Tin tức

Danh nhân Nguyễn Công Trứ: Cuộc đời và sự nghiệp

Thứ sáu - 26/12/2008 04:26

Hội thảo về danh nhân Nguyễn Công Trứ do Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 19/12/2008 tại tỉnh Hà Tĩnh. Hơn 40 báo cáo đã được trình bày theo hai chủ đề chính: Danh nhân Nguyễn Công Trứ: dấu ấn lịch sử và thời đại và Danh nhân Nguyễn Công Trứ - nhà văn hoá lớn.

Hội thảo về danh nhân Nguyễn Công Trứ do Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 19/12/2008 tại tỉnh Hà Tĩnh. Hơn 40 báo cáo đã được trình bày theo hai chủ đề chính: Danh nhân Nguyễn Công Trứ: dấu ấn lịch sử và thời đại và Danh nhân Nguyễn Công Trứ - nhà văn hoá lớn.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự là Tồn Chất, hiệu là Ngô Trai và Hi Vân, sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bộc lộ thiên tư thông minh khác thường. Năm Gia Long thứ hai (1803), vào dịp vua ngự giá Bắc tuần, Nguyễn Công Trứ đã đón đầu dâng “Thái Bình thập sách”. Năm Gia Long thứ 18 (1819), Nguyễn Công Trứ đỗ Giải nguyên trường Nghệ, sau đó giữ một chức quan tập sự ở Quốc sử quán khi đã bước sang tuổi 42. Trong gần 30 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ có đến khoảng 25 năm làm đường quan (quan cai trị), cao nhất tới chức Thượng thư, chức Tổng đốc, lại có mấy tháng (ở tuổi 66) bị cách hết chức tước phẩm hàm, giáng làm lính trơn. Là một vị nho tướng, Nguyễn Công Trứ có lẽ là người có quãng đời binh nghiệp lâu nhất, đã tham gia vào nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, trên mọi vùng miền đất nước, ở mọi địa bàn, đối đầu với các loại đối thủ và mang về nhiều quân công nhất. Không chỉ làm quan trong triều, làm quan ở kinh đô, ở những nơi văn vật, ông cũng từng nhiều lần trấn nhậm và tác chiến cả ở vùng biên giới, miền sơn cước, vùng sông rạch, vùng đồng bằng, ngoài biển khơi, trên hải đảo, thậm chí cả ở hải ngoại. Ông còn là một nhà kinh tế giỏi trong lĩnh vực khẩn hoang, một kiến trúc sư về thuỷ nông, khai hoang, lấn biểu vùng duyên hải Bắc Bộ, khơi nguồn mạch sống cho dân nghèo.

[img class="caption" src="images/stories/2008/12/26/p1120195.jpg" border="0" alt="GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - phát biểu tại hội thảo" title="GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - phát biểu tại hội thảo" width="280" height="188" align="left" ]

Gần 30 năm làm quan, lúc thăng lúc giáng nhưng Nguyễn Công Trứ luôn là một trung thần triều Nguyễn, con dân của đất Việt, mang hết trí lực và tâm huyết góp phần cùng với nhà Nguyễn kiến thiết một xã hội mới. Ông được triều đình tuyên phong là Uy viễn tướng công, được nhân dân suy tôn là bậc anh hùng hào kiệt, con người tài hoa lỗi lạc, văn võ song toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tư chất phóng khoáng, không câu nệ.

Các báo cáo tham luận tại hội thảo lần này là tập hợp những tư liệu rất phong phú và khá toàn diện về con người Nguyễn Công Trứ trên nhiều cương vị và danh xưng: là vị tướng quân thao lược, nhà kinh tế tài ba với tư tưởng canh tân đất nước, nhà khẩn hoang tài giỏi, nhà trí thức với nhiều tư tưởng cách tân giáo dục, vị quan cai trị giàu lòng yêu nước thương dân, nhà tư tưởng, nhà văn hoá lớn, một nhân cách độc đáo, một nhân cách lớn trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX. Chính vì tính chất đa dạng, phong phú hiếm có trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ mà các báo cáo đều cố gắng đưa ra những chứng cứ, tài liệu cụ thể nhất, gắn với từng giai đoạn nhất định trong cuộc đời ông, ở những địa danh cụ thể nơi ông nhậm chức hoặc công cán, qua đó đánh giá chính xác nhất những đóng góp cũng như ảnh hưởng của ông trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương nói riêng và đối với triều đình nhà Nguyễn nói chung. Các tham luận góp phần nêu bật lên hình ảnh và tinh thần, cốt cách của Nguyễn Công Trứ với tư cách là một con người - một danh nhân - hội tụ những đặc điểm của lịch sử, văn hoá của một thời kì nhưng cũng là một cá nhân đầy sáng tạo với những tư tưởng, khát vọng sống lớn lao, say mê, đầy hoài bão. Đó cũng là một cuộc đời mà biết bao người xưa và nay phải khao khát, ngưỡng mộ. Trên tất cả thì với cách tiếp cận nghiên cứu theo hướng đa ngành, liên ngành theo phương châm “ôn cố tri ân”, các thảo luận tại hội thảo đã đưa ra được những nhận định khách quan, toàn diện về một con người mà những giá trị từ di sản và bài học lịch sử thời kì Nguyễn Công Trứ cũng như cuộc đời ông còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa cho hành trình đổi mới của xã hội, đất nước và con người Việt Nam ngày hôm nay.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây