Tin tức

Điện ảnh cần những khán giả trẻ có trí tuệ và hiểu biết

Thứ hai - 14/10/2013 03:25
Trong khuôn khổ hoạt động của “Tuần phim tư liệu Việt Nam – giới thiệu bộ sưu tập phim của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh” do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Phim Việt Nam tổ chức, ngày 10/10/2013, tại Kí túc xá Mễ Trì đã diễn ra buổi gặp gỡ và giao lưu điện ảnh giữa sinh viên và các diễn viên, đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam.
Điện ảnh cần những khán giả trẻ có trí tuệ và hiểu biết
Điện ảnh cần những khán giả trẻ có trí tuệ và hiểu biết

Điện ảnh cần những khán giả trẻ có trí tuệ và hiểu biết
Mạnh Đạt gửi USSH

Buổi giao giao lưu nhằm giới thiệu và tôn vinh những đóng góp quan trọng của các thế hệ nghệ sĩ với nền điện ảnh nước nhà, đồng thời làm nhịp cầu kết nối đưa khán giả trẻ và nghệ sĩ gần nhau hơn. Khách mời của buổi giao lưu là đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn NSƯT Hữu Mười và NSƯT Minh Châu. Đây đều là những gương mặt nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam.

Trước khi giao lưu, bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh được trình chiếu đã làm “nóng” lên cảm xúc của các bạn sinh viên. Cảm nhận tình cảm nồng nhiệt của các bạn trẻ dành cho bộ phim của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh vô cùng cảm động và phát biểu: “Đây là món quà vô giá và đáng quý nhất trong cuộc đời làm phim của tôi. Tình cảm của khán giả trẻ làm tôi cảm thấy yên tâm hơn về tương lai của điện ảnh Việt Nam”.

Qua câu chuyện nghề chia sẻ cùng sinh viên, nhà làm phim kì cựu cho biết, ông đến với phim ảnh hoàn toàn tình cờ. Sinh ra trong một gia đình trí thức kinh kì, có bố là giáo sư nổi tiếng Đặng Văn Ngữ, anh em trong gia đình đều theo nghề y, ông được phân công học để trở thành phiên dịch viên tiếng Nga. Với công việc này, ông đã sớm được tiếp cận với nhiều tài liệu của các nền điện ảnh khác nhau trên thế giới. Từ những buổi phiên dịch cho các phim Liên Xô chiếu ở Việt Nam, ông có cơ hội tiếp cận với nền điện ảnh Xô Viết và thế giới để tích góp cho mình vốn kiến thức ban đầu về nghệ thuật điện ảnh. Dù không hề qua trường lớp đào tạo nào nhưng nhờ tài năng, sự đam mê và tình yêu với những giá trị văn hoá, nhân văn của dân tộc, Đặng Nhật Minh đã sớm trở thành đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam với hàng loạt những bộ phim giành nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Mùa ổi”, “Cô gái trên sông”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Thương nhớ đồng quê”, “Trở về”, “Đừng đốt”… Phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh được đánh giá cao bởi đã tái hiện cuộc sống bằng ngôn ngữ điện ảnh theo cách đời thường hoá, tinh tế và hấp dẫn, giàu chất thơ và tính triết lí nhân sinh. Nhân vật trong phim của ông thường bộc lộ được góc khuất của ý nghĩ, tình cảm trong sâu thẳm tâm hồn con người và có khát vọng sống mãnh liệt.

Đặc biệt, phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” sản xuất năm 1981 được đánh giá là phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, đạt Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 1989, Bằng khen của Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1985, Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985 và là một trong mười tám phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn. Nhưng cũng ít ai biết được rằng đạo diễn Đặng Nhật Minh đã quay bộ phim trong hoàn cảnh rất khó khăn với một chiếc máy quay phim cũ, và phải quay đi quay lại các cảnh phim nhiều lần bởi chiếc máy làm hỏng nhiều thước phim.

Khi được một sinh viên đặt câu hỏi: “Theo bác, bí quyết để làm được một bộ phim thành công” – đạo diễn đã trả lời hóm hỉnh – “đó là khi làm phim thì đừng nghĩ gì đến giải thưởng cả”. Vị đạo diễn chia sẻ, khi làm một bộ phim, bản thân mình chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để diễn đạt tốt nhất nội dung và tư tưởng của bộ phim ấy: “Khi làm phim là tôi ở trong trạng thái như lên đồng, lúc nào cũng suy nghĩ là làm thế nào để đạt hiệu quả thể hiện tốt nhất, ăn uống đôi khi cũng không màng nữa…”. Ở góc độ nghề nghiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng những bộ phim của ông có ít nhiều thành công đều do ông may mắn đã tìm được đúng diễn viên “trúng” vai: “Không phải là nghệ sĩ Minh Châu thì không ai có thể thể hiện tốt hơn nhân vật Nguyệt trong “Cô gái trên sông”, hay không phải anh Hữu Mười thì không thể đem đến thành công đến thế cho nhân vật thầy giáo Khang trong “Bao giờ cho đến tháng Mười”.

Cũng chia sẻ về sự đam mê nghề diễn, NSƯT Minh Châu – nữ diễn viên tài năng được mệnh danh là “người có đôi mắt biết nói” – chia sẻ: “Yêu thích thôi chưa đủ, muốn thành công ở bất kì lĩnh vực nào, mà dặc biệt là trong nghề diễn bạn cần có đam mê thật sự, sống chết với nghề nghiệp, “vật vã” với từng vai diễn”. Thành danh với nhiều vai diễn có số phận, từng đạt giải Nữ diễn viên xuất sắc với vai Nguyệt trong trong phim “Cô gái trên sông” và “Người đàn bà nghịch cát”, NSƯT Minh Châu còn được công chúng nhớ đến với nhiều bộ phim nổi tiếng trên truyền hình thời gian qua như: “Người thừa”, “Nguyễn Thị Minh Khai”, “Bí thư tỉnh uỷ”… Trong mắt người hâm mộ, Minh Châu không chỉ có tài năng mà còn có một vẻ đẹp điện ảnh bền bỉ với thời gian và luôn muốn thử thách bản thân bằng những vai diễn khó, dù đã đạt đến đỉnh cao vinh quang của nghề nghiệp.

Chị cho biết, có những lúc hoàn cảnh sống của nghệ sĩ khó khăn, chị đã từng quyết định tạm dừng nghiệp diễn, không đóng phim trong ba năm để tìm đến một công việc khác. “Nhưng rồi “nghiện” nghề diễn như nghiện hê-rô-in vậy, không thể xa rời, mình lại quay về với điện ảnh với một cảm xúc say mê bùng cháy dữ dội hơn” – Minh Châu kể về những thăng trầm nghề nghiệp.

Vị khách mời thứ ba – NSƯT Hữu Mười – Phó Chủ nhiệm khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh – lại duy trì niềm đam mê điện ảnh theo một cách khác. Anh từng nổi tiếng với vai ông giáo Thứ (trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”), thầy giáo Khang (trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” – Giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7-1985). Sau khi thành công với nghề diễn viên, NSƯT Hữu Mười đã chọn con đường khác để được gắn bó lâu dài hơn với điện ảnh, đó là trở thành đạo diễn. Gần đây nhất, đạo diễn Hữu Mười đã thành công với vai trò là đạo diễn bộ phim “Mùi Cỏ Cháy” – giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (12/2011), giải Cánh diều vàng do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng (3/2012), bằng khen phim về đề tài chiến tranh xuất sắc do Bộ Quốc Phòng trao tặng.

Khi được hỏi “liệu làm diễn viên rồi trở thành đạo diễn có phải là quy luật chung cho các nam diễn viên xuất sắc ?”, anh cho biết: Nghề diễn thú vị và khó từ bỏ với những ai trót theo nghiệp diễn viên. Nhưng bản thân anh, sau một quá trình đóng phim và học hỏi nhiều đạo diễn, muốn tự mình kể lại những câu chuyện cuộc đời và gửi gắm vào đó những triết lí sống mà anh tâm đắc. Do đó, anh đã chuyển sang học đạo diễn và bắt đầu với công việc mới mẻ nhưng cũng đầy hấp dẫn này khi tuổi không còn trẻ. Đó là cách anh duy trì tình yêu của mình với niềm đam mê điện ảnh – không hẳn là con đường của số đông các diễn viên nhưng là sự lựa chọn thích hợp với cá nhân mình.

Bên cạnh câu chuyện đời, chuyện nghề, sinh viên đã đặt ra cho các nghệ sĩ những câu hỏi “nóng” về những khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, về sự thay đổi của thị hiếu khán giả đã khiến nhiều người làm phim lạc hướng, về sự khác nhau của cách làm phim xưa và nay …

NSƯT Minh Châu trải lòng: thế hệ nghệ sĩ của chị và các bạn đồng nghiệp cùng thời chỉ biết có đóng phim, cảm thấy như đó là ý nghĩa sống của cuộc đời mình, không bị chi phối bởi quá nhiều cám dỗ tiền bạc. Các bạn trẻ bây giờ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn nhưng không phải ai cũng dám đánh đổi để dành cả cuộc đời theo đuổi một nghề mà mình đam mê.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thì chia sẻ quan điểm của mình: “Đối với tôi, chỉ có hai cách làm điện ảnh, một là làm vì nghệ thuật, hai là làm điện ảnh vì mục đích kinh doanh”. Hiện nay, nhiều nhà làm phim vì mục đích lợi nhuận, do đó đánh tối đa vào thị hiếu công chúng, cho ra những bộ phim có giá trị định hướng sống thấp. Điều này là hết sức nguy hiểm, vì làm hỏng đi cả một thế hệ khán giả, khiến họ không biết tin vào điều gì và cần trân trọng những giá trị gì trong cuộc sống.

Để thay đổi tình trạng này, đạo diễn nổi tiếng cho rằng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả trẻ, những người có tri thức, sự hiểu biết, khả năng cảm nhận cái đẹp. Chính các bạn sinh viên Trường ĐHKHXH&NV sẽ là những khán giả tương lai của điện ảnh Việt Nam – những người sẽ nói không với những bộ phim nhảm nhí, với những cách làm phim dễ dãi – để buộc những người làm phim phải nghiêm túc và khắt khe hơn trong công việc sáng tạo của mình.

Buổi giao lưu đã kết thúc trong nỗi luyến tiếc của nhiều sinh viên bởi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được các nghệ sĩ trả lời. Nhưng chắc chắn rằng tình yêu nghề nghiệp, sự hết mình trong các vai diễn, cách các nghệ sĩ vượt qua những khó khăn để được sống với đam mê điện ảnh của mình sẽ là những bài học quý giá trong hành trang cuộc đời của các bạn trẻ.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây