Đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam: Cơ hội và Triển vọng

Chủ nhật - 27/03/2011 07:52
Ngày 24/3/2011, Trường ĐHKHXH&NV và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam: Cơ hội và Triển vọng”.
Đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam: Cơ hội và Triển vọng
Đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam: Cơ hội và Triển vọng
Ngày 24/3/2011, Trường ĐHKHXH&NV và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam: Cơ hội và Triển vọng”. Tham dự Hội thảo có đại diện các các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về quốc tế của Việt Nam như Học viện Ngoại giao, Viện Nghiên cứu Châu Mĩ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung đông, Đại học Huế, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM, Đại học Sư phạm TpHCM, Đại học Đông Đô... Đặc biệt Hội thảo có sự hiện diện của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, Bà Deborah Chatsis, các cán bộ của Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Canada tại TpHCM. Mục đích chính của Hội thảo là trả lời hai câu hỏi: Tại sao và Làm thế nào để tăng cường đào tạo và nghiên cứu về Canada tại Việt Nam?

Trong các báo cáo của mình, các đại biểu đều khẳng định Canada là chủ thể xứng đáng được quan tâm, nghiên cứu. Về mặt đối nội, Canada là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hoá, có thể chế chính trị dân chủ, ổn định và minh bạch, được đánh giá là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Về mặt đối ngoại, Canada thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, hoà bình và xây dựng, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế uy tín như nhóm G8, Khu vực thương mại Bắc Mĩ (NAFTA), Khối Pháp ngữ Francophonie và Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc. Trong quan hệ với Việt Nam, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trong thời gian chiến tranh, Canada đã từng tham gia Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế Hiệp định Geneve năm 1954 và năm 1973. Hiện nay, Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam trong các chương trình hợp tác phát triển và xoá đói giảm nghèo, là địa chỉ tin cậy của sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiểu biết về Canada còn hạn chế, việc đào tạo và nghiên cứu về quốc gia này còn phân tán, và thiếu hệ thống. Ở Việt Nam, cho đến nay duy nhất chỉ có Khoa Quốc tế học - Trường ĐHKHXH&NV là có môn học về Canada. Các báo cáo đều khẳng định để tăng cường đào tạo và nghiên cứu về Canada, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam phải tăng cường phối hợp, chia sẻ cán bộ và tài liệu, học tập kinh nghiệm của các nước khác, khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ của Canada, có lộ trình thích hợp, để xây dựng chiến lược đào tạo và nghiên cứu Canada phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văm Kim đã cảm ơn Đại sứ quán Canada về sự giúp đỡ hiệu quả trong thời gian qua, đánh giá cao ý tưởng phối hợp với Nhà trường tổ chức cuộc Hội thảo đầu tiên về đào tạo và nghiên cứu Canada tại Việt Nam và cam kết cùng các đối tác hình thành mạng lưới đào tạo và nghiên cứu Canada tại Việt Nam. Trong lời phát biểu của mình, Bà Đại sứ Deborah Chatsis cũng bày tỏ lời cám ơn đối với Trường ĐHKHXH&NV và đặc biệt là Khoa Quốc tế học đã sẵn sàng đứng ra tổ chức Hội thảo này. Đại sứ nhấn mạnh: Việt Nam và Canada là hai đối tác quan trọng, đều là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng và có đầy đủ cơ sở để phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Trong tham luận của mình, Tham tán chính trị và thông tin Joya Donnelly đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các chương trình hỗ trợ tìm hiểu và nghiên cứu về Canada, giúp các đối tác Việt Nam hiểu thêm về những cơ hội tiếp cận nghiên cứu Canada. Trong phần kết luận, PGS.TS Phạm Quang Minh khẳng định tầm quan trọng của đào tạo và nghiên cứu Canada ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các đối tác Việt Nam và Đại sứ quán Canada. Để tăng cường đào tạo và nghiên cứu về Canada, trước mắt cần phải thực hiện một số công việc sau đây: Thứ nhất là xây dựng và phát triển nguồn tài liệu bao gồm các bộ sách cơ bản, chuyên sâu, các tạp chí chuyên ngành về các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội và quan hệ đối ngoại của Canada; Thứ hai là phải xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực của Canada. Thứ ba là xây dựng mạng lưới, thiết lập quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đao tạo và nghiên cứu Canada trong Việt Nam và với các đối tác trong khu vực và thế giới. Để làm việc này, cách tốt nhất là phải tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam tiếp xúc trao đổi thường xuyên với các học giả nước ngoài, tham gia các Hiệp hội nghiên cứu về Canada. Đặc biệt, Đại sứ quan Canada nên là cầu nối giúp các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Canada và Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác trao đổi giáo viên, sinh viên, phối hợp đào tạo và thựuc hiện các dự án nghiên cứu chung.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây