Đưa hoạt động tư vấn đi vào thực tế

Thứ năm - 09/08/2012 21:58
Ngày 07/8/2012, Tổ tư vấn và hỗ trợ đào tạo (CASA) đã có buổi họp đầu tiên với 18 giảng viên - những cộng tác viên (CTV) chính thức - để thảo luận về những vấn đề liên quan đến hoạt động cụ thể của CASA cũng như của đội ngũ CTV trong năm học mới.
Ngày 07/8/2012, Tổ tư vấn và hỗ trợ đào tạo (CASA) đã có buổi họp đầu tiên với 18 giảng viên - những cộng tác viên (CTV) chính thức - để thảo luận về những vấn đề liên quan đến hoạt động cụ thể của CASA cũng như của đội ngũ CTV trong năm học mới. Tại cuộc họp này, đa phần các ý kiến phát biểu đều cho rằng công tác tư vấn và hỗ trợ sinh viên trong học tập và NCKH của Trường thời gian vừa qua dù đã có những chuyển biến song vẫn chưa được như kì vọng. Nguyên nhân đến từ nhiều phía: sự thiếu tích cực của CVHT, giảng viên, sự thiếu chủ động của sinh viên… Bên cạnh đó, tư vấn của CVHT đối với sinh viên chủ yếu là về chủ trương, chính sách trong đào tạo, lộ trình tích luỹ môn học… Mảng tư vấn về kĩ năng, phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học cũng như những tư vấn liên quan đến các vấn đề học thuật, định hướng chuyên môn, nghề nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của CASA được kì vọng sẽ đưa những hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp và đồng bộ trong toàn trường, giúp sinh viên hệ thống các kiến thức, kĩ năng và chủ động tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ học tập và NCKH. PGS.TS Đỗ Thu Hà (Khoa Đông phương học) phát biểu: mô hình hoạt động như CASA rất phổ biến và hữu ích ở các đại học trên thế giới. Các trường đại học nước ngoài thực sự coi sinh viên là trung tâm của quá trình dạy và học, bởi vậy họ nắm bắt rất tốt nhu cầu của sinh viên, quan tâm hướng dẫn các kĩ năng cần thiết phục vụ việc học tập và nghiên cứu. Từ kĩ năng viết một cái đơn như thế nào cho đến các kĩ năng làm việc nhóm, lên kế hoạch công việc, phương pháp NCKH… Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ CTV của CASA cần có sự phân biệt rõ ràng với chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ CVHT, tránh “dẫm chân” lên nhau. TS Trần Thị Hạnh (Khoa Triết học) thì phản ánh một thực tế rằng đã có nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên được triển khai tại các đơn vị nhưng kết quả không cao, do cách làm chưa thực tế, sinh viên chưa có ý thức và năng động trong việc học tập, một số giảng viên còn làm việc theo kiểu hình thức, đối phó. Ngay cả đội ngũ CVHT hiện nay cũng chưa làm đúng và đủ chức năng nhiệm vụ của mình, chưa giúp đỡ hiệu quả cho sinh viên. Do đó, TS Trần Hồng Hạnh cho rằng CASA cần có đánh giá cụ thể về nhu cầu thực tế của người học, người dạy để có hoạt động tư vấn thật sự hiệu quả, thực chất, tránh những hoạt động hình thức, bề nổi. Sinh viên từng khoa có đặc thù và nhu cầu riêng nên CASA cần triển khai những hoạt động tư vấn riêng. Cũng nhìn từ góc độ hiệu quả công việc, ThS Nguyễn Anh Thư (Khoa Khoa học Quản lí) nhấn mạnh rằng CASA cần lên kế hoạch rõ ràng, có lộ trình cụ thể với các hoạt động có tính hiện thực cao, vừa sức trong từng giai đoạn. ThS Nguyễn Anh Thư cũng gợi ý rằng trong học kì I, II của năm học 2012-2013, CASA có thể triển khai ngay các hoạt động giúp tân sinh viên làm quen với môi trường đại học, hỗ trợ kĩ năng viết học thuật hoặc hỗ trợ kĩ năng nghiên cứu. ThS Đinh Việt Hải (Phòng Đào tạo) khẳng định Nhà trường hiện đang có chủ trương mạnh mẽ và quyết tâm cao nhằm hiện thực hoá mục tiêu đổi mới cách dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo. Bối cảnh ấy rất thuận lợi cho sự phát triển của CASA. Nhưng để hoạt động tư vấn của CASA hiệu quả, thực chất, ngay từ chính bản thân các giảng viên - CTV cũng cần phải xác lập ý thức và hệ giá trị của riêng mình: là giảng viên giỏi và cũng là người tư vấn, hỗ trợ đắc lực giúp sinh viên học tập tốt. Có như vậy, các giảng viên - CTV mới có tính chủ động, tích cực, trách nhiệm trong công việc này, cùng chung sức đồng lòng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây