Ngày 07/5/2012, GS Furuta Motoo (Đại học Quốc gia Tokyo - Nhật Bản) đã có buổi thuyết trình về đề tài "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử" tại Trường ĐHKHXH&NV.
Công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” đã được Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1995, GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo đồng chủ biên cùng 14 tác giả khác là cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học. Công trình đã được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt năm 2010.
Tại buổi thuyết trình GS Furuta Motoo tập trung đề cập đến nạn đói năm 1945 - một thảm kịch diễn ra trong thời kì quân đội Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, người Việt Nam đều biết đến sự kiện này và mức độ thảm kịch ghê gớm của nó. Tuy nhiên ở Nhật Bản trước khi cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” được công bố thì chỉ có ít người biết đến nạn đói 1945 ở Việt nam hoặc có người biết đến nhưng lại không tin mức độ tàn khốc của thảm kịch này.
GS Furuta Motoo cho biết, bằng phương pháp nghiên cứu thực chứng và tư liệu lịch sử điều tra trên quy mô từng làng, từ Quảng Trị trở ra Bắc, công trình nghiên cứu này đã chọn ra 23 làng, đối với từng làng điều tra tổng dân số vào thời điểm năm 1945, phân chia các hộ gia đình và làm rõ số người bị chết bởi nạn đói ở từng hộ. Qua đó đã đưa ra chứng cứ cụ thể về mức độ thiệt hại tương đương giữa nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với nạn đói cuối thế kỉ 18 ở Nhật Bản.
Hiện tại ở Nhật Bản dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy mô số người bị chết đói, nhưng đại đa số các nhà khoa học quan tâm đến Việt Nam nhất trí nhận định một nạn đói rất tàn khốc đã xảy ra vào năm 1945 ở Việt Nam. Một số sác giáo khoa Lịch sử Nhật Bản mới cũng đã đề cập đến nạn đói năm 1945 tại Việt Nam.
GS Furuta Motoo nhấn mạnh: Hiện nay mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật bản phát triển rất tốt đẹp, lãnh đạo hai nước khẳng định hai nước là “đối tác chiến lược”. GS cho rằng hiểu biết về sự thật lịch sử là nền tảng vững chắc của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Và công trình này đã cống hiến vào việc vun đắp nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại buổi thuyết trình giảng viên và sinh viên Trường ĐHKHXH&NV đã có những trao đổi, thảo luận về phương pháp nghiên cứu thực chứng và tư liệu kí ức đã được sử dụng trong công trình nghiên cứu. Theo GS Furuta Motoo thì phương pháp nghiên cứu thực chứng này có thể vận dụng trong nhiều nghiên cứu khác của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
GS. Furuta Motoo đã có hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam.