Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo,
- Về phía các cơ quan nhà nước Việt Nam có ông Dương Văn Bá (Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo), TS. Nguyễn Văn Hồi (Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động-Thương bình-Xã hội).
- Về phía các khách mời quốc tế có ông Étienne Rolland-Piègue (Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam); GS.TS Tan Ngoh Tiong (Trường ĐHKHXH Quốc gia Singapore); TS. Culas Christian (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp);
- Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo).
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2011-2020, hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp hóa các hoạt động CTXH. Được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý Đề án, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) đã có những chỉ đạo, hỗ trợ đào tạo nói chung và đào tạo thực hành nói riêng tại Việt Nam, trong đó có Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Đã có nhiều hội thảo, nhiều mô hình được đề xuất trong thời gian qua. Nhưng các kết quả vẫn cho thấy sự thiếu hiệu quả trong hoạt động đào tạo thực hành CTXH ở nhiều trường, viện, trung tâm trong cả nước. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo sinh viên cũng như chất lượng nguồn nhân lực CTXH trong tương lai.
Do đó, Hội thảo khoa học quốc tế "Đào tạo thực hành nghề công tác xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam" được tổ chức nhằm thảo luận về những vấn đề như chính sách đào tạo thực hành ở Việt Nam, thực trạng đào tạo thực hành CTXH ở Việt Nam hiện nay, các mô hình đào tạo và kinh nghiệm thực hành CTXH tại một số nước điển hình trên thế giới. Qua đó, hội thảo đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả; xây dựng mạng lưới, cơ chế hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thực hành CTXH trong cả nước.
Thay mặt Cục Bảo trợ Xã hội, TS. Nguyễn Văn Hồi khẳng định sự phát triển vượt bậc của CTXH kể từ ngày 25/3/2010, khi Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 32 về phát triển ngành này. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 103 về chuẩn hóa hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Nhờ vậy, hiện nay số lượng cán bộ nhân viên trong lĩnh vực CTXH ước tính là 200.000 người, trong đó có 30-40% cán bộ chuyên nghiệp. Đã có 80 cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo CTXH; chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này lên tới hàng chục triệu sinh viên. Ngoài ra, tháng 1 năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội sẽ trình chính phủ và Quốc hội xem xét Đề án Luật CTXH, nhằm pháp điển hóa các hoạt động CTXH trong giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng.
TS. Nguyễn Văn Hồi phát biểu khai mạc hội thảo
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Hồi, công tác thực hành CTXH hiện nay chưa bắt nhịp với sự phát triển nhanh chóng của các cơ chế, chính sách. Sự phân biệt, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và thực hành CTXH còn chưa nhuần nhuyễn. Trong khi đó, trong chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới như tại Mỹ, Úc, Anh; thực hành luôn chiếm 50% chuẩn đào tạo. Do vậy, hội thảo lần này là bước đầu để các bên liên quan thảo luận, đóng góp ý kiến cho lộ trình hoàn thiện đào tạo thực hành, qua đó thay đổi và nâng cao chất lượng ngành CTXH trong thời gian tới.
Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của CTXH với KHXH&NV. Trong 10 năm qua, Trường ĐHKHXH&NV là một trong những cơ sở đi đầu trong đào tạo ngành này. Mặt khác, Hiệu trưởng cũng nhận định rằng, hạn chế lớn nhất của Nhà trường hiện nay là chủ yếu tập trung vào các vấn đề lý thuyết, vĩ mô; để lại những khoảng trống trong thực hành nghề.
GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Do vậy, hội thảo lần này là dịp để Nhà trường tìm giải pháp nhằm kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu lý thuyết cơ bản và đào tạo kỹ năng cho sinh viên ngành CTXH. Hiệu trưởng cũng hy vọng các hội thảo lớn hơn sẽ được tổ chức ở cấp quốc gia, để các bên liên quan trao đổi và thống nhất các chương trình đào tạo thực hành CTXH. Những sự kiện như vậy cũng giúp kết nối doanh nghiệp, các cơ quan địa phương với các cơ sở đào tạo để hình thành mạng lưới hỗ trợ thực hành cho sinh viên.
Các đại biểu tại hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Sau phần khai mạc, hội thảo đã lắng nghe 8 tham luận:
"Vài nét tổng quan về đào tạo nguồn nhân lực làm CTXH hiện nay và một vài khuyến nghị" của ông Dương Văn Bá (Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT)
"Đào tạo thực hành CTXH ở Việt Nam hiện nay" của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa (Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV)
"Công tác kiểm huấn tại cơ sở thực hành, thực tập của sinh viên ngành CTXH" của PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV)
"Tương lai của CTXH: Góc nhìn từ Châu Á" của GS.TS Tan Ngoh Tiong (Đại học KHXH Quốc gia Singapore)
"Đào tạo thực hành CTXH: Thực trạng, thách thức và những gợi mở từ kinh nghiệm quốc tế" của TS. Nguyễn Thị Thái Lan (Trường ĐHKHXH&NV) và ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Trường ĐH Lao động-Xã hội)
"Đóng góp của các ngành KHXH cho các dự án phát triển cộng đồng ở Việt Nam" của TS. Culas Christian (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS))
"Kinh nghiệm thực hành CTXH tại Bệnh viện Nhi trung ương" của ThS.Bs Dương Minh Thu (Bệnh viện Nhi trung ương)
"Điều kiện lý thuyết cân bằng Con người, Xã hội và Môi trường sống qua phân tích khái niệm 'sức khỏe' của Tổ chức Y tế thế giới – Mức độ đóng góp của một vài ngành KHXH&NV trong đào tạo thực hành nghề CTXH" của PGS.TS Trịnh Văn Tùng, CN Nguyễn Thị Thu Hoài (Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV), TS Bùi Văn Tuấn (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN)
Tác giả: Trần Minh - Vũ Ngà, Ảnh: Công Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn