Tin tức

Hội thảo khoa học quốc tế "Bạch Đằng và nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13"

Chủ nhật - 23/12/2018 08:23
Ngày 22/12/2018, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bạch Đằng và nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13".

Tham dự hội thảo:

-   Về phía tỉnh Quảng Ninh có TS. Vũ Thị Thu Thủy (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh), đồng chí Nguyễn Thị Hạnh (Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Ninh), đồng chí Trần Văn Vinh (Phó Chủ tịch thường trực UBND thị xã Quảng Yên). 

-   Về phía ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN), GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, ĐHQGHN), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN); về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), GS. TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV),

Hội thảo đã tiếp nhận 41 tham luận của các nhà khoa học từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu như Trường ĐHKHXH&NV, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và 2, Đại học Hồng Đức, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh. Đặc biệt còn có các học giả quốc tế từ Đại học Osaka, Đại học nữ Showa, Đại học Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, Đại học Rikkyo.

Trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, thắng lợi của ba lần kháng chiến chống Mông-Nguyên nói chung, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 nói riêng của quốc gia Đại Việt nhà Trần có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó khẳng định sự trưởng thành của Đại Việt, chứng minh cho ý thức độc lập, tự cường và tinh thần đoàn kết của người Việt trước các thế lực xâm lăng từ bên ngoài. Đồng thời, các sự kiện này có liên hệ và tác động lớn tới tiến trình lịch sử khu vực và thế giới. Sau cuộc chiến, bằng những chính sách đối nội có tính hàn gắn và những biện pháp ngoại giao khôn khéo, nhà Trần đã duy trì và củng cố nền hòa bình Đại Việt, tạo nên một giai đoạn hưng thịnh. 

Năm 2018 là thời điểm kỷ niệm 730 năm chiến thắng Bạch Đằng chống quân Mông-Nguyên (1288-2018) và 710 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2018). Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc tế "Bạch Đằng và nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ 13" được tổ chức. Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá ý nghĩa và vị trí then chốt của chiến thắng Bạch Đằng cùng kháng chiến Mông-Nguyên trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử khu vực, thế giới. Hội thảo cũng giúp làm rõ những đóng góp của vương triều Trần trong cuộc kháng chiến; những chính sách khai mở, tiến bộ thời hậu chiến, đặc biệt là tư tưởng hòa giải dân tộc của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Thay mặt UBND tỉnh Quảng Ninh, TS. Vũ Thị Thu Thủy bày tỏ sự vinh dự khi tỉnh Quảng Ninh được chọn làm nơi tổ chức hội thảo quốc tế về một triều đại có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam. Hội thảo bổ sung vào kho tàng nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng và nhà Trần, góp phần lưu truyền các giá trị văn hóa, lịch sử tới các thế hệ sau, tăng thêm sức hấp dẫn du lịch cho vùng đất linh thiêng này. TS. Vũ Thị Thu Thủy hy vọng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học tiếp tục đầu tư các sản phẩm khoa học, tri thức để tham vấn cho các chính sách phát triển văn hóa-xã hội, song hành với sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

TS. Vũ Thị Thu Thủy phát biểu khai mạc hội thảo

Thay mặt ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa khoa học và chính trị to lớn của Hội thảo. Hội thảo là dịp để nhìn nhận, phân tích các kết quả, thành tựu nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3 từ các góc độ liên ngành, chuyên ngành. Ở phạm vi rộng hơn, Hội thảo so sánh sự ứng đối, kháng chiến chống Mông-Nguyên vào thế kỷ 13 của Đại Việt nhà Trần so với các quốc gia Châu Á như Triều Tiên, Nhật Bản. Ngoài ra, các đại biểu sẽ xây dựng những luận cứ khoa học cho các kiến nghị, giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hóa của nhà Trần và Quảng Ninh nói riêng, cũng như vùng Đông Bắc nói chung.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Tại phiên toàn thể, hội thảo đã lắng nghe hai tham luận:

Tham luận "Truyền thống Bạch Đằng" của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) đã điểm lại diễn biến lịch sử của ba chiến thắng Bạch Đằng năm 938, 981 và đỉnh cao là năm 1288. Qua đó, tham luận khẳng định sự tồn tại của một truyền thống Bạch Đằng - kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của người Việt như tinh thần yêu nước, ý chí tiêu diệt quân xâm lược, sự kết hợp và vận dụng khéo léo các lực lượng địa phương trong chiến tranh nhân dân, sự vươn lên trước những thách thức hiểm nghèo.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trình bày tham luận

Tham luận "Tầm nhìn đa tầng về lịch sử thời Trần: Cách tiếp cận mới của phương pháp sử học toàn cầu" của GS. TS Momoki Shiro (Đại học Osaka, Nhật Bản) giới thiệu sơ lược về cách tiếp cận lịch sử toàn cầu. Tham luận sử dụng góc nhìn này để soi chiếu một số vấn đề về Đại Việt thời Trần như quá trình toàn cầu hóa vào thế kỷ 13, vị trí của các quốc gia vừa phải, vai trò của tầng lớp võ sĩ, quá trình hình thành xã hội tiểu nông...

GS. TS Momoki Shiro trình bày tham luận

Sau phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục diễn ra với hai tiểu ban:

Tiểu ban 1: "Đế chế Mông-Nguyên và quốc gia Đại Việt trong bối cảnh toàn cầu thế kỷ 13" với các tham luận như "Sự ứng phó của vương triều Koryo tới sự đe dọa xâm lược của quân Mông-Nguyên" của TS. Lee Kang Hahn (Viện Nghiên cứu Hàn Quốc), "Vương triều Trần trong mối quan hệ với Nam Tống và Mông-Nguyên trước áp lực của các cuộc tấn công từ phương Bắc vào thế kỷ 13" của TS. Nguyễn Thu Hiền (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội), "Hải thương Châu Á dưới tác động của chiến tranh và chế độ cai trị Mông Cổ (Pax Mongolica)" của PGS.TS Yokkaichi Yasuhiro (Khoa Nghệ thuật, Đại học Rikkyo, Nhật Bản), "Cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên của quân dân Đại Việt thế kỷ 13 trong một số công trình sử học Nga" của PGS.TS Trần Thị Thái Hà (Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Đại học Sài Gòn), "Cuộc chinh phạt của Mông Cổ ở Tây Á: Trường hợp Baddha năm 1258" của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) - HVCH. Doãn Tùng Anh (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).

Các đại biểu tại hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tiểu ban 2 "Chiến trận Bạch Đằng: Tư liệu mới, nhận thức mới" với các tham luận như "Vương triều Trần và ba lần chiến thắng Mông-Nguyên thế kỷ 13: Góc nhìn khí hậu học lịch sử" của PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), "Về cuộc chiến Bạch Đằng và tù nhân Mông-Nguyên" của PGS.TS Dang Baohai (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc), "Dấu ấn nhà Trần và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược lần thứ hai (1285) trên đất Thanh Hóa" của PGS.TS Nguyễn Thị Thúy (Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa), "Cuộc xâm lược của Mông Nguyên ở Việt Nam qua một số tư liệu khảo cổ học thời Trần" của PGS.TS Đặng Hồng Sơn (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), "Giáo dục - Khoa cử thời Trần và sự hình thành tầng lớp trí thức Nho học" của TS. Đỗ Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), "Vai trò của các bãi cọc ở chiến trường Bạch Đằng - Nhận thức mới từ những kết quả khảo cổ học gần đây" của TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) - GS.TS Mark Starnifoth (Đại học Flinder, Úc) - TS. Jun Kimura (Đại học Tokai, Nhật Bản).

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang tóm lược một số điểm quan trọng mà hội thảo đã rút ra. Thứ nhất, cần đánh giá sự kiện chiến thắng Bạch Đằng từ nhiều góc độ chính trị, văn hóa, xã hội thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự. Chẳng hạn, để triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, nhà Trần đã phải duy trì sự gần gũi, thân dân để lôi kéo sự tham gia của các lực lượng địa phương. Thứ hai, cần đặt sự kiện này vào bối cảnh chung của khu vực và quốc tế, đồng thời so sánh triều đại nhà Trần với các triều đại khác ở Việt Nam và thế giới. Với góc nhìn toàn cầu, các nhà khoa học có thể đưa ra những kết luận toàn diện, khách quan, phong phú hơn. Thứ ba, cần chuyển hóa những kết quả khoa học của hội thảo thành những sản phẩm, tài nguyên hữu hình để góp phần vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Chẳng hạn, việc tái hiện trận chiến Bạch Đằng một cách trực quan hơn sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các giá trị lịch sử, văn hóa của trận chiến. Với những ý nghĩa đó, GS. TSKH Vũ Minh Giang đánh giá cao tinh thần làm việc của ban tổ chức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và tuyên bố hội thảo thành công rực rỡ. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu kết luận hội thảo

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây