"Di sản giáo dục và khoa cử Việt Nam truyền thống - 100 năm nhìn lại"

Chủ nhật - 29/12/2019 21:27
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hoá, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức ngày 27/12 vừa qua nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và công bố học thuật liên quan đến di sản của nền giáo dục và khoa cử truyền thống.
"Di sản giáo dục và khoa cử Việt Nam truyền thống - 100 năm nhìn lại"

\

GS. Hiệu trưởng Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Trong lịch sử Việt Nam, giáo dục và khoa cử, ở một mức độ nào đó đã hình thành từ thời Bắc thuộc nhưng chỉ bắt đầu phát triển từ thời Lý - mở đầu với một loạt sự kiện: lập Văn Miếu (1070), thi (1075), dựng Quốc Tử Giám (1076). Từ đó, trải qua các triều Trần - Hồ và nhất là Lê sơ về sau, nền giáo dục và khoa cử ngày càng phát triển và hoàn thiện. Đến nhà Nguyễn, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối truyền thống, trong những điều kiện mới, một hệ thống giáo dục quan phương đã được thiết lập lại từ trung ương cho đến địa phương, đóng vai trò chủ đạo của toàn bộ nền giáo dục đương thời, đồng thời với việc tiếp tục tồn tại và phát triển một cách phổ biến hệ thống giáo dục dân gian.

PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hóa

Kỳ thi Nho học cuối cùng diễn ra cách đây tròn 100 năm và đây được coi là thời điểm kết thúc của nền giáo dục và khoa cử truyền thống. Thay thế nó là một nền giáo dục do người Pháp sắp đặt và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một nền giáo dục mới dưới chính thể độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Theo PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời trung đại đã được giới khoa học nghiên cứu và công bố nhiều công trình, đề cập đến mọi khía cạnh của vấn đề từ lịch sử, chính trị đến văn hoá. Nhưng cho đến nay, đây vẫn luôn là một nội dung hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học do ảnh hưởng lớn của nó trong toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam. Hội thảo lần này do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hoá tổ chức với mong muốn góp thêm những thảo luận và đánh giá lại những di sản của giáo dục và khoa cử truyền thống trong đời sống đương đại, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để phát huy những giá trị cốt lõi của nền giáo dục truyền thống trong xã hội hiện nay.   

Hội thảo tập trung vào 03 chủ đề chính.

Một là Giáo dục và khoa cử trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Các báo cáo thuộc chủ đề này vừa tiếp cận theo diễn trình lịch sử giáo dục và khoa cử truyền thống, vừa tiếp cận theo từng khía cạnh của vấn đề. Có báo cáo nhìn lịch sử giáo dục và khoa cử với các mốc thời gian từ thời Lý đến thời Nguyễn hay tổng kết toàn bộ thành tựu khoa cử qua góc nhìn về đội ngũ Tiến sĩ Nho học. Ở từng khía cạnh, các tác giả lại có cách tiếp cận mới dù đề cập đến những chủ đề không mới như: hành xử của giới Nho sĩ thế kỷ XVII, XVIII thông qua trường hợp của họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương; tác động hai chiều của giáo dục và khoa cử Nho học với làng xã; Nho sĩ với quá trình hình thành và phát triển của thần tích ở Việt Nam; so sánh cách thức tổ chức giáo dục truyền thống của các quốc gia Đông Bắc Á; tiếp cận so sánh về chính sách giáo dục của Anh ở Malaysia và Pháp ở Việt Nam...

Hai là Trí thức Nho học với lịch sử và văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ XX với các tham luận đề cập đến: từ lý thuyết hệ hình xem xét sự chuyển đổi đội ngũ trí thức từ Nho học sang Tây học; vai trò của đội ngũ trí thức Nho học đầu thế kỷ XX; nghiên cứu so sánh tư tưởng và giáo dục nữ quyền của Sương Nguyệt Anh và R.A.Katini; con đường hành động của Nho sĩ cấp tiến đầu thế kỷ XX; những nhân vật lịch sử như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố...

Ba là Di sản giáo dục và khoa cử truyền thống trong đời sống đương đại, gồm các thảo luận về: phân tích tác động hai mặt của Nho giáo, Nho học đối với xã hội Việt Nam đương đại; giáo dục Nho học là một nền tảng văn hiến hay tội đồ lịch sử; di sản Nho học truyền thống trong bối cảnh đương đại; dấu ấn của truyền thống Nho học trong giáo dục ở miền Nam trước 1975...

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I, Đại học Sư phạm Hà Nội II, Đại học Khoa học - Đại học Huế, Đại học Thủ đô...; Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Văn hoá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hoá, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập vào tháng 7/2018, xuất phát từ nhu cầu đào tạo và nghiên cứu về văn hoá nói chung, tài nguyên văn hoá nói riêng. Dù mới thành lập nhưng qua hơn một năm hoạt động, Trung tâm bước đầu có những hoạt động hợp tác nổi bật nhằm giúp các địa phương trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển bền vững.

  • Phối hợp với UBND thị xã Đông Triều, Quảng Ninh xây dựng kịch bản lễ hội Thái Miếu.
  • Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Quàng Ninh theo đặt hàng của Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Quảng Ninh.
  • Phối hợp với UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức hội thảo "Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc: Di sản văn hoá và tiềm năng du lịch".
  • Xây dựng Đề án Quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Hoành Bồ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
  • Triển khai đề tài "Nghiên cứu, đánh giá giá trị, vị trí, vai trò của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo tồn, tôn tạo kết nối di tích" (đề tài khoa học cấp tỉnh, phối hợp với Đại học Hạ Long).
  • Giúp huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh xây dựng đề án Quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Hoành Bồ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; biên soạn sách Hoành Bồ - đất và người.

   

Tác giả: Ussh. Ảnh: Thanh Hà, Đoàn Văn Luân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây