Ngôn ngữ
Nằm trong khuôn khổ học phần (môn học) Các loại hình báo chí truyền thông, mô hình “Đưa giảng đường đến tòa soạn” lần đầu tiên được áp dụng cho sinh viên lớp K57 Báo chí do PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền triển khai đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Hơn 80 tin bài của 35 sinh viên chỉ trong 4 tuần học tại tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam – một trong những cơ quan báo chí đa phương tiện hiện đại nhất hiện nay đã cho thấy hiệu quả thực sự của mô hình này trong đào tạo báo chí tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Đào tạo thực nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp
Đây là điểm cộng của mô hình này cho sinh viên sắp tốt nghiệp. Ngoài những kiến thức, kỹ năng họ đã tích lũy trước đó, công việc thực tế hàng ngày của tòa soạn giúp sinh viên có cơ hội cọ sát và học hỏi nhiều hơn về tất cả các nội dung theo chuẩn đầu ra của học phần.
Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan báo chí hội tụ đa loại hình vào bậc hiện đại, năng động nhất hiện nay. Thực tập tại đây, sinh viên có cơ hội tham gia sản xuất nội dung từ báo in, báo mạng điện tử đến phát thanh và truyền hình. Với đội ngũ nhân sự vững vàng về chuyên môn và tư tưởng cùng sự trách nhiệm và nhiệt tình, báo đã giúp sinh viên có cơ hội tự trải nghiệm sản xuất tin bài theo quy trình chuyên nghiệp. Chính điều này đã tạo điều kiện để sinh viên thỏa sức sáng tạo tìm kiếm, triển khai đề tài và trải nghiệm thực tế để có những tin, bài phóng sự chân thực và chất lượng.
Đặc biệt, nhiều sinh viên đã tích cực tham gia vào các chuyên trang về Đồng hành cùng Thực phẩm sạch hay điều tra về thị trường. Đây là thử thách không hề nhỏ với những sinh viên còn đang học việc. Tuy nhiên, bằng sự hướng dẫn tận tình của giảng viên và các anh chị phóng viên, nhiều tác phẩm sau khi đăng tải cũng đã thu hút sự quan tâm lớn của bạn đọc.
“Ban đầu khi nhận về mảng thực phẩm sạch, mình khá là lo lắng và thực sự mình chưa bao giờ trải nghiệm về mảng này. Nhưng được sự giúp đỡ tận tình của giảng viên và anh chị phóng viên, mình đã có những bài viết thực sự tâm đắc. Mình cũng thu nhận thêm được nhiều kinh nghiệm khi tác nghiệp điều tra, phản ánh để tăng sức hút của thông tin trong bài viết”. – Bạn Lê Thị Thanh, thực tập tại chuyên trang Phapluatplus.vn chia sẻ.
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông trực tiếp tác nghiệp trong quá trình thực tập.
Thêm mối quan hệ, sự tự tin và cơ hội việc làm
Một trong những kĩ năng quan trọng của phóng viên là tạo mối quan hệ. Tại mô hình này, dĩ nhiên việc tạo mối quan hệ thực tế với phóng viên, biên tập viên của một cơ quan báo chí cho sinh viên là chắc chắn. Sinh viên luôn có bên cạnh mình các anh chị đi trước mà rất nhiều trong số họ là cựu sinh viên, học viên cao học của Khoa để học hỏi và giải đáp bất cứ thắc mắc nào về nghề nghiệp một cách cởi mở, chân thành nhất. Tình cảm đồng nghiệp, đồng môn, tiền bối – hậu bối… đã nhanh chóng giúp xóa nhòa sự cách biệt, bỡ ngỡ của sinh viên ngay từ buổi đầu tiên tập trung tìm hiểu công việc tổng thể của tòa soạn. Chắc chắn, những mối quan hệ nghề nghiệp này sẽ không chỉ giúp họ hoàn thành mục tiêu môn học, mà còn có ích trong việc trao đổi nguồn tin, kỹ năng nghề nghiệp cho họ mãi về sau, ngay cả khi họ làm việc ở một cơ quan báo chí khác.
Quan trọng hơn, nếu bạn nỗ lực 100% ở mô hình học tập này, cơ hội trở thành cộng tác viên hay nhân viên chính thức của tòa soạn sẽ rất cao. Tòa soạn nào dù lớn đến đâu cũng luôn cần có những cộng tác viên giỏi và chịu khó, chăm chỉ làm việc để đáp ứng nhu cầu tin bài khổng lồ, không giới hạn của họ trong thời đại thông tin cập nhật liên tục từng phút, 24/7 như hiện nay.
Với 13 bài viết trên chuyên mục Văn hóa – giải trí chỉ trong 4 tuần thực tập tại chuyên trang Phapluatplus.vn, đến nay bạn Lê Thị My đã có cơ hội trở thành cộng tác viên của báo. Bên cạnh My, bạn Lê Đình Dũng và Lê Văn Thông (thực tập tại Ban Báo điện tử Pháp Luật Việt Nam) hiện cũng đang cộng tác sản xuất Bản tin Pháp luật và Bản tin tiêu dùng.
Chia sẻ niềm vui này trên trang cá nhân, Dũng cho biết: “Công nhận mô hình "Đưa giảng đường đến tòa soạn" của cô hay thật. Không những cho sinh viên có thời gian thực tập thêm một lần nữa mà còn giúp mình có cơ hội việc làm. Như vậy là không còn quá lo lắng khi ra trường nữa”.
Sinh viên Lê Đình Dũng tác nghiệp trong chương trình thực tập tại Báo Pháp luật Việt Nam
Link video đính kèm: http://baophapluat.vn/truyen-hinh-phap-luat/bon-nam-khong-xong-mot-doan-duong-giua-long-thu-do-272673.html (Sản phẩm thực tập của sinh viên Lê Văn Thông, Lê Đình Dũng)
Tòa soạn hay giảng đường?
Trong đào tạo Báo chí hiện nay, ngoài việc cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên thì việc chú trọng thực hành và thực tế luôn là những mắt xích quan trọng giúp sinh viên tự tin hơn trước nhà tuyển dụng. Mô hình “Đưa giảng đường đến tòa soạn” chính là sự đảo ngược của mô hình “Đưa tòa soạn đến giảng đường” mà Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã và đang áp dụng thành công trong nhiều năm qua.
Trong những năm học đầu tiên ở Khoa Báo chí và Truyền thông, khi sinh viên còn chưa có nhiều trải nghiệm, va chạm thực tế đời sống, họ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để từng bước tự tin thử sức. Trong những môn học như: Sản xuất chương trình tin tức truyền hình, Sản xuất chương trình tin tức phát thanh, Kỹ năng viết cho báo in, Kỹ năng viết cho báo trực tuyến, Báo chí chuyên biệt, Thiết kế và trình bày báo chí…, sinh viên được học tại giảng đường và thực hành tại studio đa phương tiện trang bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng của trường. Lúc này, ngoài các giảng viên cơ hữu, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hoặc nhà báo, chuyên gia từ các tòa soạn sẽ đến trực tiếp giảng giải, hướng dẫn và giúp sinh viên thực hành. Lớp học sẽ được tổ chức như một tòa soạn thu nhỏ, trong đó chia thành các ban chuyên môn riêng. Sản phẩm của sinh viên từ chỗ là bài tập mô phỏng những tờ tạp chí, trang báo, số báo, chương trình phát thanh, truyền hình…, trong đó sinh viên tự sản xuất nội dung, quay phim, chụp ảnh, biên tập, dàn trang, in ấn, phát sóng… để chấm điểm và lưu hành nội bộ, dần đạt chất lượng để được tổ chức thành trang báo cho một báo, đài thực sự. Sinh viên nhiều lớp môn học Kỹ năng viết cho báo in vẫn còn nhớ những sáng thứ Năm hàng tuần, cả thầy giáo – nhà báo Trần Ngọc Hà và các học trò háo hức chờ đợi số báo Pháp luật Việt Nam ra lò trong ngày hôm đó để xem các tác phẩm của họ được đăng như thế nào và cùng rút kinh nghiệm. Họ cũng đã sung sướng xem đi xem lại những video clip do họ sản xuất được duyệt đăng trên các báo điện tử, website vốn là những sản phẩm từ các môn học trong khoa.
Nhưng khi sinh viên đã chững chạc hơn và làm chủ được quá trình sản xuất những sản phẩm truyền thông tại lớp học, họ cần được đưa đến các tòa soạn để học việc một cách trực tiếp trong môi trường thực nghiệp. Ngoài học phần Thực tế, Thực tập tốt nghiệp bắt buộc, các hình thức đào tạo thực nghiệp khác rất cần được triển khai. “Đưa giảng đường đến tòa soạn” là mô hình ra đời từ những suy nghĩ, trăn trở ấy của những người làm đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Người đề xuất và triển khai thành công phương pháp “Đưa tòa soạn đến giảng đường” và đảo ngược là “Đưa giảng đường đến tòa soạn” trong đào tạo nhà báo.
Chia sẻ về niềm vui sau khi áp dụng mô hình này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Lần đầu thử nghiệm mô hình “Đưa giảng đường đến tòa soạn”, nếu không có sự nhiệt tình hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan đối tác là báo Pháp luật Việt Nam và sự nỗ lực của chính bản thân các sinh viên thì không thể có được kết quả ấy. Xem các tác phẩm của các em báo cáo khi hết môn, về nội dung và hình thức cho dù còn chút non nớt nhưng chúng tôi cảm nhận được phía sau đó là lửa đam mê, dấn thân với nghề của các em. Các phóng sự dạng text, ảnh, video… đã phủ một vùng đề tài rộng lớn từ các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, đến những thứ rất gần gũi hàng ngày chúng tôi vẫn bắt gặp trong sân trường. Đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp, giúp sinh viên trải nghiệm nghề từ rất sớm với việc thật, người thật là điều không phải không làm được”.
Tòa soạn và giảng đường liên tục đổi chỗ cho nhau một cách linh hoạt là mô hình đào tạo được đơm hoa kết trái từ sự hợp tác chiến lược đầy hiệu quả, chân thành và trách nhiệm của Khoa Báo chí và Truyền thông và báo Pháp luật Việt Nam nhiều năm qua. Lãnh đạo của báo đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy và trực tiếp giao việc cho các nhà báo của mình xắn tay giúp đỡ nhà trường. Một câu lạc bộ chuyên làm phóng sự mang tên Bút Trẻ mà nòng cốt là sinh viên của khoa đặt tại tòa soạn báo đã ra đời từ đây và liên tục đạt nhiều giải thưởng báo chí lớn. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được tiếp tục phát triển, và đồng thời sẽ có thêm nhiều môn học khác cũng áp dụng các phương pháp đào tạo mới này để sinh viên có những trải nghiệm sớm và thật hơn với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn theo học.
Link video về buổi tập trung học đầu tiên tại báo Pháp luật Việt Nam: http://www.phapluatplus.vn/dua-giang-duong-den-toa-soan-bao-phap-luat-viet-nam-d10899.html
Tác giả: Lê Thông - SV K57 Khoa Báo chí và Truyền thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn