Ngôn ngữ
GS. Arturo Giraldez
Bài giảng đề cập đến quan điểm mới về nghiên cứu lịch sử toàn cầu: trao đổi toàn cầu và toàn cầu hóa là câu chuyện từ trong lịch sử. Bài giảng tập trung vào các nội dung chính:
Thứ nhất là những phát kiến địa lý và sự hình thành của các tuyến giao thương quốc tế ở giai đoạn cận đại sơ kì, từ giữa thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII. Thứ hai là sự khai phá các vùng đất mới, sự hình thành các cộng đồng dân cư mới cùng với sự giao lưu văn hóa và lai tạp giữa ngôn ngữ, chủng tộc. Giáo sư Arturo Giraldez đã cung cấp những thông tin cũng như các nhận định mới về vấn đề giao lưu và tương tác toàn cầu. Thứ ba là về các tuyến thương mại và sự hình thành các nền kinh tế mang tính toàn cầu. GS. Arturo Giraldez đã nhấn mạnh về vai trò của các dòng chảy kim loại tiền tệ như bạc, từ Tân thế giới châu Mỹ sang phương Đông và làm biến chuyển các nền kinh tế xã hội phương Đông. Ví dụ như tỷ giá hối đoái mang tính quốc tế đã được điều chỉnh và cân bằng giữa các khu vực như thế nào. Nếu như giai đoạn cuối thế kỷ XVI, tỷ giá hối đoái giữa vàng và bạc ở châu Âu, Trung Quốc, Tân thế giới châu Mỹ rất là chênh lệch, nhưng chính nhờ sự giao lưu kết nối toàn cầu thì đến giữa thế kỷ XVII (cụ thể là năm 1640) thì gần như các tỷ giá hối đoái đã ngang nhau.
Bài giảng còn nhấn mạnh đến sự hình thành của tiêu dùng toàn cầu. Những sản phẩm mang tính dân tộc, mang tính địa phương như trà, tơ lụa, hương liệu… của Trung Quốc đã trở thành mặt hàng tiêu dùng trên toàn thế giới và người Châu Âu coi uống trà như là một nét văn hóa trong đời sống xã hội. Và cũng chính thông qua thương mại toàn cầu đã tạo ra sự lai tạo giữa các nhóm nhân chủng khác nhau. Ví dụ như: các nô lệ châu Phi hay người châu Âu di cư sang châu Mỹ đã làm cho bản đồ gen của châu Mỹ thay đổi rất nhiều. Điều này cũng tạo nên giao lưu về văn hóa khi các thể loại âm nhạc, loại hình nghệ thuật ở các khu vực khác nhau được chia sẻ mạnh mẽ. Giao lưu cũng làm biến đổi dân số thế giới thông qua giao lưu của các loài bệnh dịch, sinh thái…
Các bạn sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi rất hay cho GS. Arturo Giraldez về: đánh giá tác động của các dòng chảy thương mại đến sự lạm phát; cách mạng giá cả của châu Âu cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân châu Âu như thế nào; xu hướng của các loại kim loại tiền tệ trên thế giới hiện nay nhìn từ kinh nghiệm lịch sử; dự đoán về vai trò, tỷ giá giữa các kim loại quý thời hiện đại…
“Global trade, global network and global history” là một trong 3 chuyên đề mà GS. Arturo Giraldez trao đổi với cán bộ và sinh viên Khoa Lịch sử trong thời gian qua.
Tác giả: Ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn