Tin tức

GS. Arturo Giraldez giảng chuyên đề “Ecological History: Trends and Influences upon the Writing of Global History”

Thứ hai - 12/03/2018 00:25
Tiếp nối thành công của hai chuyên đề về hệ thống thư viện và trung tâm lưu trữ ở châu Âu và về thương mại toàn cầu thế kỷ XVI-XVIII, ngày 7/3/2018 GS.Arturo Giraldez đã có bài giảng về những khuynh hướng và ảnh hưởng của Lịch sử sinh thái học trong nghiên cứu Lịch sử Toàn cầu. Đây là một chủ đề nghiên cứu còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên đã thu hút được đông đảo sinh viên, học viên cao học và cán bộ của Khoa Lịch sử và nhiều đơn vị khác trong và ngoài Trường.

Bài giảng tập trung phân tích những biến đổi của môi trường sinh thái dưới tác động của con người trong suốt quá trình lịch sử. Theo GS.Giraldez, xã hội loài người đã trải qua 5 bước ngoặt (turning points) lớn ảnh hưởng sâu sắc đến hệ sinh thái, đó là: việc phát hiện và kiểm soát lửa, việc thuần hoá động thực vật thuộc thời kỳ đồ đá, sự nổi lên của các thành thị, những giao lưu tiếp xúc thời hậu Colombo (Columbian exchange) đã đưa đến một sự toàn cầu hoá về sinh thái (ecological globalization), và cuối cùng là sự phát hiện và sử dụng các năng lượng hoá thạch, đặc biệt là dầu mỏ.

GS.Giraldez đặc biệt nhấn mạnh đến những biến đổi của hệ sinh thái toàn cầu diễn ra sau phát kiến địa lý của Colombo tìm ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ XV. Hàng loạt những loài thực vật (ô lưu, nho, chanh, hành, cà phê, chuối, mía, lúa mì, lúa mạch, gạo), động vật (cừu, lợn, ngựa, ong) qua con đường châu Âu được đưa tới châu Mỹ. Ngược lại từ châu Mỹ các loài thực vật (khoai lang, bí, dứa, đậu, khoai tây, lạc, cà chua tiêu, ca cao, cây thuốc lá, cây vani, , ngô...) và động vật (gà tây) được chuyền trở về châu Âu và từ đây lan toả sang các châu lục và khu vực khác. Sự trao đổi qua lại về động thực vật đã làm phong phú thêm hệ sinh thái của các châu lục, các khu vực và quốc gia và điều này tác động trực tiếp tới chế độ dinh dưỡng của các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, những trao đổi thời kỳ hậu Colombo cũng đưa đến nhiều hệ luỵ tiêu cực. Những bệnh dịch như bạch hầu, đậu mùa, bệnh cúm, sốt phát ban, sởi, sốt rét, thuỷ đậu... cũng theo chân người châu Âu tới những vùng đất mới. Do không phát triển được hệ miễn dịch và điều kiện y tế nghèo nàn đã khiến một bộ phận lớn cư dân bản địa ở châu Mỹ, châu Úc, New Zealand... nhiễm bệnh và tử vong. Cùng với các cuộc chinh phục thực dân bằng súng đạn, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu trong các thế kỷ XVI-XVIII, sự truyền bá của dịch bệnh đã đưa đến sự sụp đổ của một loạt các nền văn minh ở châu Mỹ và châu Đại dương.

Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi. Nhiều câu hỏi tập trung vào vấn đề vì sao Châu Á vốn cũng chịu sự cai trị của thực dân châu Âu, nhưng các nền văn minh và các dân tộc ở châu Á lại không bị tuyệt diệt. Theo GS.Giraldez, khác với châu Mỹ và châu Đại Dương, châu Á vốn có quá trình tiếp xúc lâu dài với châu Âu nên bản thân người châu Á đã phát triển các kháng thế của một số dịch bệnh phổ biến ở châu Âu. Thậm chí nhiều dịch bệnh ở châu Âu vốn có nguồn gốc ở châu Á. Vì vậy, người châu Á có khả năng miễn nhiễm với một số bệnh do người châu Âu mang tới. Thêm vào đó, trình độ y tế cao cùng với các phương thuốc cổ truyền của các dân tộc bản địa đã làm giảm tác hại của các dịch bệnh tới từ châu Âu. Một số câu hỏi khác liên quan đến tác động của việc sử dụng năng lượng hoá thạch tới hệ sinh thái, ảnh hưởng của thời kỳ tiểu băng hà trong lịch sử, quá trình thuần hoá động thực vật ... đều được GS.Giraldez trả lời một cách cặn kẽ, dễ hiểu.

Tác giả: Thủy Nguyễn (Khoa Lịch sử)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây