Được tổ chức ngày 22/10 tại Ba Vì, Hội nghị nhằm đánh giá công tác đào tạo sau đại học năm 2010, 2011 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2011 – 2012 đồng thời nêu rõ các giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Nhà trường, đại diện Ban Chủ nhiệm, trợ lí đào tạo sau đại học của các khoa.
PGS.TS Phạm Văn Quyết – Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học - trình bày báo cáo đánh giá chung về công tác đào tạo sau đại học. Theo đó công tác đào tạo sau đại học năm 2010, 2011 đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và tổ chức. Năm 2009, 2010 Trường tổ chức tuyển sinh 1 lần vào kì tháng 8, năm 2011 Trường tiến hành tuyển sinh 2 lần vào tháng 5 và tháng 9. Tính cả số học viên được tuyển sinh đợt 1 năm 2011, tổng số học viên sau đại học của Trường là 2285 so với tổng số sinh viên chính quy quy mô ĐTSĐH đã đạt 37,9%, trong đó có 2060 học viên cao học và 225 NCS, số học viên sau đại học là lưu học sinh nước ngoài có 48 người trong đó có 10 NCS.
Năm 2010 và 2011 Trường có thêm 4 CTĐT sau đại học được ĐHQG phê duyệt và cho phép triển khai đào tạo gồm 2 CTĐT trình độ tiến sĩ: Hán Nôm, Lưu trữ học, 2 CTĐT trình độ thạc sĩ: Công tác xã hội, Khoa học Quản lí đưa tổng số CTĐT sau đại học được thực hiện trong Trường lên thành 64 CT, trong đó có 31 CTĐT tiến sĩ, 33 CTĐT thạc sĩ. Hiện trường có 4 CTĐT hệ chuẩn đang chờ ĐHQG thẩm định và đang xúc tiến xây dựng 5 CTĐT hệ chuẩn. Việc tổ chức đào tạo đều được thực hiện khá chặt chẽ, theo đúng tiến trình đào tạo của quy chế đào tạo theo tín chỉ.
Tại hội nghị một số hạn chế trong công tác đào tạo sau đại học năm 2010, 2011 cũng đã được nêu ra trong báo cáo đánh giá chung: Các CTĐT sau đại học hiện nay đều mới được điều chỉnh vào năm học 2007 – 2008 song đa số các CTĐT điều chỉnh mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi ngang một cách cơ học từ phương thức tổ chức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, một số chuyên ngành đào tạo chưa hấp dẫn người học, việc tổ chức đào tạo sau đại học là phụ thuộc khá nhiều vào giáo viên mời giảng, một số khoa không có trợ lí chuyên trách mà chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường - nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác đào tạo sau đại học năm học 2011 – 2012 cụ thể như sau: tiếp tục tăng cường áp dụng những yếu tố tích cực của đào tạo theo tín chỉ; các phòng ban chức năng phối hợp chuyển đổi chương trình đào tạo đại học và sau đại học trong mối liên thông chặt chẽ; tập trung đổi mới quản lí công tác đào tạo mang tính chính quy và chuyên nghiệp hơn nữa; tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế đào tạo sau đại học đặc biệt các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược, rà soát lại chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ xem xét chương trình nào không còn phù hợp sẵn sàng thay thế và nghiên cứu để xây dựng chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, đội ngũ cán bộ quản lí và trợ lí cần phải am hiểu đầy đủ các quy định về đào sau đại học.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị cũng đã đưa ra một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo sau đại học:
PGS.TS Trần Thị Minh Hoà – Chủ nhiệm Khoa Du lịch học - nêu rõ vấn đề mời giảng viên tham gia công tác đào tạo thạc sĩ có những thuận lợi căn bản: thu hút được nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau đáp ứng được mục đích học tập và mối quan tâm của học viên. Song cùng với đó cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định: nghiệp vụ sư phạm hạn chế, chế độ bồi dưỡng còn thấp... Đây là một thực tế chung của nhiều khoa vì vậy PGS.TS Trần Thị Minh Hoà cũng đã đưa ra một số những kiến nghị: điều chỉnh thù lao giảng dạy cho bậc thạc sĩ, có cơ chế cho việc mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề hoặc phụ giảng cho các môn chuyên sâu.
PGS.TS Phạm Thành Hưng- Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học - nêu ý kiến đề xuất cần phải chú trọng phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của trợ lí đào tạo sau đại học theo hướng chuyên nghiệp hoá. PGS.TS Phạm Thành Hưng cũng nêu lên hai phương án: hoặc là có một biên chế chính thức đảm nhiệm trợ lí đào tạo hoặc là tiếp tục duy trì chế độ cử cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm trợ lí đào tạo sau đại học nhưng nên có những chế độ ưu đãi nhất định.
Một số các ý kiến của đại diện các đơn vị khác cũng được đưa ra thảo luận về một số hoạt động khác liên quan đến công tác đào tạo sau đại học: kiểm tra đánh giá, hoạt động đối ngoại và một số những quy định trong quy chế đào tạo sau đại học ở ĐHQG đã ban hành theo Quyết định số 1555.
Hội nghị thống nhất phương hướng, nhiệm vụ của đào tạo sau đại học năm học 20111 - 2012 với những chỉ tiêu cơ bản là:
+ Nhiệm vụ chiến lược: Đảm bảo cho các học viên cao học khoá 2008, 2009 bảo vệ thành công luận văn và đủ điều kện tốt nghiệp; xây dựng và triển khai thêm 2 đề án đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược
+ Tổ chức cho trên 500 học viên cao học và 45 NCS bảo vệ thành công luận văn, luận án và tốt nghiệp.
+ Tổ chức đợt thi tuyển sinh theo hướng dẫn của ĐHQGH, dự kiến tuyển mới 900 học viên cao học.
+ Tổ chức các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ theo nội dung quy dhế 1555 của ĐHQGHN; hoàn thành và trình ĐHQGHN các chương trình chuyên ngành đang triển khai xây dựng.
Và các giải pháp chủ yếu được đưa ra gồm:
+ Tích cực đổi mới phương pháp dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá
+ Chuẩn hoá và điều chỉnh các chương trình đào tạo; cập nhật các môn học mới; hạn chế các môn học/chuyên đề có tính lặp lại của bậc học trước
+ Xây dựng tiến trình và tổ chức đào tạo bậc cao học theo các học kì của hệ đào tạo đại học chính quy
+ Kiểm tra đánh gia cần thực hiện theo đúng đề cương môn học; khuyến khích các hình thức kiểm tra đánh giá hiệu quả cao…
+ Phối hợp với ĐHQGHN triển khai phần mền quản lí đào tạo sau đại học.