Ngôn ngữ
Buổi thuyết trình được tổ chức hướng tới các đối tượng là phóng viên, nhà báo, những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông ở Việt Nam, các sinh viên chuyên ngành Báo chí và Truyền thông.
Bài thuyết trình đề cập đến thực tế sang chấn tâm lý trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo là vấn đề thường xuyên xảy ra, nhất là đối với các nhà báo viết về tai nạn, thiên tai, hoả hoạn, chiến sự… Và bảo vệ an toàn cho chính mình và hạn chế các tổn thương tinh thần trong quá trình tác nghiệp là điều hết sức cần thiết đối với phóng viên báo chí.
TS. Cait McMahon - Giám đốc sáng lập và điều hành của Trung tâm Dart Châu Á Thái Bình Dương
Với kinh nghiệm thường xuyên làm việc cùng các nhà báo và giúp đỡ họ trong vấn đề sang chấn tâm lý, TS. Cait McMahon đã truyền đạt cho các đại biểu tham dự cách vượt qua những chấn thương này, làm sao để tự chăm sóc bản thân, vượt qua sang chấn, vượt qua những tình cảnh nguy hiểm…
“Tại sao chúng ta lại đề cập đến sang chấn tâm lý, và liệu những sang chấn này có liên quan đến báo chí như thế nào? Ở Dart Centre, chúng tôi có một câu nói rất hay là: “Nhà báo phải khỏe mạnh mới có một nền báo chí chất lượng”. Và nếu như nắm bắt được những sang chấn tâm lý, thì các bạn sẽ hiểu được những nhân vật mà các bạn đang làm tin, hay viết bài đã trải qua những điều khủng khiếp như thế nào” - TS. Cait McMahon gợi mở.
TS. Cait McMahon trao đổi với phóng viên, nhà báo và những người làm truyền thông tại Việt Nam
Trong khuôn khổ bài thuyết trình, diễn giả đã giải thích và phân biệt hai khái niệm hay khiến mọi người nhầm lẫn: “sang chấn” (trauma) với “căng thẳng” (stress). “Sang chấn” là những sự kiện đe dọa mạng sống hay bạo lực cực độ được chính bản thân tự trải nghiệm hoặc chứng kiến sự việc xảy ra ở với người khác, thậm chí có thể bị ảnh hưởng thông qua công cụ trực tuyến nếu công việc có liên quan. Đây chính là yếu tố khiến sang chấn khác với căng thẳng hoặc khó chịu trong thời gian dài. “Căng thẳng” thường chỉ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, khi gặp những vấn đề quá mức chịu đựng và đáp ứng của bản thân. Chính sự ảnh hưởng của từng mức độ sang chấn, kiệt sức hay căng thẳng sẽ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần và cách chữa trị khác nhau.
Những phản ứng khi gặp sự kiện sang chấn có thể rất bình thường, hoặc bất thường như: run rẩy, khóc lóc, đau bao tử, đau đầu, mất khả năng tập trung, mất lòng tin, gặp ác mộng, bồn chồn, lo âu, khó ngủ, và nhiều triệu chứng khác... Đây là cơ chế tự vệ tác động đến cấu trúc não bộ và những phản ứng tâm sinh lý khi cơ thể bị đẩy vào trạng thái báo động.
TS Cait McMahon trao đổi với sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông đặt câu hỏi cho diễn giả
“Mặc dù bạn nghĩ là việc đến phỏng vấn một người đang đau khổ có lẽ là không nên, nhưng vì nhiệm vụ được giao, bạn vẫn phải sẵn sàng đến. Và trong sâu kín tâm hồn sẽ hình thành nên những tổn thương về mặt đạo đức, tức là bạn không tin vào điều bạn làm và bạn không nghĩ là đúng khi làm điều đó. Chuyện phỏng vấn nhân vật bị sang chấn là một điều quan trọng, nhưng ở bên trong chuẩn mực đạo đức của bạn, tự bản thân sẽ cảm thấy có điều gì đó không ổn lắm” – chuyên gia chia sẻ.
TS. Cait McMahon cho rằng, hiểu được sang chấn tâm lý, thứ nhất sẽ giúp phóng viên biết lựa chọn cách thức đăng tin sáng suốt hơn. Thứ hai là giúp nhà báo truyền tải thông điệp một cách có đạo đức hơn và đầy đủ hơn. Vì vậy, cộng đồng cũng sẽ được nâng cao hiểu biết về những tổn thương tinh thần có thể gặp phải trong cuộc sống.
“Ta sẽ không cử một người không am hiểu về bóng đá đi tường thuật một trận đấu, vậy tại sao lại cử một phóng viên đi đưa tin về những thảm họa hay sự kiện chấn thương, trong khi họ không hiểu về chấn thương và sức ảnh hưởng của nó? Đưa tin là một công việc rất rủi ro, thậm chí trong lúc đưa tin chúng ta không biết rằng mình cũng đang gặp phải những sang chấn tâm lý. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 80 – 100% nhà báo sẽ trải qua ít nhất một sự kiện có khả năng gây ra những phản ứng chấn thương nghiêm trọng.” – TS. Cait McMahon cho biết thêm.
PGS.TS Đặng Thu Hương (Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông) và TS. Cait McMahon. Khoa Báo chí và Truyền thông tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong việc tổ chức tọa đàm, thuyết trình về các vấn đề tác nghiệp trong lĩnh báo chí và truyền thông cho đội ngũ phóng viên, nhà báo Việt Nam và sinh viên chuyên ngành Báo chí và Truyền thông
Bài phát biểu của TS. Cait McMahon đã thu hút sự quan tâm và truyền cảm hứng đến rất nhiều phóng viên, nhà báo và người làm công tác truyền thông, sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông. Đặc biệt, sinh viên trường ĐHKHXH&NV cũng gây ấn tượng với chuyên gia qua phần hỏi đáp trực tiếp tự tin và trôi chảy bằng tiếng Anh về nhiều vấn đề các bạn trẻ Việt Nam quan tâm, đặc biệt là câu chuyện về việc chính bản thân vượt qua những sang chấn tâm lý như thế nào.
Buổi thuyết trình được kết thúc bằng những câu hỏi mở để các đại biểu và sinh viên suy ngẫm và xác định rõ: ý nghĩa, mục tiêu, sứ mệnh của mình khi lựa chọn nghề báo, đồng thời giúp các bạn củng cố quyết tâm theo đuổi sự nghiệp tương lai.
Đôi nét về chuyên gia - TS. Cait McMahon
|
Tác giả: Công Hiếu – Ngọc Trâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn