Tin tức

Nghiên cứu, Đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt: những vấn đề lí luận và thực tiễn

Thứ hai - 21/10/2013 08:19
Ngày 19/10/2013, tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, Đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt: những vấn đề lí luận và thực tiễn” với sự tài trợ của Trung tâm Hỗ trợ và Nghiên cứu châu Á (ĐHQGHN). Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực ngôn ngữ học, lịch sử, văn hoá, Việt Nam học của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.
Nghiên cứu, Đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt: những vấn đề lí luận và thực tiễn
Nghiên cứu, Đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt: những vấn đề lí luận và thực tiễn

 

Nghiên cứu, Đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt: Những vấn đề lí luận và thực tiễn

PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Hội thảo nhận được 45 báo cáo tham luận, chia làm 4 nội dung lớn tương ứng với 4 tiểu ban: Việt Nam học và đào tạo Việt Nam học; Văn hoá – lịch sử – xã hội Việt Nam; Văn học nghệ thuật Việt Nam; Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên quốc tế.

Tại hội thảo, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm thảo luận nhiều nhất của các đại biểu là thực trạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học ở Việt Nam và hướng đi nào cho đào tạo Việt Nam học tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).

Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học và tiếng Việt.

Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học và tiếng Việt.

Việt Nam học lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại đại học ở Việt Nam từ năm 1994. Những năm gần đây, ngành Việt Nam học liên tục được đưa vào danh mục đào tạo của các trường. Trong năm học 2013-2014, có 85 trường cao đẳng và đại học trên cả nước tuyển sinh ngành Việt Nam học với hơn 6.000 chỉ tiêu. Trên thực tế, mục tiêu đào tạo Việt Nam học của hầu hết các trường đều hướng vào đào tạo các chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch, Văn hoá – Du lịch hoặc chuyên ngành Du lịch học hoặc Văn hoá dân tộc. Thực trạng ấy cho thấy có sự hiểu chưa đúng về khái niệm Việt Nam học như một khoa học liên ngành giải mã các vấn đề của Việt Nam. Đa phần các cơ sở đào tạo mới chỉ đi theo một hướng chuyên ngành hẹp nào đó của Việt Nam học. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đào tạo Việt Nam học trên thực tế không đủ nhân lực và các điều kiện khác để đào tạo ngành học này, không có mục tiêu đào tạo rõ ràng, không đặt vấn đề nghiên cứu phục vụ giảng dạy hoặc giao lưu quốc tế rất hạn chế. Điều đó dẫn đến bức tranh đào tạo Việt Nam học hiện nay khá tự phát, manh mún, không có kiểm soát chất lượng.

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là đơn vị có truyền thống và uy tín trong đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam suốt 45 năm qua. Từ năm học 2010-2011, Khoa bắt đầu triển khai đào tạo Việt Nam học với hai chuyên ngành, chuyên ngành A dành cho sinh viên Việt Nam (đã và đang đào tạo 4 khoá với 250 sinh viên), chuyên ngành B dành cho sinh viên nước ngoài (đã và đang đào tạo 3 khoá với gần 80 sinh viên). Tuy là một trong những đơn vị tham gia muộn hơn vào việc nghiên cứu và triển khai đào tạo Việt Nam học với tư cách là một khoa học liên ngành song Khoa thừa hưởng rất nhiều lợi thế và có quyết tâm cao trong việc xây dựng vị thế của mình trong lĩnh vực này.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Chủ nhiệm Khoa) trả lời câu hỏi của cử toạ về nội dung báo cáo đầu tiên được trình bày tại phiên toàn thể.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Chủ nhiệm Khoa) trả lời câu hỏi của cử toạ về nội dung báo cáo đầu tiên được trình bày tại phiên toàn thể.

Liên quan đến định hướng đào tạo của Khoa, nhiều ý kiến cho rằng: Khoa nên phát huy thế mạnh của mình về đào tạo Tiếng Việt và truyền thống đào tạo các ngành KHXH&NV của Trường trong xây dựng và đào tạo Việt Nam học. Đào tạo các cử nhân Việt Nam học ra phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống, của xã hội và đất nước. Do đó, chương trình đào tạo cần không chỉ cung cấp tri thức cơ bản về Việt Nam học mà còn cung cấp những tri thứ chuyên sâu nhằm tạo điều kiện để sau khi ra trường, sinh viên có thể tham gia hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể như: du lịch, báo chí, văn phòng, tư vấn, dạy tiếng. Đào tạo Việt Nam học cho người nước ngoài và người Việt Nam cần có sự phân biệt nhất định. Trong đó, với quan hệ quốc tế rộng mở, Khoa cần chú trọng đẩy mạnh đào tạo Việt Nam học cho người nước ngoài và mở rộng liên kết quốc tế với các trung tâm Việt Nam học các nước. Bên cạnh đó, Khoa cần tiếp tục khẳng định và bồi đắp thêm ưu thế của đơn vị mình về giảng dạy Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, chú trọng đào tạo ra những người có trình độ cao làm nhiệm vụ giảng dạy các môn học trên.

Các đại biểu cũng khẳng định rằng, với tiềm lực và vị thế hiện có, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có đủ khả năng xác lập vị trí là đơn vị đào tạo hàng đầu về Việt Nam học ở Việt Nam và tiến tới vươn lên tầm quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam học trên thế giới như kì vọng của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra trong chuyến thăm Trường ĐHKHXH&NV vào năm 2008.

Tại hội thảo, các trao đổi học thuật không chỉ giúp làm rõ hơn cách hiểu về khái niệm Việt Nam học, định vị Việt Nam học trong bản đồ các ngành KHXH&NV, chỉ ra những hạn chế trong đào tạo Việt Nam học hiện nay; mà còn góp phần thiết lập mối quan hệ hợp tác và bước đầu hình thành mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học của các trường đại học Việt Nam. Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt hướng tới kỉ niệm 45 năm thành lập Khoa (1968-2013) và 57 năm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (1956-2013).


Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây