Tin tức

Gặp gỡ và giao lưu với đoàn làm phim "Mùi cỏ cháy"

Thứ ba - 23/12/2014 22:31
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2014), ngày 18/12, Viện Phim Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) và KTX Mễ Trì tổ chức chương trình gặp gỡ và giao lưu điện ảnh với đoàn làm phim "Mùi cỏ cháy".
Gặp gỡ và giao lưu với đoàn làm phim
Gặp gỡ và giao lưu với đoàn làm phim "Mùi cỏ cháy"

"Mùi cỏ cháy" là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội, chiến tranh. Bối cảnh chính của phim là  mùa hè đỏ lửa năm, 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội  (Hoàng, Thành, Thăng, Long) theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.

"Mùi cỏ cháy" do Hãng phim truyện Việt nam sản xuất và đạo diễn Hữu Mười. Kịch bản của phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cẩm  đảm nhiệm, dựa trên quyển nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Khởi quay từ tháng 12/2010, bộ phim được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên, được chiếu giới thiệu tại Lễ Khai mạc tuần phim và đoạt giải Bông Sen Bạc. Năm 2012, phim được trao bốn giải Cánh diều vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc (nhạc sỹ  Đỗ Hồng Quân, Biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm) và Quay phim xuất sắc nhất (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà) tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. 

Poster bộ phim "Mùi cỏ cháy"

 “Mùi cỏ cháy” được đánh giá là một tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh thành công khi không chỉ khắc họa một cách chân thật và sinh động về sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị với ý chí kiên cường, bất khuất của cả một dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; mà còn đưa khán giả về với ký ức hào hùng của thời lớp lớp sinh viên các trường đại học xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Một vài hình ảnh trong phim "Mùi cỏ cháy"

Phim được đánh giá đã lay động khán giả sâu sắc với những bi kịch đời thường và những hy sinh của tuổi trẻ thời chiến mang theo khát vọng về gia đình, tình yêu, tình bạn. Đạo diễn Hữu Mười và êkíp làm phim cũng được nhận xét đã làm chủ được cách kể chuyện phức điệu của mình, tiết chế được tham vọng thi ca, tạo những tiếng cười chân thực hồn nhiên của đời thường xen lẫn trong bối cảnh khốc liệt của cuộc chiến, gây ấn tượng sâu sắc cho người xem. Các diễn viên cũng đã diễn xuất dung dị tự nhiên, lột tả được sự trong sáng hồn nhiên và tính cách riêng của bốn nhân vật chính. 

Tại đêm giao lưu, các cán bộ và sinh viên Trường ĐHKHXH&NV đã được giao lưu trò chuyện với các thành viên của đoàn làm phim như đạo diễn, NSƯT Vũ Đình Thân (Phó đạo diễn phim); nhà thơ, nhà Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm; các diễn viên Lê Chí Kiên, Lê Văn Thơm, Nguyễn Thanh Sơn, Tô Tuấn Dũng...

Sinh viên chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sỹ tại buổi giao lưu

Nội dung buổi giao lưu xoay quanh quá trình tìm tòi chất liệu, chi tiết để xây dựng kịch bản phim; ý tưởng chủ đề mà đạo diễn và biên kịch muốn gửi gắm trong tác phẩm; quá trình tìm hiểu và làm chủ tâm lý nhân vật của các diễn viên chính - những diễn viên trẻ không chuyên lần đầu tiên tham gia một tác phẩm điện ảnh; những khó khăn trong quá trình xây dựng bối cảnh cho bộ phim; những kỷ niệm và cảm xúc riêng của mỗi thành viên trong quá trình thực hiện bộ phim này...

Đêm giao lưu là nhịp cầu nối đưa khán giả là cán bộ và sinh viên Nhà trường đến gần hơn với các nghệ sĩ thông qua những chia sẻ về quá trình làm nghề. Sinh viên cũng được hiểu sâu hơn về một tác phẩm điện ảnh xuất sắc với đề tài chiến tranh, qua đó cảm nhận rõ hơn những mất mát cũng như ý chí và nghị lực sống của thế hệ thanh niên thời chiến, để thấy trân trọng hơn giá trị của cuộc sống trong thời bình cũng như xác định được trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước ngày hôm nay. 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây