Tin tức

Hội Cựu giáo chức tham quan các địa danh văn hoá, lịch sử tại Hải Phòng

Thứ tư - 13/12/2017 23:45
Chào mừng thành công Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2017 - 2022), ngày 10/12/2017, Hội cựu giáo chức Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức cho hơn 100 hội viên đi tham quan một số địa danh văn hóa, lịch sử tại Hải Phòng.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Cầu Tân Vũ (Lạch Huyện, Hải Phòng) - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á được khánh thành vào đầu tháng 9/2017. Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, TP Hải Phòng là một trong hai hợp phần chính của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện, là cảng cửa ngõ quốc tế và tương lai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc nước ta. Dự án có tổng chiều dài 15,63 km với điểm đầu tại nút giao Tân Vũ giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; điểm cuối tiếp giáp với cổng cảng Lạch Huyện, trong đó riêng phần cầu vượt biển dài 5,443 km thi công bằng công nghệ SBS và đúc hẫng cân bằng. Cầu vượt biển, cầu Đình Vũ - Cát Hải có tổng chiều dài 5,44 km, thời gian thi công 36 tháng.

Tham quan khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc

Sau khi tham quan cầu Tân Vũ, đoàn đã di chuyển sang Kiến Thụy và tham quan khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc - nơi lưu giữ thanh bảo đao 500 năm tuổi. Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn của thành phố Hải Phòng được đưa vào danh mục các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 và hoàn thành vào tháng 12/2010 trên diện tích đất rộng 10,5 ha với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại gồm 30 hạng mục công trình như: nhà truyền thống, nghi môn, thiên long tỉnh, bái đường, chính điện, thái miếu…

Dời khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, buổi chiều, đoàn tiếp tục tới tham quan đền thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), người làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, là một nhà văn hóa, giáo dục, triết học, nhà thơ lớn của dân tộc, sinh sống vào thế kỷ 16. Ông thi đỗ trạng nguyên năm 1535 và làm quan tới chức Tả thị lang. Bản thân ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Quần thể khu di tích đền Trạng Trình bao gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài.

Tham quan đền thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hành trình với nhiều điểm đến thú vị diễn ra trong một ngày đã để lại nhiều cảm xúc trong mỗi hội viên. Các cựu giáo chức vừa có cơ hội để tìm hiểu thêm các địa danh văn hóa lịch sử của đất nước, đồng thời có dịp hàn huyên, gặp gỡ đồng nghiệp sau những vất vả bộn bề của cuộc sống. Có lẽ chính vì điều đó mà Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn Trường luôn ủng hộ để hoạt động tham quan thực tế của hội viên Hội cựu giáo chức Trường được tổ chức thường niên.       

Tác giả: Vũ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây