Ngôn ngữ
Tới dự toạ đàm có GS.TS Đinh Văn Đức (Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức ĐHQGHN), PGS.TS Trần Huy Hổ (Tổng thư kí Hội Cựu Giáo chức ĐHQGHN), GS.TS Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Trường ĐHKHXH&NV) cùng các cựu giáo chức Nhà trường. Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phó Hiệu trưởng), PGS.TS Đặng Xuân Kháng (Chủ tịch Công đoàn Trường).
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ba công việc cần kíp là chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Như vậy, Bác coi “giặc dốt” là một nguy cơ chẳng kém gì nạn đói và nạn ngoại xâm. Tháng 9/1945, nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã gửi thư đến tất cả học sinh với lời nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Giữa những ngày kháng chiến chống Mĩ gian khổ, tháng 10-1968, Bác Hồ gửi thư đến các trường nhân đầu năm học mới, nhắc nhở: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi ngành giáo dục trước lúc đi xa. Trong khoảng thời gian giữa hai bức thư đó, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến công tác giáo dục khi Bác đến thăm các trường cũng như trong các bức thư khen ngợi các cá nhân hoặc đơn vị lập thành tích tốt.
Đã nửa thế kỉ trôi qua, giở lại những bức thư của Bác vẫn thấy ẩn chứa trong đó tầm nhìn sâu rộng và khoa học về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, những quan điểm vừa mang tính lí luận vừa giàu thực tiễn về nhiều nội dung lớn của giáo dục như: học cái gì, học để làm gì, học như thế nào, vai trò của người thầy và người học… Nhiều vấn đề Hồ Chủ tịch đề cập đến vẫn còn nguyện vẹn tính đúng đắn và tính thời sự nóng hổi trong giai đoạn hiện nay như: cải cách giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, tính trung thực trong giáo dục, học tập kết hợp lí thuyết với thực hành, tính thực tiễn trong giáo dục đào tạo…
Tại toạ đàm, phân tích để hiểu thấu và quán triệt quan điểm, suy nghĩ và tầm nhìn của vị lãnh tụ thiên tài về một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của đất nước, các đại biểu đã có những chiêm nghiệm, những liên hệ với thực trạng giáo dục đào tạo của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời gợi mở nhiều giải pháp tích cực nhằm xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, chất lượng cao và hướng tới hội nhập với thế giới.
Một số tham luận cụ thể được trình bày tại toạ đàm như: Bác Hồ và công cuộc cải cách giáo dục qua các bức thư của Người; mấy suy nghĩ về quan điểm thực tiễn trong những bức thư của Bác Hồ gửi ngành giáo dục; vai trò của giáo dục đối với học sinh, sinh viên hiện nay; những gợi mở về cải cách giáo dục qua một số bức thư của Hồ Chủ tịch về giáo dục, đào tạo; đọc lại thư của Bác Hồ gửi ngành giáo dục và đôi điều suy nghĩ về giáo dục – đào tạo hiện nay; điều kiện cần thiết để dạy tốt và học tốt ở trường đại học; theo quan điểm giáo dục của Bác Hồ và một số vấn đề giáo dục cần chú ý ở Trường ĐHKHXH&NV…
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn