Tin tức

Hội thảo khoa học quốc tế "Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản"

Thứ năm - 21/12/2017 22:34
Vừa qua, nhân dịp 150 năm ngày sinh của nhà yêu nước Phan Bội Châu (26/12/1867 - 29/10/1940) và bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro (1/3/1867-25/9/1910), Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Trường Đại học Việt - Nhật...) đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An,... tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakitaro và Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”. Hội thảo đã thu được nhiều thành công với kết quả chuyên môn tốt đẹp. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Phát biểu tổng kết Hội thảo của GS.TS Nguyễn Văn Kim.

1. Sau một thời gian chuẩn bị và sau một ngày làm việc tích cực, Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” do Đại học Quốc gia Hà Nội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cùng với Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Trường Đại học Việt - Nhật (thuộc ĐHQG HN), Đại học Waseda (Nhật Bản), Hội Asaba Nhật Bản… phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp. Hội thảo vinh dự được chào đón và nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của các đồng chí, các nhà khoa học: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Ban CHTƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban CHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban CHTƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; TS. Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An và nhiều đồng chí lãnh đạo các Ban, Ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, đại diện của các tỉnh, lãnh đạo các Trường đại học, Trường chính trị; các Viện, Trung tâm nghiên cứu, cơ quan thông tấn, báo chí - truyền thông... cũng đã dành nhiều sự quan tâm, đến tham dự, trao đổi ý kiến chuyên môn tại các tiểu ban của Hội thảo.

Hội thảo hân hạnh được chào đón Ngài Kunio Umeda, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Hiroyuki Miyazawa, Nghị sĩ Hạ viện Nhật Bản; ông Kawai Jun, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế - Quỹ Japan Foundation Nhật Bản; ông Amma Yukiho, Hội trưởng Hội Asaba và ông Yamagi Yoji, Chánh văn phòng Hội Hữu nghị Nhật - Việt cùng đông đảo các nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản. Sự hiện diện, đóng góp công sức, trí tuệ của các vị lãnh đạo, các vị khách quý, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế là nhân tố hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc Hội thảo khoa học.

Chí sỹ Phan Bội Châu và Bác sĩ Asaba Sakitaro

2. Hội thảo khoa học Quốc tế về “Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu - Bác sỹ Asaba Sakitaro và Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” được tổ chức tại tỉnh Nghệ An, quê hương, vùng đất sinh thành của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo, các vị Anh hùng, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hội thảo là sự kế thừa và phát triển tiếp nối các thành tựu nghiên cứu trong nhiều năm qua của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế về nhà yêu nước Phan Bội Châu, bác sĩ Asaba Sakitaro, phong trào Đông Du và lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Với những mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã được xác định, tại Phiên toàn thể, cùng với các phát biểu chào mừng, Hội thảo đã nghe tham luận của một số nhà khoa học. Sau phiên họp chung, hoạt động chuyên môn đã diễn ra sôi nổi ở 4 tiểu ban: 1. Chí sĩ Phan Bội Châu và quê hương, đất nước; 2. Chí sĩ Phan Bội Châu và Phong trào Đông Du; 3. Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; 4. Chí sĩ Phan Bội Châu và những tư tưởng cứu nước. Tại các tiểu ban, đã có 31 trên tổng số 47 tham luận tham gia Hội thảo được trình bày và cũng đã có tới 27 lượt ý kiến trao đổi tại các phiên họp. Trên thực tế, chủ đề trung tâm của Hội thảo cũng như những chủ đề cụ thể của mỗi tiểu ban đã nhận được sự quan tâm, thảo luận nhiệt thành của các nhà khoa học và những người tham dự. Từ cách tiếp cận của các ngành khoa học: Sử học, Chính trị học, Quan hệ quốc tế, Văn học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Địa phương học… những nội dung chuyên môn của cuộc Hội thảo đã được nhìn nhận, phân tích theo nhiều góc độ, chiều kích khác nhau. Một tư duy khoa học chuyên ngành kết hợp với nghiên cứu liên ngành đã quán xuyến toàn bộ các nội dung và diễn tiến của cuộc Hội thảo. Nhờ đó, Hội thảo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; nhiều phát hiện khoa học, nhận thức, đánh giá mới đã được trình bày, nêu ra tại Phiên toàn thể cũng như ở các tiểu ban.         

Toàn cảnh hội thảo

3. Trên phương diện chuyên môn, tại Hội thảo một số báo cáo đã tập trung phân tích và làm rõ bối cảnh lịch sử, tình hình chính trị thế giới, châu Á và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó là một thời kỳ diễn ra nhiều biến động lớn của đời sống chính trị khu vực và thế giới. Chủ nghĩa tư bản sau một thời gian phát triển, củng cố thế lực, đã thâm nhập mạnh mẽ đến các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh... Từ nửa sau thế kỷ XIX, các nước đế quốc ngày càng bộc lộ rõ tham vọng thôn tính các dân tộc thuộc địa, tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược, giành đoạt đất đai, tranh giành khu vực ảnh hưởng và thị trường. Trong cuộc đối diện và đối chọi với các thế lực phương Tây, trước sức mạnh của vũ khí hiện đại và khối lượng hàng hóa khổng lồ của các nền kinh tế công nghiệp Âu - Mỹ, nền độc lập, sự tồn vong của các dân tộc phương Đông được đặt ra như một nan đề và là thách thức chính trị nghiêm trọng nhất.

Ở châu Á, do lún sâu vào cuộc khoảng về kinh tế và thể chế, triều đình phong kiến Mãn Thanh phải gánh chịu những thất bại nặng nề trong các cuộc “Chiến tranh thuốc phiện” và buộc phải mở cửa, nhân nhượng với phương Tây. Trong khi đó, ở vùng quốc đảo, Nhật Bản dù bị phương Tây đe dọa, phải ký kết nhiều “Hiệp ước bất bình đẳng”, nhưng vẫn quyết tâm tiến hành cuộc cải cách Minh Trị và giành được nhiều thành tựu quan trọng. Chiến thắng của Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Nhật - Nga năm 1904-1905 cũng như những Tân thư, Tân văn của các nhà tư tưởng: Rútxô (Rousseau), Môngtexkiơ (Montesquieu), Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Trung Sơn, Fukuzawa Yukichi... đã như một luồng gió mới tràn đến các quốc gia châu Á, thức tỉnh các xã hội khu vực. Nhiều trí thức, nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam đã hướng về Nhật Bản với niềm tin học tập theo con đường của Nhật Bản và hy vọng có thể dựa vào Nhật Bản để đánh đuổi các thế lực thực dân, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong số các chí sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã nổi lên như một nhân vật trung tâm của phong trào yêu nước và thực tế Phan Bội Châu đã trở thành “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng[1]. Phan Bội Châu là nhà yêu nước vĩ đại, nhà văn hóa và tư tưởng lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam, trong hành trình văn hóa dân tộc và trong tiến trình đấu tranh vì sự phục hưng dân tộc.

4. Tại Hội thảo, đặc biệt là các tham luận trình bày ở Tiểu ban 2 và Tiểu ban 4, nhiều báo cáo đã đi sâu phân tích những nhân tố dẫn đến sự hình thành tinh thần yêu nước, quá trình phát triển và những diễn tiến căn bản trong tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu. Do chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng mới, với sự nhạy cảm về chính trị và những trải nghiệm cách mạng, Phan Bội Châu đã sớm nhận thấy những hạn chế của tư duy, ý thức hệ phong kiến và Ông hiểu rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đã và đang theo đuổi chính sách bành trướng trên phạm vi toàn thế giới thì cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta không thể chỉ được tổ chức hạn hẹp trong một khu căn cứ hay bất cứ một địa phương nào. Muốn cuộc kháng chiến đi đến thành công thì điều cần thiết là phải được tổ chức trên quy mô cả nước. Hơn thế, muốn cho sự nghiệp cách mạng thắng lợi thì cần phải có tổ chức, chính đảng, cương lĩnh, phương pháp cách mạng; phải có binh lực mạnh, vũ khí hiện đại, tình đoàn kết với nhiều lực lượng xã hội và cả sự ủng hộ của các nhà yêu nước, cách mạng khu vực châu Á và thế giới. Một tư duy chính trị rộng lớn, mở rộng tầm nhìn dân tộc ra bên ngoài đã thôi thúc suy nghĩ và hành động cách mạng của Phan Bội Châu. Trên thực tế, không chỉ tranh thủ sự ủng hộ từ Nhật Bản, Trung Quốc… trong quá trình vận động cách mạng Chủ nghĩa Liên Á đã hình thành trong tư duy và hành động yêu nước của Phan Bội Châu.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu và các đồng chí của Ông đã phân tích, suy tính, lựa chọn giữa các địa bàn, thế lực chính trị (Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm, Đức...) và cuối cùng đã quyết tâm sang Nhật Bản “cầu viện”. Phong trào Đông Du nổi tiếng đã hình thành từ đó và hoạt động sôi nổi trong suốt 4 năm (1905-1909). Trong khoảng thời gian đó, các nhà yêu nước Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lực lượng xã hội Nhật Bản và thu được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Khởi dựng tinh thần cách mạng; xây dựng, củng cố các tổ chức yêu nước và tập trung đào tạo đội ngũ trí thức trẻ cho đất nước. Tuy nhiên đến đầu năm 1906, do thỏa thuận Nhật - Pháp, Phan Bội Châu và các cộng sự đã phải rời Nhật Bản sang Xiêm rồi lại trở về Trung Quốc hoạt động. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Phan Sào Nam đã phát động, sáng lập và trở thành nhân vật trọng yếu của nhiều tổ chức yêu nước như: Hội Duy Tân, Hội Đông Á đồng minh, Hội Điền - Quế - Việt liên minh, Hội Việt Nam Quang phục

Thông qua các tổ chức đó, Phan Bội Châu không chỉ đã thiết lập được tình đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhiều nhà yêu nước, cách mạng châu Á mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của họ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Từ việc sáng lập, tham gia vào các tổ chức cách mạng và trong quá trình đấu tranh cách mạng, trải nghiệm qua những thành công và cả sự thất bại; tư tưởng, phương châm cứu nước của Phan Bội Châu ngày càng hoàn thiện, thể hiện rõ sự chuyển hóa từ chủ trương “cầu viện” sang “cầu học”; từ “bạo động” sang “duy tân”; từ Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa dân tộc sang Chủ nghĩa khu vực và vươn tới Chủ nghĩa quốc tế. Trên phương diện chính trị, khảo cứu các học thuyết chính trị - xã hội của các nhà tư tưởng châu Á và phương Tây như: “Thuyết Darwin xã hội”, “Thuyết thoát Á” của Fukuzawa Yukichi, thuyết “Bảo tồn Trung Hoa” của Okuma Shigenobu v.v... Phan Bội Châu đã trăn trở, nỗ lực đấu tranh cho sự kiến lập các mô hình nhà nước mới. Từ chủ trương xây dựng nhà nước Quân chủ lập hiến (mô hình Nhật Bản), đến ủng hộ Chế độ dân chủ cộng hòa (mô hình Dân chủ tư sản của Tôn Trung Sơn), cuối cùng Phan Bội Châu đã biểu thị thái độ hướng đến mô hình Nhà nước vô sản - Xã hội chủ nghĩa, bày tỏ sự ngưỡng mộ với Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười.

Tuy nhiên, do những hạn chế của thời đại, nhà yêu nước Phan Bội Châu chưa thể tiếp cận toàn diện, nghiên cứu cơ sở luận lý và đạt đến những nhận thức thực sự sâu sắc về mô hình nhà nước vô sản cũng như vai trò, chức năng, sứ mệnh của nhà nước này. Quá trình đó, đã được các nhà yêu nước, cách mạng thế hệ sau mà tiêu biểu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát triển lên một trình độ mới, ở tầm nhận thức và tinh thần sáng tạo mới phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đặt cách mạng Việt Nam gắn với phong trào cách mạng thế giới, hòa cùng dòng chảy của thời đại, đi theo con đường cách mạng vô sản, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề căn cốt nhất của một xứ nông nghiệp thuộc địa phương Đông, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập nên Đảng cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, giải phóng đất nước, hoàn thành sự nghiệp thống nhất dân tộc. 

Có thể khẳng định rằng, bằng những hoạt động yêu nước phong phú và lòng nhiệt huyết cách mạng, với tinh thần không ngừng tự học, tự vươn lên, đổi mới chính mình, về cơ bản Phan Bội Châu đã luôn bắt nhịp với những chuyển biến mau chóng của các trào lưu cách mạng châu Á và thế giới. Phan Bội Châu đã giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà yêu nước cùng thời đại và các nhà cách mạng thế hệ sau. Con người Ông, dũng khí của Ông, lòng nhiệt thành cách mạng của Ông, tình yêu quê hương đất nước của Ông mãi mãi khắc ghi trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam và trong những trang sử hào hùng của lịch sử dân tộc.

5. Không chỉ là một Nhà yêu nước nhiệt thành, Phan Bội Châu còn là một Nhà văn hóa lớn của đất nước. Với Ông, văn hóa là chính trị, là sự vận động cứu nước, là phương thức để tập hợp lực lượng và là vũ khí để đánh địch. Trong những tháng năm hoạt động cách mạng ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm... cũng như trong 15 năm cuối đời an trí và bị giám sát ở kinh thành Huế, Phan Bội Châu đã viết hàng trăm bài thơ, biên soạn hàng chục tác phẩm về các lĩnh vực từ: Sử học, Triết học, Chính trị học, Tôn giáo học đến Văn học, Nghệ thuật… Những trước tác của Ông được tích hợp trong tập đại thành “Phan Bội Châu toàn tập” (mà một số tác phẩm mới, hay cách tiếp cận, phân tích mới vẫn tiếp tục được giới thiệu tại Hội thảo này), đã thể hiện rõ trình độ học thuật uyên bác, tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm dân tộc và khát vọng cháy bỏng luôn sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho nhân dân, đất nước. Đó là dũng khí, bản lĩnh, trí tuệ của một nhà yêu nước, của một thế hệ cách mạng nhưng cũng là nhân cách điển hình của một người con xứ Nghệ, mà rộng ra là của không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nổi tiếng về chiều sâu văn hóa, truyền thống học thuật, lòng nhân nghĩa và tinh thần trung dũng, kiên cường.

Có thể nói, trong trọn vẹn cuộc đời mình, Phan Bội Châu đã dành hết tâm sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Văn thơ của ông, những lời kêu gọi cứu nước của Ông chính là sự thể hiện rõ nhất, tiêu biểu và điển hình nhất trình độ học thuật, thái độ, tư duy chính trị, phương thức đấu tranh, ý chí sắt đá và bầu nhiệt huyết cách mạng. Trong các hoạt động cách mạng và qua các áng thơ văn, Phan Bội Châu luôn dành trọn suy nghĩ, tình cảm cho quê hương, đất nước, thấu hiểu nỗi đau tận cùng của một dân tộc mất nước! Trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử, Ông từng viết: “Không có gì đau bằng người mất nước, không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước”!

Từ khi rời quê hương sang Nhật Bản vào đầu năm 1905 đến khi qua đời ngày 29 tháng 10 năm 1940 ở kinh thành Huế ở tuổi 73, sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu là một hành trình phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi. Ông sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, không sợ gian khó, hiểm nguy để mong đạt được mục tiêu tối thượng là đem lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Trên hành trình đấu tranh vì nền độc lập, trước những thách thức chính trị, những tác động của phong trào cách mạng thế giới,… nhờ có trí tuệ và bản lĩnh, quá trình tự học, tự chiêm nghiệm cùng những giao lưu, trao đổi với các nhà cách mạng và nhiều bậc thức giả Á châu mà Phan Bội Châu đã có thể thường xuyên tiếp cận và tiếp nhận những ánh sáng tư tưởng mới trên con đường đấu tranh cách mạng, kiếm tìm những mô hình nhà nước mới mà Ông cho rằng cần thiết với Việt Nam. Phan Bội Châu cũng ngày càng có những nghĩ suy, nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về các lực lượng căn bản của cách mạng. Giai cấp công nhân, nông dân và đông đảo những người lao động luôn sẵn sàng tham gia tích cực vào các trào sóng yêu nước, có thể lật đổ ách thống trị của thực dân phương Tây cùng thể chế phong kiến.

Mặc dù sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu không đạt được như ước nguyện, nhưng con đường mà Chí sĩ từng đi, di sản mà Nhà yêu nước để lại, tình cảm dân tộc cháy bỏng mà Phan Sào Nam đã khắc ghi… đã nâng bước, tiếp thêm động lực và làm giàu thêm sinh lực cho thế hệ cách mạng đời sau hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.      

6. Tại cuộc Hội thảo, nhiều báo cáo khoa học ở Tiểu ban 3 đã tập trung trình bày và phân tích mối quan hệ, tình cảm gắn bó đặc biệt giữa Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro. Thấu hiểu, khâm phục ý chí và tinh thần yêu nước, cách mạng của Phan Bội Châu và các thanh niên Việt Nam tham gia phong trào Đông Du, trong những ngày tháng hết sức khó khăn của Duy Tân hội, bác sĩ Asaba đã dành một khoản kinh phí lớn để ủng hộ phong trào. Nghĩa cử hào hiệp của bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro mãi là biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Thật xúc động khi chúng ta đọc lại những dòng thư ngắn của Phan Bội Châu gửi cho bác sĩ Asaba và bức thư trả lời hết sức chân thành cùng quyết định mau chóng của Bác sĩ ủng hộ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du. Đó là sự cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn. Tấm văn bia do Phan Bội Châu, với sự trợ giúp của dân làng Iwata tỉnh Shizuoka góp công tạo dựng năm 1918 là thông điệp vô giá truyền gửi đến các thế hệ sau về tình cảm gắn bó, sâu nặng, trong sáng, thủy chung giữa hai nhà yêu nước, hai nhân cách lớn trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản.

Trong diễn tiến Hội thảo, một số nhà khoa học cũng đã nêu quan niệm cần nhìn nhận, đánh giá phong trào Đông Du trong dòng chảy lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Từ những tiếp xúc đầu tiên của các vị sư tăng vương quốc Lâm Ấp (một vương quốc cổ thuộc miền Trung Việt Nam hiện nay) từng được mời sang Nhật Bản trình tấu bản nhã nhạc nhân dịp khánh thành chùa Todai Ji (Đông Đại tự) năm 752, sự hiện diện của nhân vật Abe no Nakamaro (697-770) ở Giao Châu năm 753, đến quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản phát triển sôi động thời kỳ Châu Ấn thuyền (1592-1635), phong trào Đông Du (1905-1909), rồi dòng lưu học sinh Việt Nam sang Nhật thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) và làn sóng lưu học Nhật Bản bắt đầu từ khoảng năm 1990 đến nay… Các báo cáo cũng đã nêu rõ mục tiêu, nội dung và tính chất của từng trào lưu giáo dục, văn hóa đó. Bên cạnh đó, một số tham luận cũng nhìn nhận những di sản của phong trào Đông Du, của lịch sử bang giao Việt Nam - Nhật Bản như những cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc củng cố, kiến tạo những bước phát triển mới của mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, tin cậy, toàn diện Việt Nam - Nhật Bản hiện nay vì nền hòa bình, sự phồn vinh của hai nước cũng như của chung khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo nhiều nhà khoa học cũng tập trung phân tích tinh thần yêu nước, tình cảm cao đẹp và mối quan hệ giữa Phan Bội Châu với Phan Chu Trinh và giữa hai nhà yêu nước với Nguyễn Ái Quốc cùng nhiều chí sĩ cách mạng khác. Đó không chỉ là mối quan hệ quý mến, tin cậy, chân tình mà còn là sự tiếp bước và thẳm sâu trong đó là sự truyền lửa, sự chuyển giao sứ mệnh lịch sử giữa các thế hệ cách mạng. Tinh thần cách mạng, tấm gương hy sinh của các nhà yêu nước; tư tưởng, ý chí sẵn sàng xả thân vì nước và tình cảm cao đẹp, mối quan hệ mật thiết giữa các nhà cách mạng tiền bối là ngọn đuốc soi đường, là sự kết tinh giá trị, ý nghĩa linh thiêng của truyền thống yêu nước, là nguồn động viên, động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay thêm tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, thêm tình yêu với quê hương đất nước, tôi rèn bản lĩnh và thêm quyết tâm vươn lên chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; lao động sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và dựng xây Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.    

7. Tại Hội thảo, ở Tiểu ban 1 đã có nhiều bài viết về tình cảm, sự gắn bó của Phan Văn San (Phan Bội Châu) với quê hương, đất nước. Với quê hương Nghệ An và Tổ quốc Việt Nam, Phan Bội Châu luôn dành những tình cảm sâu nặng, trong sáng, thiêng liêng nhất. Vùng đất Nam Đàn, Nghệ An, dòng sông Lam quê hương đã nuôi dưỡng thể chất, tâm hồn và bồi đắp tình cảm yêu nước, tinh thần cách mạng của một  người con giàu lý tưởng và hoài bão. Thật khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ tình thương yêu, quý mến mà Phan Bội Châu đã dành cho quê hương và cho đất nước Việt Nam, cho những người đồng chí, đồng bào, cho những người Ông từng gặp, cộng tác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, ở Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Vĩnh Long và nhiều miền quê khác. Đó là tình cảm lớn của một nhân cách lớn. Tình cảm đó luôn được nhân lên trong những năm tháng xa quê, trong những cuộc vận động cứu nước muôn vàn gian khổ. Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Sào Nam, đọc những trước tác của Ông, bao giờ, ở đâu chúng ta luôn thấy trào dâng một tình cảm lớn lao vì dân, vì nước.

Trong tâm thức và nghĩa tình sâu sắc, quê hương, đất nước cũng luôn dành cho Nhà chí sĩ yêu nước những tình cảm sâu lắng, vẹn toàn. Từ khi Phan Bội Châu chuẩn bị cho những hoạt động đầu tiên của hành trình cứu nước, Ông đã luôn nhận được sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ quý báu của quê hương, gia đình, của bạn bè, đồng chí. Trong những năm tiến hành phong trào Đông Du, đưa thanh niên sang Nhật Bản lưu học, hay khi hoạt động ở Xiêm, ở Trung Quốc rồi bị bắt ở Thượng Hải phải đối diện với án tử hình… Phan Bội Châu luôn nhận được sự bảo vệ, ủng hộ nhiệt thành, tình cảm đặc biệt của quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh, của đồng bào miền Trung và của cả nước. Sự kính trọng, tình cảm mến thương của nhân dân cả nước dành cho Phan Bội Châu khi bị kết án khổ sai chung thân hay khi về sống ở kinh đô Huế, rồi chuyến về thăm quê mùa Xuân năm Quý Sửu (1926) và cả sau khi Ông qua đời… là sự ghi nhận, đánh giá công tâm của nhân dân, lịch sử về những đóng góp to lớn của một Nhà cách mạng, một Danh nhân văn hóa với dân tộc. 

8. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Phan Bội Châu - Bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro và chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Hội thảo khoa học Quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức là một sự kiện giàu ý nghĩa đồng thời là hoạt động trọng tâm trong chuỗi sự kiện: Lễ yết cáo - Hội thảo khoa học - Lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt dành cho Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu. Kết quả đạt được của Hội thảo là bước tiến mới với nhiều phát hiện mới về chuyên môn và nhận thức trong nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu và những đóng góp không mệt mỏi của Ông cho sự trường sinh của dân tộc, cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và những giá trị thiêng liêng của đất nước. Cuộc Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn khoa học sôi nổi giữa các thế hệ nghiên cứu, giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Hiển nhiên, khi nghiên cứu về một Nhà cách mạng kiệt xuất, một Danh nhân văn hóa lớn với cuộc đời hoạt động phong phú… chúng ta cũng thấy, vẫn còn không ít vấn đề, nội dung chuyên môn về thân thế, sự nghiệp của Phan Bội Châu; những nhân tố tác động, hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm và giá trị tư tưởng của các tác phẩm; sự chuyển biến trong nhận thức và phương thức, con đường đấu tranh cứu nước, về các mô hình nhà nước cũng như tư duy mang tính đột phá của Phan Bội Châu ở thời kỳ chuyển giao lịch sử; các mối quan hệ, những người cộng tác, địa bàn hoạt động của Phan Bội Châu ở trong nước, quốc tế và về vai trò của Ông trong các tổ chức chính trị, phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam cũng như bối cảnh, tác động của những nhân tố chính trị châu Á, thế giới đến đến các trào lưu cách mạng Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX v.v… là những chủ đề cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia trong nước với quốc tế, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, trong công tác sưu tầm tư liệu và khảo cứu.

Một lần nữa, thay mặt Ban tổ chức và Ban chuyên môn của Hội thảo, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ nhiệt thành của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An; Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN; Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Nghệ An,… các nhà ngoại giao, nhà hoạt động chính trị, các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản và tất cả những người đã làm việc với tinh thần nỗ lực cao nhất, đã phối hợp, cộng tác, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự thành công chung, với rất nhiều kết quả tốt đẹp của cuộc Hội thảo. 

 

                                                                                              Thành phố Vinh, Nghệ An

                                                                                             Ngày 15 tháng 12 năm 2017

                                                                                                     


[1] Hồ Chí Minh: “Những trò lố hay là Varren và Phan Bội Châu”, in trên báo Người cùng khổ, Paris, số 36-37, tháng 9 & 10 năm 1925. Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 36, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1980, tr.451.

Tác giả: GS.TS Nguyễn Văn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây