Tin tức

Tưởng nhớ thầy Trần Trọng Cao!

Thứ bảy - 25/06/2016 04:36
Thầy Trần Trọng Cao - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Bí thư chi bộ Khoa Triết học; Trưởng phòng Hành chính - Tuyên huấn - Đối ngoại; Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên; Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - đã từ trần vào ngày 21/6/2016 do bệnh nặng, hưởng thọ 69 tuổi. Đông đảo đồng nghiệp, các thế hệ học trò đã có mặt tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn sáng nay, ngày 25/6/2016, để tiễn biệt và đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. USSH xin đăng toàn văn Điếu văn của Trường ĐHKHXH&NV do GS.TS Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đọc tại lễ viếng.
Tưởng nhớ thầy Trần Trọng Cao!
Tưởng nhớ thầy Trần Trọng Cao!

Thầy Trần Trọng Cao (1948-2016)

 

- Kính thưa hương hồn đồng chí Trần Trọng Cao,

- Kính thưa các cụ, các ông, các bà, các bác và các anh, chị,

- Kính thưa các thầy, cô giáo,

- Kính thưa toàn thể tang quyến,

Đồng chí Trần Trọng Cao, người đồng chí, đồng nghiệp, người bạn thân yêu, quý mến của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết và nghị lực, giàu tình nhân ái và bao dung đã vĩnh viễn ngừng đập! Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các chuyên gia y tế và gia đình hết lòng chăm sóc, cứu chữa nhưng Đồng chí đã từ biệt chúng ta vào hồi 19 giờ 43 phút ngày 21 tháng 6 năm 2016 (tức ngày 17 tháng 5 năm Bính Thân).

Hôm nay, trong giờ phút đau thương này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, các khoa, đơn vị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng gia đình, đồng nghiệp, bạn chiến đấu, bà con nơi cư trú, các thế hệ học trò… tụ họp tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc và để tiễn biệt một người thân yêu, người đồng chí, một nhà giáo - cán bộ quản lý đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và sự phát triển của một trường đại học.

- Kính thưa quý vị,

- Thưa toàn thể tang quyến!

Đồng chí Trần Trọng Cao sinh ngày 27/6/1948 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại thôn Hoà Hậu, xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Sinh trưởng trong lão táp của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong những năm tháng nhiều gian nguy và thách thức ấy, dù còn ít tuổi Đồng chí vẫn hăng hái tham gia công tác ở địa phương rồi trở thành Bí thư chi đoàn, Trung đội phó dân quân xã Nhân Hòa. Năm 1965 khi mới 17 tuổi, Đồng chí đã tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, công tác tại Binh trạm 14, tỉnh Quảng Bình. Do có nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, tháng 3 năm 1967, Đồng chí vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên vùng đất thép, tuyến lửa Quảng Bình.

Tháng 8 năm 1967, cũng như bao lớp thanh niên, tuổi trẻ thời bấy giờ, Đồng chí Trần Trọng Cao đã hăng hái gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, công tác tại Đoàn 559, được giao chức vụ Trung đội trưởng Công binh của Binh đoàn Trường Sơn anh hùng. Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, cùng với đồng đội, Đồng chí đã tạo dựng các trận địa, đoàn xe vận tải giả để nghi binh địch, để thu hút về mình những trận mưa bom, bão đạn của quân thù, để cho các tuyến đường Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh được thông suốt. Tháng 4 năm 1969, trong lúc tham gia chiến đấu trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, Đồng chí đã bị bom thù cướp đi một phần cơ thể và được đưa về điều trị tại Bệnh viện 91 rồi Đoàn 231 Quân khu Việt Bắc, được công nhận là Thương binh hạng 2/4.

Tháng 9 năm 1971, Người thương binh trẻ Trần Trọng Cao được cử về học tập tại Trường Văn hóa Thương binh tỉnh Hải Hưng. Trong thời gian này, Đồng chí vừa hăng say học tập vừa tích cực tham gia công tác phong trào, nhận nhiệm vụ Ủy viên Ban chấp hành Liên Chi đoàn và là Phó Bí thư Chi bộ. Với nỗ lực phấn đấu và quyết tâm vượt qua khó khăn, tháng 2 năm 1974, Đồng chí đã thi đỗ vào khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học tháng 11 năm 1977, Đồng chí tiếp tục được chọn đi đào tạo tại Trường Tuyên huấn Trung ương I, sau đó trở về Trường công tác và gắn bó với tập thể khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho đến lúc nghỉ hưu.

- Kính thưa quý vị,

- Thưa toàn thể tang quyến!

Đồng chí Trần Trọng Cao không chỉ là một cán bộ quản lý mà còn là người Thầy của nhiều lớp học trò. Trên các giảng đường đại học, Thầy đã đem tất cả nguồn lực trí tuệ, niềm tin yêu với Đảng, với học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin... để truyền dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên. Nhớ về thầy Trần Trọng Cao, nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp xưa và Trường ĐH KH XH&NV luôn nhớ về một người Thầy đôn hậu, giản dị và hết sức nhiệt thành. Thầy luôn thương yêu và quý mến học trò nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Là một đảng viên, giảng viên, đồng chí Trần Trọng Cao luôn là tấm gương tiêu biểu cho tính tiên phong, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Trong những năm công tác tại Trường, đặc biệt là trong những năm đầu khi Trường ĐH KHXH&NV mới được thành lập, Đồng chí đã cùng với Ban lãnh đạo và tập thể Nhà trường làm việc hết mình, cùng nhau nỗ lực tạo dựng nên những định hướng, nền tảng đầu tiên, rất căn bản cho sự phát triển lâu dài của một trường đại học.

Nhờ năng lực trong công tác, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao với công việc, đồng chí Trần Trọng Cao luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học KHXH&NV tín nhiệm, giao giữ nhiều trọng trách: Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Bí thư chi bộ Khoa Triết học; Trưởng phòng Hành chính - Tuyên huấn - Đối ngoại; Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên; Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Phó Bí thư Đảng ủy Nhà trường. Ở cương vị nào, đồng chí Trần Trọng Cao cũng luôn thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một Nhà giáo, một cán bộ quản lý, một người Cộng sản và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tập thể Trường ĐHKHXH&NV mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quan trọng của Đồng chí với sự nghiệp phát triển của Nhà trường.

Trong suốt quá trình hơn 40 năm công tác, với những thành tích đã đạt được, đồng chí Trần Trọng Cao đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng các danh hiệu và huân danh cao quý: 4 Bằng khen của Đoàn 559, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...

Trong cuộc sống thường ngày, đồng chí Trần Trọng Cao luôn giữ cốt cách, bản lĩnh vững vàng của một chiến sĩ Cộng sản. Đồng chí sống thanh thản, lạc quan, tin yêu, chí nghĩa chí tình với đồng chí, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Bom đạn chiến tranh, những thử thách nghiệt ngã của đời người đã nhiều lần không thể khuất phục được ý chí của người cựu chiến binh ấy. Đồng chí là một tấm gương của sự vươn lên, của khát vọng sống. Dù mất đi một phần cơ thể trong chiến tranh nhưng Đồng chí vẫn lạc quan đến với thể thao, tích cực rèn luyện và từng đạt được nhiều thành tích trong thi đấu: Giải vàng, bạc, đồng môn Điền kinh Quốc gia cho người khuyết tật; tham gia thi đấu ở các giải quốc tế như giải Châu Á - Thái Bình Dương Asian tổ chức tại Bắc Kinh, đã tham gia và hoàn thành cuộc thi chinh phục Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc để rồi tiếp tục được mời tham gia cuộc thi chạy Marathon thường niên nổi tiếng ở Mỹ 3 năm liền: 1995, 1996 và 1997. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh người vận động viên, thương binh, cựu chiến binh giàu bản lĩnh, nghị lực với chiếc chân thương tật và đầu gối rớm máu đã vượt qua hơn 42 km đường chạy để trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên giương cao lá cờ đỏ sao vàng trên đất Mỹ, làm xúc động hàng nghìn trái tim của bạn bè quốc tế.

Đồng chí không những đã chiến đấu, hy sinh tuổi trẻ và máu xương cho nền độc lập, tự do của dân tộc mà còn có những đóng góp cho việc xây dựng hoà bình. Trước khi quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa, bức ảnh người thương binh, cựu chiến binh Trần Trọng Cao khoác vai người cựu binh Mỹ Kelly đi bộ trên vỉa hè đông đúc của thành phố New York đã được báo giới Mỹ và quốc tế đưa lên như một trong những minh chứng về lòng vị tha, nhân văn, chính nghĩa và hoà bình. 

- Kính thưa quý vị,

- Thưa toàn thể tang quyến!

Từ năm 2006, đồng chí Trần Trọng Cao được nghỉ hưu theo chế độ nhưng lúc nào Đồng chí cũng dõi theo những bước phát triển của Nhà trường, của Khoa Triết học và các đơn vị trong Trường mà đồng chí đã có nhiều năm gắn bó. Lúc nào Đồng chí cũng luôn dành nhiều sự quan tâm, chia sẻ những buồn vui cùng với tập thể khoa học. Tình cảm quý mến, chân thành đó thật là sâu nặng!

Đồng chí mất đi nhưng hình ảnh và dấu ấn về cán bộ - nhà giáo giàu nghị lực, luôn đam mê với những hoài bão và lý tưởng, luôn thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao với công việc chung... mãi khắc sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - Một tập thể Anh hùng.

Là một người có tấm lòng nhân hậu, thủy chung, luôn lạc quan, yêu đời và có trách nhiệm cao với gia đình, Đồng chí luôn tâm niệm, dành trọn tình cảm và sự quan tâm về mỗi bước trưởng thành của từng thành viên trong gia đình cũng như của họ mạc. Là người chồng chung thuỷ, người cha mẫu mực, sự ra đi của đồng chí Trần Trọng Cao là một tổn thất lớn cho gia đình và hai bên họ hàng nội, ngoại.

- Kính thưa hương hồn đồng chí Trần Trọng Cao!

Đồng chí đã đến với đời, với gia đình, cháu con, đồng nghiệp, với  Trường ĐH KHXH&NV... bằng trọn vẹn tấm lòng nhân ái, chân tình. Sự chân thành, gắn bó đó sẽ mãi khắc ghi trong tình cảm của đồng chí, đồng nghiệp, các thế hệ học trò, trong sự nghiệp đào tạo của Nhà trường, trong tình cảm nhớ thương sâu sắc của họ hàng, gia đình, bè bạn, đồng chí, đồng đội và bà con khối phố.

Trong giờ phút đau thương này, thay mặt lãnh đạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN, cùng toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên Nhà trường, chúng tôi xin gửi đến toàn thể tang quyến lời chia buồn sâu sắc nhất!

Trước giờ phút sinh ly tử biệt, kính đề nghị các cụ, các bác, các thầy cô giáo, các đồng chí cựu chiến binh và các anh chị dành một phút mặc niệm để vĩnh biệt Nhà giáo Trần Trọng Cao - Người đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội thân thiết, quý mến của chúng ta!

Phút mặc niệm bắt đầu.

Xin trân trọng cám ơn.

 

Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV

http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Chuyen-ve-mot-nguoi-can-bo-trung-thuc-liem-chinh-1-13999.aspx

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây