“Đề thi đại học Ngữ văn khối C trong tầm tay của thí sinh”

Thứ ba - 09/07/2013 15:41
“Đề thi đại học Ngữ văn khối C trong tầm tay của thí sinh”
“Đề thi đại học Ngữ văn khối C trong tầm tay của thí sinh”

Trước nhiều ý kiến tranh luận về việc đề thi đại học môn Ngữ văn khối C năm nay dễ hay khó, thầy Trần Hinh (giảng viên Khoa Văn học – Trường ĐHKHXH&NV) đã chia sẻ quan điểm của mình.

- Xin thầy cho biết nhận định của mình về đề thi đại học Ngữ văn khối C năm nay?

Theo tôi, đề thi năm nay hay. Cái hay cơ bản nhất là đề thi không hướng vào việc học thuộc, mà hướng vào việc học hiểu. Tôi tin rằng, với cách ra đề này, học sinh sẽ rút ra được cho mình cách học thi, rằng nếu chỉ học thụ động, học kiểu đọc chép, học mà không hiểu bài học, thì họ sẽ khó làm tốt bài. Còn đánh giá đề khó hay dễ là tuỳ thuộc vào cách học của mỗi học sinh, nếu họ học một cách chủ động thì đây là đề thi dễ, nhưng nếu chỉ học bị động, học theo kiểu đọc chép thì chắc là khó. Tôi cũng đã đọc được trên báo mạng hàng loạt ý kiến phản hồi của học sinh, đa phần họ kêu khó. Đúng thôi, vì đa phần đó học thụ động. Còn lại, tôi không hề thấy đề thi ra ngoài chương trình. Tất cả đều trong sách giáo khoa.

Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học).

Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học).

- Dù dạng đề nghị luận vấn đề xã hội đã dần quen thuộc với thí sinh trong nhiều năm qua, song nội dung vấn đề xã hội được đề cập đến trong đề thi vẫn hay được bàn cãi nhiều ở tính phù hợp hay không phù hợp với khả năng nhận thức của thí sinh. Vậy với đề nghị luận năm nay, thầy đánh giá thế nào?

Đúng là dạng đề nghị luận xã hội đã không còn xa lạ với học sinh nhiều năm nay. Nhưng mọi năm, những vấn đề được lấy làm đề đều trong tầm hiểu biết của lớp học trò phổ thông, kiểu như trung thực trong thi cử, ngưỡng mộ và mê muội thần tượng, tri thức trong sách, thói đạo đức giả, thói lãnh đạm thờ ơ của con người…

Năm nay, đề thi đụng chạm đến một vấn đề rất lớn: đó là tính cách và tâm hồn người Việt Nam. Mà trong nhận thức của học trò phổ thông, theo tôi, đây là một thách thức với họ. Tôi thừa nhận, đây là một vấn đề khó với tầm hiểu biết của học sinh trung học.

Tuy nhiên, ở một phương diện khác tôi lại suy nghĩ, nếu cách dạy và học Văn của chúng ta thay đổi đi, không nên duy trì lối học một chiều, học vẹt, học thụ động, thì học sinh sẽ giải quyết dễ dàng vấn đề mà ta cho là khó đó. Chẳng hạn, nếu ở lớp học, thầy giáo dạy học sinh theo phương pháp đối thoại, hỏi và để học sinh trả lời những vấn đề rút ra từ bài học, thậm chí có thể cho phép học sinh phản biện các vấn đề, đừng để nó diễn ra một chiều, và cả việc mở rộng những bài học trong sách vở ra bên ngoài cuộc sống thì đề đâu có khó đâu!

Tóm lại, theo tôi là cần phải quyết liệt trong phương pháp dạy Văn là phải học chủ động, học hiểu, chứ không được phép đọc chép, học “ê a” như trên báo mạng đã nói đến trong thời gian vừa qua, thì tôi nghĩ tất cả đề thi như năm nay đều trong tầm tay của học trò.

- Câu tự chọn 3a và 3b (câu chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi) được nhiều thí sinh chia sẻ là dù có làm được nhưng không tự tin vì cách hỏi “lạ” khác mọi năm, thầy nhận xét thế nào về cách ra đề của hai câu này?

Tôi xin khẳng định lại thế này: đúng là đề thi năm nay không dành cho những học sinh kém, những người chỉ biết học thụ động, thậm chí cả ở những giáo viên bấy lâu nay dạy cho học sinh mà chỉ khơi khơi những cái bề mặt, nông cạn của ngôn từ, không có sự đào sâu vào bên trong để tìm “cái vỉa quặng nấp dưới những con chữ”.

Tôi nói cụ thể, câu 3a, yêu cầu nêu cảm nhận về hình tượng người lính trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng, kết hợp bình luận hai nhận định (“người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp” và “người lính có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”), thì tôi nghĩ rằng học sinh chủ yếu chỉ đi vào phân tích hình ảnh người lính ở nhận định thứ nhất (vẻ đẹp của sự gian khổ mà anh dũng, vẻ đẹp của sự lãng mạn và hào hoa, vẻ đẹp của quan niệm đúng đắn về sự hi sinh mất mát, và vẻ đẹp của cái chết bất tử), và kết hợp bình luận thêm ý kiến thứ hai (người lính có dáng dấp tráng sĩ của người lính thuở xưa). Vì Quang Dũng quả là viết bài thơ này theo một phong cách rất đặc biệt: dùng nhiều từ cổ, gợi không khí chiến trường xưa như biên cương, áo bào, độc hành, viễn xứ, người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, có đôi nét phảng phất người lính trong Chinh Phụ ngâm… nên nó dễ gợi người ta ít nhiều liên tưởng tới người lính thuở xưa, thì không có gì là sai. Trên tất cả, đó vẫn là người lính thời hiện đại.

Câu 3b, yêu cầu phân tích hai nhân vật Từ và vợ người thuyền chài trong hai tác phẩm, nhưng gài vào hai ý kiến, có tính chất “bẫy” học trò là, sự nhẫn nhục của Từ “không đáng trách, chỉ đáng thương”, trong khi sự nhẫn nhục của vợ người thuyền chài, “vừa đáng trách, vừa đáng thương”. Câu hỏi này quả là khó với một học sinh thiếu bản lĩnh. Nó không chỉ cần đến kiến thức trong bài học, mà còn rất cần kiến thức ngoài đời. Tôi thú thật là vẫn chưa hiểu ý tứ của người làm đề ở đây đến đâu, nhưng nếu được phép trả lời ngay, tôi sẵn sàng khẳng định: với Từ thì có cả hai – vừa đáng trách vừa đáng thương, nhưng với người đàn bà thuyền chài thì chỉ đáng thương mà không đáng trách. Tất nhiên để giải thích đầy đủ ý này, cần phải nói dài hơn, sâu hơn vào tác phẩm. Và theo tôi, đã là hình tượng văn học thì nên để cho người đọc có quyền nêu suy nghĩ khác nhau, miễn là có lí, chứ không nên áp đặt, không nên chỉ quy về một cách hiểu.

- Với đề thi này, thầy dự đoán điểm thi của thí sinh như thế nào?

Theo tôi, điểm thi năm nay sẽ không cao, ít nhất là không cao hơn so với năm ngoái.

- Với việc cải tiến cách ra đề thi môn Ngữ văn đại học trong những năm vừa qua theo hướng “mở” hơn, “bắt” thí sinh tư duy, suy nghĩ và đưa ra chính kiến nhiều hơn, theo thầy có ý nghĩa tích cực trong việc đánh giá việc dạy và học Văn phổ thông không?

Theo tôi, nếu cứ duy trì quan điểm ra đề thi như năm nay, tôi không nghĩ là các năm qua – vì một số năm trước đây đề thi vẫn cũ kĩ – thì nó sẽ có tác động tích cực đến việc dạy và học Văn phổ thông. Chứ tôi thấy, ra đề thi để học sinh dựa vào văn mẫu, nó khủng khiếp lắm rồi, nó sẽ giết dần giết mòn môn Văn học!

- Quan điểm riêng của thầy trong việc ra một đề thi đại học môn Ngữ văn sao cho đánh giá chính xác năng lực của thí sinh?

Ra như đề thi năm nay, đừng lặp lại sự sáo mòn, đừng ra các câu hỏi chỉ dựa vào học thuộc. Tất nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào việc chấm. Tôi cũng không tin lắm hàng trăm giáo viên, chấm hàng vạn bài thi trong 2 đến 3 tuần mà có được sự đánh giá công bằng khách quan với học sinh. Một cô giáo lâu năm của tôi, năm nào cũng nhắc đi nhắc lại với tôi một câu rằng: “Em ơi em, sao học trò thi văn của mình có nhiều rủi ro thế – có khi giỏi mà trượt, nhưng không giỏi lại đậu”. Và tôi cũng không bao giờ trả lời được cô giáo của mình về câu hỏi này!

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây