Trong khuôn khổ hoạt động đào tạo ngoại khoá, sinh viên Báo chí hệ chất lượng cao của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã có buổi nghe giảng và trao đổi chuyên môn trực tuyến với các nhà báo nước ngoài từ đầu cầu của Đài phát thanh quốc tế Sputnik (Nga). Nội dung trao đổi về một chủ đề rất thời sự của nghề báo hiện nay: “Tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid 19: đề tài, lỗi sai, tin giả và kiểm chứng”.

Nhà báo Oleg Dmitriev đã công tác tại nhiều kênh truyền thông ở Mỹ và là phóng viên của Chương trình CNN’s World Report (1992-2001). Ông là trưởng bộ phận đào tạo nhà báo tại Kênh truyền hình RT, là tổng biên tập dịch vụ tin tức, sau đó là giám đốc toàn cầu phát sóng của Đài Tiếng nói nước Nga bằng tiếng Anh (nay là Đài Sputnik). Ông là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu và sách chuyên khảo trên các phương tiện truyền thông kiểu mới.

Nhà báo kỳ cựu chia sẻ với các bạn sinh viên của Viện nhiều câu chuyện chuyên môn liên quan đến kỹ năng tác nghiệp của phóng viên trong đại dịch Covid 19. Ông thừa nhận, dịch Covid 19 bùng phát trên toàn thế giới không chỉ trở thành một chủ đề nóng bỏng buộc các phóng viên và cơ quan thông tấn phải sát sao phản ánh thông tin về nó hàng ngày, hàng giờ mà còn tạo ra những cơ hội cho truyền thông, tạo động lực cho các cơ quan báo chí thay đổi, đồng thời làm mới cách thức làm báo, làm truyền thông.

Là một đài truyền hình quốc tế, đưa tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó thị trường công chúng khu vực Đông Nam Á có vai trò khá quan trọng với Sputnik, phóng viên của cơ quan thông tấn này theo đuổi sự khách quan, trung thực, phản ánh tin tức đa chiều với nhiều góc tiếp cận khác nhau.

Ông chia sẻ kinh nghiệm khi đưa tin về đại dịch, đó là phải quan tâm đặc biệt đến số liệu vì công chúng quan tâm đến tốc độ lây lan và quy mô của đại dịch; tiếp đó là phản ánh bức tranh phòng chống đại dịch của chính quyền và người dân thông qua các câu chuyện kể về những cá nhân, đơn vị... Nhưng khi đưa tin, các nhà báo cần cực kỳ quan tâm đến việc tìm kiếm nguồn tin chính thức, uy tín và có tính chính xác cao, đó có thể là các tổ chức, cơ quan y tế uy tín, các cơ sở y tế, thông tin từ bác sĩ, những người có kiến thức chuyên môn về bệnh dịch.

Nhà báo tác nghiệp đưa tin về Covid 19 cũng gặp khá nhiều khó khăn, trước hết là trong giai đoạn đầu, khi triệu chứng và các thông tin của dịch bệnh chưa được xác định rõ ràng khiến nhà báo lúng túng khi đưa tin và khó khăn trong kiểm chứng thông tin chuẩn xác. Tiếp đó, hiện tượng fake news liên quan đến Covid 19 khá phổ biến như vấn đề nguồn gốc gây bệnh, các phương pháp phòng chữa bệnh chưa được kiểm chứng, hiện tượng che giấu thông tin hoặc đưa ra những con số không chính xác về dịch bệnh gây hoang mang... Hay câu chuyện về việc phân phối vắc xin phòng Covid 19 cũng mang những yếu tố nhạy cảm về chính trị cũng cần nhà báo có một sự hiểu biết về bối cảnh chung khi đưa tin. Chưa kể khi đưa tin về Covid, nhà báo còn gặp khó khăn về việc tìm hiểu hệ thống thuật ngữ chuyên môn về bệnh dịch, làm sao giải thích các thông tin chuyên sâu về cơ chế lây bệnh, sự xâm nhập và phát tán của vi rút... một cách dễ hiểu cho công chúng. Thậm chí, các cơ quan báo chí đã hỗ trợ phóng viên bằng cách xây dựng một bộ hệ thống các thuật ngữ chuyên ngành về Covid 19 để nhà báo tham khảo và sử dụng khi tác nghiệp.

>> Học Báo chí CLC: Năng động, sáng tạo trong môi trường truyền thông hiện đại

>> Công bố QĐ và giao nhiệm vụ đào tạo các CT chất lượng cao ngành Báo chí, Khoa học Quản lý và Quản lý thông tin

>> Ngành Báo chí: Kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội

Dòng thông tin về Covid 19 cũng thay đổi không ngừng khiến nhà báo phải liên tục nhạy bén, làm giàu kiến thức của mình để săn tìm các nội dung cập nhật, từ việc đưa tin về số ca nhiễm, cho đến các nội dung về cách phòng chống, các loại thuốc, vắc xin, quy trình trị liệu...

Về cách thức trình bày tin bài, nhà báo Oleg cho rằng với việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng mạnh trong nghề báo và việc thay đổi xu hướng nghe nhìn của người xem, các nhà báo hiện nay không chỉ sử dụng văn bản chữ mà đặc biệt chuộng các sản phẩm đa phương tiện, bao gồm đồ hoạ, biểu đồ, hình ảnh, hyperlink, infographic để truyền tải bài viết. Nhờ vậy, bài viết sẽ có tính tương tác cao, truy cập thông tin đa chiều, vừa toàn diện vừa cụ thể, bắt mắt và hấp dẫn người xem.

Nhà báo Oleg cũng nhấn mạnh một nguyên tắc của nhà báo là cần kể một câu chuyện đơn giản nhất có thể, tránh quá nhiều thuật ngữ phức tạp và số liệu lộn xộn không phục vụ cho thông điệp chính của bài. Sputnik luôn chia sẻ công thức viết tin cho phóng viên của mình: hiểu bối cảnh + kiểm chứng thông tin và nguồn tin + viết tin đơn giản + thông tin đa dạng.

Việc lắng nghe diễn giả là nhà báo nổi tiếng của Sputnik trò chuyện trực tuyến trong suốt hơn 1h đồng hồ với ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh đã không gây khó khăn gì cho các bạn sinh viên báo chí hệ CLC. Bằng sự tự tin, khả năng tương tác linh hoạt cùng vốn ngoại ngữ tốt, sinh viên báo chí trực tiếp đặt những câu hỏi cho diễn giả về những vấn đề: Đại dịch Covid 19 diễn ra bất ngờ khiến các nhà báo thiếu hiểu biết và kinh nghiệm thực tế về đại dịch, vậy họ cần lời khuyên gì ? Chính sách bảo đảm an toàn cho các nhà báo khi đưa tin về Covid-19? Các cơ quan thông tấn của Nga đã làm những gì để phối hợp cùng với chính phủ và xã hội ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh?...

Buổi trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp báo chí với đầu cầu Sputnik là một trong những hoạt động nằm trong chủ trương quốc tế hoá hoạt động đào tạo báo chí chất lượng cao của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Người học sẽ được tiếp cận với kinh nghiệm làm báo của các nền báo chí tiên tiến, có cơ hội tìm hiểu và làm quen với tư duy và cách thức làm báo hiện đại của khu vực và thế giới, trang bị cho mình kiến thức để trở thành những nhà báo toàn cầu trong môi trường truyền thông hội tụ đa phương tiện.