Ngôn ngữ
Ngày 14/3/2009, trong chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp của Đại học Quốc gia Hà Nội trên VTV2, PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV) đã có những tư vấn chi tiết cho các bạn học sinh về cách học và các kĩ năng làm bài thi môn Lịch sử. Website Trường ĐHKHXH&NV xin lược thuật lại nội dung phần trả lời này.
Ngày 14/3/2009, trong chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp của Đại học Quốc gia Hà Nội trên VTV2, PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV) đã có những tư vấn chi tiết cho các bạn học sinh về cách học và các kĩ năng làm bài thi môn Lịch sử. Website Trường ĐHKHXH&NV xin lược thuật lại nội dung phần trả lời này.
Có người cho rằng môn Lịch sử là môn chỉ cần học thuộc lòng như sách giáo khoa là có thể đáp ứng được mọi kì thi. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Nếu vậy, người học chỉ cần mua SGK về học thuộc tại nhà, mà không cần tới trường. “Học vẹt” là một hiện tượng cần chống trong toàn bộ quá trình dạy và học, cũng như trong kiểm tra, đánh giá việc học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh hiện nay được xây dựng hướng tới việc đánh giá sự thông hiểu và vận dụng kiến thức, tức là biết lựa chọn, phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá các sự kiện và quá trình lịch sử.
Trong quá trình ôn tập môn lịch sử ở bậc THPT, học sinh cần chú ý một số điểm như sau:
Hiểu biết, khám phá và sáng tạo là phong cách học lịch sử. Khi ôn tập môn lịch sử, các bạn phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
Học sinh cần nói lại, hoặc viết ra giấy nội dung trả lời, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.
Điều đáng chú ý là học sinh không bắt buộc phải trình bày mọi vấn đề lịch sử một cách máy móc, giống từng câu, từng chữ như SGK, mà có thể thay đổi câu chữ và bố cục, miễn là đảm bảo đúng nội dung. Mặt khác, có thể trình bày cả những kiến thức không có trong SGK.
1- Phân tích câu hỏi trong đề thi
Phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Trong đề thi, một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Đọc kĩ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá...)
2- Phân bố thời gian cho hợp lí. Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp.
3- Lập dàn ý
Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận, và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.
Về hình thức, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: Đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.
1- Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản. Đây là lỗi khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi: Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 20 của thế kỷ XX, đã có những trường hợp sai như sau: (1)Trình bày lại hoạt động tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920 (lạc đề, sai kiến thức cơ bản, vì không xác định đúng thờì gian; (2) chỉ trình bày hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp và Liên Xô từ năm 1920 đến năm 1924 (sót kiến thức cơ bản, thiếu các sự kiện trong những năm 1924-1929); (3) Trình bày cả những sự không cần thiết từ năm 1917 đến năm 1919 (thừa).
Cũng có khi đề thi yêu cầu “giải thích” hoặc “phân tích”, nhưng bài làm chỉ “trình bày”.
Để khắc phục tình trạng trên, cần đọc kĩ đề thi, xác định rõ yêu cầu của đề và chuẩn bị dàn ý sơ lược trước khi viết bài.
2- Lẫn lộn sự kiện giữa các thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau. Có thí sinh viết: “Một trong những điều kiện bùng nổ của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1930 là có sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch” (Lúc đó chưa có Chính phủ, Hồ Chí Minh chưa làm chủ tịch). Hoặc là: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”. “Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam” (năm 1951 Đảng mới có tên này).
Nguyên nhân chính là thiếu sự tỉnh táo, hoặc mất bình tĩnh, không suy xét trước khi viết. Cũng có khi do thói quen chủ quan, dẫn tới sai một cách vô thức.
3- Mặc định cái sau phải hoàn thiện hơn cái trước. Có thí sinh viết: Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã “phát triển và hoàn chỉnh” so với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Hội nghị thành lập Đảng thông qua (đúng ra phải viết là “có hạn chế”). Nguyên nhân của lỗi này là chưa hiểu bài.
4- Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi diễn đạt, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Nguyên nhân chính là do thiếu sự rèn luyện trong quá trình học.
Năm học 2008-2009, SGK lịch sử THPT đã thay xong, là cơ sở để dạy học và kiểm tra đánh giá. SGK mới không chỉ dừng ở mốc thời gian năm 1991, mà kéo dài tới năm 2000, với nội dung lịch sử tương ứng.
Nội dung, cấu trúc các chương, bài, sự kiện, câu hỏi ôn tập sau mỗi mục, bài trong sách mới cũng có những điểm khác với sách cũ.
Thí sinh tự do cần đọc SGK mới để cập nhật kiến thức. Nếu có điều chưa rõ, nên gặp các thấy, cô giáo để được giúp đỡ thêm.
Cuối cùng, đề thi chỉ là cái cân để ta kiểm tra kiến thức của mình. Hãy lo học, mà đừng lo thi. Mục đích học tập của chúng ta là để có kiến thức. Quyền lợi lớn nhất của người học là có nhiều kiến thức. Ham học sẽ thành công.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn