Ngôn ngữ
Hội thảo có sự tham dự của ngài Jean Noel Poirier - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Trong số các nhà khoa học nước ngoài tham dự hội thảo có nhiều tên tuổi khoa học như: ông Oliver Tesier - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, GS TS. Marc J. Gilbert - Chủ tịch Hội Sử học thế giới, GS.TS. Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc, TS. Pierre Journoud - Viện Lịch sử quân sự Pháp…
Về phía Việt Nam, khách mời có TS. Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Các nhà khoa học Việt Nam đến từ các trường ĐH và viện nghiên cứu lớn như Trường ĐHKHXH&NV, Học viện Hành chính chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện NC Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng)…
Tại phiên khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã có bài phát biểu khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Điện Biên Phủ cũng đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện lịch sử vĩ đại, làm tiền đề dẫn đến sự tan rã của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới. Điện Biên Phủ là biểu tượng thắng lợi của sức mạnh hòa bình, khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong quá trình tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ và đàm phán Hiệp định Giơ ne vơ, lần đầu tiên, ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài quốc tế, tham gia một hội nghị quốc tế đa phương với sự tham gia của các nước lớn.
Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Giơ ne vơ, hội thảo quốc tế lần này đề cập đến những nhân tố đã làm nên thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, về những chiều cạnh khác nhau liên quan đến cuộc kháng chiến, tìm hiểu ảnh hưởng và tác động của thắng lợi Điện Biên Phủ đến tiến trình phi thực dân hóa và sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới…
Bài phát biểu cũng khẳng định, nhìn từ khía cạnh quốc tế, từ Điện Biên Phủ đến hội nghị Giơ ne vơ có rất nhiều vấn đề cần được bàn thảo dựa trên những nguồn tư liệu và các cách tiếp cận mới: Giơ ne vơ có phải là sự thể hiện xu thế hòa hoãn, đối thoại Đông - Tây của các cường quốc ? Các bên đến Hội nghị Giơ ne vơ có mục đích giống nhau hay không ? Lợi ích dân tộc và chiến lược của các nước lớn đã chi phối cục diện Giơ ne vơ như thế nào ? Việt Nam phát huy được vai trò chủ động trong đàm phán Giơ ne vơ hay không ? Những văn bản hiệp định phải chăng là kết quả dàn xếp của các nước lớn ?...
Làm sáng tỏ những chiều cạnh khác nhau của Điện Biên Phủ và Giơ ne vơ sẽ là những bài học lịch sử quý giá cho mục tiêu hòa bình và thịnh vượng ngày hôm nay, đặc biệt là trong kỷ nguyên của tri thức, hội nhập và toàn cầu hóa.
Tiếp đó, ngài Jean Noel Poirier - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cũng có bài phát biểu ngắn, khẳng định: ĐBP là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị, lịch sử và luôn được ghi nhớ trong lịch sử của nhân loại. Điện Biên Phủ là một dấu mốc quan trọng với cả Việt Nam và Pháp. Do đó, nhìn nhận, phân tích sự kiện này với nhiều cách tiếp cận khác nhau là cần thiết để trong tương lai, Việt Nam và Pháp sẽ luôn gắn bó và nỗ lực vượt qua những nỗi đau trong quá khứ, để cũng hợp tác vì mục tiêu thịnh vượng và phát triển.
Sau phiên khai mạc là đối thoại bàn tròn giữa các khách mời: Đại tá Đoàn Sự - phiên dịch đoàn cố vấn quân sự trong chiến dịch ĐBP; ông Nguyễn Khắc Huỳnh - nguyên Đại sứ Việt Nam, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị giơ ne vơ; GS TS. Marc J. Gilbert - Chủ tịch Hội Sử học thế giới; TS. Pierre Journoud - Viện Lịch sử quân sự Pháp; PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV.
Trong hai ngày, hội thảo trải qua 5 phiên họp với các vấn đề chính được thảo luận: “Bối cảnh trong nước và quốc tế của chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Đường tới Giơ ve vơ”, “Khía cạnh quốc tế của Điên Biên Phủ và Hiệp định Giơ ne vơ”, “Ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam trong và sau Điện Biên Phủ”, “Tác động và ý nghĩa của Điện Biên Phủ”.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn