Ngôn ngữ
Dự thảo Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2025, tầm nhìn 2035 nêu rõ sứ mạng của ĐHQGHN là “đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, chuyển giao tri thức phục vụ phát triển đất nước; tiên phong đổi mới giáo dục - đào tạo ở Việt Nam”. Đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ “trở thành trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực đạt được các tiêu chí cơ bản của ĐH nghiên cứu tiên tiến ở khu vực và châu Á, trong đó có một số ngành/lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế”.
Các giá trị cốt lõi được xác định là: "Khuyến khích, nuôi dưỡng tài năng - Tiên phong đổi mới - Trách nhiệm - Thống nhất trong đa dạng". Khẩu hiệu hành động: "Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức".
Trong mục tiêu phát triển đến năm 2025, Dự thảo nêu rõ các mục tiêu cụ thể trên các mặt: đào tạo nhân lực - nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao - hội nhập và quốc tế hóa.
Dự thảo cũng trình bày các giải pháp cơ bản liên quan đến phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao; nâng cao hiệu quả công tác hợp tác phát triển; hiện đại hóa cơ sở vật chất; đổi mới quản trị đại học; gia tăng các nguồn lực tài chính.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá bản dự thảo được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo ĐHQGHN nhằm nhanh chóng đưa ĐHQGHN phát triển nhanh, vững mạnh, trở thành ĐH hàng đầu của khu vực và tiến tới đạt chuẩn quốc tế. Đây cũng là dịp để các đơn vị thành viên nhìn lại những điều kiện hiện có, định rõ mục tiêu và vạch ra lộ trình cho sự phát triển của đơn vị mình trong mối tương quan với mục tiêu phát triển của ĐHQGHN.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến về Dự thảo cũng như con đường phát triển của ĐHQGHN trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng cần có đánh giá đúng mức hơn về vị trí, vai trò và đóng góp của KHXH&NV trong chiến lược phát triển ĐHQGHN. Đối với việc áp dụng các chỉ tiêu phát triển được lượng hóa như chỉ số bài báo ISI, đội ngũ cán bộ…, cần lưu ý đến tính đặc thù của KHXH&NV với các lĩnh vực khoa học khác.
PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) lại nhấn mạnh đến việc phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao phải được coi là giải pháp then chốt cho các mục tiêu phát triển. Để làm được điều đó, cần có sự khảo sát cụ thể về thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay về độ tuổi, trình độ, lĩnh vực nghiên cứu…, qua đó xác định các đối tượng được tập trung, ưu tiên đầu tư, chứ không đầu tư dàn trải.
GS.TS Phùng Hữu Phú (Chủ nhiệm Khoa Chính trị học) lưu ý: chiến lược phát triển của ĐHQGHN phải được đặt trong điều kiện cụ thể và thực tế của đất nước, phải là một bộ phận trong chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn tới. Mục tiêu và các nhiệm vụ của ĐHQGHN phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, mục tiêu phát triển đất nước, cũng không được tách rời quá trình đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết TƯ 8. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cần làm rõ những lợi thế so sánh của mình là gì, làm thế nào để định vị, xác lập được vị trí riêng của mình trong mạng lưới các trường ĐH trong nước, khu vực và quốc tế ? Để trở thành trung tâm ĐH đỉnh cao, ĐHQGHN cũng cần xác định phải là nơi hội tụ tài năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sức sáng tạo của cá nhân.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng Dự thảo chiến lược phát triển của ĐHQGHN cần: đậm hơn nữa tính hành động; thống nhất và đồng bộ hơn trong sứ mạng – mục tiêu – giải pháp; đề cao tính tự do học thuật trong môi trường ĐH; quan tâm đúng mức hơn tới yếu tố cơ sở vật chất làm nền tảng để xây dựng ĐH hiện đại; tăng cường hơn nữa tính tự chủ cho các đơn vị thành viên; có các giải pháp thể hiện sự quan tâm và đề cao hơn nữa vai trò người thầy trong trường ĐH….
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn