bản, Okabe có cơ hội tiếp xúc với du học sinh Việt qua công việc làm thêm. Anh kể những thanh niên Việt Nam rất tốt bụng, lại vui tính. Họ thường xuyên kể về quê hương và nấu món ăn Việt cho Okabe thưởng thức.
“Kể từ đó, tôi bắt đầu quan tâm đến đất nước và con người Việt Nam. Năm 2017, tôi có cơ hội đến nước bạn. Nhưng không ngờ, đó lại là bước ngoặt lớn khi tôi đã 'phải lòng' nơi này. Tôi quyết định bảo lưu việc học ở Nhật, sau đó theo học tại trường Nhân văn Hà Nội vào năm 2020", Okabe chia sẻ.
Ở Việt Nam, Okabe có tên rất ấn tượng - Nguyễn Khỏe Mạnh. Anh giải thích do tên tiếng Nhật là “力 – Chikara”, dịch ra tiếng Việt là “Lực". Vì muốn tạo sự gần gũi, thân quen, anh lấy tên là Khỏe Mạnh.
Bảy năm ở Việt Nam là ngần ấy năm Khỏe Mạnh đón Tết Nguyên đán tại đây. Anh kể Nhật Bản không còn Tết cổ truyền, thay vào đó, họ đón Tết dương lịch. Tuy nhiên, Tết Nhật và Tết Việt có một số điểm tương đồng, người dân 2 nước sẽ được nghỉ dài ngày trong dịp này và dành phần lớn thời gian cho gia đình.
Cũng như người Việt, người Nhật cũng dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới, đi chùa, đi đền đầu năm để cầu may mắn. Mọi người sẽ đến nhà thăm hỏi, ôn lại chuyện năm cũ và chúc Tết nhau.
Nhật Bản có phong tục trao bao lì xì, nhưng Khỏe Mạnh nói rằng người Nhật chỉ lì xì trẻ em. Còn ở Việt Nam, anh khá bất ngờ khi bố mẹ, ông bà cũng sẽ nhận mừng tuổi từ người trẻ. Bạn bè cũng trao lì xì cho nhau để thêm may mắn trong năm mới.
“Tương tự người Việt, người Nhật cũng kiêng kỵ những điều không hay trong 3 ngày đầu năm. Nhưng khác ở chỗ, nhiều người Nhật - trong đó có tôi - không xuất tiền trong ngày mùng 1, do vậy, việc lì xì sẽ được thực hiện từ ngày mùng 2”, Mạnh kể.
Ở Nhật, người dân không bày biện mâm cỗ Tết như ở Việt Nam. Họ chuẩn bị bữa ăn truyền thống Osechi ryori, được đựng trong các hộp jubako - một loại tráp sơn có thiết kế như hộp bento, bên trong đựng nhiều thức ăn màu mè, bắt mắt. Mỗi món đều có ý nghĩa cầu phúc cho năm mới.
Mạnh nhớ năm đầu tiên đón Tết Việt, anh “choáng" khi thấy người Việt mua cá chép trong ngày ông Công, ông Táo nhưng sau khi cúng bái xong lại đem cá đi thả. Anh từng nghĩ đây là một sự lãng phí tiền bạc.
Chỉ đến khi học đại học, trực tiếp tìm hiểu văn hóa cổ truyền của Việt Nam và được bạn bè giải thích, Mạnh mới hiểu rằng đó là phong tục, tín ngưỡng của người Việt.
“Hóa ra, ngày 23 tháng chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo với thiên đình", Khỏe Mạnh thích thú.
Bảy năm ở Việt Nam là ngần ấy năm Khỏe Mạnh đón Tết Nguyên đán tại đây. Ảnh: Ngọc Bích.
Lên Hàng Mã, học chúc Tết
Năm nay, sau khi nghỉ Tết, Khỏe Mạnh cùng bạn gái lên Hàng Mã để ngắm phố phường và mua đồ trang trí Tết. Đây là năm thứ 2 anh làm điều này bởi thích sự đông đúc, nhộn nhịp, nhà nhà đi mua sắm ở phố cổ Hà Nội những ngày trước Tết.
Ở Việt Nam 6 năm, việc di chuyển xe máy với Mạnh không còn gì xa lạ. Hòa vào dòng người trên phố, Mạnh háo hức không kém gì được đón Tết tại quê nhà. Nhìn đào, quất, sắc đỏ vàng của vật phẩm trang trí, Mạnh cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần.
Đi dọc con phố Hàng Mã, anh ghé một số cửa hàng, vừa ngắm nghía, vừa để tham khảo giá. Mạnh nói dù là năm thứ 2 đến đây vào dịp Tết, anh vẫn sốc bởi vật phẩm trên phố cổ được bán với giá khá cao so với kinh tế eo hẹp của du học sinh. Tuy nhiên, vì đã được “Việt hóa”, anh không ngại hỏi giá và mặc cả trước khi rút hầu bao.
Mạnh kể mùng 2 Tết năm nay, anh dự định về thăm gia đình bạn gái (đã quen 3 năm) ở Phú Thọ. Vì vậy, những ngày này, anh đang học nhiều câu chúc Tết để tự tin ra mắt.
“Tôi khá lo vì ngược lại Nhật Bản, người Việt có rất nhiều câu chúc Tết với đa dạng đối tượng. Ví dụ, trẻ em được chúc hay ăn chóng lớn, phụ nữ mang thai được chúc mẹ tròn con vuông, chúc cụ già sống lâu trăm tuổi. Tôi nghe nói nhà bạn gái rất đông họ hàng, nên giờ phải ôn lại các câu chúc", Mạnh chia sẻ nếu có thời gian, anh sẽ đi đền Hùng trong ngày đầu năm mới.
Khỏe Mạnh cùng bạn gái lên Hàng Mã sắm đồ trang trí Tết. Ảnh: Ngọc Bích.
“
Master” Tết Việt nhưng lần đầu được cắt bánh chưng bằng lạt
Dù rất thích Tết ở Việt Nam nhưng do sống một mình, chưa năm nào Khỏe Mạnh tự tay chuẩn bị mâm cỗ Tết. Những ngày đầu năm, anh thường chỉ ngủ, xem phim và gọi điện về cho gia đình.
Đường phố Hà Nội những ngày này cũng rất yên tĩnh bởi nhà nhà về quê đón Tết, giống hệt Tokyo. Mạnh khá thích điều này, anh coi đây là thời gian nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc.
Một số năm trước, anh được bạn bè, người quen mời đến nhà ăn tối trong dịp này. Mạnh rất ấn tượng và thích các món ăn truyền thống của Việt Nam, trong đó có bánh chưng.
“Ngày trước, tôi được học trò (học tiếng Nhật) tặng rất nhiều bánh chưng. Tôi khá thích và ăn bánh liên tục trong nhiều ngày. Nó rất ngon. Nhưng sau đó, tôi bị ngán và sợ. Chỉ đến khi được học sinh hướng dẫn nhiều cách ăn khác nhau như chiên lên, ăn kèm gia vị như tương ớt, tôi lại thấy yêu thích loại bánh này”, Mạnh chia sẻ.
Tết năm nay, Mạnh cho hay anh rất vui vì được thầy Bùi Văn Tuấn - giảng viên khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - mời tới thăm nhà. Anh cũng coi đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với người thầy thân thiết vì đã tận tình hỗ trợ anh trong suốt thời gian học ở Việt Nam.
Chiều 25 tháng chạp, sau khi lên Hàng Mã, Mạnh cùng bạn gái qua nhà thầy giáo từ sớm. Anh háo hức vì sẽ được chuẩn bị và thưởng thức một số món ăn trong mâm cơm Tết của người Việt.
“Những năm trước, tôi chỉ đến nhà người quen và ăn cơm. Năm nay, tôi mới được trực tiếp trải nghiệm việc cắt và xếp giò theo hình hoa, đặc biệt nhất là được học cách cắt bánh chưng bằng lạt. Tôi được dạy tận dụng lại lá dong, xếp dây lạt trên bánh, úp ngược trên đĩa và kéo dây lên để cắt", Mạnh nói.
Anh cho biết những năm trước, anh chỉ biết cắt bánh chưng bằng dao, nó rất dính và khó rửa. Nam sinh không ngờ người Việt Nam lại có cách cắt bánh sáng tạo như vậy.
Khỏe Mạnh rất vui khi được tự tay chuẩn bị và thưởng thức một số món ăn trong mâm cơm Tết của người Việt tại nhà thầy giáo Bùi Văn Tuấn. Ảnh: NVCC.
Mạnh cũng rất vui khi được gia đình thầy giải thích về ý nghĩa các món ăn trong mâm cơm cổ truyền. Thầy còn chỉ anh cách chọn cây đào, cây quất đẹp, cách kết hợp các món ăn với nhau để tăng hương vị như giò sẽ ăn kèm hành muối, nem sẽ ăn cùng rau thơm…
Lần đầu được trải nghiệm những kiến thức ngoài sách vở, Mạnh thấy hấp dẫn và thú vị hơn nhiều. Anh nói trong tương lai, khi lập gia đình ở Việt Nam, anh sẽ bắt chước và áp dụng những mẹo này trong dịp Tết.
Nhưng dù vui, Mạnh cũng cảm thấy rất nhớ nhà. Nhất là khi anh chứng kiến gia đình thầy sum vầy, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình.
“Những dịp này, tôi vẫn thường chạnh lòng, nhớ bố mẹ”, Mạnh nói.
Trong 6 năm, lý do sức khỏe, Mạnh chỉ về Nhật Bản 2 lần. Năm nay, anh hy vọng có thể đón bố mẹ qua Việt Nam để dự lễ tốt nghiệp của con trai, đồng thời anh sẽ sắp xếp về Nhật Bản thăm nhà.