Sáng nay, 10/7, thí sinh đã hoàn thành môn thi cuối cùng là môn Ngữ văn. Tại điểm thi Trường ĐHKHXH&NV, khá nhiều thí sinh ra về sau khi qua 2/3 thời gian làm bài. Đề thi Ngữ Văn năm nay được nhiều thí sinh khen hay nhưng cũng có ý kiến cho rằng với đề này, thí sinh khó có thể được điểm cao.
Thí sinh Nguyễn Thanh Thuý (thi ngành Đông phương học) nói: “Em thấy đề thi Ngữ Văn khối C năm nay hay, đặc biệt là câu 2 – câu nghị luận yêu cầu bày tỏ quan điểm về sự khôn khéo trong cuộc sống, ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Đây cũng là vấn đề nằm trong khả năng nhận thức của thí sinh”. Với các câu hỏi khác, Thuý cho rằng, dù đòi hỏi các kĩ năng phân tích chi tiết, bình luận các nhận định về một hoặc hai tác phẩm trong tương quan so sánh với nhau nhưng nếu học kĩ và hiểu các tác phẩm thì làm không hề khó. Thanh Thuý tỏ ra lạc quan về bài làm khi cho rằng mình có thể đạt ít nhất là 8 điểm.
Thí sinh Nghiêm Thị Tĩnh (thi ngành Báo chí) cũng thể hiện sự hài lòng với đề thi Ngữ Văn: “Đề thi khá ‘mở’, không nặng về tái hiện kiến thức mà yêu cầu thể hiện tư duy, quan điểm cá nhân. Dạng đề này bọn em cũng không quen cho lắm vì chúng em thường được học ôn về phân tích, so sánh đoạn thơ hoặc nhân vật trong tác phẩm. Đề năm nay lại đưa ra các nhận định và yêu cầu thí sinh bình luận. Dù sao thì em rất thích dạng đề này vì buộc thí sinh phải suy nghĩ, tư duy và có sự sáng tạo. Em nghĩ là có thể được 8 điểm”.
Ở góc nhìn khác, thí sinh Đinh Trọng Tráng (thi ngành Việt Nam học) cũng cho rằng đề thi Văn hay nhưng sẽ gây khó cho nhiều thí sinh và không dễ được điểm cao. Tráng nhấn mạnh rằng, câu nghị luận đòi hỏi phải có vốn kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc, cùng với kĩ năng đọc đề, phân tích từng từ ngữ trong đề để hiểu yêu cầu chính xác thì mới có thể làm tốt được. Tráng tự tin là làm được câu 1 – hỏi về ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) và câu 2 – câu nghị luận về sự khôn khéo trong cuộc sống. Nhưng bạn cho rằng mình lúng túng với câu 3a – câu có điểm cao nhất đề thi – hỏi về cảm nhận hình tượng người lính trong “Tây Tiến” (Quang Dũng) với nhiều vẻ đẹp khác nhau, bởi “cách hỏi khá lạ và khó”.
Như vậy, môn Ngữ Văn đã khép lại đợt thi đại học khối C năm 2013. Tại 10 điểm thi của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHKHXH&NV, số lượng thi sinh dự thi các môn khá ổn định với 3.495 thí sinh dự thi môn Địa lí, 3.484 thí sinh dự thi môn Lịch sử, 3.467 thí sinh dự thi môn Ngữ Văn. Về kỉ luật thi, năm nay có 09 thí sinh bị khiển trách và 07 thí sinh bị đình chỉ.