{Giới thiệu sách} “Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”

Thứ hai - 25/02/2019 21:40
Gần tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày nhà giáo mẫu mực, khả kính, nhà sử học giàu nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo Đặng Huy Vận nằm lại giữa đồi sim Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên – nơi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt. Ông ra đi khi chưa đầy 40 tuổi; khi những ý tưởng, công trình khoa học đang triển khai còn dang dở. Trong số những lai cảo ông để lại còn 4 tập tư liệu trên 1.000 trang và 10 bài báo, trong đó có bài đã viết xong, có bài còn chưa kịp viết những dòng cuối. Những năm qua, người con gái duy nhất của ông – Tiến sĩ sử học Đặng Thị Vân Chi đã chỉnh lý, hệ thống và giới thiệu một phần những bài viết của người cha kính yêu. Lần này, nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày mất của cha mình, Tiến sĩ Đặng Thị Vân Chi tuyển chọn các bài viết đã công bố của ông để xuất bản thành sách chuyên khảo “Phong trào yêu  nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”.
{Giới thiệu sách} “Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”
{Giới thiệu sách} “Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”

Cuốn sách tập hợp hơn 30 bài nghiên cứu do nhà giáo, nhà sử học Đặng Huy Vận viết viết, hoặc viết chung với một số đồng nghiệp là các nhà sử học, các nhà giáo thành danh của một đơn vị đào tạo có uy tín – Bộ môn Lịch sử Cận đại Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và các đơn vị khác: Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên, Chương Thâu, Nguyễn Phan Quang, Hoàng Văn Lân, Bùi Văn Chép, Hoàng Đình Bình, Nguyễn Đăng Duy, Lê Ngọc Dong... Các công trình nghiên cứu này đều được hoàn thành trong thập niên 60 của thế kỷ XX, trong đó, nhiều bài được viết ở rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, dưới ánh đèn dầu khu sơ tán thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ vô vàn thiếu thốn, khó khăn, gian khổ.

Sinh thời, với niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận quan tâm đến nhiều vấn đề lịch sử đất nước thời cận đại. Ông đã viết một số chuyên khảo về các vấn đề: phân kỳ lịch sử cận đại Việt Nam, chữ Quốc ngữ, tình hình đấu tranh giai cấp thời Gia Long, chế độ lao dịch và binh dịch dưới thời Gia Long...; đã tham gia biên soạn một số công trình khoa học tầm cỡ: bộ giáo trình Lịch sử cận đại Việt Nam, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900), Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh,... Song chủ đề ông quan tâm hàng đầu, dành phần lớn tâm sức nghiên cứu chính là phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, tùy hứng mà là sự theo đuổi một mục đích sống, mục đích sáng tạo của một người trí thức yêu nước luôn tôn thờ đạo lý: quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách. Thời điểm thập niên 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta diễn ra ngày càng quyết liệt; quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ; máy bay Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc. Người trí thức, nhà sử học yêu nước Đặng Huy Vận mong muốn đem sử học phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc; mong muốn lấy truyền thống anh hung, bất khuất của ông cha những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm ngọn lửa thiêng nhen lên và hun đúc chí khí quật cường của dân tộc trong cuộc đọ sức sống còn với thế lực đế quốc đầu sỏ, hiếu chiến, vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Mong muốn của ông thể hiện nhất quán trọng hơn 30 bài viết được in trong chuyên khảo này và đấy chính là tư tưởng xuyên suốt, là cảm hứng chủ đạo, là chủ đích nổi bật của tập sách.

Cuốn sách gồm bốn phần tập trung vào ba mảng vấn đề lớn: cuộc đấu tranh giữa hai phái “chủ chiến” và “chủ hòa” xoay quanh sự lựa chọn con đường, giải pháp đối phó với sự xâm lược của thực dân Pháp; những cuộc đấu tranh sâu rộng, anh dũng của nhân dân ta chống cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; nhận diện, đánh giá một số nhân vật lịch sử đương thời còn có những khoảng trống về nhận thức hoặc ý kiến khác nhau. Tiếp cận ba mảng vấn đề này, với hơn 30 bài được tập hợp trong sách đã bao quát khá toàn diện các vấn đề quan trọng của lịch sử cận đại, giai đoạn trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 2 năm 1930, giúp bạn đọc có thể hình dung những đường nét cơ bản một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc thời cận đại.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy trước sự xâm lăng của ngoại bang, nội bộ giới cầm quyền cũng có sự phân hóa trong việc lựa chọn cách ứng xử: quyết chiến để bảo vệ độc lập dân tộc hay thỏa hiệp, nhượng bộ, đầu hàng. Thắng bại trong cuộc đấu tranh nội bộ giới cầm quyền ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh đất nước. Trong tập sách này, bằng những sử liệu và luận giải khoa học, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận đã phác họa chân thực cuộc đấu tranh giữa các phái “chủ hòa” với những nhận thức, động cơ khác nhau, nhưng tựu chung đều lo ngại sức mạnh áp đảo của thực dân Pháp, đại diện là các vua nhà Nguyễn và một số cận thần với phái “chủ chiến”, đại diện là những vị quan yêu nước, chính trực, luôn tin vào sức mạnh của nhân dân, vào truyền thống anh hung của dân tộc. Từ sự phân tích toàn diện thực tế lịch sử đất nước nửa cuối thế kỷ XIX, tác giả đã rút ra những nhận xét có tính tổng kết sâu sắc. Ông nhấn mạnh, khi triều đình phong kiến đã bộc lộ rõ bản chất bạc nhược, phản động, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, với nguyện vọng nhân dân, muốn chống thực dân Pháp xâm lược thì phải chống triều đình đầu hàng; cuộc đấu tranh chống triều đình đầu hàng và áp bức, bóc lột nhân dân là một bộ phận của cuộc kháng chiến cứu nước ở cuối thế kỷ XIX.

Trong tập sách hơn 600 trang, phần có dung lượng nhiều nhất là các bài viết về phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân ta. Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt, không có điều kiện đi khảo sát, nghiên cứu sâu lịch sử chống Pháp ở các tỉnh phía Nam, tác giả Đặng Huy Vận, bằng những nguồn tư liệu mới, tập trung trình bày cặn kẽ, sinh động các hoạt động vũ trang, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào chống Pháp diễn ra liên tục, quyết liệt trên địa bàn phía Bắc, từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi. Ông đặc biệt chú trọng diễn tả, đề cao tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dung của nghĩa quân, những tấm gương trung liệt của các sĩ phu tràn đầy nhiệt huyết cứu nước; sự nỗ lực liên kết, phối hợp chiến đấu, dù còn tự phát, giữa lực lượng yêu nước trên các địa bàn miền xuôi, miền ngược, giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa các sỹ phu Việt Nam yêu nước với những người có tinh thần chống Pháp trong triều đình Nhà Thanh… Dưới ngòi bút của ông, phong trào kháng Pháp của nhân dân ta diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, ở đâu có vết chân xâm lược thì ở đó có kháng chiến; đánh chỗ này, ứng chỗ kia, sóng này đã im, sóng khác lại nổi, không ngày nào không đánh. Ông nhận định, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta không một vũ lực dựa trên một khoa học kỹ thuật hiện đại nào khuất phục nổi và mặc dù phong trào tạm lắng xuống nhưng lại bùng lên cao hơn, sôi nổi hơn theo phương hướng đổi mới, hòa nhập với sự phát triển chung của phong trào toàn quốc vào đầu thế kỷ XX.

Trong tập sách, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận đã dành một số bài viết để phân tích, làm rõ hơn những đóng góp và hạn chế của một số nhân vật lịch sử mà cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với những thăng trầm, mâu thuẫn của một giai đoạn lịch sử bi tráng, phức tạp, có tính bước ngoặt. Quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể, ông xác định: cần xem xét các nhân vật lịch sử trong hoàn cảnh nhân vật ấy sống và hoạt động, xét đến động cơ các hoạt động đó và những mặt khác trong toàn bộ cuộc đời họ, cần nhận rõ những hạn chế khách quan về giai cấp, về thời đại lịch sử…để không sa vào giản đơn, võ đoán. Với phương pháp tiếp cận khoa học, trong các bài viết của mình, ông đã có những nhận xét, đánh giá khách quan về Lưu Vĩnh Phúc và đội quân Cờ Đen; về Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, A. de Rhodes, Lê Văn Duyệt; về những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ; về đóng góp của Phan Bội Châu trong việc vận động đồng bào Thiên Chúa giáo và quan niệm sử học của cụ; về tư tưởng dân chủ của Phân Châu Trinh.

Gần 50 năm qua, khoa học lịch sử nước nhà đã có bước tiến dài. Lịch sử cận đại Việt Nam được nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hơn; nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử được làm sáng tỏ hơn trên cơ sở những nguồn tư liệu và phương pháp tiếp cận mới. Trong những thành quả đó có đóng góp tích cực trên nhiều phương diện của nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận. Qua những tác phẩm để lại của ông, ngời sáng nhân cách của một nhà sử học chân chính, một phong cách sử học rất riêng – phong cách Đặng Huy Vận.

Ngày 22 tháng 2 năm 1969, gia đình, đồng nghiệp, học trò đau thương, tiếc nuối vĩnh biệt nhà giáo, nhà sử học đáng kính Đặng Huy Vận. Tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Như Mai đã viết những câu thơ đầy xúc động về cuộc đời, về nhân cách cao quý của ông:

Một chiếc ba lô, chồng bản thảo

Mười bài báo viết chưa đưa đăng…

…Đói no, thiếu thốn chẳng than phiền

Việc chung nguyện dốc toàn tâm lực

Rất ít dành cho cuộc sống riêng…

…Việc làm ngay thẳng, lòng trong sáng

Sống giản đơn và chết giản đơn[1]

Nghiên cứu những bài viết trong tập sách, người đọc không chỉ cảm nhận, trân trọng tâm huyết của nhà sử học suốt đời đem ngòi bút phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, không màng danh lợi, mà còn thấy rõ phong cách làm việc nghiêm cẩn, bút pháp tài hoa và thái độ khoa học rất đáng kính trọng. Để viết một chuyên luận, nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận luôn dành công sức tìm kiếm những sử liệu mới từ nhiều nguồn: tài liệu của triều đình Huế, tài liệu tiếng Hán của triều đình Mãn Thanh, tài liệu tiếng Pháp của chính quyền thực dân, tài liệu khảo sát thực địa và những tư liệu văn hóa, văn học còn lưu giữ trong dân gian. Từ những nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, ông đã làm sống lại lịch sử phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong suốt nửa thế kỷ XIX đầy máu lửa. Dưới ngòi bút của ông, lịch sử hiện lên không đơn điệu, khô cứng, tẻ nhạt mà sống động, muôn màu muôn vẻ, đầy sứ hấp dẫn, từ con hào, lũy tre, cây đa, mái đình trên các căn cứ kháng chiến đến chân dung các anh hung, nghĩa sĩ, đến diễn biến cụ thể, chi tiết của từng trận đánh…Trong một vài bài viết, ông có trao đổi, thảo luận, tranh luận với một số nhà nghiên cứu khác về tư liệu, luận điểm, nhận định, đánh giá sự kiện, nhân vật lịch sử. Ý kiến của ông bao giờ cũng nhẹ nhàng, khiêm nhường, có sức thuyết phục bởi tính văn hóa, chất văn hóa vốn là giá trị nhân cách của ông. Năm tháng qua đi, nhưng nhân cách người trí thức yêu nước, cách mạng Đặng Huy Vận và phong cách sử học của ông còn sống mãi.

Người viết lời giới thiệu tập sách này là học trò của thầy Đặng Huy Vận những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, người gắn bó, kính trọng, ngưỡng mộ thầy bằng nghĩa thầy-trò và tình cảnh quê hương sâu nặng. Nhân dịp tưởng niệm 50 năm thầy đi xa, xin lấy những trang viết thay nén tâm nhang thành kính tri ân thầy. Xin được trân trọng giới thiệu tập sách tới các quý bạn đọc xa gần. Hy vọng tập sách sẽ truyền cảm hứng, truyền lửa tới các bạn, nhất là với những người học lịch sử, yêu lịch sử, có tâm nguyện gắn bó đời mình với nghề giảng dạy, nghiên cứu lịch sử.

[1]Những chữ in nghiêng là dẫn nguyên văn các câu chữ được sử dụng trong các bài viết của nhà nghiên cứu Đặng Huy Vận trong tập sách này

Tác giả: GS.TS Phùng Hữu Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây