Tin tức

Hai tọa đàm - Một chí hướng

Thứ tư - 18/11/2015 22:34
Trong vòng hơn 1 tháng qua, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, nòng cốt là bộ môn Văn học, đã tổ chức hai cuộc tọa đàm chuyên sâu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các học phần văn học Việt Nam trong cơ cấu chương trình của hệ cử nhân Việt Nam học với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà giáo đầu ngành. Các cuộc tọa đàm đã đặt ra nhiều vấn đề từ những yếu tố tế vi như dạy tác phẩm nào, tác giả nào đến những ý tưởng đại cục như dạy theo chuyên đề hay dạy theo thể loại, chọn trọng tâm là nền tảng văn hóa Việt Nam hay vẫn chọn con đường truyền thống là cung cấp tri thức văn học thuần túy? Thách thức về tính hoàn thiện và hiệu quả của một chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học qua các học phần chuyên sâu đã thu hút mối quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đến từ các địa chỉ nghiên cứu đáng tin cậy
Hai tọa đàm - Một chí hướng
Hai tọa đàm - Một chí hướng

Ở cuộc tọa đàm lần thứ nhất (tháng 10-2015), chủ đề chính mà Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt hướng tới là quan điểm xây dựng chương trình, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các học phần Văn học dân gian Việt Nam, Văn học Việt Nam trung đại.Các đại biểu đến từ Viện Văn học như PGS Nguyễn Hữu Sơn, TS. Bùi Thị Thiên Thai, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  như PGS Dương Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội như PGS Trần Nho Thìn, nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ… đều có chung một đề xuất nhất quyết đổi mới cách tiếp cận văn học Việt Nam đối với sinh viên hệ Việt Nam học; theo đó, việc tập trung giảng dạy nhóm các vấn đề : giới-con người – truyền thống và hiện đại- lịch sử và văn hóa là phương châm cho sự chọn lựa ngữ liệu và xây dựng giáo trình cho các học phần nói trên. Một yếu tố quan trọng là cần tránh dạy văn học Việt Nam theo mô hình văn học tự thân mà cần chọn một khung tham chiếu rộng rãi về hướng nghiệp. Ngoài ra, chọn thể loại nào để giới thiệu về văn học dân gian Việt Nam (tục ngữ, truyền thuyết, truyện cười hay truyện cổ tích, ca dao-dân ca) cũng là một điểm nhấn tranh luận mang tính học thuật của tọa đàm.

Ở cuộc tọa đàm lần thứ hai (tháng 11-2015), giới giáo chức và các chuyên gia quan tâm đến hai học phần tiếp nối là Văn học Việt Nam hiện đạiVăn học Việt Nam đại cương. Nhiều đề xuất mạnh mẽ, thẳng thắn và táo bạo cũng được cộng đồng các nhà khoa học Ngữ văn đưa ra trong cuộc trao đổi, tạo không khí sư phạm và nghiên cứu rõ nét. TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV HN, đề nghị không nên xây dựng một chương trình văn học cho sinh viên Việt Nam học với quan điểm tư duy “độc đạo”, một chiều về chuyên môn sâu mà cần kết hợp các kênh khác như âm nhạc, điện ảnh; TS cũng nhấn mạnh chuẩn mực tuyển chọn tác giả tác phẩm để có được bức tranh văn hóa Việt Nam qua văn học cho sinh viên. PGS Lý Hoài Thu, PGS Nguyễn Bá Thành, nhà giáo Bùi Việt Thắng đều đặt trọng tâm vào khía cạnh hàn lâm và chuẩn mực sư phạm cần có trong quá trình đào tạo sinh viên Việt Nam học; Trong khi đó, PGS Phạm Thành Hưng (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV), TS Nguyễn Đức Mậu, TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) lại quan tâm hơn đến tính phá cách trong tư duy dạy học, tránh lối mòn trong truyền thụ kiến thức văn học Việt Nam; đề cao tính chất sản sinh kiến thức, độc lập tư duy về văn học Việt Nam ở sinh viên theo góc nhìn khu vực học và văn hóa học. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên lưu ý các nhà giáo của Khoa Việt Nam học về cách chọn giai đoạn, chọn tác phẩm mang tính quốc tế để giảng dạy.

Các cuộc tọa đàm đã mang đến một không khí học thuật thực sự cùng với các ý kiến tranh biện, những gợi mở về tư duy xây dựng chương trình, về nhu cầu cấp bách của một bộ giáo trình Văn học Việt Nam riêng cho các sinh viên hệ cử nhân Việt Nam học. Những cuộc “trưng cầu dân ý” trong khuôn khổ cộng đồng khoa học Ngữ văn theo cách làm trên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt dành cho bộ môn Văn học là một tín hiệu cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ về tư duy khoa học sư phạm và những nhân sự đảm bảo cho tư duy ấy một chí hướng, một con đường thực thi hiệu quả.

Những cuộc tọa đàm này cũng là những hoạt động thiết thực chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.

Tác giả: TS. Lê Thị Thanh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây