Ngôn ngữ
Trong một bài viết chúc mừng GS. Hà Minh Đức – Chủ nhiệm khoa Báo chí đầu tiên nhân GS lên tuổi 70 tôi có nhớ lại lần nhà báo Hồ Tiến Nghị - Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam vào thăm có tặng khoa chiếc máy chữ đã cũ. Sự hiện diện chiếc máy cũ giữa các thứ thô sơ, như là một biểu tượng của khoa học công nghệ cho một ngành rất cần đến kỹ năng thực hành tác nghiệp. Như vậy, cũng đủ thấy sự thiếu thốn, khó khăn vô cùng trong việc tổ chức giảng dạy gắn lấy thực tế cuộc sống lúc bấy giờ. Để có được cơ sở vật chất, dù ít, dù đơn giản phục vụ giảng dạy, vẫn là “giấc mơ chapi” luôn ẩn, hiện trong tư duy của những người làm công tác giảng dạy trong khoa Báo chí lúc bấy giờ
Nhưng rồi, “giấc mơ chapi” không còn ngủ yên, ngủ dài nữa. Sự kiên trì vận động các đơn vị truyền hình, sự cần thiết phải đầu tư cho một ngành học có tính đặc thù này của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã giành một phần nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị. Mười chiếc máy ảnh hiệu Zennit do nhà trường đầu tư, ba chiếc máy quay M300 do Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam tặng khoa sau chuyến đi thăm và làm việc tại đài truyền hình của GS, Chủ nhiệm khoa. Có được một ít cơ sở vật chất ban đầu như thế ,mua sắm thêm vài chiếc tivi, nhà trường cấp thêm một phòng làm việc làm phòng thực hành nghiệp vụ báo chí. Đây là bước đi đầu tiên, lộ rõ cho sự phát triển thành lập Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông (CMP) sau này. Chỉ vài năm sau, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khai thác nguồn đầu tư từ Ngân hàng thế giới (World bank), đã đầu tư cho khoa 1,7 tỷ đồng về thiết bị máy móc truyền hình. Tuy nhiên, nhu cầu đào tạo ngành báo chí truyền thông quá lớn và sự phát triển của ngành này quá nhanh, nên 1,7 tỷ thiết bị như muối bỏ biển, sinh viên thực hành cũng chỉ lướt qua bên ngoài mà thôi, không có điều kiện tiếp cân sâu để sáng tạo nên sản phẩm truyền thông, mà chỉ xem qua màn hình, mô tả qua hình ảnh mà thôi.
Một buổi học ghi hình tai trường quay CMP
Năm 2007, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục ưu tiên đầu tư thông qua các Dự án khoa học công nghệ. Trong buổi làm việc với các ban, các trường thành viên trong đó có đại diện trường Đại học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã thống nhất không đầu tư nhỏ lẻ nữa, mà tập trung đầu tư theo Dự án. Nguồn kinh phí được cấp từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Để đón đầu dự án, trường quyết định thành lập Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông, đơn vị trực thuộc trường, hoạt động theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu, có điều lệ riêng với chức năng nhiệm vụ như sau:
- Về chức năng:
a) Tổ chức đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng thực hành cho sinh viên của khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
b) Cung cấp các dịch vụ về truyền thông cho các cá nhân, cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật và của Trường.
c) Giới thiệu và quảng bá thương hiệu của trường và Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Về nhiệm vụ:
Bao gồm đảm nhiệm việc đào tạo kỹ năng, nhiệp vụ, thực hành tác nghiệp cho sinh viên, học viên các hệ theo khung chương trình; Bố trí lịch học, địa điểm, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ học tập, giảng dạy; Xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động của Trung tâm; Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng và nghiệp vụ báo chí truyền thông; Sản xuất các sản phẩm truyền thông theo yêu cầu của đối tác theo quy định hiện hành v.v…
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, Trung tâm đề xuất Nhà trường về viêc xây dựng nhân lực trước mắt và lâu dài. Tổ chức tập huấn và thực hành sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông; Sử dụng trang thiết bị đã được đầu tư có hiệu quả. Hiện nay, Trung tâm có 9 người, trong đó Ban Giám đốc: 3 người; Tổ công tác Website 3 người; Tổ phát thanh truyền hình 3 người; Tổ văn phòng và kỹ thuật 2 người. Ngoài ra, Trung tâm có 10 thầy cô thường xuyên viết bài cho trang Website; Có hàng chục cộng tác viên là sinh viên Khoa Báo chí tham gia các hoạt động truyền thông cho nhà trường và các đơn vị thành viên, Đại học QGHN.
Dự án đầu tư giai đoạn 1 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Về kỹ thuật, đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị đồng bộ về truyền hình và phát thanh, bao gồm: Phòng thực hành Studio với hệ thống thiết bị hiện đại có thể tổ chức thực hiện xây dựng sản phẩm, tổ chức trình chiếu, hội thảo, tọa đàm có sự hỗ trợ về thiết bị. Hệ thống phát thanh bao gồm ghi âm, tiền kỳ, hậu kỳ trực tiếp trên máy. Hệ thống thiết bị đồng bộ này cho phép sản xuất khép kín từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng hoàn thiện, xuất bản trên trang Website của nhà Trường, và các cơ quan báo chí co nhu cầu.
- Về hiệu quả:
Hàng năm trung tâm đã tham gia đào tạo và phục vụ đào tạo cho trên 200 sinh viên, học viên các hệ thuộc ngành báo chí, với gần 1000 giờ dạy thực hành về truyền hình, phát thanh, báo in, báo trực tuyến.
Hàng năm, Trung tâm đã tổ chức xuất bản trên 1500 tin bài, thông báo, thông tin luận văn trên trang Website của Nhà trường, về các sự kiện hoạt động hàng ngày và trao đổi chuyên môn, học thuật liên quan đến lĩnh vực khoa học nhân văn.
Trung tâm nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông đã trở thành một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện công tác truyền thông quảng bá hình ảnh của Trường và Đại học QGHN. Nhiều chương trình truyền thông trọng điểm như tổ chức truyền thông sự kiện đón nguyên thủ lãnh đạo trong và ngoài nước, các sự kiện chính trị - đoàn thể của Trường như: Sự kiện đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Đón Thủ tướng Cộng hòa Đông Timo; Sự kiện đón Toàn Toàn quyền Canada; Sự kiện đón Chủ tịch Quốc hội (nay là Tổng Bí thư Đảng CSVN) Nguyễn Phú Trọng; Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và dự khai giảng năm học mới Đại học QGHN. Đón và đưa tin hàng trăm khách quốc tế đến thăm và tham dự các cuộc hội thảo quốc tế do nhà Trường tổ chức và hợp tác tổ chức.
Trung tâm đã tổ chức thực hiện các sản phẩm phim truyền thống, Serial chân dung các nhà khoa học phát sóng trên chương trình “Hà Nội của chúng ta” và các phóng sự “Tổ chức thi tuyển theo năng lực của ĐHQG”. Hệ thống bài giảng, bài tập thực hành truyền hình bằng Video clip. Hỗ trợ truyền thông cho các đơn vị trong trường. Xuất bản phóng sự 10 sự kiện tiêu biểu thường niên.
Điểm đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm truyền thông là do các sinh viên là CTV của CMP thực hiện dưới sự chỉ dẫn tư vấn của giáo viên. Đã có hàng chục sản phẩm là video clip được bảo vệ và đánh giá cao trước hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp. Đặc biệt có 2 em Hà Thái k53 và Hà Lệ Diễm k54 được hội Điện ảnh trao giải Cánh Diều bạc trong một cuộc thi toàn quốc do hội Điện ảnh tổ chức – Hai em đều là CTV của CMP.
Trung tâm đã tổ chức viết gần 100 chân dung các nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu sẽ xuất bản trên trang Website nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm ngày thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Kết hợp với các cơ quan đối tác như tập đoàn Doji; Phòng Thương mại và Công nghiệp VN… trong việc tổ chức, tham vấn truyền thông sự kiện.
Những kết quả đạt được chứng tỏ tính hiệu quả của đầu tư dự án là đúng và trúng. Trên cơ sở giai đoạn 1 đã hoàn thành, Đại học QGHN tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 bổ sung thêm thiết bị xây dựng trường quay ảo và hệ thống sever để lưu trữ, phân phối thông tin dữ liệu cho các đơn vị có nhu cầu.
Trong những năm tới quan điểm nhận thức về sự phát triển của trung tâm tập trung một số quan điểm như sau:
- Xây dựng mô hình đạo tạo báo chí – truyền thông “thực học – thực nghiệp”, khai thác tối đa nguồn nhân lực, tạo cơ chế và phát huy tính tiên phong đổi mới. Môi trường Trung tâm CMP đề cao việc trang bị kiến thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng năng lực làm việc, nghiên cứu độc lập, sáng tạo cho sinh viên. Là cầu nối hợp tác, gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để phát triển theo hướng doanh nghiệp hoạt động trong môi trường đại học nghiên cứu.
- Định hướng vai trò công tác truyền thông mà Trung tâm đảm nhiệm là kết hợp giữa truyền thông nội bộ và hướng ra bên ngoài để xã hội nhận đúng và hiểu đúng về thương hiệu, vị thế và những đóng góp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Xác định 7 nhóm đối tượng truyền thông chính của Trường, cũng là đối tượng của công tác truyền thông và quan hệ công chúng: (Chính phủ và các cơ quan chức, sinh viên, giảng viên, chuyên viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp – cộng đồng). Bên cạnh đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có lợi thế là một trong những cơ sở đào tạo báo chí truyền thông lớn nhất nước, và hiện đã được trang bị bước đầu hệ thống thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất sản phẩm truyền thông nhưng cũng cần có những cách làm truyền thông sáng tạo của riêng mình nếu vận dụng tốt cơ sở vật chất và tiềm lực con người hiện có để xây dựng kênh truyền thông riêng của USSH để quảng bá hình ảnh, sẽ tạo hiệu quả cao và chi phí ít tốn kém hơn so với việc “nhờ cậy” các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Tạo ra sự khác biệt cốt lõi của sản phẩm truyền thông kế thừa từ nền tảng truyền thống. Yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu của Trường xét cho cùng là chất lượng đào tạo, sản phẩm giáo dục, nghiên cứu. Đây là tiền đề cơ bản để tạo ra sự khác biệt, vị thế, uy tín cho các sản phẩm truyền thông. Chiến lược truyền thông, sản phẩm truyền thông, định hướng truyền thông phải thể hiện rõ vai trò mục tiêu phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy sự phát triển xã hội vì những mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.
Phía trước là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với những người làm công tác đào tạo báo chí truyền thông nói chung và của CMP nói riêng./.
Tác giả: ThS. Phạm Đình Lân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn