Tin tức

Tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà khoa học

Thứ năm - 07/12/2017 17:24
Ngày 6/12/2017, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chủ trì buổi gặp gỡ và trao đổi thông tin về các cơ hội học bổng, tài trợ nghiên cứu của các quỹ quốc tế dành cho học giả Việt Nam. Buổi gặp mặt này cũng ghi nhận những ý kiến đề xuất bước đầu về việc kết nối và xây dựng mạng lưới các nhà khoa học ở nhiều chuyên ngành để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau thực hiện các dự án nghiên cứu có tài trợ nước ngoài hoặc các công bố quốc tế.

Phát biểu đề dẫn buổi trao đổi, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng bối cảnh hiện nay đang đặt ra những thách thức đối với những người làm nghiên cứu. Gần đây nhất, Thông tư 08 (ngày 4/4/2017) của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ và Quyết định số 4555/QĐ-ĐHQGHN (24/11/2017) về Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN đã “siết” chặt hơn chuẩn đầu vào và đầu ra đối với các chương trình đào tạo tiến sĩ (TS) và đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với luận án TS và người hướng dẫn NCS. Theo đó, các quy chế mới đưa ra những tiêu chí nghiêm ngặt và cụ thể về năng lực công bố quốc tế của NCS và người hướng dẫn. Trong xu thế hội nhập quốc tế về khoa học, các nhà khoa học trong nước sẽ phải tăng cường tìm kiếm các học bổng hoặc nguồn tài trợ nghiên cứu từ các quỹ quốc tế để có cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng tiếp cận thông tin về các quỹ học bổng trên hay đáp ứng được yêu cầu đặt ra của họ.

Là đại diện khoa học của Quỹ Alexander von Humboldt (CHLB Đức) từ năm 2012 và quỹ Gerda Henkel (CHLB Đức) từ năm 2017, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ nhiều thông tin về các chương trình tài trợ nghiên cứu của hai quỹ này đối với học giả Việt Nam và thế giới. Hiện nay, CHLB Đức vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu của châu Âu quan tâm và đầu tư lớn cho khoa học và giáo dục. Quỹ Alexander von Humboldt có đa dạng các chương trình học bổng tài trợ dạng ngắn hạn, dài hạn dành cho nhiều loại đối tượng như nghiên cứu sau tiến sĩ, các học giả tên tuổi hay giáo sư thỉnh giảng… Với tôn chỉ đầu tư vào con người và với tầm nhìn dài hạn nên Quỹ không những có mức hỗ trợ vật chất khá tốt cho nhà nghiên cứu mà còn có những cơ chế thông thoáng để khuyến khích họ hoàn thành các nghiên cứu. Những đề tài có kết quả xuất sắc còn được Quỹ trao giải thưởng. Năm 2016, ngân sách đầu tư của Quỹ tài trợ các đề tài vào khoảng 116 triệu Euro. Từ khi được thành lập (1953) đến nay, trải qua hơn 50 năm, Quỹ Humboldt có 58.000 lượt người được tài trợ và phân bổ ở 140 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm, Quỹ cấp khoảng 700 học bổng khác nhau. Quỹ có hội đồng xét duyệt hồ sơ độc lập và không phân bổ các chỉ tiêu theo từng quốc gia mà chỉ căn cứ theo chất lượng hồ sơ đề xuất. Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm khoảng 25% nguồn tài trợ của Quỹ. Theo thời gian, số các nhà nghiên cứu đến từ châu Á được nhận tài trợ ngày càng nhiều.

Để tăng cơ hội thành công trong tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các quỹ quốc tế, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng rất cần liên kết các nhà khoa học để tạo thành các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là ở những đề tài có tính liên ngành cao. Hợp tác cùng nhau trong những dự án chung giúp các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao hơn chất lượng công trình và đẩy nhanh tốc độ thực hiện đề tài. Những nghiên cứu chung như vậy cũng dễ gây ấn tượng hơn với hội đồng xét duyệt của các quỹ.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh (Giảng viên Học viện Ngoại giao) cho rằng không thể chần chừ được nữa, các nhà khoa học trong nước cần thành lập mạng lưới thông tin với các kết nối, chia sẻ mạnh mẽ. Người đi trước, đã có kinh nghiệm thì chia sẻ và giúp đỡ những người đi sau. Bối cảnh hiện nay không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ được tham gia vào môi trường học thuật quốc tế.

Cũng tại buổi gặp gỡ này, các giảng viên và nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu cũng trao đổi với nhau những kinh nghiệm cụ thể về: kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin tài trợ, cách tạo ấn tượng với hội đồng xét tuyển, cách thực hiện các nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, cách tìm kiếm các nguồn tài trợ phối hợp trong và ngoài nước…

Xem giới thiệu chi tiết về Quỹ Alexander von Humboldt (CHLB Đức)

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây