Ngày đầu của khoá học nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ

Chủ nhật - 06/11/2011 07:21
Chương trình “Nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ Việt Nam” do Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hoa Kì đã chính thức được bắt đầu từ ngày 5/11/2011.
Ngày đầu của khoá học nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ
Ngày đầu của khoá học nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ
Chương trình “Nâng cao năng lực cho các nhà báo trẻ Việt Nam” do Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hoa Kì đã chính thức được bắt đầu từ ngày 5/11/2011. Từ các hồ sơ đăng kí tham gia, ban tổ chức chương trình đã tuyển chọn ra 80 học viên là các nhà báo trẻ, sinh viên báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV và một số cơ quan, tổ chức khác đủ điều kiện tham gia khoá học. Điểm mới của khoá học lần này là ngoài việc nâng cao kĩ năng viết báo, khoá học sẽ tập trung đào tạo, phát triển kĩ năng tác nghiệp, xử lí ảnh báo chí cho học viên. Đặc biệt một cuộc triển lãm ảnh với nhiều phần thưởng hấp dẫn dành cho học viên tham gia khoá học sẽ được tổ chức vào cuối khoá. Buổi học đầu tiên các học viên đã được tham gia trao đổi cùng ông David Frogier de Ponlevoy - chuyên gia hiệu đính đồng thời là chuyên gia đào tạo cho kênh VOV5 và VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam và PGS.TS Phạm Minh Sơn (Chủ nhiệm khoa Quan hệ Quốc tế – Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Những lưu ý khi viết phóng sự

Trong bài thuyết trình của mình, ông David Frogier de Ponlevoy nhấn mạnh: phần quan trọng nhất trong bài viết phóng sự chính là phần mở đầu và câu đầu tiên. Hãy nghĩ giống như là người đầu tiên chèo lái con thuyền hay đoàn tàu nếu đầu tàu không tăng tốc, không đi được thì cả đoàn tàu phải dừng lại. Bởi vậy mà viết phóng sự ngay từ 1 đến 2 câu đầu người đọc phải cảm thấy hứng thú. Có rất nhiều cách để bắt đầu mở bài một phóng sự. Diễn giả nêu ra một số phương pháp tiếp cận mở đầu một bài phóng sự như: bắt đầu mô tả địa điểm nơi đến, theo ông đây là một ý tưởng tốt vì sẽ tạo bối cảnh thu hút người đọc. Hay có thể bắt đầu với điều gây ngạc nhiên hoặc bằng câu chuyện trong trường hợp nắm được nội dung toàn bộ câu chuyện đó, nghe được câu chuyện đó…

Một điều quan trọng nữa cần lưu ý khi viết phóng sự là: con người cần phải được đưa vào phóng sự nếu phóng sự không có con người sẽ rất tẻ nhạt. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần phải mô tả quá nhiều chi tiết về nhân vật mà chỉ một hai chi tiết hay, điển hình là đủ. Một vài điểm lưu ý khác đã được diễn giả nêu ra và phân tích cụ thể như: Sử dụng tính từ: Tính từ quan trọng trong việc mô tả sự vật, sự việc nhưng tính từ cũng chính là cái bẫy. Trong phóng sự không nên sử dụng các tính từ “đẹp”, “tốt” điều đó sẽ khiến người đọc thấy rằng phóng viên lười suy nghĩ, không có cách nào miêu tả chi tiết, hấp dẫn hơn được. Sử dụng con số: Những con số thường khó nhớ bởi vậy khi sử dụng con số đừng sử dụng quá nhiều và hãy sử dụng đơn vị đo lường mà độc giả dễ mường tượng nhất, cố gắng so sánh với những điều gần gũi. Diễn giả minh hoạ việc sử dụng con số hiệu quả qua ví dụ về việc ghi nhớ diện tích của một số địa điểm nổi tiếng để so sánh nhờ đó những con số sẽ trở nên ấn tượng và dễ nhớ hơn nhiều. Rất nhiều những ví dụ thực tế đã được diễn giả đưa ra minh hoạ cho cách thức bắt đầu một bài viết cũng như nhưng lưu ý khi viết một bài viết. Kết thúc bài thuyết trình, ông David Frogier de Ponlevoy một lần nữa nhấn mạnh: để một bài viết hấp dẫn, thu hút người đọc thì đừng bao giờ cố viết về tất cả mọi thứ, hãy chọn chủ đề, chọn góc nhìn trước khi bắt đầu, sử dụng tất cả các giác quan để sáng tạo, hãy sử dụng câu đơn giản, cẩn thận với những tính từ và những con số.

Những cơ hội tiếp theo

Sau phần trao đổi của ông David Frogier de Ponlevo, các học viên đã được tham gia thảo luận cùng PGS.TS Phạm Minh Sơn về chủ đề “Báo chí trong bối cảnh toàn cầu hoá và quan hệ quốc tế”; về “Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong báo chí Việt Nam và quốc tế” với nhà báo Trần Lệ Thuỳ - Học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford, Anh). Thảo luận phân biệt về “nguồn tin truyền thông và mạng xã hội” và thực hiện những bài tập thực hành tác nghiệp báo chí hiện đại cùng nhà báo Vũ Lan Hương – Thư kí toà soạn Diễn đàn kinh tế Việt Nam (Vietnamnet).

Tham gia thuyết trình, và hướng dẫn học viên tại các buổi học tới sẽ tiếp tục là những nhà báo tên tuổi, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực báo chí như: ThS. Đỗ Minh Thuỳ (Quản lí dự án truyền thông trong tập đoàn truyền thông Lê Media), ông Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập VietnamPlus), nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu - người từng tham gia chụp ảnh cho các hãng thông tấn và báo chí lớn trên thế giới, nhà báo Huy Đức – một nhà báo kì cựu nhiều năm công tác tại báo Tuổi trẻ và Sài Gòn tiếp thị… ThS. Đỗ Minh Thuỳ (Điều phối viên chương trình, hiện là Quản lí dự án truyền thông trong tập đoàn truyền thông Lê Media) cho biết: Khoá học diễn ra vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, dự kiến kéo dài từ ngày 5/11 đến ngày 3/12. Ngoài những buổi học thảo luận, thực hành tại lớp các học viên sẽ có những buổi học thực tế, thực hiện các bài tập. Bên cạnh những kiến thức bổ ích có được trong suốt tham gia khoá học thì kết thúc khoá học học viên cũng sẽ nhận được chứng chỉ, học viên xuất sắc sẽ được giới thiệu, hỗ trợ thực tập tại các cơ quan báo chí Việt Nam.

Tác giả: nguyenhang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây