Toạ đàm khoa học với chủ đề “Báo chí về môi trường Việt Nam: Diễn biến, các bên liên quan và những chủ đề mới nhất” do Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV kết hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) tổ chức vào ngày 24/5/2012.
Tham gia toạ đàm gồm các diễn giả đến từ các cơ quan quản lí về môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí truyền thông và các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước. GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường - đã tới dự và trình bày báo cáo đề dẫn tại phiên khai mạc.
Toạ đàm tập trung thảo luận về các chủ đề chính: các vấn đề nóng về môi trường hiện nay mà báo chí cần chú ý; các loại hình báo chí truyền thông hiện nay trong việc phản ánh các vấn đề môi trường của Việt Nam; giải pháp đào tạo nhà báo về môi trường sự cần thiết, kinh nghiệm của thế giới và bài học cho Việt Nam.
Báo chí về môi trường và phát triển bền vững
Môi trường và vấn đề phát triển bền vững là một trong những đề tài nóng thu sự quan tâm của báo chí và truyền thông. Tại toạ đàm PGS.TS Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trường Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để nâng cao hiệu quả truyền thông về môi trường tại Việt Nam thì truyền thông về môi trường hiện nay cần chú ý những đề tài và vấn đề như: cần phải thống nhất một số quan niệm cơ bản về môi trường, cần điều chỉnh cách tiếp cận, phương pháp, nội dung và kĩ năng truyền thông trong môi trường góp phần quyết định hình thành “văn hoá môi trường”.
Nhấn mạnh về vai trò của báo chí trong trruyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu TS. Phạm Thị Mỵ (Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường) cho rằng các cơ quan báo chí đã coi môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề nóng; dư luận từ báo chí tạo áp lực xã hội đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề môi trường. Tuy nhiên theo TS. Phạm Thị Mỵ thì truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay vẫn còn những hạn chế: chưa phản ánh được toàn diện các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu; phần lớn nội dung đề cập là lên án, phê phán các hành vi gây ảnh hưởng tới môi trường sống, môi trường sinh thái của các cơ sở doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cụ thể; phê phán các quyết định xử lí gây ô nhiễm của cấp có thẩm quyển chưa xác đáng; thiếu những bài viết phản biện về chính sách…
Đề cập đến vấn đề phát triển bền vững GS.TS Trương Bá Thanh (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) cũng cho rằng cần nhấn mạnh vào việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho cộng đồng, phải phân công toàn diện trong việc tuyên truyền về môi trường. Hiện nay, truyền thông mới chỉ quan tâm tới những vấn đề nổi cộm chứ chưa quan tâm tới các vấn đề để phát triển ổn định và bền vững về môi trường.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng hiện nay những vấn đề biến đổi khí hậu ở vùng duyên hải đã được chú trọng hơn nhưng sự biến đổi khí hậu ở các đại dương toàn cầu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy cần quan tâm truyền thông tới các vấn đề biến đổi khí hậu trên các đại dương, bởi khí hậu đại dương thay đổi thì cũng kéo theo sự thay đổi của khí hậu toàn cầu.
Những vấn đề và giải pháp trong tác nghiệp báo chí về môi trường
Bàn về những vấn đề trong tác nghiệp báo chí về môi trường nhà báo Hoàng Quốc Dũng (Chủ tịch Diễn đàn nhà báo về môi trường Việt Nam) đã chỉ ra những cản trở hữu hình và vô hình: cản trở từ tiếp cận thông tin, chưa có quy định hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận thông tin; gập ghềnh tiếp cận tư pháp, cản trở từ cơ chế quản lí. Và theo nhà báo Hoàng Quốc Dũng thì môi trường là đề tài dễ viết nhưng lại là một trong số những đề tài viết khó hay nhất. Và năng lực, phẩm chất nhà báo cũng chính là trở ngại lớn nhất trong số các trở ngại gây ra trong tác nghiệp báo chí môi trường.
Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng (Giám đốc kênh truyền hình VOV - Đài tiếng nói Việt Nam) thì môi trường là vấn đề nóng nhưng cũng luôn là đề tài nhạy cảm. Thông tin như thế nào cho hiệu quả là điều mà các cơ quan báo chí phải suy nghĩ. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ: khi làm truyền thông về môi trường các cơ quan báo chí phải có chiến lược. Chiến lược đó phải bám sát vào những vấn đề lớn về môi trường trên toàn cầu và của quốc gia hiện nay… Với nhà báo cùng với niềm ham mê viết về môi trường thì họ cũng cần được đào tạo không chỉ về kĩ năng nghề nghiệp mà cần cả kiến thức về môi trường, về chống biến đổi khí hậu.
ThS. Bùi Việt Hà (Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông) qua nghiên cứu trường hợp “Dự án sản xuất than sạch từ phế thải công nghiệp” đã đưa ra mô hình truyền thông dựa trên cộng đồng là mô hình truyền thông của cộng đồng mà ở đó, bản thân các thành viên trong cộng đồng vừa là chủ thể vừa là đối tượng được phản ánh trong các thông điệp truyền thông. ThS. Bùi Việt Hà đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là truyền thông phải đi trước mở đường, dựa trên chính nhu cầu cấp thiết của cộng đồng, để rồi cộng đồng đó sẽ tự lên tiếng và đòi được bảo vệ. Chỉ khi đó việc bảo vệ môi trường mới được duy trì hiệu quả và bền vững.
Đào tạo nhà báo môi trường
Ở Việt Nam hiện chưa có trường đại học nào tổ chức đào tạo nhà báo chuyên về môi trường. TS. Huỳnh Văn Thông (Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TpHCM) cho biết: Đào tạo nhân lực làm báo chuyên sâu về môi trường là “vùng lõm” trong khung chương trình đào tạo cũng như trong năng lực tổ chức đào tạo chuyên ngành báo chí hiện nay của các trường đại học Việt Nam. Các khoa báo chí ở Việt Nam cần chủ động liên kết và hợp tác để cùng nhau xây dựng khung lí thuyết về báo chí môi trường làm nền tảng cho công tác đào tạo và nghiên cứu về báo chí môi trường.
Trước thực trạng đó TS. Đặng Thị Thu Hương (Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN) khẳng định: Báo chí về môi trường hình thành đã và đang tạo ra một thế hệ các nhà báo chuyên viết về môi trường một cách hiệu quả nhất, để thông tin, phân tích, giáo dục và định hướng công chúng về các nguy cơ, hiểm hoạ tác động đến môi trường và hệ sinh thái, đồng thời đề xuất các giải pháp cổ động, tổ chức cho công chúng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là truyền thông về môi trường cần phải có kiến thức và kĩ năng và các nhà báo chuyên viết về môi trường cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đang triển điều chỉnh chương trình đào tạo và trong tương lai gần sẽ được các học phần về báo chí môi trường. Theo tiến trình đào tạo, sinh viên lựa chọn hướng chuyên đề về môi trường sẽ được định hướng để được thực tập, thực tế tại các cơ quan báo chí về môi trường hay các đơn vị thông tin tuyên truyền về môi trường…Toạ đàm khoa học này chính là cơ sở để Khoa Báo chí và Truyền thông học hỏi kinh nghiệm nhằm xây dựng khung chương trình đào tạo của Khoa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đồng thời góp phần xây dựng mạng lưới các hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà báo về môi trường và các cơ sở đào tạo báo chí.